Hội chợ phù hoa (tựa gốc Vanity Fair) là danh tác của William Makepeace Thackeray – gương mặt tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực Anh thế kỉ XIX. Tường thuật lại hành trình hiện thực hoá khát vọng thượng lưu của một Becky Sharp đầy tham vọng và hãnh tiến, tác giả đã kí hoạ bộ mặt xã hội thượng lưu Anh đương thời – một xã hội mà những giá trị nhân văn tốt đẹp phải nhường lùi trước sự lên ngôi của những giá trị phù phiếm – bằng một giọng điệu hài hước, mỉa mai nhẹ nhàng mà lại vô cùng sắc sảo.

7e38b907247b4f02dafb55a01e4b6efe.js”>

Một hội chợ náo nhiệt…

Lấy tên Hội chợ phù hoa, William Thackeray đã không hề có ý định che giấu cái nhìn chỉ trích, phê phán của mình đối với những gì mà ông thuật tả trong sáng tác của mình. Tác phẩm là hành trình từng bước chen chân và trèo lên các nấc thang danh vọng của một cô gái xuất thân từ tầng lớp hạ lưu: Becky Sharp. Trong quá trình đó, Becky Sharp phải tiếp cận với hàng loạt con người trong giới thượng lưu, sử dụng mọi thế mạnh một cách ranh mãnh, đầy mánh khoé để biến họ thành điểm tựa, đòn bẩy cho cô tiến thân. Qua đó, chân dung, bộ mặt của giới quý tộc được bóc trần, lộ ra bao vẻ buồn cười, chán ngán.

reviewsach.net hoi cho phu hoa
Ảnh: Instagram @cuatiemmando

Tác phẩm có thể xem là một sân khấu quy tụ dàn diễn viên đông đảo thuộc nhiều kiểu, loại người khác nhau trong tầng lớp quý tộc Anh thế kỉ XIX: từ quý tộc nông thôn đến quý tộc triều đình, từ quý tộc “phò mã tốt áo” đến loại quý tộc rởm đời, ngờ nghệch,… Đó là những gương mặt điển hình của giới thượng lưu Anh, cũng là những chủ thể tham dự nhiệt thành vào cái hội chợ cuộc đời, bộc lộ chân tướng đằng sau lớp mặt nạ nguỵ trang lấp lánh đầy hấp lực với những kẻ ngoại giới.

Sân khấu hội chợ thật đông đúc, nhưng sự náo nhiệt chỉ đến khi có sự xuất hiện của một cô gái xuất thân từ tầng lớp hạ lưu: Becky Sharp. Có nhan sắc, có tài năng, có trí thông minh thiên bẩm, chỉ là không có gốc gác quyền quý, cô bước vào đời với một khát vọng mạnh mẽ: phải thuộc về thế giới thượng lưu lắm của nhiều tiền, lắm danh nhiều vọng. Hành trình từng bước leo lên các nấc thang địa vị của một Becky Sharp hãnh tiến đã khuấy đảo không khí của toàn bộ hội chợ, biến cuộc đời trở thành những cuộc bán mua náo nhiệt với những món hàng và những cuộc ngã giá đậm mùi thực dụng. Nhan sắc, nhân phẩm, luân thường, đạo lí, tình mẫu tử, nghĩa phu thê, tình bằng hữu, lòng hiếu thuận,… đều có thể mang ra đổi chác miễn nó mang đến những món lợi có thể thoả mãn ít nhiều tham vọng cá nhân vị kỉ.

Trong cái hội chợ nhộn nhạo ấy, sự lương thiện, ngây thơ, tử tế, trở thành món hàng vừa xa xỉ vừa lạc điệu, ngơ ngác đến tội nghiệp. Đó là nơi cho những người đầy tham vọng như Becky thi triển tài năng, trở thành người giật dây những con rối hợm hĩnh, giàu có nhưng phù phiếm, ngốc nghếch, dù rằng chính cô cũng chỉ là một con rối mang lại trò vui trong hội chợ. Hội chợ phù hoa không đơn thuần là bức kí hoạ, mà thực chất là bức biếm hoạ quá đỗi sinh động về giai tầng quý tộc Anh đương thời, và về thực trạng tinh thần của xã hội Anh lúc bấy giờ với biết bao những kẻ mang ảo mộng về một thế giới thượng lưu hào nhoáng.

Với đặc điểm thế giới nhân vật như vậy nên trong đề từ, tác giả giới thiệu đây là một tiểu thuyết không có nhân vật anh hùng. Tất cả đều là những con người tầm thường với đầy rẫy những thói hư tật xấu. Thậm chí đến cả Amelia, nhân vật cho thấy nhân sinh quan của Thackeray không đến nỗi sa vào yếm thế, nhưng vẫn cứ là những nhân vật không thể ngợi ca được bởi chính sự ngây thơ đến ngờ nghệch, sự giản đơn đến nông cạn của cô đã làm khổ cô và người yêu thương cô nhất. Việc tìm kiếm một nhân vật chính diện, anh hùng để làm điểm tựa niềm tin vào cuộc sống trong tác phẩm vì vậy có thể là một việc rất hoài công với những độc giả Anh vốn dĩ ưa chuộng những nhân vật đậm màu lãng mạn thường thấy trong văn học Anh. Hội chợ phù hoa, chính thế, đạt được sự chân xác trong việc vẽ ra bức tranh hiện thực xã hội lẫn hiện thực tinh thần nước Anh thế kỉ XIX.

…Nhưng tất cả chỉ là phù phiếm

Becky Sharp có thể nói là điển hình sinh động của kiểu con người tham vọng, hãnh tiến trong một thời đại mà vật chất và danh vọng trở thành cứu cánh của cả cuộc đời. Bị chi phối bởi khát vọng thượng lưu quá mạnh mẽ, cô sẵn sàng đánh đổi mọi thứ mình có được và sẵn sàng giẫm đạp lên tất cả, từ đức hạnh đến tình thân. Bất chấp là vậy, nhưng đến cuối cùng, khi hội chợ bắt đầu tan, một bông hoa đẹp như Becky bắt đầu tàn.

Sau bao nhiêu nỗ lực, Becky Sharp sống đơn độc trong một khu trọ, qua lại với những kẻ cùng cấp, bị cả giới thượng lưu khinh bỉ. Con rối Becky Sharp dù có khuấy động hội chợ trong phút chốc, làm nó có phần náo nhiệt lẫn điên đảo, song cuối cùng cũng chỉ là một con rối làm trò cho những kẻ tham gia. Không còn tuổi trẻ, sắc đẹp, bộ mặt không còn có thể tô son điểm phấn để lừa lọc được ai, cô bị cả xã hội thượng lưu quay lưng, hất ra bên lề và chỉ còn là một câu chuyện để xã hội ấy nhạo báng khi kể về một kẻ hạ lưu với tham vọng chen chân vào tầng lớp giàu có. Thế nên suy cho cùng, với Becky Sharp khát vọng thượng lưu hoá ra chỉ là ảo vọng.

review sach hoi cho phu hoa by reviewsach.net
Ảnh: @
thanh_tam_0.0

Sự thất bại của Becky vừa cho thấy sự phân hoá rõ rệt về giai tầng trong xã hội Anh thế kỉ XX, vừa là bài học cho những con thiêu thân lao vào ánh sáng rực rỡ nhưng nguy hại của cuộc sống thượng lưu. Cô gái dấn bước một cách bạo liệt, cũng đạt được những thành công nhất định, song chưa bao giờ cô dừng lại thoả mãn. Lí do không chỉ nằm ở cá tính hãnh tiến và quá tham vọng của cô, mà có lẽ không nấc thang nào đủ ý nghĩa để cô cảm thấy hài lòng. Càng lên cao, phải càng đánh đổi nhiều thứ hơn, song cô lại càng nhận ra sự xấu xa, đê tiện luôn tỉ lệ thuận với địa vị của những kẻ trong giới quý tộc. Và cứ như thế, cô lại muốn tìm kiếm điều gì đó ít phù hoa hơn, vững chắc hơn nhưng không thể nào tìm thấy.

Thoạt nhìn, độc giả hẳn có cái nhìn phê phán và chỉ trích Becky Sharp bởi sự giảo hoạt, thực dụng và tàn nhẫn của cô. Tuy vậy, Becky Sharp vẫn cho thấy phần ánh sáng trong lương tri khi cô dành cho những nhân vật phần nhiều tốt đẹp sự thiện cảm. Nếu không có Becky Sharp, Amelia mãi mãi chìm đắm trong nỗi đau khổ với một anh chồng bội bạc và nhạt nhẽo, đánh mất một Dobbin cả đời yêu thương và chung thuỷ với cô.

Không những vậy, người ta có thể oán trách gì một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, tài năng phải sống trong một không gian ngập tràn sự giả tạo, phù phiếm và tẻ nhạt? Không một ai xứng đáng để cô tôn trọng, kính phục. Thế nên, hành xử của Becky Sharp ít nhiều cũng là hệ quả của một môi trường sống lắm bụi mờ mà từ nhỏ, cô đã sớm nhận thấy và lựa chọn cách sống phải dùng sự giả nguỵ để tồn tại. Dường như, vượt lên trên tinh thần phản ánh rất dễ nhận biết ấy, tác phẩm thật sự hướng người đọc đến những vấn đề thuộc phạm trù xã hội học, giáo dục học và đạo đức học, vốn là những phạm trù tạo nên “căn tính” của văn học Anh. Nếu Becky Sharp được sinh ra trong một gia đình quý tộc, được yêu thương như Amelia, được sống trong một bầu khí quyển ít độc hại hơn, nàng có thể cũng là một Amelia!

William MakepeaceThackeray là nhà văn hiện thực chủ nghĩa, song là một chủ nghĩa hiện thực kiểu Anh: hài hước, châm biếm, trào phúng, nhưng nhẹ nhàng. Tác phẩm rõ ràng không có những nhân vật táng tận lương tâm, không có những chi tiết tàn nhẫn gây phẫn nộ hoặc xót thương sâu sắc, không có một hiện thực nghiệt ngã, lạnh lùng như kiểu của Balzac. Hội chợ phù hoa là một tác phẩm vừa đủ cho độc giả mỉm cười vào những cái đáng cười, vừa đủ cho độc giả cảnh giác và giữ mình vững vàng trước hấp lực của khát vọng mang tên thượng lưu mà vốn dĩ thời nào cũng hiện hữu.

/

  • BpHsNa72″ target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/BpHsNa72
  • rE4zCN7a” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/rE4zCN7a