Một người nghệ sĩ mẫu mực đã chạm đến bờ vực của sự suy mòn và khô cằn của cả tâm hồn lẫn thể xác lên đường đi tìm ý vị mới của cuộc đời. Một thiếu niên với vẻ đẹp tựa thiên thần, như thể được làm ra từ những nguyên liệu mê hoặc nhất thế giới. Người nghệ sĩ đã sa vào cám dỗ của vẻ đẹp ấy. Khao khát theo đuổi cái đẹp pha lẫn trong một tình yêu nhập nhằng khó gọi tên của một người nghệ sĩ, nỗi đau đớn giằng xé giữa các giá trị chuẩn mực của một con người, tất cả được đặt trong bức tranh Venice thơ mộng đang tự chuyển mình một cách tàn khốc để chuẩn bị cho Châu Âu hiện đại, tạo nên những sắc thái lạ lẫm mà đầy si mê.
Kẻ sa ngã được kể bằng chất thơ
Chết ở Venice vẫn thường được xướng tên như là người anh em với Lolita hay kính nể hơn như là một tác phẩm đã giành giải Nobel văn học. Mặc dù cả hai cuốn sách đều hướng đến sự xung đột nội tâm của một linh hồn đắm chìm trong tình yêu đầy tuyệt vọng và tội lỗi, nhưng khác với Lolita mang đậm màu sắc nhục cảm tăm tối; Chết ở Venice lại được vẽ bằng những sắc màu rực rỡ diệu kì của thành phố thơ mộng và kiều diễm bậc nhất nước Ý, được ủ trong thứ ánh nắng lấp lánh tinh khôi chờn vờn trên mặt nước và bọc quanh bởi niềm khao khát theo đuổi cái đẹp qua những ánh nhìn e dè, đầy lén lút và chột dạ.
Tài năng thao túng ngôn từ của Thomas Mann đã khiến cho những xúc cảm lạ lùng giữa một nhà văn mẫu mực vừa bước qua nửa bên kia cuộc đời với cậu bé thiên thần người Ba Lan, trở nên nhuốm sắc nửa thần thoại, nửa cạm bẫy; không cuồng nhiệt dữ dội mà rụt rè và đầy nghi hoặc, khiến cho thứ tình yêu hỗn loạn ấy luôn quanh quẩn nơi lằn ranh giữa bản ngã tôn thờ vẻ đẹp của con người với vũng lầy tội lỗi.
Mê hoặc, mập mờ và đậm chất thơ
Aschenbach – một nhà văn trung niên mẫu mực, một nhà nghệ thuật luôn tôn thờ những nguyên tắc tâm hồn khắt khe để giữ bản thân dạo quanh bên trong bức mành của sự trong sạch và đứng đắn, giờ đây khi đã đứng trước bờ vực suy mòn của cả thể xác lẫn tinh thần, lại phải đối diện với sự vùng dậy trả thù của những cảm xúc bồng bột và si mê trước nay vốn bị ông một mực chế ngự, chúng thoái thác không chịu nâng đỡ và chắp cánh cho nghệ thuật của ông bay bổng, bỏ lại trái tim ông trong sự trống rỗng cô đơn. Bởi thế mà lần đầu tiên trong đời, người nghệ sĩ ấy đã quyết định vén mành để mong mỏi tìm kiếm lối thoát khỏi sự trì trệ nhàm chán của bản thân, nhưng lại không hề biết rằng mình đang vô thức đến gần sự cám dỗ điên cuồng và chết người của thế giới ngoài kia.
Ngay trong chuyến du lịch tới Venice, Aschenbach đã bắt gặp vẻ đẹp mê hoặc của cậu thiếu niên Tadzio, nét đẹp thiên thần ấy đã đánh thức cái thiên hướng bẩm sinh phóng túng và phản trắc đầy nghệ sĩ bên trong Aschenbach, khơi dậy một khao khát si mê và theo đuổi mãnh liệt bên trong tâm hồn đang dần già cỗi. Và đó cũng chính là lời đặt bút mở đầu cho hành trình vật lộn trong sự dẫn dắt của những rung động nhiệt huyết và nỗi dằn vặt tội lỗi trước vành móng ngựa luân lí.
Cô đơn làm nảy sinh nét độc đáo, vẻ đẹp táo bạo và khác đời, đó là chất thơ. Nhưng cô đơn cũng sản sinh ra sai trái lệch lạc phi lý và bất chính. Mà tình yêu của Aschenbach dành cho Tadzio khi đang đối diện với sự gặm nhấm của nỗi cô đơn bị chính xúc cảm của mình ruồng bỏ, lại ở giữa lằn ranh này. Người nghệ sĩ nghiêm khắc ấy, dẫu biết những niềm yêu của mình là sa đọa nhưng vẫn không thể khước từ “vũng lầy thơ mộng” đó. Vẻ đẹp của Tadzio đã đánh gục Aschenbach ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, lôi kéo ông băng qua những con hẻm ẩm ướt tăm tối, vội vã trên những lối lầy bẩn thỉu, lén lút như một gã bám đuôi hèn hạ, vồn vã như một kẻ lạc mất người tình.
Nhưng điều làm nên sự đặc biệt của Chết ở Venice, đó là cách mà nhà văn khắc họa Tadzio. Cuốn sách hoàn toàn được viết dựa trên cảm xúc của Aschenbach, nhưng lại không có những con chữ dành riêng cho cảm xúc của Tadzio. Những nụ cười, cái đưa mắt, hay ánh nhìn đáng yêu, chúng được kể lại bởi Aschenbach và đã sớm nhuốm màu si mê của người nghệ sĩ, chẳng ai biết Tadzio thực sự đang nghĩ gì. Tác giả cố tình phủ lên nhân vật một lớp màn đầy nghi hoặc, để cho vẻ đẹp thần thánh ấy đan xen trong những hành động mập mờ khó hiểu, tạo nên một vẻ đẹp không chỉ thiêu đốt Aschenbach mà còn quanh quẩn sâu sắc trong tâm trí người đọc.
Tadzio từ lâu đã nhận ra sự có mặt của người đàn ông trung niên, và thậm chí không ít lần họ va phải ánh mắt của nhau. Cậu thiếu niên ấy biết mình đang bị bám theo đúng không? Cậu ta có sợ không? Tại sao Tadzio không lên tiếng? Có lẽ sự xấu hổ, e dè và tội lỗi bên trong Aschenbach đã khiến ông lúng túng và bối rối mà không nhận ra rằng, trong ánh mắt thiên thần ấy khi bắt gặp ông chứa đựng cái gì đó tựa như một ý niệm hờ hững, một vệt xúc cảm mập mờ khó thành hình đến nỗi phải chăng chẳng ai có thể gọi tên nó, trừ chính Tadzio.
Lời kết
Thật khó để có thể tìm ra một từ chính xác diễn tả mối tương quan giữa hai nhân vật chính – Aschenbach và Tadzio, sẽ là vô cảm nếu nói đó chỉ là một cuộc theo dấu của kẻ tò mò, nhưng cũng thật thiếu chân thành để nói đó là một tình yêu ngọt ngào đúng nghĩa. Cuốn sách là quá ngắn để kể một câu chuyện tình yêu, và cũng thật đỗi mập mờ để nói xem một câu chuyện tình là tốt hay là xấu, là những rung cảm đáng thương hay lời xúi giục của quỷ dữ. Tình yêu của Aschenbach dành cho Tadzio vừa xuất phát từ bản năng thuần túy của con người, nhưng cũng được nuôi dưỡng từ thiên bẩm khao khát và ảo tưởng của người nghệ sĩ về cái đẹp. Tựa như một con dao hai lưỡi, thứ tình yêu đầy mê hoặc ấy đã vực dậy sức sống cho linh hồn cứng nhắc nguội lạnh, nhưng cũng lại là nó đã bừng lên thiêu cháy chính Aschenbach, nhấn chìm người đàn ông trung niên tội nghiệp trong nỗi giằng xé giữa niềm vui sa ngã và hạnh phúc rực rỡ.
Cuối cùng, cái chết đã đến với Aschenbach, một cái chết tàn khốc cùng Venice xưa cũ, một cái chết đầy tự nguyện cùng mãn nguyện trong sự dẫn lối của một tình yêu tươi đẹp mà cũng thật đau đớn. Cái chết ấy chính là sự quy phục của Aschenbach trước vẻ đẹp, vừa là sự quy phục của một nghệ sĩ tên Aschenbach cũng là của một con người tên Aschenbach, vừa cuồng nhiệt nguyên sơ, nhưng cũng đậm chất thơ đến lạ thường.