Tàn ngày để lại (tựa gốc The remains of the Day) có thể xem là một trong những tác phẩm hay nhất của Kazuo Ishiguro – nhà văn người Anh gốc Nhật, chủ nhân giải Nobel văn học năm 2017. Tác phẩm có cốt truyện đơn giản, song với lối viết điêu luyện, tài hoa của tác giả, đã gợi lên tầng tầng lớp lớp những suy tư, chiêm nghiệm về bi kịch của chủ nghĩa hoàn hảo, về ranh giới giữa lí tưởng và ảo tưởng, về lựa chọn cách sống khi ngày đã tàn mà hành trang suốt một đời nỗ lực chỉ là một trái tim vụn vỡ và một nỗi cô đơn đến tận cùng. Để rồi bao trùm lên tất cả những nghiệm suy ấy, là một nỗi buồn mênh mông, đầy ám ảnh và day dứt, vì một phận người dường như đã sống lầm mà không mấy khi hay.

dc7eb58af1f7c52fcdbaddddf7f2fae1

Phẩm cách là lý tưởng

Tác phẩm là sự hồi tưởng lại thời quá vãng của quản gia già Stevens trên hành trình đi về miền thôn quê phía Tây nước Anh để mời người nội quản cũ về làm việc lại trong dinh thự ngày nào. Những lát cắt quá khứ thoáng hiện xen kẽ với hiện tại khắc hoạ rõ nét chân dung và cuộc đời của nhân vật chính, Stevens, và những con người có mặt trong những năm tháng ấy.

reviewsach tan ngay de lai van hoc nuoc ngoai

Phong kín mọi cảm xúc chân thật trong khi thuật kể về quá khứ, Stevens thể hiện trên bề mặt một cảm giác tự mãn, kiêu hãnh khi bản thân trở thành một trong những quản gia ưu tú nổi danh, nếu như không muốn nói là ông thật sự đã thi triển tài năng của mình một cách xuất sắc và đạt được sự hoàn hảo của phẩm cách một quản gia: tận trung, chỉn chu, nghiêm trang, chuẩn mực và nguyên tắc. Stevens chấp nhận làm trò cười cho các chính khách, làm người dạy bảo chuyện riêng tư cho các công tử trẻ tuổi, làm kẻ nói dối để bảo vệ hình ảnh người chủ cũ, làm đứa con bất hiếu, làm kẻ tàn nhẫn khi đuổi việc những người Do Thái vô tội,… sự tuân thủ cứng nhắc những quy định (bao gồm cả những quy định khắc nghiệt ông tự đặt ra) đã tạo nên một quản gia Stevens kiệt xuất nhưng lại quá lạnh lùng. Phẩm cách với ông, là tối thượng, là lý tưởng của cả một đời.

Niềm tin phẩm cách là lý tưởng, không phải chỉ của riêng Stevens. Cha ông, người đến khi sắp chết vì kiệt lực vẫn không muốn thừa nhận sự sa sút về phong độ của một quản gia danh tiếng trước kia; hầu tước Darlington, người luôn tin vào sự quân tử có thể cứu vãn những mối giao hảo giữa các quốc gia trước nguy cơ bị rạn nứt; cô Kenton, người nội quản vẫn phải kiềm chế những xúc cảm nồng nhiệt của mình trước yêu cầu của công việc và quản gia lạnh lùng Stevens, đều dấn mình vào con đường đạt đến những chuẩn mực của phẩm cách. Họ sống cùng nhau, mỗi người dẫu theo đuổi một lý tưởng khác nhau, nhưng họ đều là những con người sống theo lý tưởng. Đó là giá trị mà họ một đời theo đuổi hay nói khác đi, là ý nghĩa toàn bộ cuộc đời mỗi người.

Lý tưởng hay ảo tưởng?

Tàn ngày để lại là quyển tiểu thuyết của những tình thế song song, nước đôi và lưỡng nan. Tác phẩm triển khai hai tuyến truyện song song nhưng ngược chiều, một là hành trình trước mắt, một là quãng đời đã qua. Stevens và Hầu tước Darlington song hành bổ sung nhau để làm bật lên bi kịch của những con người theo đuổi những lý tưởng một cách thơ ngây. Và đặc biệt, vấn đề được đặt ra còn cho thấy sự lưỡng nan của tình thế làm người, khi ẩn sâu dưới bề mặt của lý tưởng, của niềm kiêu hãnh và đầy xác quyết, có thể là những mảnh vụn của ảo tưởng, của sự nuối tiếc và đầy hoài nghi.

Khi Kazuo Ishiguro quyết định thay đổi kết truyện, từ ý đồ để cho Stevens đến cuối cùng vẫn không bộc lộ chút xúc cảm chân thật nào về quãng đời đã qua, về tình cảnh hiện tại đến chỗ cho nhân vật hé mở thế giới nội tâm đang vụn vỡ, người đọc đã dễ dàng cảm nhận rõ hơn bi kịch lầm tưởng của Stevens: lầm tưởng về lý tưởng và lầm tưởng về thành tựu. 

Khi lịch sử sang trang, thời đại đổi thay, tuổi già dần đến, những xác tín của mỗi người bất ngờ lung lay. Để theo đuổi sự hoàn hảo, Stevens phải hiến thân cho chủ nghĩa khắc kỉ, đè nén mọi xúc cảm cá nhân có nguy cơ làm phương hại đến phẩm cách của một quản gia để rồi cuối ngày nhìn lại thấy tận cùng nuối tiếc. Ông không bỏ lỡ một cơ hội nào để thể hiện sự xuất sắc của mình trong công việc quản gia, nhưng lại bỏ lỡ hai thời khắc quan trọng khiến ông ân hận cả đời: đó là khi cha ông lâm chung và khi cô Kenton quyết định ra đi. Bi kịch của Stevens là bi kịch của sự hoàn hảo, khi để đạt được, người ta là phải sống khác đi, phải mang một mặt nạ quá đỗi nghiêm trang và lạnh lùng. Và sẽ càng cay đắng hơn khi sau bao nhiêu hi sinh, đánh đổi, người ta không thể nào kháng cự được sự sa sút trong phẩm cách. Như cái cách cha ông cố gắng cứu vãn trong tuyệt vọng, rồi đây Stevens cũng sẽ phải đối diện với điều khủng khiếp ấy. Khi đó, Stevens biết dựa vào đâu để đứng vững và đi tiếp chặng đường còn lại của đời mình? Tương lai của Stevens, phải chăng đã được dự báo trong hình ảnh người cha tội nghiệp của ông trong những năm tháng cuối đời ở dinh thự Darlington?

tan ngay de lai Kazuo by reviewsach.net

Nhưng sự lầm tưởng của Stevens không chỉ dừng lại ở vấn đề cá nhân. Sự truy vấn của chàng thanh niên trẻ đã buộc Stevens dù muốn chối bỏ cũng phải cay đắng thừa nhận sai lầm lẫn trách nhiệm của mình trong các vấn đề đạo đức và chính trị. Stevens xem sự phụng sự tuyệt đối, không can thiệp vào công việc của huân tước là biểu hiện tuyệt vời của phẩm cách. Sự trung thành mù quáng đó ngăn ông can gián những ảo tưởng chính trị của chủ nhân và gián tiếp đẩy huân tước sa lầy trong con đường làm một người quân tử. Và việc ông thực hiện hoàn hảo nhiệm vụ của một quản gia, góp phần vào thành công của những bữa tiệc ngoại giao không chính thống nhưng mang tính quyết định khiến ông ít nhiều phải chịu trách nhiệm trong những quyết định/ đường lối ngoại giao lầm lạc của chủ nhân. Vậy ra, niềm kiêu hãnh của ông cũng không còn có thể đứng vững, mọi niềm tin bây giờ đã hoàn toàn tan vỡ. Stevens có thể dựa vào điều gì để đi nốt phần đời còn lại khi những gì ông từng tự hào giờ thực ra chỉ là những giá trị xu thời, đầy ảo tưởng và quá mong manh? Tiếp tục đeo lại chiếc mặt nạ cũ hay phơi trần những tổn thương nội tâm, lựa chọn nào cũng quá chông chênh và đau đớn, khi nắng sắp tắt và ngày thật sự đã sắp tàn.

Tàn ngày để lại thể hiện việc kiểm soát giọng điệu, kiếm soát cốt truyện điêu luyện đến hoàn mĩ của Kazuo Ishiguro dù ông chủ yếu hoàn thành nó chỉ trong vòng 14 ngày. Tác phẩm còn chứng tỏ sự đa dạng trong đề tài, chủ đề và phong cách của ông khi với Tàn ngày để lại, ông cho thấy mình có thể viết tiểu thuyết một cách rất Anh, chứ không phải chỉ viết được những tác phẩm mang dấu ấn Nhật như Cảnh đồi mờ xám. Song vượt lên trên những ấn tượng về phẩm chất nghệ thuật, điều day dứt, ám ảnh người đọc hơn cả chính là đi tìm câu trả lời cho nan đề mà tác phẩm gợi ra: khi nhìn thấy “vực thẳm ẩn sâu dưới ảo tưởng” một cách muộn màng, con người phải làm sao?.

/

Xem thêm tác phẩm của Kazuo Ishiguro:

Dạ khúc (Kazuo Ishiguro) – Bản hòa tấu buồn của những tài năng đơn độc

Cảnh đồi mờ xám (Kazuo Ishiguro) – Con người Nhật Bản lưu vong nơi hải ngoại mang nặng trong tâm khủng hoảng căn cước

Ảnh bìa: @__vegaverbena