Đại dịch Corona nổ ra, khiến cả thế giới điêu đứng. Và nước Nhật cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng tiêu cực đấy của đại dịch. Mọi công ty lớn nhỏ, từ thành thị đến nông thôn, đều phải oằn mình chống dịch, kinh tế, xã hội tiêu điều. Trong bối cảnh đó, tại thị trấn không tên, một dự án lớn vừa bị hủy bỏ do do tác động của dịch bệnh, sau đó không lâu đã xảy ra vụ án mạng lạ kỳ. Cảnh sát vào cuộc, nhưng “nhà ảo thuật đen”, với tư cách nhân thân người bị hại, mang nỗi ngờ vực năng lực cùng tốc độ phá án của cảnh sát, đã quyết định tự mình làm sáng tỏ mọi chuyện.
Cuốn tiểu thuyết được viết giữa tâm đại dịch
Không chỉ được biết đến là một trong những nhà văn viết truyện trinh thám hàng đầu Nhật Bản hiện nay, Higashino Keigo còn được biết tới là một tác giả viết nhiều, viết khỏe, bền bỉ sáng tạo, không ngừng đổi mới tư duy, phong cách sáng tác, luôn nhạy cảm trước những vấn đề thời cuộc trong suốt hơn 30 năm qua. Và lần nữa, điều đó lại được thể hiện rõ nét trong cuốn tiểu thuyết mới nhất ông xuất bản vào năm 2020, cuốn sách có tựa đề khá dài: Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên.
Tác phẩm không chỉ ra đời vào một thời điểm hết sức nhạy cảm: đại dịch SARS-Cov2 bùng nổ, lan rộng trên toàn thế giới mà ngay bản thân bối cảnh câu chuyện diễn ra cũng ở ngay chính thời điểm đại dịch căng thẳng nhất và bản thân nước Nhật cũng đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề. Trọn vẹn hơn 500 trang sách, dáng hình một Nhật Bản tiêu điều trong đại dịch hiện lên khi thì trực tiếp, khi lại gián tiếp qua lời kể, đời sống của con người nơi đây,
Du lịch, dịch vụ gần như tê liệt, đóng băng. Hàng loạt dự án phải tạm dừng hoạt động, thậm chí là hủy bỏ. Công ti nhỏ phá sản, công ti lớn cũng chỉ có thể duy trì cầm chừng. Mọi lĩnh vực đời sống đều bị hạn chế, người người cẩn trọng ngay cả khi lệnh giãn cách đã được nới lỏng bởi không biết ngày nào, một ổ dịch, vùng dịch khác lại xuất hiện.
Tác động đến đời sống xã hội, đại dịch nổ ra còn tác động tới cấp độ nhỏ hơn trong cộng đồng: đời sống gia đình và đời sống cá nhân. Khó khăn kinh tế, ảnh hưởng công việc càng khoét sâu thêm những xung đột, bất hòa vốn vẫn âm ỉ trong cuộc sống vợ chồng. Cùng quẫn với quá trình quay vòng vốn tài chính giữa thời buổi khó khăn càng khiến lòng tham trong tâm mỗi người trỗi dậy mạnh mẽ.
Tuy nhiên, giữa tháng ngày nạn dịch Corona hoành hành, vẫn luôn sáng ngời những nhân cách cao đẹp có thể sưởi ấm tâm hồn người khác vào những ngày dịch lạnh lẽo, hoang tàn. Đó là hình ảnh người thầy Kamio Eiichi, dù là nạn nhân của một vụ thảm án thì tới cuối cùng, điều người khác nhớ nhất ở thầy, không phải là sự bạo tàn thầy phải gánh chịu mà hơn cả, là kí ức, kỉ niệm, trái tim, tấm lòng người thầy dù đã về hưu song vẫn luôn lắng lo cho mỗi người học trò cũ, bất kể trong thời điểm, hoàn cảnh nào đi nữa. Và đó còn là dáng hình nhà ảo thuật đen Kamio Takeshi, cà rỡn, tưởng chừng thiếu nghiêm túc, hẹp hòi, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà thực ra đa tài, thấu hiểu nhân tâm, lòng người đồng thời có lẽ là người thức thời, tỉnh táo nhất trong làn sóng dịch bệnh xuất phát từ chủng virus mới này. Đồng thời, cũng không thể lãng quên sự lạc quan của con người ở thị trấn không tên giữa buổi dịch bệnh. Họ vẫn tìm cách sống, tìm cách vươn lên từ chính nguồn lực nội tại thuộc về quê hương họ.
Đại dịch SARS-Cov2 chỉ là bối cảnh để Keigo tiên sinh tạo dựng lên tiểu thuyết Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên. Nhưng tác giả không xây dựng bối cảnh xã hội rồi lãng quên ngay, mà ông đã khéo léo lồng ghép giá trị nhân sinh, hiện thực đời sống trên nền bối cảnh ấy. Để tạo lên một Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên, dẫu là sáng tạo văn chương của riêng Higashino Keigo thì vẫn luôn mang hơi thở thời đại nóng hổi.
Sự ích kỷ phủ mờ lên tình thân
Tuy nhiên, dẫu tái hiện một cách chân thực nhất hiện thực nước Nhật thời đại dịch Covid-19 thì đấy cũng không phải chủ đề chính của cả tập tiểu thuyết Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên. Bởi đến cuối cùng, Keigo tiên sinh không nhằm viết một cuốn tiểu thuyết theo hơi hướng bi kịch ngày đại dịch hay cách người ta chống chọi với dịch bệnh như thế nào. Và cũng bởi, Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên vốn là một tiểu thuyết trinh thám, cụ thể là tác phẩm tái hiện lại quá trình “nhà ảo thuật đen” lật từng tấm màn bí ẩn đằng sau cái chết của chính người anh ruột. Cái chết bí ẩn, li kỳ, tựa viên đá thả xuống mặt hồ tĩnh lặng nơi thị trấn không tên đang diễn ra nhịp sống ảm đạm thời Covid-19.
Để rồi, bóc trần từng bức màn tăm tối, như vị ảo thuật gia lật dở từng màn diễn, những sự thật nghiệt ngã người ta vẫn luôn che giấu, vẫn luôn chối bỏ hiện lên. Không có bất cứ ai thật sự trong sạch. Ai cũng mang góc khuất xấu xa, tạo tác nên từ những nhỏ nhen, ích kỷ, vụ lợi, tâm cơ, tính toán,… Từ kẻ thủ ác đến những người chỉ trong diện tình nghi, liên đới tới vụ án, Dù cho đấy có là người tưởng chừng hiền lành, nhút nhát nhất; kể cả đấy có là người ta hằng ngưỡng mộ, hay cả người, ta đặt trọn trái tim yêu thương, tin tưởng.
Những người bạn cũ, học cùng lớp thời cấp 2, đều một lòng yêu kính thầy chủ nhiệm Kamio, sau bao năm trưởng thành, lăn lộn cuộc đời mới có dịp ngồi lại với nhau. Nhưng nào ai ngờ được, đó cũng là lần họ phải đối diện với bản diện tính ác của người bạn thời thơ ấu.
Nhưng quả tình, là con người, mang đầy đủ thất tình lục dục, ai lại không từng ích kỷ cho bản thân. Sự ích kỷ xuất phát từ lòng ham muốn, và cũng xuất phát từ nỗi tự ti ẩn sâu. Song từ ích kỷ mà biến thành ác ý, tạo lên tội ác, thì không có bất kỳ một lý do nào để bao biện tội lỗi đấy của con người. Hung thủ trong tiểu thuyết Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên thật dễ khiến người ta liên tưởng tới gã hung thủ trong cuốn sách Keigo tiên sinh viết từ năm 1996, tiểu thuyết Ác ý. Không phải bởi cách thức gây án, nạn nhân hay mối quan hệ giữa nạn nhân – hung thủ tại hai câu chuyện đó giống nhau. Mà ở khía cạnh, hai hung thủ cùng gặp nhau ở tội ác xuất phát từ ích kỷ được nuôi dưỡng bởi một trái tim đớn hèn mang mặc cảm thua thiệt.
Ngoài ra, chủ đề “ích kỷ” trong tiểu thuyết Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên còn thể hiện cả ở mặt gia đình: vợ – chồng, người yêu, cha – con. Chẳng thể đổ mọi trách nhiệm cho đại dịch mà vốn dĩ, không phải chính cái “tôi” quá cao của cá nhân mà làm cho những mối quan hệ vốn được xây dựng trên nền tảng yêu thương, thấu hiểu, nhường nhịn rạn vỡ hay sao? Còn gì cay đắng hơn, khi người con gái, tận tới khi cha mất, mới bàng hoàng nhận ra, bản thân chẳng hiểu chút gì về người cha quá cố. Và cái chết về mặt tâm hồn, người còn sống mà như kẻ đã chêt, có lẽ còn đáng sợ hơn cả cái chết về mặt thể xác.
Đại dịch Corona là sự khơi nguồn của tiểu thuyết Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên. Còn hành trình bóc trần bản chất vụ án, cũng là bản chất con người của “nhà ảo thuật đen” chính là quá trình, Keigo tiên sinh đi sâu vào vùng nội tâm cùng các mối quan hệ phức tạp của con người thời hiện đại.
- Review sách Hung khí hoàn mỹ (Higashino Keigo) – Sự trung thực trong thể thao và trách nhiệm của con người
- Ma thuật bị cấm – Cái tâm & cái tầm của người làm khoa học
- [Higashino Keigo] Ác Ý – Cái ác chảy ngầm
Một tác phẩm dài hơi nhưng chưa hoàn hảo
Từ một vụ án mạng, hàng loạt vấn đề được khơi mở, tất cả, tạo lên một Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên với hơn 500 trang sách hết sức dày dặn. Nhưng dẫu nhìn thấy được sự cố gắng của Keigo tiên sinh trong việc lý giải trọn vẹn mọi tình tiết, sự kiện xuất hiện trên trang sách thì khép lại cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, độc giả hẳn vẫn chẳng thể thỏa mãn. Bởi tác phẩm dài hơi, nhưng chứa đựng không ít tình tiết thừa trong quá trình suy luận phá án dài dòng, dày dặn mà lại chưa thực sự hoàn hảo.
Như không ít lần, lực lượng cảnh sát xuất hiện trên trang sách Keigo tiên sinh với một vai trò lẫn cách xây dựng tính cách, nội tâm hết sức mờ nhạt. Có lẽ không phải là nói quá, khi nhận định cả tuyến nhân vật này chỉ một “đạo cụ” để “nhà ảo thuật đen” tạo lên sân khấu hoành tráng cuối cùng.
Bên cạnh đấy, nhân vật con gái nạn nhân, cháu gái “nhà ảo thuật đen” cũng là một cá nhân đáng để người đọc đánh dấu hỏi. Khác hoàn toàn với những người phụ nữ dù thuộc phe chính diện hay phản diện cũng đều thông minh, sắc sảo như các tác phẩm trước Keigo tiên sinh xây dựng, cô gái Mayo trong Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên lại khá thụ động, thiếu nhạy bén, tinh tế; thậm chí, cô dễ tạo cho người đọc ấn tượng cô chỉ như một “con rối”, “nhà ảo thuật đen” giật dây ở đâu, cô sẽ bước đi tới đó. Không thể phủ nhận, trong một số trường hợp Mayo cũng đưa ra được những kiến giải độc đáo. Song như thế là không đủ để hình tượng Mayo bật lên trong cả cuốn tiểu thuyết dài hơn 500 trang chứ chưa nói tới hệ thống nhân vật đồ sộ cả văn nghiệp Keigo tiên sinh.
Không chỉ vậy, nguyên nhân và sự lý giải động cơ gây án của hung thủ trong cuốn sách này cũng có phần khiên cưỡng. Đành rằng khi con người ích kỷ sẽ đánh mất lý trí lẫn phần người. Song sự thật, trong thế giới khắc nghiệt của nghề sáng tác truyện tranh, không ít sự kết hợp giữa người tạo dựng nội dung, ý tưởng (nhưng vẽ lại rất xấu) – người minh họa để tạo lên một bộ đôi hoàn hảo. Điển hình có thể kể đến bộ đôi ONE – Murata Yusuke sáng tạo lên bộ truyện nổi tiếng One Punch-Man. Vì vậy, nỗi lo lắng, sự bao biện, cuối cùng là tội ác của hung thủ trong tiểu thuyết Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên, có thể nói, là sự nông cạn, thiển cận của kẻ đó hay chăng?
Và đặc biệt, không thể không kể đến bóng hình vị ảo thuật gia đầy bí ẩn Kamio Takeshi. Người được ca tụng với những ngón nghề đặc sắc, đã từng thu hút không ít ánh hào quang trong quá khứ khi tu nghiệp, lưu diễn trên đất Mỹ. Song đến cuối cùng, tác giả lại không một lần hé lộ nguyên do vì đâu, Takeshi lại giải nghệ, từ Mỹ về Nhật Bản, mở một quán bar, làm một ông chủ nhỏ nhoi như thế? Điều đó không khỏi khiến cho Tiết mục mở màn, kể về một lần Takeshi biểu diễn có phần dư thừa, dù cho tiết mục đấy đứng ở vị trí như một đề từ của tác phẩm. Hay chăng, đấy là dụng ý của tác giả nhằm giữ bí ẩn cho nhân vật Takeshi tới cùng để ông viết lên cả một series về “nhà ảo thuật đen” trong tương lai? Nhưng đây cũng chỉ là nghi vấn, giả thuyết, và cần chờ thời gian để chứng thực.
Dẫu sao cuối cùng, dù còn hạn chế ở mặt này hay mặt khác, thì tiểu thuyết Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên vẫn là tác phẩm quan trọng trong văn nghiệp Keigo tiên sinh. Tác phẩm tiếp tục đánh dấu sự tìm tòi, đổi mới không ngừng của ông trong sáng tạo văn chương. Đồng thời, khẳng định cái tâm cùng ánh nhìn nhạy cảm trước thời cuộc từ một nhà văn viết truyện trinh thám hàng đầu Nhật Bản hiện nay.
Mọt Mọt