Nguyễn Thiên Ngân ra mắt truyện dài đầu tay vào năm 2009 với tựa đề “Đường còn dài, còn dài” – viết về chuyến du lịch bụi từ Nam chí Bắc rồi trở về Nam nhưng lại không phải thể loại du kí, mà ngợp hơi thở của những lênh đênh tuổi trẻ rất đời, với những tâm sinh lý rối bời về tình yêu, học hành, gia đình, sự nghiệp. Tập sách mỏng viết cho ngưỡng cửa 20, muốn nhìn ra thế giới và nhìn sâu vào lòng mình.
Nguyễn Thiên Ngân chỉ mất 2 tuần trong tháng 11 năm 2008 để hoàn thành câu chuyện này khi chị vừa tròn tuổi 20, tác phẩm bởi vậy mà căng tràn thanh xuân nồng nàn của tuổi trẻ, chân phương và khá non nớt.
10 năm sau ngoảnh lại, chị nhận xét về truyện dài đầu tay của mình:
“Cuốn đó bây giờ đọc lại thấy nhiều chỗ còn ngây ngô lắm. Nhưng nếu có cơ hội được sửa, mình cũng không muốn sửa. Mỗi quãng đời có phận sự của nó. Và mình tôn trọng cái thời sinh viên loay hoay, nhiều băn khoăn sợ hãi ấy.”
Ừ, đi!
Đi đâu?
“Lên Buôn Mê uống cà phê.”
Khởi đầu chuyến đi nghe nhẹ hều, mà thực sự có ơ hờ như lời nói đó không? – Khi một sinh viên năm ba quyết định bỏ học, gặp một tay lập trình viên quyết định nghỉ làm rồi hùa nhau cùng đi du lịch bụi? – Nghỉ luôn. Chấm dứt! – Chuyến hành trình không quan tâm tối nay ngủ ở đâu và sáng ngày mai ăn gì, không kế hoạch, không điểm cuối…
“Đường còn dài, còn dài” tựu chung không phải là một câu chuyện buồn, thông điệp truyền tải cũng khá lạc quan, nhưng mỗi nhân vật của nó đều ì ạch trên vai những trăn trở và chán nản trong cuộc sống thực tại.
N., cậu sinh viên khoa Văn, 20 tuổi, bỏ học, đi phượt khắp nẻo đường đất nước trong trạng thái vô định. Sói, tay lập trình viên tóc dài, kiệm lời, bỏ việc, rong ruổi. Damien, gã trai Tây tốt nghiệp ngành Sinh học, lười đi làm, lăn lộn qua bao nhiêu nước. Chiêu Anh, cô gái mang vấn đề về tâm lý, với những lo lắng, ảo tưởng và cuồng loạn. Trân, con bé nằng nặc ra Hà Nội học vì lỡ mê một chú phóng viên ảnh lớn hơn chục tuổi, quan trọng là, sắp có vợ. Ni, biên tập viên, 28 tuổi, bỏ việc ở Sài Gòn, chọn Đà Lạt làm chốn dừng chân và mở quán cafe nhỏ đặt tên là “Dream a little dream”. Ông M., họa sĩ Sài Gòn đã góa vợ, lên Đà Lạt để yên tĩnh sáng tác, và rồi say mê Ni, mối tình đơn phương của một lão già si.
Mà kể cũng lạ, N. và M. – một nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm và một nhân vật phụ của phụ – chỉ hai nhân vật này là không có tên cụ thể. Tại sao nhỉ?
Dù sao thì, có lẽ, chỉ có nàng Francessca màu vàng đỏm dáng là mang tâm thái lạc quan yêu đời nhất tác phẩm. Vì đơn giản, đồ vật thì vô tri.
Chuyến hành trình 9 tháng trên 160 trang giấy – chóng vánh đến hoảng hốt, nhanh tựa một giấc mơ – mà cũng có thể là mơ lắm! Kết cấu đầu cuối tương ứng trên chuyến xe buýt S09 khiến chuyến đi định hình rõ ràng, để thấy rằng vứt bỏ tất cả và lên đường cũng không có gì là kinh thiên động địa lắm!
Vì đường còn dài, còn dài.
Mệt mỏi quá thì cứ đi, cho bản thân chút thời gian sắp xếp lại đống tơ vò trong lòng, rồi về hoặc không, nhưng chí ít đã thảnh thơi nghĩ về quá khứ, đã yêu thêm hiện tại và đã thấy mờ tỏ về tương lai.
Vì đời còn dài, còn dài.
Ôi! Tuổi trẻ!
N. gọi sinh viên là cái “nghề”. Bỏ học – không làm “nghề” sinh viên nữa – dẫu biết như vậy là bất hiếu. N. ví mình như người đứng trên thành cầu, ngắm xe cộ lại qua và chưa cả kịp nghĩ là nên nhảy xuống hay không thì đã thấy bản thân rơi rồi! – Có thể tự nhảy, có thể trượt chân, có thể bị ai đó xô – nhưng lúc ý thức được thì thấy mình đã rớt xuống nước rồi!
Và N., không biết bơi.
Một ví dụ quá tượng hình cho tuổi 20 đầy bồng bột, đầy yếu mềm, cũng đầy hoang mang và lo sợ.
Phải chăng tuổi 20 của ai cũng như vậy? Cũng bị mắc kẹt trong sự luẩn quẩn, không bị gì cản lại nhưng vẫn cứ đi vòng tròn? Cứ suy nghĩ nhiều mà cũng chỉ dừng lại ở nghĩ suy? Mà mệt cái là, càng nghĩ càng rối, rối chuyện học và rối cả chuyện yêu, chuyện cuộc đời, chuyện tương lai xa vời như không phải của mình, không nắm bắt được. Chơi vơi.
Sói gọi N. là “thằng tiểu thư èo uột hay suy gẫm, dẫu trải nghiệm về cuộc đời chưa đựng đầy một vốc tay”.
Sói viết bâng quơ trong email là thế, nhưng đã tỏ rõ vấn đề của N. – thiếu trải nghiệm, nên suy ngẫm hoài vẫn không tìm được hướng đi.
Vậy thì đừng nghĩ nữa, mà hãy đi!
Đi thật. Đi theo nghĩa đen. Đi để nhìn ra thế giới. Đi để trải nghiệm, va chạm. Đi để nhìn sâu vào lòng mình. Rốt cuộc thì, vốn liếng của tuổi trẻ chính là tuổi trẻ. Đi để học từ thất bại. Đi, vì đường còn dài, còn dài.
“Free your mind, and the rest will follow.”
Câu hát trong “Free your mind” của En Vogue mà N. hay nghe mỗi khi chạy bộ vào buổi sáng lúc ở Đà Lạt – Hãy thả lỏng tâm trí, những phần còn lại sẽ tự khắc noi gương – Một quy tắc rất đơn giản nhưng không phải ai cũng nắm bắt được.
Những người, những sự việc, những trải nghiệm nhỏ nhặt trong 9 tháng hành trình, quãng thời gian thả lỏng tâm tình đã dạy cho N. từng chút một, và cậu hiểu ra nhiều thứ.
“Cách tốt nhất để thoát khỏi cơn đau là đối diện với nó.”
N. trở về Sài Gòn, như chiếc máy tính cài chế độ standby bị đánh thức, cậu chàng tự hỏi 9 tháng gần đây hay 20 năm trước đó, đâu là một giấc mơ – Vì cậu đã tỉnh giấc rồi.
Thế là. Lại thêm một buổi sáng của cuộc đời.
Đôi nét về cây bút trẻ Nguyễn Thiên Ngân.
Sinh ngày 20/10/1988 tại xứ sở của những âm điệu và âm vang đại ngàn – Daklak – Nguyễn Thiên Ngân có một tuổi thơ êm đềm bên trang sách, đắm mình trong con chữ, chị đọc hoài đọc mãi cho đến lúc có cảm xúc chính mình phải viết ra.
Tuổi 15 đã có truyện ngắn đăng trên báo Mực Tím, chị khát khao tạo ra thế giới mà ở đó những nhân vật của chị được nói, được cười, được sống. Chị viết như thể tụi nhỏ chơi búp bê, đầy hứng khởi và đam mê như thế.
Rồi lần lượt những cuốn sách thai nghén, ra đời và được độc giả trẻ đón nhận nhiệt tình.
Hiện tại, ngoài công việc chính là copywriter cho một công ty quảng cáo, Nguyễn Thiên Ngân vừa viết văn, vừa làm thơ, như đam mê, như hơi thở.
Nguyễn Thiên Ngân là nhân vật truyền cảm hứng nhiều cho giới trẻ, qua chính những tác phẩm thơ văn của mình. Chị chia sẻ với AIESEC Việt Nam:
“Phải nghiêm túc tự hỏi bản thân, thực ra ta đến trái đất này để làm gì? Làm cái cây, ngọn gió, hay làm ổ khoá cửa? Rồi can đảm lựa chọn, và theo đuổi đến tận cùng. Làm cây thì phải xanh, làm ngọn gió thì phải đi muôn phương, làm khoá cửa thì phải chắc chắn, chống được trộm. Tất nhiên lựa chọn nào cũng rủ theo một bầy thách thức khó khăn, nhưng mọi việc sẽ tự thu xếp. Cứ bình tĩnh cho bản thân thời gian. Việc của mình là chờ mình lớn lên, chờ mình giỏi hơn, chờ cho những ngày hoang mang ấy qua đi.”