Phóng sự “Cạm bẫy người” viết về nạn cờ bạc bịp ở đất Hà thành những năm 1930, vạch rõ bộ mặt của một tệ đoan xã hội đồng thời nêu ra những bi kịch của nó cho bọn tín đồ “tôn giáo đỏ đen”.
Nhiều thông tin ghi rằng “Cạm bẫy người” là phóng sự đầu tay của văn sĩ tả chân họ Vũ. Tuy nhiên, năm 1992, GS Trần Hữu Tá biên soạn cuốn “Vũ Trọng Phụng hôm qua và hôm nay” (NXB TPHCM), đến tháng 10/1999, thầy Tá cho tái bản có chỉnh lý và tăng bổ cuốn sách thành “Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta” (NXB TPHCM), kê danh mục phóng sự có thêm “Đời cạo giấy” được đăng báo năm 1932. Nhờ sự nỗ lực và tâm huyết của nhiều nhà nghiên cứu, các tác phẩm của nhà văn kiệt xuất Vũ Trọng Phụng đã và đang được tìm kiếm và bổ sung vào gia tài văn học nước nhà.
1eae8ff707c6dc438e0730fb90ae80a3
Như vậy, tính đến hiện tại trong danh sách các tác phẩm đã được tìm thấy, “Cạm bẫy người” là phóng sự thứ hai của Vũ Trọng Phụng, được ký bút danh Thiên Hư, đăng lần đầu trên báo Nhật Tân, xuất bản tại Hà Nội, từ số 1 (02/08/1933) đến số 14 (01/11/1933).
Đọc thêm review các phóng sự khác của Vũ Trọng Phụng:
- Vẽ Nhọ Bôi Hề – Những tác phẩm mới tìm thấy năm 2000 của Vũ Trọng Phụng
- Kỹ Nghệ Lấy Tây – Khi hôn nhân là một cái nghề
- Lục Xì – Mẫu mực văn chương phục vụ xã hội và khoa học của Vũ Trọng Phụng
- Cơm Thầy Cơm Cô – Phóng sự về kiếp ô sin của Vũ Trọng Phụng
Kỹ nghệ cờ bạc bịp.
Tác phẩm gồm 14 chương, tố cáo tệ nạn cờ bạc bịp ở Hà Nội. Vũ Trọng Phụng đã gián tiếp điều tra cái làng bịp, vạch ra tổ chức, phác họa chân dung, mô tả chân tướng của dân làng bịp, tường thuật cách hành nghề của họ một cách rõ ràng, sinh động…
Ông dùng cái tầm của người làm báo để cho độc giả thấy cái tệ nạn cờ bạc rộng lớn và tai hại đến đâu. Ông dùng cái tâm của nhà văn hiện thực để tỏ rõ những bi kịch do những tay săn mòng gây ra cho gia đình bọn ham mê cờ bạc, xoáy vào vấn đề gai góc, nóng bỏng mà nhức nhối đó…
Vũ Trọng Phụng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho người đời, buộc họ phải nhìn thẳng vào thực trạng tệ nạn cờ bạc, khơi gợi suy nghĩ và thái độ người đọc, ở cái thời buổi mà vật chất kim tiền làm nhiễu loạn tất cả lúc bấy giờ.
“Cạm bẫy người” có lối viết chuyên nghiệp của người làm báo chuyên nghiệp, tác phẩm như một phòng triển lãm ngôn từ có thể khiến người đọc như được khai sáng một trường từ vựng mới, để rồi phải gật gù cảm thán về sự phong phú đa dạng của tiếng Việt.
Nhà báo, nhà phê bình văn học Lê Tràng Kiều đăng trên Văn học tạp chí số 4/1935 với tiêu đề: “Một trong những nhà văn hiện thực mở đầu cho nghề phóng sự ở nước ta”, ông đã đánh giá rất cao phóng sự “Cạm bẫy người” của Vũ Trọng Phụng:
“… “Cạm bẫy người” vừa ra đời đã được ngay báo chí khắp ba miền cực lực hoan nghênh. Nó làm cho tài Vũ Trọng Phụng không còn ai ngờ được nữa.”
Hay cho một cây bút phóng sự cự phách!
Thuở ấy ở phía Bắc có “ba chàng họ Vũ” đại diện cho những tay phóng sự tiên phong trong làng báo Việt, bao gồm: Tam Lang Vũ Đình Chí, Thiên Hư Vũ Trọng Phụng và Tiêu Liêu Vũ Bằng. Trong số đó, Vũ Trọng Phụng nổi trội hơn hẳn với danh “Ông vua phóng sự đất Bắc” được nhiều đồng nghiệp và độc giả công nhận.
Trong hồi ký “Bốn mươi năm nói láo”, Vũ Bằng có tiết lộ thú vị về người bạn văn Vũ Trọng Phụng của mình, rằng Phụng có một cái tài đặc biệt là không hề biết đánh bạc là gì, thế mà vẫn dám đề cập đến vấn đề bạc bịp để viết phóng sự cho tờ Nhật Tân.
Nếu những thiên phóng sự sau này như “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Cơm thầy cơm cô”, “Lục sì”… là những chuyến điều tra đầy xông xáo của chàng nhà báo Vũ Trọng Phụng để nhập cuộc tìm hiểu, để khảo sát kỹ càng những tệ đoan, để mục sở thị và có tư liệu gốc, thì “Cạm bẫy người” là tác phẩm mà hiện tượng tiêu cực có phần phức tạp, Vũ Trọng Phụng đã chọn cách không nhập cuộc mà khai thác gián tiếp qua lời kể của người thân để viết. Theo như lời Vũ Bằng, thì Vũ Trọng Phụng viết như một người đánh bạc thông thạo nhất, đó là nhờ một người anh là ông Trưởng Tạo, cũng ở phố Hàng Bạc, nói chuyện lại để cho Phụng viết.
Phải cắt nghĩa cho rõ, nếu một tay mơ không hiểu gì về bài bạc như Vũ Trọng Phụng mà dấn thân vào chốn đỏ đen để tìm tư liệu sống viết phóng sự thì quả là một sự nguy hiểm, bởi lẽ sẽ dễ dàng rơi vào cạm bẫy trong cái hố đen đó. Trường hợp này phức tạp hơn nhiều so với chuyến đi vào nhà lục sì để viết phóng sự “Lục sì” hay hành trình đến Thị Cầu để đi tìm nguyên do cái cười mỉm của hai ông quan tòa trong thiên phóng sự “Kỹ nghệ lấy Tây”.
Trong khi mà Vũ Trọng Phụng là người “chân chỉ hạt bột”, hiền lành và đạo đức. Tiêu pha hay chơi bời gì, nhà văn cũng tính toán từng đồng xu, không phải là vì kẹo, mà bởi chính vì bản thân phải đứng mũi chịu sào lo cho cả nhà, trong đó có một bà nội góa và một bà mẹ góa, đồng thời lo sao để dành dụm được ít tiền lấy vợ, hầu có con nối dõi. Đó là lý do Vũ Trọng Phụng chọn cách an toàn hơn để hoàn thành phóng sự “Cạm bẫy người”, ấy thế mà vẫn viết hay, viết sinh động và viết thành công đến nỗi người đọc cứ ngỡ tác giả là tay ăn chơi sành sỏi khét tiếng Hà thành.
Quả thực “Cạm bẫy người” là minh chứng cho cái tài đặc biệt của Vũ Trọng Phụng. Sự kết hợp giữa những tri thức đã tích lũy được, những hiểu biết với vốn sống thực tế trực tiếp hoặc gián tiếp qua ngòi bút Vũ Trọng Phụng đều có những phẩm chất hài hòa và sắc bén mà những cây bút cùng thời không dễ mấy người có thể làm được.
Lại thêm một đứa con gen trội.
Sau gần một thế kỷ, phóng sự của văn tài họ Vũ vẫn mang những giá trị bùng nổ, hậu sinh đọc lại những: “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Cơm thầy cơm cô”, “Cạm bẫy người”,… vẫn cảm thấy như mới viết ngày hôm qua.
Bởi phóng sự của Vũ Trọng Phụng không chỉ là bức ảnh chụp đúng một thời điểm, nó còn dựng lên cả một hậu cảnh, một dĩ vãng, một tập tục, mà những người trong cảnh đã sống, đã trải qua. Phóng sự của Vũ Trọng Phụng là bức ảnh động được chụp những năm 1930 – 1940 và vẫn còn đang tươi rói đủ đầy màu sắc hôm nay trong một bối cảnh hoàn toàn khác, khi phóng sự của các nhà báo khác là những bức ảnh phai màu đóng khung trong một thời quá khứ.
Phóng sự của Vũ Trọng Phụng đều hướng tới những luận đề xã hội nóng bỏng, những ứng nghiệm nghệ thuật cao vào đời sống, nhà văn luôn quan tâm để cho tác phẩm của mình đạt tới những luận đề xã hội có ý nghĩa sâu rộng.
Sòng bạc, cá cược, lô đề… những con mòng ôm lòng tham vẫn mong chờ cái sự “đỏ” trong “kiếp đỏ đen”, mà tay săn mòng thì để có cái gọi là kinh doanh bền vững – vận hên xui đã được chúng tìm cách loại ra đầu tiên trước khi tính chuyện làm ăn… Tất cả vẫn còn đó, như minh chứng cho một tài năng bẩm sinh, một tâm hồn nhạy cảm cùng cái nhìn tinh đời của tài hoa Vũ Trọng Phụng – một nhà văn có sức mạnh của đức tin và lòng dũng cảm, chiến đấu cho “chân – thiện – mỹ” của cuộc đời.