Chiến công thì lẫy lừng mà cuộc đời thì kín như bưng, dường như đây là đặc điểm điển hình chung của các nhà tình báo Việt Nam. “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” của hai tác giả Hoàng Hải Vân và Tấn Tú là cuốn sách viết về Thiếu tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức, bí danh Ba Quốc – 3Q, Nguyễn Văn Tá. Tác phẩm vén màn chân dung một con người, mà đứng trước con người ấy, người đời không biết làm gì hơn ngoài nghiêng mình kính phục.

Ong tuong tinh bao bi an va nhung diep vu sieu hang reviewsach.net
Nguồn ảnh: hatgiongtamhon.vn

Viết về họ, chúng tôi rất “mệt mỏi”. 

Nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ: 

“Họ không hề tỏ ra khiêm tốn. Khiêm tốn, khiêm nhường là bản tánh cố hữu của họ, bản tánh đó “di truyền” qua các thế hệ những người làm tình báo. Bởi vậy, khi viết về họ chúng tôi rất “mệt mỏi”, phải “vòng quanh” mới có thể biết đầy đủ về họ.” 

Họ là thế, họ hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc mà chẳng màng danh lợi. Động cơ của họ là lòng yêu nước đơn thuần và trong sáng nhất. Họ là những Phạm Xuân Ẩn, Đặng Trần Đức, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Đình Ngọc… Những huyền thoại trong trang lịch sử hào hùng của dân tộc. 

Năm 2002, trong quá trình thu nhập tư liệu để viết thiên ký sự về tướng Phạm Xuân Ẩn, hai tác giả được cán bộ chỉ huy tình báo lão thành Mười Nho kể về ông Ba Quốc và hứa sẽ giới thiệu cho họ gặp nhau, nhưng ông Ba Quốc đã từ chối để ai viết về mình, vì “không nên tô vẽ”, “không có gì đáng viết”. 

Cuối cùng, phải nhờ đến người học trò tâm đắc của ông Ba Quốc là tướng Nguyễn Chí Vịnh đến thuyết phục: 

“Thưa chú, báo Thanh niên là tờ báo nổ phát súng đầu tiên vào tập đoàn tội ác Năm Cam và những kẻ bảo kê cho Năm Cam, chú có thể yên tâm.” 

Nhờ lời “bảo lãnh” đó, ông Ba Quốc mới đồng ý trò chuyện với Hoàng Hải Vân – Tấn Tú, và cho phép họ viết về cuộc đời hoạt động tình báo thời địch hậu của ông, về hai mươi năm trong cơ quan mật vụ tối cao của địch. 

Dẫu vậy, những cuộc trò chuyện của ông Ba Quốc vẫn khá khiêm tốn, các tác giả đành phải “vòng quanh” khai thác thêm từ các mối quan hệ mật thiết khác của ông Ba là gia đình và đồng đội, kết hợp tìm hiểu từ các tư liệu lịch sử và hồi ký của các nhân vật cứng cựa, nhằm tiếp cận đa khía cạnh, có chiều sâu và chân thực nhất.  

Tác giả Hoàng Hải Vân khẳng định loạt ký sự về ông Ba Quốc không viết uốn nắn theo “khẩu vị” của một cấp trên hay một cơ quan đoàn thể nào. Đồng thời, tác giả cũng cảm thấy may mắn vì được kể lại những câu chuyện của ông Ba Quốc, miệng nói “mệt mỏi” nhưng trong lòng may mắn lắm khi được hoàn thành sứ mệnh này.

Đọc thêm:

Một thiên ký sự dài kỳ, và hơn thế nữa… 

Từ ngày 21/02/2004 đến 26/03/2004, loạt ký sự mang tên “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” được đăng liên tục trên tờ Thanh niên số báo hằng ngày, nhưng đau đớn làm sao tả xiết khi đây cũng là những ngày cuối đời của ông Ba Quốc (19/10/1922 – 26/03/2004). 

Đó là lần đầu tiên tên của Thiếu tướng Đặng Trần Đức xuất hiện công khai trên sách báo và các phương tiện truyền thông. 

Gần hai mươi năm sau, tướng Nguyễn Chí Vịnh ra mắt sách “Người thầy” viết về quãng đời ông Ba sau năm 1975, đồng thời đề nghị hai nhà báo Hoàng Hải Vân – Tấn Tú in loạt ký sự nói trên thành sách bởi chúng phản ánh đủ đầy những dấu ấn quan trọng của ông Ba Quốc trước năm 1975. Có lẽ, trong những tháng cuối đời vì bạo bệnh (tướng Vịnh qua đời vào tháng 09/2023), ông muốn làm tất cả những gì có thể để tri ân người thầy vô vàn kính yêu của mình. 

Và thế là vào cuối năm 2023, “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” được xuất bản thành sách, với phần đầu “Hai mươi năm trong cơ quan mật vụ tối cao của địch” giữ nguyên những bài viết đã đăng báo, bổ sung thêm phần vĩ thanh “Hai mươi năm nhìn lại” có sử dụng một số tư liệu lần đầu tiên được công bố do tướng Vịnh cung cấp về giai đoạn hoạt động sau năm 1975 của ông Ba. 

Cuốn sách “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng” được xuất bản với mục đích góp phần bảo tồn một di sản quân sự – chính trị hết sức quý giá của đất nước. 

Ong tuong tinh bao bi an va nhung diep vu sieu hang reviewsach
Nguồn ảnh: nguoidothi.net.vn

Một nhà tình báo thiên tài. 

“Trong những nhà tình báo siêu hạng của chúng ta, ông là một vị tướng có công lao đặc biệt xuất sắc. Cuộc đời ông là một chuỗi dài những chuyện hào hùng gay cấn trong suốt ba cuộc chiến tranh vì độc lập tự do của đất nước: chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, trong đó hơn hai mươi năm hoạt động đơn độc giữa Sài Gòn.” – Hoàng Hải Vân 

Đặng Trần Đức sớm gia nhập Việt Minh từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội, được tuyển vào công an xung phong. Vào giữa năm 1949, ông được điều sang ngành tình báo quân sự, lấy danh nghĩa đi tìm vợ con thất lạc, thành công thâm nhập vào cơ quan công an của Pháp. Sau Hiệp định Genève, ông theo Pháp di cư vào Nam. 

Ông bảo, khi nhận nhiệm vụ làm tình báo quân sự, vào hậu phương của địch, phải làm hai chức năng: Thứ nhất là báo tin tức về địch, thường xuyên và đột xuất. Thứ hai là “hành động cách mạng” bằng cách: vô hiệu hóa âm mưu thủ đoạn của địch chống phá ta, phát hiện cán bộ của ta làm tay sai cho địch và kích động, khai thác mâu thuẫn nội bộ địch. Muốn làm được “hai chức năng” đó, phải “chui” thật sâu, “leo” thật cao vào các cơ quan cơ mật của đối phương. 

Nhận thức rõ nhiệm vụ, ông Ba Quốc (lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Tá) đã nắm bắt tốt cơ hội khi nghe được tin tức Pháp sắp chuyển một số lượng lớn vàng về nước, rồi lập công lớn và lấy được niềm tin của Trần Kim Tuyến, thành công trở thành cán bộ chính thức của Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội (thực chất là Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống). Từ đó, ông Tá bắt đầu công cuộc nghiên cứu và khai thác tất cả những gì có thể để “biết địch, biết ta”.  

Trong thời gian này, nội bộ ta có kẻ phản bội làm tay sai cho địch nên tình hình hoạt động của tổ chức cách mạng ở Sài Gòn bị lộ. Tuyến giao cho ông theo dõi vụ này, ông chớp thời cơ và tài tình giải cứu được đồng chí Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư Đảng) và 9 đặc khu ủy viên Sài Gòn – Gia Định. Không những thế, ông còn cứu ông hoàng Norodom Sihanouk thoát chết trong một vụ ám sát, xóa 7 ổ gián điệp Mỹ, âm thầm kích động đảo chính… 

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào cuối năm 1963, Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội bị “thanh toán”, ông Tá đã may mắn thoát nạn. Giữa những cơn bão của bảy cuộc đảo chính, ông Tá vào làm việc trong một bộ phận của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo. Theo lời nhận xét của tướng Nguyễn Đức Trí, tại vị trí làm việc này: 

“Mỗi tháng ảnh có 2 lần báo cáo, mỗi báo cáo có khoảng 50-70 tin chính trị, có khi trên 100 tin. Anh viết tin ra rồi mã hóa bằng chữ tốc ký. Phải nói cường độ lao động của anh rất lớn hoạt động trong vùng địch với tinh thần tận tụy, dũng cảm… Anh Ba Quốc là một điển hình cơ cán tình báo đi sâu làm việc trong cơ quan an ninh tình báo cấp trung ương của địch là mục tiêu tình báo lý tưởng của bất cứ tình báo quốc tế nào, vì cơ quan này tập trung nhiều cơ mật cấp cao và đa dạng của địch. Nhờ bình phong này, anh tồn tại trong cơ quan an ninh địch từ 1950 đến 1974.” 

Cũng trong thời gian ở Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo chế độ Sài Gòn, ông Tá đã hết sức thành công trong nhiệm vụ phản gián, tiếp cận khôn ngoan và sao chép tất cả 35 bộ hồ sơ kế hoạch của 35 ổ gián điệp mà địch cài ở miền Bắc, đập tan âm mưu của địch. 

Ngày 22/05/1974, giao liên đang trên đường mang tài liệu của ông thì bị bắt, đó là một tình huống rủi ro ngẫu nhiên. Vậy là sau hơn hai mươi năm hoạt động trong lòng địch, Nguyễn Văn Tá bị lộ. Trước khi trở ra vùng giải phóng, ông Ba Quốc dặn dò vợ con cách khai báo với địch. Đại họa đã giáng xuống gia đình ông ngay sau đó, vợ và một người con trai của ông bị bắt giam, hỏi cung và tra tấn suốt sáu tháng. 

Tin chiến thắng về khi ông Ba Quốc đang lên đường ra Bắc, hội ngộ cùng gia đình chỉ được một ngày rồi quay lại Sài Gòn vì nhiệm vụ. Sau khi đất nước thống nhất, ông Ba Quốc vẫn làm tình báo hơn một phần tư thế kỷ nữa, và đạt được những công lao đặc biệt xuất sắc. 

Trên cương vị là nhà chỉ huy tình báo trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam (1978 – 1989), ông Ba Quốc là nhà tình báo đầu tiên phát hiện dã tâm của Khmer Đỏ, nhanh chóng triển khai mạng lưới tình báo sâu rộng để đập tan và làm vô hiệu hóa các thủ đoạn sâu hiểm của chúng, giúp lãnh đạo đất nước kịp thời thay đổi chiến lược, xác định đúng kẻ thù, tạo tiền đề cho các chiến dịch quân sự bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và tấn công vào tận hang ổ của chúng, giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, giúp lực lượng yêu nước Campuchia giành lại chính quyền và hồi sinh đất nước. Ngoài việc sớm phát hiện dã tâm của Khmer Đỏ và quan thầy, phát hiện ai là tác giả của nạn diệt chủng, ông Ba Quốc còn phát hiện vấn đề lớn là “nghi binh chiến lược” của các nước lớn đối với Việt Nam, bọn họ kết hợp chiến tranh phá hoại nhiều mặt, đánh kinh tế, làm “chảy máu vàng”, “tạo nước cho cá lội” do các lực lượng ngầm thực hiện từ hướng Campuchia về Việt Nam. 

Năm 1989, tiên lượng những diễn biến của tình hình thế giới, ông Ba Quốc đã dự báo về sự sụp đổ của Liên Xô. Bài toán trước mắt của Việt Nam là tự lực vũ khí, dù Liên Xô có sụp đổ hay không thì Việt Nam cũng phải tự chủ về vũ khí. Và thế là thầy trò ông Ba Quốc lại lao vào tình báo công nghiệp. Vượt qua muôn vàn khó khăn trắc trở, bắt đầu từ một nhóm đặc nhiệm tại Đông Âu, rồi mở rộng ra, rồi một tổ chức chuyên trách tình báo công nghiệp và tình báo nước ngoài được hình thành trực thuộc Cục 12 do Cục trưởng Ba Quốc trực tiếp phụ trách. Sau đó, tổ chức chuyên trách phát triển quy mô lớn trở thành một đơn vị trực thuộc Tổng cục, đặt nền móng quan trọng giúp quân đội ta giải quyết bài toán về tự chủ vũ khí. 

Có một sự thật là ngay từ lúc bắt đầu sự nghiệp tình báo, ông Ba Quốc không được đào tạo một cách cơ bản. Ông làm tình báo bằng cách tự học và học của địch. Trong suốt hơn 50 năm hoạt động tình báo, ông Ba Quốc đã lần lượt đảm nhận cả ba vai trò trong ngành tình báo: điệp viên, nhà chỉ huy tình báo, người lãnh đạo hàng đầu của ngành tình báo. Trên mỗi cương vị ông đều làm tốt và đạt được những chiến công hiển hách. Ông Ba Quốc cũng là người thầy lớn của một thế hệ tình báo tài giỏi của Việt Nam, được xem là “cha đẻ” của các điệp viên anh hùng thế hệ mới. 

Không hề nói quá khi cho rằng Thiếu tướng Đặng Trần Đức là một nhà tình báo thiên tài.

reviewsach.net Ong tuong tinh bao bi an va nhung diep vu sieu hang
Ảnh chụp từ sách “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng”

Một nhân cách lớn. 

“Những anh hùng tình báo thế hệ ông Ba luôn coi Tổ quốc, lòng yêu nước lớn hơn tất cả, coi sự trung thành với Tổ quốc, với đất nước là động lực để tồn tại và thành công. Chính vì thế họ mới sống được trong lòng địch, họ mới tìm được người tốt ngay trong lòng địch. Nếu trong lòng địch mà toàn địch hết thì làm sao mà làm? Lý lẽ của các ông là: Những người làm cho địch không phải là ta, nhưng trong số đó cũng có những người có lòng yêu nước, dù là yêu nước theo kiểu khác. Ông Ba bảo: Đất nước là gì? Đất nước là mẹ, Tổ quốc là mẹ, là ngôi nhà của mình. Nếu mà có vợ có con, thì đất nước cũng là vợ con, gia đình mình.” – Nguyễn Chí Vịnh 

Ông Ba Quốc là người làm cách mạng chân chính không có kẻ thù riêng. 

Ông Ba có bạn bè ở bên kia chiến tuyến, ông phải thắng họ, nhưng ông vẫn trân trọng tình người. Cách sống, cách ăn ở, cách làm người của ông Ba làm cho mọi người quý ông, quý cái ông Tá “bụt” hiền lành như bụt ấy, chẳng khi nào nóng giận hay to tiếng với ai. Sau khi ông Ba bị lộ, ngoài vợ con bị bắt, thì ba đứa con ở nhà không những không bị gây khó dễ, mà còn được giúp đỡ nhiều. Những người hàng xóm cư xá đều là cấp bậc tướng tá trong chế độ Sài Gòn, vậy mà khi biết ông là Việt Cộng họ cũng không định kiến gì, ngay cả những người ở Phủ Đặc ủy cũng thế.  

Thậm chí, với người đã làm hại gia đình ông, ông cũng không định kiến. Người sĩ quan từng đánh đập con trai ông khi vợ con ông bị bắt hồi đó đã đến trình diện ông, người này rất sợ ông trả thù. Nhưng ông Ba Quốc đã nói với người này rằng: 

“Anh có tội với nhân dân, chứ không có tội gì với gia đình tôi, với con tôi cả. Bây giờ kết thúc chiến tranh rồi, anh cứ đến trình diện đi học tập theo chính sách chung để sau này về làm ăn bình thường như những người dân khác.” 

Ông Ba không bao giờ cảm thấy căng thẳng, máy phát hiện nói dối trở nên vô dụng trước mặt ông. Ông Ba dũng cảm đến mức liều lĩnh. Sau khi bị lộ vào giữa năm 1974, trước khi lên chiến khu, ông ba Quốc vẫn điềm tĩnh đi gặp mặt một số chính khách của chế độ Sài Gòn có thiện cảm với cách mạng nhằm sau này móc nối làm việc, nghị sĩ Thái Lăng Nghiêm đã nói với ông: 

“Cộng sản mà có anh thì cả nước này là Cộng sản rồi còn gì. Các anh sẽ thắng!” 

Ông Ba Quốc tự kỷ luật bản thân đến mức khổ hạnh như một nhà tu hành. 

Những năm làm điệp viên vùng địch hậu, ông kể về lịch trình mỗi ngày: Sáng dậy lúc 5 giờ, tập thể dục 15 phút, vệ sinh cá nhân xong ăn cơm rang và nghe đài, lo cho các cháu đi học rồi đi làm, 12 giờ về ăn cơm, nghỉ trưa một lát đến 1 giờ đi, 6 giờ về, giặt quần áo cho các cháu, phân công các cháu giúp mẹ lau nhà, đi chợ, rửa bát. Cơm tối xong 7 giờ đi, 10 giờ về nghe đài, dạy các cháu học, viết báo cáo đến 1 giờ sáng rồi đi ngủ. Ông không có ngày nghỉ, không có chủ nhật, không có ngày lễ. 

Từ năm 1976 đến năm 1988, thỉnh thoảng 2 đến 3 tháng ông mới về một lần. Từ năm 1988, ông về làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi tuần về thăm nhà một lần. Từ năm 1990, buổi tối ông mới về nhà. Vẫn không có ngày nghỉ, không có chủ nhật, không có ngày lễ. 

Và cuối cùng, sẽ là thiếu sót nếu không nói về đức hy sinh vì lý tưởng của ông Ba Quốc, không chỉ dừng lại ở cá nhân ông, mà còn cả gia đình và những người thân yêu nhất của ông, họ đã vì người chồng người cha của mình mà chịu nhiều thiệt thòi. 

Trong cuốn sách có một chương gọi là “khu vực nhạy cảm”, viết về hoàn cảnh gia đình ông. Trước khi di cư vào Nam năm 1954, ở ngoài Bắc ông Ba đã có vợ (bà Thanh) và hai con, nhưng rồi khi chuyển sang công tác tình báo, để lấy cớ thâm nhập, tạo một vỏ bọc an toàn và một lý lịch trong sạch, tổ chức và bà Thanh đồng ý để ông cưới một người vợ khác (bà Xuân) rồi cùng di cư vào Nam. Vì hoàn cảnh như thế, ông có hai người vợ, và họ biết sự hiện diện của nhau. 

Bà Thanh ở lại miền Bắc với hai con, chịu điều tiếng là nhà có người thân vào Nam “làm tay sai cho địch”. Vì bản lý lịch không trong sạch mà họ bị chính quyền địa phương phân biệt đối xử, con cái không được học hành đến nơi đến chốn. Ba mẹ con dắt díu nhau lên nông trường, đồng lương ít ỏi nuôi ba miệng ăn, cuộc sống bấp bênh tạm bợ khổ trăm bề. 

Bà Xuân cùng ông Ba di cư vào Nam, sau này họ có với nhau bốn người con. Hiểu tính chất công việc của chồng, suốt hai mươi năm bà sống trong lo lắng, thấp thỏm không yên, không biết tai họa sẽ giáng xuống lúc nào. Và rồi ngày đó cũng đến, ông Ba bị lộ. Đứa con trai bị đánh mặt mũi sưng vù, chân tay lở lói, ăn uống thiếu thốn nên cả người bị phù thủng, đến mẹ cũng không nhận ra, theo nghĩa đen. Xót xa vô cùng. 

Dẫu trải qua nhiều gian truân là thế, sau hòa bình họ cũng không đòi hỏi gì, dù được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều. Cả nhà ông Ba sống chân thành, thanh bạch. Họ chỉ cần ông Ba sống khỏe mạnh. Một người con của ông Ba kể, tiền lương của ông được “chia đôi”, gửi cho mẹ Thanh một nửa, mẹ Xuân một nửa. Con gái Đặng Thị Chính Giang của ông Ba chia sẻ, không có phân biệt rằng là con bà nọ con bà kia, mình chỉ làm sao cho bố mẹ mình, cho mợ Xuân khỏi cảm thấy buồn, và làm sao gắn kết được gia đình ngoài này và gia đình trong ấy thôi. 

Ông Ba Quốc đã cống hiến cả cuộc đời vì độc lập, tự do của đất nước theo đúng chính xác nghĩa của những từ đó. Một nhân cách lớn, một tâm hồn sáng trong! 

Chan dung Thieu tuong Dang Tran Duc reviewsach.net
Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc)

Tưởng nhớ Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức. 

Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn rơm rớm nước mắt khi nói về bạn mình: 

“Tội nghiệp cho ông Ba Quốc. Cả một đời ổng sống gian khổ vì đất nước, thanh bạch, liêm khiết cho đến những ngày cuối cùng. Gia đình ngoài Bắc và gia đình trong Nam đều phải chịu nhiều hy sinh. Cả gia đình ai cũng tốt, ai cũng nghe lời ổng. Những năm trước đây, một người con dâu bị kẻ xấu tạt a-xít hỏng cả khuôn mặt, cũng là do nghe lời ổng chống tham nhũng mà ra như vậy đó…” 

Đứng trước Thiếu tướng Đặng Trần Đức, quá khó khăn để tìm ra được ngôn từ nào để diễn tả cho thật trọn vẹn, nhưng cảm xúc đọng lại là lòng tự hào và yêu thương ngập tràn. Sắc vóc Việt Nam hiện hữu qua con người ấy! 

Tự tận đáy lòng thành, cảm tạ những gì Người và đồng đội đã hy sinh cho hòa bình ngày hôm nay. 

Mong hương hồn Người thanh thản. 

Kính dâng một nén hương lòng tưởng nhớ đến vị Tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức. Người sống mãi trong lòng hậu thế.