“Sợi tóc” là đứa con tinh thần của một ngòi bút đang độ chín muồi, mang những nét rất Thạch Lam và cũng rất khác Thạch Lam, tác phẩm đi sâu vào phân tích sự phức tạp của nhân tính, giữa tính gian trá và thiên tính thiện lương của con người.
872975591df1cca0b4bf802c4ab1b467
“Sợi tóc” là một trong năm truyện ngắn trong tuyển tập cùng tên của Thạch Lam được NXB Đời Nay xuất bản lần đầu năm 1942, cũng là năm tác giả mãi mãi ra đi ở tuổi 32.
Đọc thêm:
- Những ngày thơ ấu – Một phong cách hiện thực đậm màu sắc trữ tình lãng mạn.
- Nằm Vạ – Nhẩn nha kể chuyện người dân quê mình…
- Bước Đường Cùng – Con giun xéo mãi cũng quằn!
- Kép Tư Bền – Khốn nạn thân anh quá!
Dòng chảy đấu tranh của nội tâm.
Truyện ngắn “Sợi tóc” là câu chuyện của Thành, một câu chuyện hết sức thành thật, bởi diễn biến câu chuyện đã thật sự xảy ra thì không bao nhiêu, nhưng những suy nghĩ thô sơ trần trụi của anh được kể ra lại tuôn trào như suối chảy, lúc rền rĩ, lúc dịu êm.
Thành có một người anh họ tên Bân, mà theo Thành thì y vào loại “giàu” và “ngốc”, lại lúc nào cũng phục Thành vì anh luôn tỏ ra sành sỏi và thạo đời hơn, mặc dù anh nghèo hơn y rất nhiều.
Chuyện bắt đầu khi Bân rủ Thành cùng đi mua đồng hồ vì cần anh tư vấn, lại cùng nhau đi ăn, cuối cùng vào nhà hát. Trong suốt hôm đó, cái ví da lớn của Bân, phồng chặt, ngoài số tiền bạc lẻ, ngăn trên còn có năm đến sáu cái giấy bạc một trăm mới, màu còn tươi nguyên… hình ảnh đó ám ảnh Thành, thôi miên Thành, như một con ác quỷ vồ vập đẩy đưa anh thành kẻ trộm cắp, đặc biệt là buổi tối trong nhà hát, có nhiều lúc thuận tiện ra tay.
Trong viễn cảnh mà Thành vẽ ra, mọi việc đã rồi, nhanh, gọn, không chút vết tích, đến cả phản ứng của Bân vào sáng ngày hôm sau và đối tượng tình nghi của y cũng sẽ không phải là anh. Nhưng rồi một cái rùng mình, đứng lên ngồi xuống, băn khoăn bứt rứt, thở dài, lưỡng lự. Và thế là hết. Giống như một giấc mộng. Anh chưa phải là kẻ ăn cắp. Anh có còn là kẻ thiện lương?
Dòng tưởng tượng của Thành đầy chất điện ảnh, độc giả phải bật thốt lên kinh ngạc vì cái tài diễn tả tâm lý con người của Thạch Lam.
Ranh giới mong manh của lương tri.
Vũ trụ được tạo ra từ hai cực đối lập âm dương. Vạn vật đều có hai mặt tốt xấu. Không có tốt hoàn toàn. Không có xấu hoàn toàn. Chính như thuyết tương đối của Albert Einstein:
“Không có gì trên đời là tuyệt đối. Cái duy nhất tuyệt đối là cái tương đối.”
Đọc “Sợi tóc” khiến tim người thình thịch, theo từng bước lưỡng lự của Thành, theo cái bóng tối của lòng tham dần bao trùm anh, và may rằng chưa nuốt trọn anh.
Điều gì khiến Thành không thực hiện ý đồ của mình? Khi mà anh bộc bạch lúc ấy anh chẳng nghĩ gì cả – không có một ý nghĩ gì về danh dự, về điều phải điều trái, để ngăn cản anh khiến anh trở về con đường ngay như sách vở vẫn thường bảo thế. Cái gì đã giữ Thành lại? Thành cũng không biết! Nhưng trước những suy nghĩ đẩy đưa của lòng tham, trước cái ranh giới mỏng manh như sợi tóc ấy, anh vẫn chưa vượt biên, anh vẫn đứng bên phía của lương tri. Cuối cùng chỉ tồn đọng lại niềm khoái lạc bị cám dỗ và đè nén được sự cám dỗ, và chút tiếc nuối ngấm ngầm – nhưng không dám đối diện.
Xin thưa rằng, nếu Thành không kể ra, nếu người được nghe không tỉ mẩn viết lại câu chuyện này, khi mà Bân không bị mất tiền và Thành vẫn còn đạo mạo thì liệu có ai biết được phần gian trá có trong con người Thành?
Dám chắc rằng, xã hội ngoài kia có en-nờ nhân vật Thành như thế, chỉ là họ không kể ra mà thôi. Lòng tham là một danh từ trừu tượng nhưng có sức quấy nhiễu to lớn, có lẽ vẫn luôn tồn tại sẵn, nhưng có cơ hội bộc phát thành hành động hay không thì còn tùy sức mạnh nội tại trong lương tâm mỗi con người.
“Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” – Trích “Mùa lạc”, Nguyễn Khải.
Nỗ lực bứt phá của ngòi bút Thạch Lam.
Thạch Lam yêu thích và hay viết về vẻ đẹp từ những điều bình dị. Một mối tình chớm nở. Một cử chỉ nhân đạo. Một hành động yêu thương. Một ước mơ ngoan. Một thức quà ngon. Một thoáng hoa thơm… Cái gốc của tình cảm trong tác phẩm của Thạch Lam là tình người, là chủ nghĩa nhân văn.
Trong truyện ngắn “Sợi tóc”, Thạch Lam đi sâu vào tính phức tạp của nhân tâm, và dừng chân ở phần gờn gợn bóng tối. Nhà văn dẫn dắt độc giả đi sâu vào tận đáy tâm hồn con người, để tìm hiểu, khám phá và chứng kiến cái biên giới mong manh của lương tri.
Dẫu truyện khá ngắn, cốt truyện cũng giản đơn, Thạch Lam đã kịp ký thác những trăn trở sâu sắc của mình về con người đặt trong đời sống xã hội, đồng thời nỗ lực xây dựng lối viết sắc sảo hơn, cái nhìn trực diện hơn vào mặt tốt xấu của đời.
Hiểu thêm về Thạch Lam (1910 – 1942).
Thạch Lam tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân, sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại, thuở nhỏ sống ở phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Thạch Lam là em ruột của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, cả ba anh em đều là thành viên chủ chốt của Tự lực văn đoàn.
Rời cõi tạm sớm, gia tài văn chương của Thạch Lam khá khiêm tốn nhưng đa số đều gây được tiếng vang trên văn đàn Việt Nam. Bao gồm ba tuyển tập truyện ngắn (Gió đầu lạnh mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc), một truyện dài (Ngày mới), một tiểu luận phê bình văn học (Theo giòng), một tùy bút (Hà Nội băm sáu phố phường), hai truyện viết cho thiếu nhi (Quyển sách và Hạt ngọc).
Thạch Lam là một bông hoa lạ trong Tự lực văn đoàn, quan điểm sáng tác của ông thiên về hướng khác, những trang viết gần gũi với cuộc đời được cảm nhận bằng một tâm hồn đong đầy yêu thương. Vũ Bằng từng nhận xét:
“Trong nhóm Phong Hóa, Ngày Nay, Hoàng Đạo là người lý thuyết, Nhất Linh là người thực hành, Khái Hưng là người đả phá nếp sống cũ để tiến đến một đời sống mới tựu trung đều là thương người yêu người cả, nhưng muốn nói đến một người tôn thờ nhân bản thực sự, một người yêu thương xót xa đồng bào từ tâm can tỳ phế thương ra thì người ấy chính là Thạch Lam.”