Tác phẩm thứ hai của Bình Ca, vẫn là một cuốn sách viết về “lứa chúng tôi”, về những đứa trẻ con nhà cán bộ kháng chiến, sinh vào đầu thập niên 1950 ở vùng tự do… Thế nhưng, nếu “Quân khu Nam Đồng” là tập hồi ký của một tập thể, thì “Đi trốn” là chuyến phiêu lưu khởi đầu từ những non nớt và vụng dại, lại hấp dẫn mà cũng đầy hiểm nguy, đó là một lát cắt ký ức mãi mãi dừng lại ở dòng sông niên thiếu, dưới gầm trời chiến tranh.
Đọc thêm:
- Đêm – Hồi ký của một nhân chứng Do Thái ngoi lên từ địa ngục của Hitler!
- Quân Khu Nam Đồng – Tuổi thơ của những ông “tướng” con.
- Bến không chồng – “Hòn vọng phu” thời hiện đại.
- Người Tị Nạn – Tiếng vọng nơi góc biển.
- Mùa Lạc – Mùa vui, mùa hạnh phúc, mùa hồi sinh!
Cũng bởi thần hồn nát thần tính.
Trên nền lịch sử đất nước vào khoảng những năm 1965 – 1966, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương, miền Bắc đang trong giai đoạn xây dựng và chống chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ. Dưới mưa bom lửa đạn, những đứa trẻ thời chiến thuộc vùng tự do không còn được sống êm ấm mà phải đi sơ tán về nông thôn và rừng núi.
“Đi trốn” chia làm 3 phần với 26 chương, là một cuộc đi trốn đúng nghĩa đen của những cậu nhóc con cán bộ kháng chiến vốn mang gốc gác thị thành đang tập trung ở trại sơ tán Khe Khao. Sở dĩ phải tính đến nước đi trốn là vì mấy ông lính con trót nghịch dại lấy trộm vũ khí ở kho đạn dược của bộ đội, rồi cũng bởi thần hồn nát thần tính mà lo sợ bị bỏ tù. Cả nhóm Tự Thắng, Việt Bắc, Linh, Hoài Nam (về sau Thảo thay Nam) dưới sự dẫn đường của Sơn – cậu bé người địa phương, đã lên kế hoạch bỏ vào rừng đi trốn một thời gian.
Mọi chuyện sẽ chỉ là một chuyến đi trốn vui vui của con trẻ, cho đến khi Mỹ đánh bom làm sập mất lối vào hang động, khiến cả bọn vừa bị thương vừa phải mau chóng tìm cách thoát ra, đẩy tất cả vào cuộc phiêu lưu thực sự để tìm đường sống trong hiểm nguy.
Vẫn là giọng văn rất Bình Ca, thiệt thà đến là lạ, hóm hỉnh đến là duyên. Từ những mẫu chuyện sinh hoạt đời thường ở trại Khe Khao, hay chuyến đi vượt suối băng rừng, đến những câu chuyện quá khứ về gia đình của từng cô cậu nhóc, nhà văn dùng thứ ngôn từ mộc mạc đậm chất lính để viết nên “một câu chuyện sinh động và cảm cộng” – chữ của nhà văn Bảo Ninh.
Trại sơ tán Khe Khao.
“Khe Khao cao ngất lưng trời
Có đàn em bé hát cười trong mây
Xung quanh núi đá rừng cây
Ngày chim hót gió, đêm mai kiếm mồi
Các em được sống vui tươi
Được chăm ăn ngủ, vui chơi học hành
Các em xa cách gia đình
Nhưng được ấp ủ trong tình nhân dân
Các em là cháu Bác Hồ
Các em yêu Bác yêu cùng mẹ cha
Các em mong Bác đừng già
Để Bác xây dựng nước nhà Việt Nam.”
(Đào Duy Kỳ, 1953)
Trại sơ tán Khe Khao là trại trẻ nội trú của Hội Liên hiệp Phụ nữ, còn gọi là Nhà trẻ Khe Khao – Nhà trẻ nội trú đầu tiên của ngành giáo dục mầm non nước ta.
Trần Kiến Quốc ghi lại cuộc gặp mặt ngày 19/8/2007 tại thành phố Hồ Chí Minh theo lời kể của anh Nguyễn Hoài Niệm, con trai cô Tụy Phương – người nhận nhiệm vụ thành lập Nhà trẻ Khe Khao, tổ chức trường nội trú cho con em Hội Liên hiệp Phụ nữ ở Việt Bắc.
Anh Hoài Niệm thuộc lớp trại viên thứ hai ở Khe Khao. Trong ký ức của anh, trước ngày nhập trại được gặp Bác Hồ ở Việt Bắc là một kỷ niệm khó quên, bởi lời Bác nói dường như vẫn còn trầm ấm bên tai:
“…
– Cho các cháu học tập trung như thế để cha mẹ yên tâm làm việc. Ta vừa bảo vệ an toàn cho các cháu, vừa chuẩn bị thế hệ kế cận. Thế Trại đóng ở đâu, điều kiện ăn ở thế nào?
– Dạ, trên Khe Khao, huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn – Bác Tô trả lời – Ở đó khí hậu mát mẻ lại tương đối an toàn. Chị Tụy Phương và chị Châu (vợ anh Đào Duy Kỳ) được Hội LHPN giao nhiệm vụ tổ chức Trại. Hiện nay Trại đang tập trung học sinh là con em các chị trong Trung ương Hội. Chị Tụy Phương chính là vợ đồng chí Xuân Ngọc đây.”
Theo Bình Ca, tất cả các nhân vật chính của “Đi trốn” đều được xây dựng bởi sự tưởng tượng của tác giả, cả địa danh vùng Hồ Mây trong truyện cũng vậy. Thế nhưng từ Trại Nhi đồng Khe Khao, Trại Nhi đồng miền Nam, Trường học sinh miền Nam… đến cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ đậm chất quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), đã chứng tỏ những sự hư cấu đó của Bình Ca vẫn đặc sệt chất liệu từ đời sống, trên cái nền của lịch sử một thời đạn bom đớn đau mà rất đỗi hào hùng, chất hiện thực sắc lạnh hiện hữu trên từng con chữ. Cái tài của Bình Ca là dùng giọng kể hóm hỉnh duyên dáng, tái hiện một câu chuyện giữa tao đoạn chiến tranh ẩn chứa nhiều thông điệp nhân văn.
Tại sao nói “Đi trốn” mang nỗi buồn chiến tranh?
Tác phẩm ban đầu là một chuyến phiêu lưu vui vui trở thành cuộc đấu tranh sinh tồn của con người giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Nhưng “Đi trốn” không dừng lại ở đó, mà vốn ngay từ đầu tác giả đã đặt nhân vật giữa lịch sử một thời sục sôi của đất nước, với xung quanh là núi cao rừng sâu, còn trên trời là máy bay thả bom của Mỹ.
Nếu không có chiến tranh, lũ trẻ đã không phải đi sơ tán, cũng đã không phải lo lắng đến mức bỏ trốn vì sợ chịu phạt theo kỷ luật thép. Nếu không có chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cửa vào hang động dẫn tới Hồ Mây đã không bị sập.
Bởi thế, Bình Ca khẳng định “Đi trốn” là một câu chuyện về chiến tranh. Dĩ nhiên, những nhân vật trong đó mang nỗi buồn chiến tranh.
Những đứa trẻ ấy, vừa dũng cảm vừa vụng về, vừa chân thành vừa nông nổi, dù là trong “Quân khu Nam Đồng” hay “Đi trốn”, đều mang trong mình dòng máu anh hùng và lời hứa con nhà lính – một lời hứa bất khả xâm phạm và đáng tôn trọng bậc nhất – đó là thế hệ kế cận của người lính cụ Hồ, một thế hệ thanh niên còn ghi dấu mãi trong lịch sử đất nước.
Những đứa trẻ ấy, dù là con em cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao, thì đa phần vẫn lớn lên hoang dã, thiếu hơi ấm gia đình, và mỗi người lại mang một nỗi đau riêng.
Có người ở trong trại nhi đồng ngay giữa Hà Nội, nhưng đến khi ra trại cũng chưa từng được bố mẹ đón ra lần nào. Có người, ba đi công tác từ khi nhỏ xíu, đến khi gặp lại nhất định không chịu nhận ba. Có người, dù vẫn còn má và ba ở hai đầu đất nước, nhưng vẫn cảm thấy cả hai nơi ấy không thuộc về mình. Không phải người Bắc, cũng chẳng phải hoàn toàn người Nam. Đó là cảm giác lạc lõng, chơi vơi, chật vật hòa nhập với cuộc sống mới. Trong chiến tranh, luôn có người phải trả giá cho những sai phạm mình không làm, và không phải ai cũng được lịch sử nhìn nhận lại.
“Đó là thực tế mà những người trong cuộc phải chấp nhận. Có thể coi đó là số mệnh của những người sinh ra trong thời chiến, hay nói văn chương một tí, đó là nỗi buồn chiến tranh.” – Bình Ca.