Cái gì thực sự là hạnh phúc? Chẳng phải chủ đề của một quyển sách kỹ năng sống đâu nhé, mà là một lĩnh vực nghiên cứu vô cùng mới mẻ và độc đáo – nghiên cứu về hạnh phúc. Cuốn sách này sẽ, bằng những phân tích tâm lý học, hóa học và sinh học chi tiết và hấp dẫn, bóc tách từng lớp vỏ, để ta lần đầu tiên nhìn thấy nền tảng khoa học và chiếc la bàn cho công cuộc mưu cầu niềm vui của mình.
Ngạc nhiên chưa, có một thứ gọi là khoa học hạnh phúc!
Bạn có thích được hạnh phúc không?
Dĩ nhiên rồi, phàm là con người sống trên đời, ai chẳng có mong muốn như thế. Nhưng bạn đã thực sự hiểu hạnh phúc là gì, nó được tạo ra thế nào, và với ý nghĩa gì chưa?
Phần lớn mọi người thường định nghĩa hạnh phúc theo một khái niệm khá chung chung. Người ta có xu hướng nghĩ rằng hạnh phúc là một phạm trù thiên về tinh thần, vì vậy, hay gắn liền nó với thơ ca, văn chương, tâm linh tôn giáo và những lĩnh vực tương tự. Và khi được hỏi làm sao để có cảm giác vui vẻ, hay cái gì làm ta vui, một số câu trả lời “kinh điển” thường là có tiền, có “gấu”, được thăng chức, có nhiều bạn bè, được đi du lịch, cũng có thể là được học hỏi những kiến thức thú vị hoặc làm công việc thiện nguyện, v.v., đại loại là những điều kiện “ngoài thân” mà ta có thể có được trên đời.
Nhưng nếu hạnh phúc cũng có cơ sở khoa học hẳn hoi; và chính bản thân chúng ta, chứ không phải là bất cứ một hoàn cảnh khách quan nào, có khả năng tạo ra hạnh phúc cho mình thì sao? Quả là rất đáng ngạc nhiên đúng không?
Bằng vốn kiến thức phong phú của một tiến sĩ lý sinh học và một nhà báo khoa học chuyên nghiệp, qua bốn phần trong quyển sách, Stefan Klein đã vén bức màn bí mật của hạnh phúc, cho nhiều độc giả cơ hội lần lượt nhìn thấy những cơ chế thú vị đằng sau không chỉ cảm giác vui vẻ, mà còn là những đam mê, cách huấn luyện ý thức vượt qua nỗi bất hạnh, và phương pháp để tạo lập một xã hội hạnh phúc. Ông đã tập hợp nhiều nghiên cứu liên quan để cung cấp câu trả lời chính xác, đầy đủ và khách quan nhất cho câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”, cũng như nhiều câu hỏi khác mà thế giới vẫn thường thắc mắc về đề tài này. Não bộ chúng ta tạo ra hạnh phúc như thế nào? Tại sao ta có thiện cảm với người này nhưng lại sợ hãi người khác mà không có lý do chính đáng? Trực giác có phải là một thứ đáng tin cậy không? Liệu xả hết tức giận có hiệu quả không? Đam mê khoái lạc có ý nghĩa gì với con người, và có thể bị loại bỏ hoàn toàn không? Cơ chế của trầm cảm là gì? Vì sao người dân của nước này lại hạnh phúc hơn ở nước khác? Có phải vì họ giàu có hơn không?
Hẳn là bạn tò mò lắm rồi, đúng chứ? Đây chẳng phải là những câu hỏi mà hầu hết mọi người đều muốn tìm hiểu sao?
Nhưng dù gì đi nữa thì quyển sách này cũng là một tài liệu sinh lý học hẳn hoi. Vậy nên, là một người “ngoại đạo” với khoa học, bạn lo ngại rằng mình sẽ phải kinh qua những thuật ngữ, những kiến thức chuyên ngành cực kỳ “khủng khiếp”, phải không?
Quả thật, là một tác phẩm khoa học thì không thể tránh khỏi những thuật ngữ nghe qua khá hàn lâm. Nhưng bạn chớ lo lắng, vì quyển sách này được viết ra chính là để…
Mang kiến thức hàn lâm đến với cộng đồng phi khoa học
Đúng vậy, “Sáu tỉ đường đến hạnh phúc” đích thực là một cuốn sách dành cho quảng đại quần chúng.
Dù bao hàm từ ngữ chuyên môn về thần kinh học và sinh lý học, dù đôi khi bạn có thể khá “hoảng” trước những “hệ thần kinh thực vật”, “tuyến yên”, “khớp thần kinh”, “thùy trước trán”, hay hàng tá những chất truyền dẫn như dopamine, oxytocin, serotonin, cortisol, v.v. – những ngôn ngữ không khỏi khiến bạn nhớ đến môn Hóa học và Sinh học đầy chữ “ngoài hành tinh” những năm luyện thi đại học (đặc biệt là khi Sinh Hóa chưa bao giờ là đồng minh của bạn!); thì với văn phong siêu dễ đọc và dễ chịu của Stefan Klein, bạn sẽ hoàn toàn yên tâm nhàn nhã thưởng thức tác phẩm này. Bởi vì, như bạn sẽ thấy, những kiến thức được trình bày thực ra chẳng có gì cao siêu cả. Chúng chẳng qua chỉ là cuộc sống hằng ngày, chỉ có điều, được thuật lại trên một nền tảng khoa học hơn và có hệ thống hơn.
Thuật ngữ khoa học không hề chiếm phần lớn nội dung quyển sách. Những bộ phận hay chất truyền dẫn thần kinh chẳng qua chỉ là một cái tên lạ lẫm ban đầu, vì tác giả sẽ nhanh chóng cung cấp cho người đọc chức năng của chúng kèm những minh họa hay thí nghiệm sinh động (ví dụ về loài chuột đồng thảo nguyên chứng minh vai trò của chất vasopressin trong hôn nhân một vợ một chồng; thí nghiệm bơm thức ăn vào dạ dày động vật minh họa cho sự thiết yếu của vị giác; con người duy trì tập thể dục hay con vật bị thương vẫn tiếp tục chạy thoát thân do chất endorphin, v.v.), giúp độc giả hình dung rõ ràng hơn về vai trò của những yếu tố này trong cơ thể các sinh vật, bao gồm cả con người. Chỉ cần một cuốn sổ tay ghi chép hay một cây viết dạ quang, bạn hoàn toàn có thể hệ thống lại toàn bộ thuật ngữ và ý nghĩa của chúng – đã được Stefan Klein giải thích cực kỳ chi tiết bằng ngôn ngữ và ví dụ khá đơn giản – giúp việc tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn rất nhiều.
Ngoài ra, ở một số ít phân đoạn miêu tả các quá trình có bao hàm nhiều bộ phận của não bộ, như quá trình học và ghi nhớ, tác giả thậm chí còn cung cấp sơ đồ chi tiết với hình ảnh và chú giải sinh động. Chẳng cần phải “vắt kiệt óc” để suy nghĩ, tất cả những gì bạn cần làm là vừa đọc diễn giải, vừa nhìn sơ đồ. Xong, mọi thứ đều đã ở ngay trong đầu bạn!
Nhưng quan trọng hơn hết, “Sáu tỉ đường đến hạnh phúc” là một cuốn sách dễ tiếp thu bởi chính tính ứng dụng cực kỳ cao của nó. Không phải là một tài liệu chỉ để đọc và nghiên cứu, bạn có thể tìm thấy, trong những kiến thức sinh hóa này, những hiện tượng vô cùng quen thuộc mà người ta vẫn bắt gặp trong cuộc sống. Từ những vấn đề bình thường như việc ăn ớt, cơn giận trước một tài xế thô lỗ, sự ghen tị, giải quyết chứng nghiện rượu và thuốc lá, tình yêu và các mối quan hệ bạn bè; đến một số vấn đề ở tầm cao hơn như trải nghiệm “gặp Chúa”, hay những cách tăng chỉ số hạnh phúc của một quốc gia, tất cả đều được đề cập đến trong quyển sách này. Vậy nên, bạn không chỉ đọc để có thêm kiến thức, mà qua đó, còn có thể tự liên hệ bản thân để hiểu biết sâu sắc hơn về những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của mình; và hoàn toàn ứng dụng được những bài học trong sách để giải quyết nhiều vấn đề mình gặp phải hằng ngày.
Vì chính chúng ta, chừ không phải ai khác, nắm giữ cánh cửa hạnh phúc của mình
Như đã nói ở trên, khi được hỏi làm sao để hạnh phúc, người ta sẽ có xu hướng liệt kê hàng loạt những nhân tố thuộc về môi trường bên ngoài.
Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng như mong muốn. Nếu những thứ ta cho rằng có thể làm mình vui vẻ, vì một số lý do khách quan nào đó, không xảy ra, có phải suốt đời ta sẽ không có được hạnh phúc không?
Suy cho cùng, điều gì mới thực sự khiến ta được an lạc? Nếu chính ta có thể làm cho bản thân mình vui vẻ thì sao?
Bởi vì sau tất cả, chúng ta mới là người điều khiển hành vi và ý thức của mình. Không phải một cái nhà, cái xe hay một người bạn mới có khả năng làm cho ta hạnh phúc, mà chính là bộ não của ta đã được huấn luyện qua hàng triệu năm tiến hóa để phản ứng tích cực với những kích thích mà nó cho rằng có lợi ấy.
Nếu não bộ có thể được huấn luyện, vậy con người có thể tôi luyện ý thức của mình lúc nào cũng vui vẻ và phấn chấn, bất chấp hoàn cảnh bên ngoài không như ý muốn không?
Bằng một bài hát dễ chịu, ta có thể “dụ dỗ” não bộ thoát khỏi trạng thái bức bối khi bị tắc đường.
Bằng cách ăn món đồ ngọt yêu thích trước khi làm việc, ta tự cho mình năng lượng hoạt động tích cực suốt cả ngày.
Bằng cách nhanh chóng nhận diện những cảm giác tiêu cực, dán nhãn chúng là “vô lý” hay “không chính đáng” và dùng kỷ luật thép loại bỏ chúng ngay lập tức, ta tránh được việc bị cảm giác ấy gặm nhấm dẫn đến trầm cảm.
Bằng cách vận động và lao vào bất kỳ hoạt động tích cực nào khi phiền não, dù đang chẳng có chút hứng thú gì, ta đánh thức hormone hưng phấn trong cơ thể. Và não bộ sau đó, dù không muốn, cũng bị “ép buộc” phải hạnh phúc.
Hiểu rõ cơ chế tạo ra niềm vui của cơ thể chính là nắm giữ chiếc chìa khóa hạnh phúc của mình. Gấp lại quyển sách, dù sau này cuộc đời có bày ra bao nhiêu khó khăn gian khổ, độc giả hoàn toàn có khả năng vận dụng những kiến thức học được để tự mình điều khiển, và thậm chí là dùng cơ thể để “đánh lừa” não bộ khỏi những suy nghĩ tiêu cực, hướng tới cuộc sống an lạc, viên mãn. Mỗi người, bất chấp hoàn cảnh khác nhau như thế nào, đều có thể hạnh phúc theo cách riêng của mình.
“Sáu tỉ đường đến hạnh phúc” được xuất bản vào năm 2002 – cái hồi mà thế giới chỉ mới có 6 tỷ dân. Theo thống kê gần nhất vào năm 2018, Trái Đất hiện nay đã là ngôi nhà của 7.7 tỷ người.
Vậy nên, bây giờ ta có 7.7 tỷ đường đến hạnh phúc!