Dừng chân trên văn đàn Việt Nam, bắt gặp từng con chữ của Ngô Tất Tố, người ta chẳng thể nào ngừng xót xa cho những nhân vật trong “Tắt đèn”. Quẩn quanh trong đồng thuế vô lý, bất lực trước sự tha hóa của lòng người, oằn mình trong vòng xoáy của cơm áo gạo tiền. Chưa bao giờ tính mạng con người lại trở nên rẻ rúng đến vậy. “ Tắt đèn” đã phác họa những nét vẽ vô cùng chân thực về một xã hội Việt Nam trước 1945.
Tác phẩm lấy bối cảnh xã hội Việt Nam trước năm 1945 để kể về gia đình chị Dậu trong những ngày đến hạn nộp sưu thuế, phải dùng đủ mọi cách để xoay tiền, phải quỳ gối trước đám lính, trước quan lại. Từ đó làm nổi bật nên sự thống khổ của người dân Việt Nam trước ách đô hộ của thực dân Pháp và chế độ phong kiến.
Ngòi bút hiện thực lách sâu vào một xã hội mục nát.
Trung tâm câu chuyện là gia đình chị Dậu, thuộc hạng “cùng đinh” và theo như tác giả, có lẽ gia đình chị đã thuộc hạng nghèo nhất của xã hội. Song, cái nghèo đấy lại không bắt nguồn từ bản thân gia đình chị Dậu mà bắt nguồn từ những chính sách vô lý của nhà nước.
Thực dân Pháp tiến hành xâm lược và áp đặt lên đất nước ta hàng loạt những chính sách đô hộ. Những người nông dân nghèo khổ nai lưng chống chọi với một lúc với bọn thực dân độc ác và chế độ phong kiến hà khắc. Hàng trăm những thứ thuế vô lý được đặt ra, đè nặng lên vai của những người dân hèn mọn, trong đó có thuế đinh. Gia đình chị Dậu sau khi chịu hai tang liên tiếp (của mẹ chồng và chú Hợi) vẫn phải loay hoay nghĩ cách để nộp thuế cho nhà nước, cái thứ thuế mà chị phải nộp cho cả người chết.
Làm sao mà không xót xa cho được khi chứng kiến chị Dậu phải bán cả con để xoay sở đồng tiền sưu thuế? Làm sao mà không xót xa khi thấy đám lính đánh đập người chồng ốm yếu của chị chỉ chị không thể xoay được tiền sưu? Ở xã hội đó, đồng tiền xoay vần, chuyển trắng thay đen, đồng tiền có khả năng sai bảo được tất thảy. Nó được đặt trên cả đạo đức hay phẩm chất, tình thương hay lòng vị tha, con người ta có tiền thì không cần quan tâm tình người.
Ta một lần nữa lại đau khi chứng kiến gia đình chị Dậu bị dồn vào đường cùng của sự bất hạnh, cơm không có ăn, áo không có mặc. Một lần nữa khóc khi đám lính sẵn sàng đánh đập anh Dậu, không màng đến sống chết của anh chỉ để lấy bằng được thứ tiền sưu được cắt ra từ máu của người dân. Một xã hội mà con người ta không có quyền sống, quyền làm người, sự bế tắc cửa một đất nước một cổ hai tròng đã mục ruỗng đến tận gốc đã được Ngô Tất Tố khắc họa rất thành công.
Tắt đèn- tiếng kêu cứu cho tình người đang dần bị tha hóa trước thế lực của đồng tiền.
Cũng có những lúc tình người, điều đẹp đẽ nhất thế gian này cũng phải quỳ gối trước những thứ được gọi là tầm thường. Là khi chị Dậu phải dứt ruột bán cái Tý, để nghe người ta kì kèo, sỉ nhục con mình:
“Ông đại biểu cho dân hầm hầm nét mặt:
- Mày không ăn thừa cơm chó phải không?
Bà Nghị nổi cơn tam bành:
- Mẹ mày dạy mày thế đấy chứ? Con ranh con! Ở đây với bà mày cứ giữ cái thói khoảnh ấy, thì bà dần từng cái xương. Này bà bảo cho mày biết: mày ăn cơm chó nhà bà cũng chưa đáng đâu. Con chó nhà bà còn được mấy chục, con người như mày , bà chỉ mua có một đồng đấy thôi. Đừng khoảnh với bà”
Tính mạng và danh dự của con người lại không đáng bằng một con chó. Đại biểu của nhân dân lại coi dân như cỏ rác, hách dịch và tàn bạo.
Không có tình người là khi bọn lính đánh đập anh Dậu mặc anh sống chết để lấy bằng được đồng tiền sưu. Bán con bán chó vậy mà đến cuối cùng chị Dậu vẫn không lo được tiền sưu thuế, vì xã hội đó không có tình người đến độ bắt chị trả cả tiền thuế cho người đã chết. Đến cả khi chết rồi, những người dân hèn mọn cũng không có được một chút thương tình đến từ “lũ cướp ngày”. Chúng chứng kiến đồng bào của mình gục xuống không chút xót xa, chúng sẵn sàng giết người, coi mạng người như cỏ rác, trái tim của chúng từ lâu đã hóa đá dưới tác động của thứ tiền nhơ bẩn. Lòng người, sự bao dung giữa người với người đã cạn kiệt, tha hóa đến mức độ một ông cụ 80 tuổi cũng giở trò đồi bại với chị Dậu. Đêm tối bao trùm lên tác phẩm và lên cả cuộc đời của chị. Vì vậy không quá khi cho rằng, “ Tắt đèn” vừa là tiếng kêu cứu đầy ai oán, cứu lấy những mảnh đời bất hạnh đang chịu kiếp nô lệ, những con người đang bị biến chất, tha hóa đến độ đánh rơi cả nhân tính; vừa là tiếng bi thương cho một xã hội đang dần mục nát, không thể vãn hồi.
Vẻ đẹp đến từ người phụ nữ Việt Nam
Nhà văn, có lẽ như con ong biến trăm hoa thành một mật, dẫu cho muôn đắng ngàn cay, thứ nhà văn cất công tìm để cất giữ vẫn là thứ mật ngọt được chắt ra từ vẻ đẹp của con người. “ Tắt đèn” cũng vậy, đả kích mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến tước đi quyền sống của con người, song Ngô Tất Tố cũng không quên đi tìm vẻ đẹp của con người. Chị Dậu, người phụ nữ tần tảo sớm hôm, yêu chồng thương con,siêng năng cần cù.
Nổi bật ở chị là vẻ đẹp của sự hi sinh. Bị kìm hãm trong một hiện thực đầy đắng cay, một mình chị gánh vác cả gia đình, thay cả cho người chồng ốm yếu. Chị chạy ngược chạy xuôi để kiếm cho được tiền đóng sưu thuế cho người chồng và người chú đã mất, không một lời than vãn. Chị cứ lặng lẽ mà hi sinh cho chồng cho con, chưa một lần trong tác phẩm chị Dậu mong muốn một điều cho mình. Chị Dậu cũng được khắc họa là một người phụ nữ mạnh mẽ, can trường, sẵn sàng phản kháng để bảo vệ những người mà chị yêu thương. Sự phản kháng tuy yếu ớt, nhỏ giọt, nhưng cũng thể hiện được ý chí mạnh mẽ của chị cũng như của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Cho đến tận khi bị dồn vào chân tường, bị vòng xoáy của đồng tiền thiêu đốt, những phẩm chất ấy vẫn rực sáng, đẹp đẽ như chưa từng trải bão tố. Sự chịu đựng, kiên nhẫn, hi sinh làm nên vẻ đẹp của chị, thứ duy nhất tỏa ra ánh sáng trong tác phẩm tràn ngập bóng tối của sự độc ác, tàn bạo.
Cho đến cuối cùng, số phận của nhân vật vẫn không có lối thoát, mọi thứ vẫn còn bỏ ngỏ như thể đang chờ một câu trả lời cho số phận con người ở tương lai, “Tắt đèn” vẫn xứng đáng là tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam, là lựa chọn tốt cho những ai muốn tìm hiểu về một thời kì đen tối của đất nước, để mà yêu thương những con người cùng khổ…
- nWBCy364″ /nWBCy364
- : J7XR6VES” /J7XR6VES
- WFZurf5j” /WFZurf5j
- HC2NhGya” /HC2NhGya
Thảo Nguyên