Một tinh thần lạc quan, một tấm lòng yêu nước, một trí tuệ bách khoa. “Đường vào khoa học của tôi” là cuốn hồi ký của Giáo sư Tôn Thất Tùng, mà theo lời tác giả thì nó thể hiện sự gắn bó và thống nhất giữa cuộc đời khoa học và cuộc đời chính trị của ông: Cuộc đời khoa học, hướng về nghiên cứu các phương pháp cắt gan, các bệnh nhiệt đới về gan và ung thư gan, và cuộc đời chính trị, bắt đầu từ lúc còn là một người trí thức mất nước cho đến ngày vinh quang của dân tộc ta giành lại độc lập và thống nhất đất nước, non sông một dải ngàn năm tươi đẹp. 

Duong vao khoa hoc cua toi reviewsach.net

Mùa xuân năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lời giới thiệu: 

“Giáo sư Tôn Thất Tùng là một nhà bác học có tiếng, đã từng làm cố vấn quân y cho Bộ Tổng Tư lệnh trong thời kháng chiến, hiện nay là một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận cách mạng khoa học kỹ thuật của nước ta. 

Tập sách “Đường vào khoa học…” của giáo sư chắc chắn sẽ giúp ích cho cách anh chị em thanh niên hiện đang tiến vào khoa học, hòa mình xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta.” 

 Đọc thêm:

Một tinh thần lạc quan. 

Hai cái nhãn giới thiệu “cuộc đời khoa học” và “cuộc đời chính trị” dễ làm liên tưởng đến một nội dung khô khan và khó đọc. Nhưng không, gần 100 trang hồi ký “Đường vào khoa học của tôi” mang nét duyên hài tinh tế từ một bộ óc cực kỳ thông minh, truyền tải một tinh thần rất lạc quan, dù cuộc đời của Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912 – 1982) đã hòa vào dòng chảy sục sôi của đất nước qua cả hai cuộc kháng chiến ác liệt chống Pháp và chống Mỹ. 

Tinh thần lạc quan của Tôn Thất Tùng là một nét tính cách đặc trưng, là sự hăng hái tìm tòi nghiên cứu, luôn quan sát và đặt ra giả thiết mới, không chấp nhận sự cũ mòn sáo rỗng, không chấp nhận sự bảo thủ giáo điều, không chấp nhận những lý luận không sát mà người ta cứ tưởng là chân lý vĩnh viễn – dù người đó có là thầy của ông – rồi dần dà ông nhận ra các Giáo sư người Pháp ở trường Đại học Y khoa lúc ấy đều là những người có những hiểu biết chưa đầy đủ (trường Đại học Y khoa thời bấy giờ không cho Giáo sư Việt Nam vào làm việc). 

Trong tình trạng như vậy, Tôn Thất Tùng buộc phải tự đặt cho bản thân những nguyên tắc học tập và làm việc, luôn quan sát, luôn học hỏi anh chị em y tá, học ngoại ngữ để tham khảo các tài liệu… Ông cũng sẵn sàng lên tiếng đấu tranh nếu gặp bất công. 

Năm 1937, đáng lẽ ra Tôn Thất Tùng phải trình luận án thi ra bác sĩ sau 2 năm ngoại trú, nhưng ông muốn thi nội trú và yêu cầu giám đốc bệnh viện Phủ Doãn phải tổ chức cho ông thi, nếu không ông sẽ cứ ở mãi ngoại trú. Tình hình thời đó là chính quyền thực dân Pháp không tổ chức thi nội trú vì không muốn có những dân bản xứ cạnh tranh kỹ thuật với những người từ “nước mẹ”. Cuối cùng đến năm 1938, chính quyền thực dân phải tổ chức thi nội trú cho các bệnh viện Hà Nội, Tôn Thất Tùng là người duy nhất được nhận, và ông chọn làm việc tại khoa Ngoại của trường Đại học Y khoa Hà Nội, tức là bệnh viện Việt – Đức ngày nay. 

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, một ngày bác sĩ Tôn Thất Tùng được gọi gấp đến xem bệnh cho một lão đồng chí, dáng gầy xanh nhưng đôi mắt rất sáng, ánh sáng đôi mắt ấy đã dẫn dắt tâm hồn người thầy thuốc đi theo con đường Cách mạng. Toàn quốc kháng chiến, “đoàn mổ xẻ lưu động Việt Bắc” do các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Hữu Trí, Hoàng Đình Cầu phụ trách được thành lập, cũng bắt đầu sống cuộc đời người chiến sĩ. 

“Hôm qua vẫn còn là anh thư sinh thích sách vở và phòng thí nghiệm, nay đã biết gối đất nằm sương với tinh thần lạc quan, không hề nao núng trước những thử thách mà mình chưa bao giờ nghĩ tới.” 

Ở chiến khu Việt Bắc, vào cuối năm 1947 Pháp mở đầu cuộc tấn công ta bằng cách nhảy dù đột ngột xuống Bắc Cạn rồi đi lùng và bắn phá về Khe Khao, Đầm Hồng, Chiêm Hóa. Lúc ấy trường Đại học Y khoa kháng chiến được xây ở Chiêm Hóa, tại làng Ải, bọn Pháp đến đốt bệnh viện, giết bệnh nhân, đốt nhà trọ của các y bác sĩ. 

“Trong thời gian chúng đóng ở Chiêm Hóa, chúng tôi làm một cái lán cho cụ Di và gia đình, còn chúng tôi vẫn ở làng Bình, sớm chuồn vào rừng, tối lại về ngủ ở nhà đồng bào bỏ không. Từ đó chúng tôi biết thêm chiến thuật du kích: địch đến, ta rút, địch rút, ta lại ra. Đất trời là của chúng ta, địch không giờ đủ quân để chiếm đóng tất cả dải đất của chúng ta.” 

Bác sĩ Tùng cũng hóm hỉnh kể lại vài kỷ niệm thú vị ở Làng Ải. Có một hôm, bác sĩ Tùng mổ lấy hòn sỏi nằm trong bàng quang cho một em bé 10 tuổi, đồng bào xung quanh tò mò kéo tới xem trộm cảnh “mổ bụng moi gan”, có người trèo lên cây ngó vào xem xong sợ quá rớt xuống đất như sung rụng. Người dân làng Ải xưa nay sợ nhất là “ma gà” vì nó thần thông quảng đại biến hóa muôn hình, sau đó sợ thêm cả “ma Tùng” nữa, đồng bào ở đây coi bác sĩ Tùng như một thầy phù thủy có nhiều phép lạ. 

Một tấm lòng yêu nước. 

Tình yêu nước đã sớm được nung nấu trong lòng Tôn Thất Tùng, cũng bởi vì quá chán ngấy cái cảnh quan lại một mặt sợ Tây hết vía một mặt lại chà đạp nhân dân lao động của mình, nên Tôn Thất Tùng đã chọn học y với mong muốn làm một nghề “tự do” không phân biệt giai cấp. Trong quá trình chữa bệnh, mổ xẻ và nghiên cứu, bác sĩ Tùng hiểu ra lý do chính của các bệnh vì giun đũa, viêm phù tụy hay sỏi đường mật, phần lớn là do sự nghèo khổ của nhân dân lao động nước ta. Vậy vì sao dân ta khổ? 

“Tôi suy nghĩ nhiều trong bốn bức tường của bệnh viện và trong nhà xác: dân ta khổ là vì ta bị đế quốc xâm lược và bóc lột, không phải tài năng mổ xẻ của tôi sẽ cứu dân ta mà phải xóa bỏ chế độ thực dân bóc lột. Con đường đi với cách mạng đã hé mở cánh cửa cho tôi, một thanh niên làm công tác khoa học vào thời ấy.” 

Vì thế, ngay sau khi được gặp Bác Hồ, bác sĩ Tôn Thất Tùng liền quyết tâm theo Cách mạng. Trong cuốn hồi ký này, bác sĩ Tùng có trích vài đoạn nhật ký ghi chép khi ông tham gia công tác mổ xẻ cho thương binh ở Điện Biên Phủ, làm sống dậy những năm tháng lịch sử đầy gian khổ nhưng cũng xiết bao hào hùng.  

“Ngày 7-5-1954: Anh em cho biết, Tổng Tư lệnh sắp đi thăm các đội điều trị 2, 3 và một đơn vị chiến đấu. 

Đang sửa soạn ra ôtô đi đến một bản cháy ở cây số 64 để đón anh Văn, thì bỗng nghe một đồng chí đạp xe qua nói to: “Điện Biên Phủ giải phóng rồi!” Có thể lắm? Vì từ trưa đến giờ, lạ quá, không nghe tiếng súng! Vừa ra đến đường cái, khoảng 6 giờ rưỡi chiều, thấy anh Chiêm tất tả chạy đến nói: “Anh Tùng ơi, ta chiếm Điện Biên Phủ rồi!” Mình ôm chầm lấy anh Chiêm và cụ Tụng mà hôn. Rồi hét to: “Hoan hô! Hoan hô!” như một người điên. Trong rừng xanh có tiếng dội lại: “Hoan hô! Hoan hô!”. Thôi, chạy mau về, báo cho đội điều trị 1 biết. Chạy nhanh, chạy nhanh qua suối, qua đèo! 

Bước vào phân khu của đội, mình hỏi một anh đang đứng đấy: 

– Anh biết tin chưa? 

– Tin gì? 

– Đờ Cát hàng rồi! 

Anh ta bổ ngửa người ra, hét tướng: 

– Thật không anh? Hoan hô! Hoan hô! 

Các chị dân công từ trong rừng già chạy ùa ra đường, hét váng lên: 

– Hoan hô! Hoan hô!” 

Duong vao khoa hoc cua toi Ton That Tung reviewsach.net
Chân dung Giáo sư Tôn Thất Tùng

Một trí tuệ bách khoa. 

Năm 1935, bằng một cái nạo xương gọi là kuya-rét (curette), Tôn Thất Tùng đã phẫu tích rõ ràng cơ cấu trong gan, đó là lần đầu tiên trên thế giới gan được phẫu tích một cách vững chắc. 

Suốt 4 năm sau đó (1935 – 1939), Tôn Thất Tùng đã phẫu tích 200 lá gan người chết, vẽ lại các sơ đồ mạch máu, đối chiếu tìm ra những nét chung. Ông đã có một kỹ thuật phẫu tích đặc biệt bằng nạo gan: chỉ trong 15 phút có thể phơi trần tất cả các mạch máu trong gan. Từ đó ông viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa nhan đề “Cách phân chia các mạch máu trong gan”, luận án được thưởng Huân chương Bạc của Đại học Paris, gây tiếng vang lớn trong cộng đồng y khoa trong nước và quốc tế. 

Năm 1939, lần đầu tiên trên thế giới, Tôn Thất Tùng đã thực hiện thành công “cắt gan có kế hoạch” ở bên trái gan, thắt các mạch máu trong gan trước khi cắt. Nhưng khi gửi báo cáo tới Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris, thành quả bị công kích vì quá mới mẻ. 

Từ năm 1936 – 1945, Tôn Thất Tùng đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và ở Viễn Đông. Với thành tựu khoa học vượt trội không thể phủ nhận, năm 1940, nhà cầm quyền Đông Dương bổ nhiệm ông làm trưởng khoa Ngoại trường Đại học Y khoa Hà Nội. 

Sau ngày 19/12/1946 toàn quốc kháng chiến, bác sĩ Tùng tham gia tổ chức điều trị, phát triển ngành y tế, nghiên cứu khoa học, đào tạo sinh viên, xây dựng nền tảng trường Y khoa Việt Nam, dù phải di chuyển khắp vùng Thủ đô kháng chiến Việt Bắc. Ông cũng được cử làm cố vấn quân y cho Bộ Tổng Tư lệnh. Cũng trong thời gian này, cùng với Giáo sư Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần nghiên cứu việc sản xuất thuốc kháng sinh penicillin phục vụ thương bệnh binh trong điều kiện dã chiến. 

Sau ngày 10/10/1954 Hà Nội giải phóng, Giáo sư Tôn Thất Tùng bắt tay cải tạo Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt – Đức) trở thành một bệnh viện hiện đại với 350 giường và 60 chuyên gia (một số đạt trình độ giáo sư theo tiêu chuẩn quốc tế), nhiều khoa của bệnh viện đuổi kịp nước ngoài. 

Năm 1958, Giáo sư Tùng thực hiện thành công ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam. 

Năm 1961, Tôn Thất Tùng quyết định tiếp tục công trình nghiên cứu còn dang dở năm 1939, cố gắng làm được luôn bên phải gan. Ngày 20/09/1961, lần đầu tiên bác sĩ Tùng mổ gan phải cho một bệnh nhân ung thư xơ phát gan bằng phương pháp của mình chỉ trong 6 phút, vết mổ nhanh chóng liền và bệnh nhân đã có thể ra viện vào ngày 16/10/1961. Thành công này làm chấn động dư luận giới y học thế giới. Giáo sư Tôn Thất Tùng được công nhận là “cha đẻ của cắt gan có kế hoạch”, còn được gọi là “phương pháp cắt gan khô” hay “phương pháp Tôn Thất Tùng”. 

Năm 1965, lần đầu tiên ở Việt Nam, Giáo sư Tùng sử dụng thành công máy tim – phổi nhân tạo trong khi mổ tim. Ở Sài Gòn thời ấy, các bác sĩ Mỹ có đến biểu diễn phương pháp đó, nhưng người Việt chưa ai áp dụng được. 

Ngày 12/12/1970, tại “Cuộc họp quốc tế của các nhà khoa học về chiến tranh hóa học tại Việt Nam” diễn ra ở Đại học Orsay, Paris, Giáo sư Tôn Thất Tùng cùng đoàn Việt Nam tham gia đã đưa ra bằng chứng về tác hại của các chất diệt cỏ  Mỹ rải xuống Việt Nam từ cuối năm 1961, hiện tượng lâm sàng là người và động vật sảy thai hàng loạt, kết quả nghiên cứu của việt Nam cùng đoàn chuyên gia y tế Trung Quốc cho thấy nhiều nạn nhân vùng rải chất độc bị dị dạng nhiễm sắc thể. Giáo sư Tôn Thất Tùng và Giáo sư Bửu Hội đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu tác hại của chất độc hóa học dioxin từ chất diệt cỏ của Mỹ làm tăng vọt số bệnh nhân ung thư gan tại Việt Nam.

Tháng 08/1976, Chính phủ Ý đã hỏi ý kiến của Giáo sư Tôn Thất Tùng, thông qua đại sứ quán Ý tại Hà Nội, về thảm họa rò rỉ dioxin ở Seveso. Giáo sư Tùng có đặt hai vấn đề chính: một là chú ý về các hình thức suy gan, hai là phòng ngừa các dị dạng bẩm sinh đối với các phụ nữ nằm vào tháng thứ hai của thời kỳ thai nghén, ông đề nghị, nếu tìm thấy những thay đổi về nhiễm sắc thể của người mẹ, nên cho phép phá thai. Chính phủ Ý đã hành động theo. Một thời gian sau, một Giáo sư người Ý về môi trường có đến thăm Giáo sư Tùng và bày tỏ: 

“Nhân dân Ý rất biết ơn ông, vì nhờ những công trình của ông, Chính phủ đã cho di cư 15.000 dân ở Seveso và đã tránh được nhiều tang khốc.” 

Giáo sư Tôn Thất Tùng tái khẳng định vấn đề dioxin: 

“Nếu công trình của chúng tôi không có giá trị thì không có một chính phủ nào lại bỏ một số tiền lớn để di cư 15.000 người một lúc! Ít nhất, đau khổ của nhân dân Việt Nam cũng đã cứu được một số sinh mạng cho một dân tộc khác, và các nhà khoa học Việt Nam, trong những điều kiện hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài, lúc chiến tranh cũng đã làm tròn nhiệm vụ của mình, và cũng chứng minh sự trưởng thành của mình qua cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước.” 

Năm 1977, Giáo sư Tôn Thất Tùng được Viện hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương Phẫu thuật quốc tế Lannelongue. Đây là loại huy chương được đặt ra từ năm 1911 và 5 năm mới trao cho 1 người, người ấy hiển nhiên phải là nhà phẫu thuật xuất sắc nhất thế giới trong vòng 5 năm vừa qua. Tôn Thất Tùng là người thứ 12 được tặng huy chương này. 

Trong suốt cuộc đời khoa học của mình, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã công bố tới 123 công trình lớn nhỏ có giá trị. Với những công lao và cống hiến to lớn đối với đất nước, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, hai lần Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba và được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2002, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Giáo sư, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng xét tặng giải thưởng mang tên ông – Giải thưởng Tôn Thất Tùng. 

Duong vao khoa hoc cua toi reviewsach.net vien.h.quang
Khoảnh khắc Giáo sư Tôn Thất Tùng đang hướng dẫn cho các bác sĩ Pháp (Ảnh: Vien H. Quang)

Có con đường nào đẹp đến thế! 

Giáo sư Tôn Thất Tùng là một danh nhân Việt Nam hội tụ đầy đủ cả tài năng về khoa học (trong kỹ thuật lẫn nghiên cứu) và chính trị, là một nhân cách lớn, là một nhà bác học đã có một con đường khoa học rất đẹp, là niềm tự hào to lớn của ngành y nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Tên tuổi của Giáo sư Tôn Thất Tùng đã sớm vang dội trên trường quốc tế. 

Cuốn hồi ký của Giáo sư Tùng là một cuốn sách nhỏ, được viết với tâm thế của một người đi trước muốn để lại đôi dòng cho thế hệ tiếp nối và mai sau, mà ở trong đó ông đã gói ghém kinh nghiệm và chiêm nghiệm về con đường khoa học của mình: 

“Đây là một tự thuật trung thực cách làm việc, phương pháp công tác khoa học của tôi, mong muốn góp phần kích thích nhiệt tình của các bạn trẻ trong việc đi sâu vào nghiên cứu khoa học. Công việc nghiên cứu của tôi là công việc nghiên cứu của một người thầy thuốc và một người mổ xẻ, tập trung vào những bệnh nhiệt đới của gan và các phương pháp mổ xẻ về gan và mật. Trong việc trình bày tôi sẽ cố gắng nêu lên cách phát hiện và xem xét sự việc nhằm rút kinh nghiệm giúp các bạn thanh niên đang tiến công vào khoa học, trước hết là cách suy nghĩ, cách đặt vấn đề, ngay trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn. Tôi là một người học ở trong nước, chỉ có học vị trong nước, điều đó sẽ khuyến khích anh chị em trẻ tuổi đi vào nghiên cứu những vấn đề thực tế của nước nhà đặt ra hơn là chỉ nghiên cứu qua sách vở hay lý luận phương Tây.” 

Vì thế, “Đường vào khoa học của tôi” không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với những người làm trong ngành y, mà còn mang lại nhiều kiến thức giá trị và bài học quý báu về đường lối tư duy, hành động và thái độ cần có của một người làm khoa học.