Chuông nguyện hồn ai của Hemingway ra đời và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của độc giả vào năm 1940. Lời tựa Chuông nguyện hồn ai được Hemingway lấy từ tác phẩm “Meditation XVII” của nhà thơ John Donne. Sau đó, ông cho ra đời nhiều tác phẩm mà đã đưa ông lên hàng những đại văn hào của nhân loại như “Tuyết vùng núi Kalimanscharo”(1948); “Vượt sông và rừng sâu”(1950) và đặc biệt là Ông già và biển cả” (1952).

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Tuy thế, khi nhắc đến tác phẩm văn chương để đời không ai có thể bỏ qua kiệt tác văn chương Chuông nguyện hồn ai (For whom the bell tolls). Đây chính là bản anh hùng ca về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Tây Ban Nha chống lại phát xít Franco bảo vệ chế độ cộng hòa. Đồng thời nó cũng là một trong những kiệt tác vĩ đại bạn buộc phải đọc trước khi nhắm mắt xuôi tay.

For whom the bell tolls
For whom the bell tolls – Sách Chuông Nguyện Hồn Ai bản tiếng Anh

Trong Chuông nguyện hồn ai, Hemingway đã khéo léo dò ra những lớp sóng ngầm sâu thẩm bên trong trái tim mỗi con người yêu cuộc sống khốn khó nhưng tươi đẹp này qua nhân vật Robert Jordan-một chiến sĩ người Mỹ chiến đấu trong Lữ đoàn quốc tế. Hemingway từng nói: “Tài năng thiết yếu nhất của một nhà văn giỏi chính là một máy dò tích hợp, chống sốc. Đây là radar của nhà văn và mọi nhà văn vĩ đại đều có nó”. Sau khi tác phẩm ra đời, cả thế giới dường như đã nhận được lời tiên tri tích hợp, chống sốc từ Hemingway-người phôi tạo nên tác phẩm xuất sắc vượt tầm thời đại mình đang sống. Nó không chỉ ca ngợi cuộc chiến đấu can trường, trung trinh hết mình của dân tộc Tây Ban Nha vì hòa bình vì tự do hay khắc họa rõ nét tinh thần quốc tế chính nghĩa đang lan tỏa mọi ngóc ngách mà còn đưa ra lời giải mã về mối quan hệ móc nối sâu sắc giữa lịch sử và nhân dân, chỗ đứng và trách nhiệm công dân, sự sống và cái chết song hành bên nguy cơ sự bành trướng to lớn của chủ nghĩa Phát-xít.

Hemingway trân trọng mọi giá trị cuộc sống và những bến đỗ cuối cùng ngự trị trong mỗi một đời người dẫu là nguời đã khuất hay người còn sống, còn chiến đấu. Ông nhất mực thể hiện chân thật những góc cận cảnh về thế giới nội tâm, vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật. Đó là những dòng độc thoại nội tâm và những dòng trữ tình ngoại đề trong cuốn sách dày cộm mà người ta hay nói là hiện thực khô khan với một cốt truyện kể về ba ngày ngắn ngủi nằm gai nếm mật của Robert Jordan.

Chuông Nguyện Hồn Ai tác giả Hemingway - Reviewsach.net

Nhưng cũng chính điều đó khiến nó trở nên vượt trội giữa một rừng tác phẩm văn học kinh điển về chiến tranh khi xé rách bức tranh về một con người dẫu có sống trong một thế giới hiện thực bi quan, ngắn ngủi ra sao, đều phải biết chịu đựng sự thất bại bên ngoài và đổi lấy cúp vàng chiến thắng bên trong tinh thần của chính mình. Hemingway đã tự sát cuối đời bằng súng săn và ghi lại dấu ấn với hơn 200 vết thương chằng chịt trên người do chiến tranh.

Những hồi chuông vang ngân không chỉ được tác giả cầu nguyện cho thế giới bên ngoài đang tàn sát, hủy diệt lẫn nhau kia mà còn là chuông nguyện cho 200 vết thương hiện hữu trên xác phàm của bản thân mình, những “huy chương” phải đổ máu để được ghi nhận, những nghiệm giải không phải bất cứ ai cũng bán buôn, mua chuộc được bởi kẻ được xưng là “thế hệ đã mất”.

Loài lưỡng cư chiến đấu vì sinh tồn

Câu chuyện kể về anh chàng chiến sĩ người Mỹ trong Lữ đoàn quốc tế Robert Jordan tham gia vào cuộc chiến đấu chống lại sự mở rộng của chủ nghĩa phát xít. Jordan được giao nhiệm vụ phối hợp với một nhóm du kích đặt mìn để phá hủy cây cầu nhằm chặn viện binh và đường rút lui của quân địch. Ở nơi đây, anh gặp gỡ và đem lòng yêu cô du kích Tây Ban Nha xinh đẹp tên là María khi lý tưởng cùng nhau đồng điệu. Họ có quãng thời gian đắm say dành cho nhau và càng nhận thức chân thực hơn ý nghĩa công việc mà mình đang tâm huyết và thực hiện.

Review sách Chuông Nguyện Hồn Ai

Nhanh chóng Jordan mẫn cảm nhận ra bọn Phát xít đã đánh hơi được kế hoạch giải phóng vùng lãnh thổ Tây Ban Nha của Sư đoàn số 14 do tướng Golz người Nga chỉ huy nên đã cử Andres về báo cáo Ban chỉ huy sư đoàn đổi kế hoạch phá hủy cây cầu. Không may khi bức thư của Jordan đến tay Gôndo quá muộn nên anh đành đánh sập cây cầu như kế hoạch đã định và dẫn đội du kích rút lui.

Ngay dọc đường, chân anh bị thương do bom đạn quân thù bắn trúng. Vì vết thương trở nặng, anh tình nguyện từ giã đồng đội và người yêu, ở lại ngọn đồi bên cạnh chiếc cầu bị phá nhằm cầm chân quan địch cho đồng đội rút lui trong an toàn.

Không hiểu sao khi đọc xong những dòng văn cuối đột nhiên ta nhớ lại những đoạn văn đầu tiên tác giả miêu ta về người thanh niên Jordan đang nghiên cứu địa hình, những tiếng kêu “đồng chí” thân thương từ những người xa lạ với nhau. Qua hơn sáu trăm trang trải mình qua những cột mốc suy tưởng và trưởng thành của người lính chiến đấu vì tự do, vì hòa bình, Jordan hiện lên như một loài động vật lưỡng cư tức tưởi tìm kiếm chốn nương thân khi vừa đóng vai là thợ săn vừa đóng vai là con mồi. Chàng mang trong mình trọng trách đánh bom sập cây cầu nhằm ngăn chặn sự tiến đánh của quân đội Phát xít nhưng thoát một cái, chàng đổi vai thành nạn nhân, người phải nằm im “hơi thở nặng nề như thể ngực chàng bị những sợi dây xiết chặt lại” bởi viên đạn. Rồi nhanh chóng chàng gượng “nhón người trên khuỷu tay, nghe cò súng cộm ở đầu ngón tay, chàng hướng đường nhắm vào giữa thân thể người đàn ông và nhẹ nhàng bóp cò” như một người chủ động tham chiến.

Jordan cho rằng “Thế giới sẽ tốt đẹp và xứng đáng để người ta chiến đấu vì nó, và tôi sợ phải rời bỏ nó”. Vậy nên trong cuộc đối thoại nội tâm khi vừa là chiến binh gan dạ dũng cảm vừa là nạn nhân của những vết đạn, Jordan không ngừng lặp lại suy nghĩ đón đầu kẻ thù của mình: “Nào, chúng tới đi, chúng tới đi. Chúng tới đi.”

Khi nào kẻ địch bước tới, “chàng nghe tim mình đập sát trên mặt đất của khu rừng phủ đầy xác thông”. Dường như sự dũng cảm đã dâng trào nơi đầu nòng súng. Sự gan dạ ấy giúp Jordan sinh sống trong một thế giới của cả cơn đau chiến tranh mang lại lẫn những nét đẹp trong phẩm chất cao cả, thiêng liêng của một người lính lựa chọn ở lại cho đồng đội được rút lui an toàn hòa quyện thành một.

Chuông nguyện hồn ai

Chiến tranh là con đĩ

Đặc điểm lớn nhất trong văn phong của Hemingway là nguyên lí tảng băng trôi (Iceberg Theory). Đây là trục quay chi phối toàn bộ hệ thống tác phẩm văn chương của ông. Nó hướng đến tính chủ động tìm tòi khám phá cùng tác giả các tầng sâu của lớp xác ngôn từ bởi bạn đọc, đồng thời thúc giục người sinh thành nên tác phẩm phải thu gọn, kiệm lời hết mức để dành không gian sáng tạo lại cho độc giả.

Iceberg Theory - Hemingway
Iceberg Theory – Hemingway

Dần dà người ta nhận ra, ai muốn đọc cho trọn, cho tận Chuông nguyện hồn ai của Ernest Hemingway thì nên sống cho thật tròn, thật tận cái đã. Không ngụp lặn cho sâu dưới những lớp bùn đời, không chịu qua phong ba bão táp, sóng rền dữ dội của thiên nhiên, không mang vác trên mình những vết sẹo vinh quang bởi mọi trải nghiệm như ông thì ắt hẳn khi đọc chúng ta sẽ có chút chênh vênh khó hiểu.

Câu nói của Augustin: “Que puta es la guerra” (Chiến tranh như con đĩ) thể hiện sự bất mãn đối với nỗi đau mà chiến tranh mang lại, với tư cách là đồng chí, đồng đội của Jordan khi buộc phải bỏ anh lại vì như anh nói: “Trong chiến tranh, thường xảy ra nhiều chuyện như thế này lắm”. Có những tình yêu sâu đậm giữa nam và nữ, cũng có những tình chiến hữu, đồng đội sống chết có nhau như vậy xuất hiện dưới lớp máu vạn người đổ xuống của chiến tranh. Nhưng dẫu sao, hãy nhớ một câu nói bất diệt của Hemingway khi chiến tranh trở thành tội ác nhân loại, giày xéo tinh thần con người bởi sự bào mòn tình thương yêu đồng loại: “Đừng bao giờ nghĩ rằng chiến tranh, dù cần thiết hay chính đáng đến bao nhiêu, lại không phải tội ác”. Cho dù được nhân danh bằng những điều cao cả nhưng khi chiến tranh nổ ra, nó chỉ là lưỡi kiếm xuyên thẳng vào các thế hệ sau bởi sự bức tử tàn bạo, dữ dội cả thể xác lẫn tinh thần nhân loại mà nó mang lại.

Link mua sách:

Sách hay Cùng tác giả Hemingway: Ông già và biển cả