Kiên trung, bất khuất, thành đồng Tổ quốc, có cảm giác như ngôn ngữ chỉ có thể chạm đến nhưng chẳng thể nào đủ để diễn tả được trọn vẹn về Thiếu tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Thương, có lẽ nên thêm từ “thần kỳ” nữa. Cuốn sách “Người bị CIA cưa chân 6 lần” do nhà văn Mã Thiện Đồng chấp bút là hồi ký cuộc đời người giao liên tình báo Hai Thương từ khi bị địch bắt, chỉ với tựa đề đã đơn giản trần thuật lại một sự thật tàn khốc đã diễn ra.
Đọc thêm:
- Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng – Đặng Trần Đức, một nhân cách lớn!
- Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời.
- Đơn Tuyến – Tiểu thuyết chân dung Nguyễn Đình Ngọc.
Ngày 10/02/1969, Thương bị địch bắt.
5 giờ 30 chiều ngày 10/02/1969, Nguyễn Văn Thương (lúc đó 31 tuổi) bị một chiếc trực thăng của địch phát hiện khi trên đường giao liên từ Sài Gòn lên chiến khu, lúc đó trong người anh đang có hai tài liệu cực kỳ quan trọng từ hai nguồn tình báo cực kỳ quan trọng là X6 (Phạm Xuân Ẩn) và 3Q (Đặng Trần Đức). Bằng bất cứ giá nào, tuyệt đối không được để tài liệu rơi vào tay địch, nhanh như cắt, anh vẩy súng bắn liền năm phát, hạ ngay hai tên ngồi cửa trực thăng, rồi vừa lăn vừa chạy lao về phía ruộng khoai và địa đạo gần đấy kịp thời giấu được tài liệu, xong lại vội băng qua phía có công sự cách chỗ giấu tài liệu cỡ ba bốn chục mét.
Tài liệu giấu được rồi, anh em đồng chí sẽ lần đúng ký hiệu tìm ra, Thương tiếp tục chiến đấu đến khi hết đạn và sẵn sàng hy sinh. Vốn dĩ còn một viên đạn cuối muốn để phần mình, lại vì người đảng viên cộng sản chấp nhận hy sinh nhưng không được quyền tự sát, Thương tự nhủ lòng: Tao sẽ không tự sát. Thì cứ thử xem, chúng mày làm gì được tao! Còn sống là tao còn chiến đấu!
Thương bị địch bắt. Anh khai mình tên là Nguyễn Trường Hân, 27 tuổi, một thanh niên trốn lính và mù chữ. Cái tên Trường Hân này, anh ngẫu nhiên nghĩ ra nó với ý nghĩa là chiến sĩ Trường Sơn đang hân hoan, thể hiện tâm trạng chiến sĩ ta sau chiến dịch Mậu Thân 1968, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn hội nghị tại Paris. Về sau có tên quản tù tự ý sửa lại là Trường Hận vì hắn nghĩ tên Hận có vẻ hợp hơn.
Tình hình lúc đó là, nếu địch hoàn toàn không biết Thương, và anh kiên quyết khai bản thân là thanh niên trốn lính thì cùng lắm là vào tù vì tội chống chế độ thôi. Nhưng ngặt nỗi có một tên chiêu hồi đã nhận diện anh, bọn CIA mừng rỡ vì tóm được một giao liên tình báo, bắt được con mồi béo bở này, chúng sẽ khai thác tin tình báo, tin tức loại này có giá trị lớn như thế nào, không dễ gì chúng chịu bó tay và giết đi một cách dễ dàng.
Người anh hùng “thép” Nguyễn Văn Thương.
Cuốn sách “Người bị CIA cưa chân 6 lần” lấy ngày 10/02/1969 làm mốc để viết về Nguyễn Văn Thương, về những gì đã xảy ra với anh sau khi sa vào lưới địch. Cuốn sách gồm có 4 phần với 4 giai đoạn rõ rệt.
Phần một: 100 ngày tâm lý chiến.
CIA đưa Thương đến ở một ngôi biệt thự đẹp, rộng rãi, kín cổng cao tường, có sẵn người đẹp chăm sóc từ sức khỏe, đến cái ăn, cái mặc. Ả ta không nói gì đến chữ đầu hàng hay chiêu hồi, ả ta chỉ rủ Thương đi du lịch, chỉ cần đồng ý cùng ả đi du lịch là Thương sẽ có sẵn một ngôi biệt thự, có xe hơi, một cô vợ đẹp, một trăm ngàn đô la làm vốn, với lon Trung tá trên vai. Để vừa ngăn chặn những viên đạn bao đường, vừa không lộ tư tưởng thật của mình, Thương luôn luôn phải cân nhắc, tính toán từng lời nói, cử chỉ. Cuộc chiến 100 ngày tưởng là ngọt như mía lùi lại tra tấn tinh thần kinh khủng khiếp, Thương luôn giữ vững ý nghĩ: nó cũng kịch như mình.
Phần hai: Hơn 3 tháng tra tấn và hỏi cung.
Không thể mua chuộc Thương bằng tiền tài, địa vị hay xác thịt, CIA chuyển sang tra tấn cơ thể Thương, đặc biệt nhắm vào đôi chân giao liên, chúng tin rằng sau 100 ngày an nhàn sung sướng thì đến lúc chịu khổ sẽ kém đi. Một tuần lễ đầu, chúng tra tấn hai bàn chân của Thương bằng cách bẻ quặt và vặn “rắc” từng ngón chân, khi không còn ngón để bẻ, chúng trói chặt toàn thân anh vào cột gỗ to, sau mỗi câu hỏi, cây gỗ dài lại giã xuống hai bàn chân, “Nguyễn Trường Hân”, “Không biết”, im lặng, một cú giã cật lực. Hai bàn chân nát bấy, chúng lại đưa anh về biệt thự để chữa trị và dụ dỗ, vừa đấm vừa xoa, không có kết quả, chúng tiến hành cưa chân anh.
Cưa chân lần thứ nhất. Chân phải, cưa tới trên mắt cá. Chúng ga rô, xử lý phần mềm, tĩnh mạch động mạch… rồi mới cưa, kéo dài thời gian căng thẳng, cân nhắc, khủng bố tinh thần, nếu như Thương kịp thay đổi câu trả lời. Song, Thương không nhân nhượng. “Nguyễn Trường Hân”, “Không biết”, im lặng.
Cứ cách 15 đến 20 ngày, chúng lại cưa một đoạn chân của Thương, xen kẽ những đòn tra tấn tàn bạo, có lần Thương bị nện búa vào đầu mà hàng chục năm sau đó đỉnh đầu anh vẫn còn vết lõm đặt vừa nửa đốt ngón tay cái. Chúng cưa chân phải rồi chuyển sang cưa chân trái, trên mắt cá, đoạn dưới đầu gối, rồi đoạn trên đầu gối. Sau khi cưa chân lần thứ năm, chúng rút của anh 180 cc máu rồi đe dọa tháo khớp.
Trước khi cưa chân lần thứ sáu, chúng tiêm thuốc vào Thương, không hiểu thuốc gì mà không mê, không ngất, nhưng cũng không tỉnh. Đầu óc anh quay cuồng, trống rỗng, anh không phân biệt rõ thằng nào là Mỹ, là ngụy, là Đại Hàn, nhưng anh vẫn nhớ chúng là kẻ thù. Bọn chúng cúi sát vào mặt Thương, vào tai Thương rỉ rả: “Đồng chí Thương, có cần nhắn tin về cho gia đình không?”, “Công văn này cần chuyển ngay nhé!”. Đầu óc trong mơ màng lung bung, anh chỉ nhớ mỗi câu “Không biết”, thứ vũ khí duy nhất còn lại lúc này là “Không biết”, “Không biết” để đối phó với kẻ thù.
Cưa chân lần thứ sáu, chúng đã cắt trọn đùi trái của anh, sát tới hông. Sau đợt tra tấn và cưa chân lần thứ sáu, Thương sốt cao mê man suốt một tuần, anh nằm trên cáng, người ốm tong teo nhỏ xíu, một bộ xương không còn chân.
Cuối cùng, một đại tá CIA đã phải thốt lên: “Ôi! Một sinh vật bằng thép! Chúng tôi đã thua ông!”
Phần ba: Hơn 3 năm trong tù.
CIA kết thúc quá trình điều tra Thương với một hồ sơ trống trơ trống trọi. Trong hồ sơ chuyển đi trại giam Hố Nai ghi: Nguyễn Trường Hận (quản tù tự sửa “Hân” thành “Hận”) số tù 7218, tội danh: người chống chế độ, cho làm tù binh. Lúc này Thương thấy có gì đó vui trong bụng, cái vui của người chiến thắng.
Ở trại giam Hố Nai, Thương tiếp tục hoạt động cách mạng bằng cách viết truyền đơn đấu tranh. Người chuyển truyền đơn bị bắt, lại không thể viết cho giống chữ trong tờ truyền đơn, đành khai Hân là người viết giùm, song Thương khẳng định mình mù chữ. Tên chúa trại Hố Nai nhốt Thương vào thùng sắt biệt giam. Sau 3 tháng trong thùng sắt biệt giam, người Thương nhẹ như con khỉ còi đẹt, lông lá tóc tai như cú vọ, hôi như chuột cống, trộm vía vẫn sống.
Trong 20 tháng giam cầm ở Hố Nai, thì 18 tháng Thương bị giam cấm cố, trong đó có 3 tháng trong thùng sắt, 15 tháng trong xà lim biệt giam, vì những hoạt động chống đối, những đấu tranh trong nhà tù. Sau đó chúng chuyển anh tới trại giam Phú Quốc, cho đến khi trao trả tù binh ngày 14/02/1973, sau khi hiệp định Paris được ký kết.
Phần bốn: Nguyễn Văn Thương trở về.
“Người bị CIA cưa chân 6 lần” là một cuốn sách khó lòng mà đọc nhanh được, vì luôn có một thứ cảm xúc nghẹn lại, để cuối cùng vỡ òa khi Hai Thương được trở về trong vòng tay đồng đội, được bồng bế như một đứa trẻ. Những ngày tháng sau này của anh hùng Nguyễn Văn Thương vẫn là một ý chí tàn nhưng không phế. Yêu thương và cảm phục vô cùng!
Ý chí sắt đá của anh bộ đội cụ Hồ.
Nguyên tắc trong ngành tình báo bấy giờ là ngăn cách và bí mật, ai biết việc người ấy, bộ phận nào biết bộ phận ấy. Nhưng riêng Nguyễn Văn Thương, anh biết quá nhiều, là mũi trưởng mũi giao liên quan trọng ở cả các mũi, anh biết hầu hết các tổ chức cơ sở mạng lưới giao liên tình báo, biết hầu hết các thủ trưởng từ R đến Sài Gòn. Biết nhiều như thế, khi đứng trước cuộc chiến tâm lý và những đòn tra tấn khủng khiếp, chỉ cần yếu lòng một chút, chỉ cần anh khai ra một chút thì tổ chức ta phải chịu bao tổn thất nặng nề. Nguyễn Văn Thương hiểu rõ, anh đã chịu đựng tất cả, vượt qua tất cả để giữ gìn tổ chức.
Lúc còn tỉnh táo, Thương không hề thấy ớn. Anh chỉ ngại những lúc mê man, trong cơn mê không tự chủ, không kiểm soát được suy nghĩ, dễ bật ra lời nói không phải. Làm thế nào bây giờ? Anh đã nghe nói về những liều thuốc lạ của Mỹ, và sự thật là chúng đã sử dụng với anh trong lần tra tấn trước khi cưa chân lần thứ sáu. Anh đã chuẩn bị cho tình huống đó bằng cách rèn luyện cho tâm trí mình chỉ còn hai câu trả lời là “Nguyễn Trường Hân” và “Không biết”.
Nếu hôm nay, anh nhận là Nguyễn Văn Thương, ngày mai chúng sẽ lấn tới. Một lần lùi là một lần địch tấn công. Nhận là Nguyễn Văn Thương là nhận tổ trưởng giao liên tình báo chiến lược, là những tin tình báo, là các cơ sở bí mật, là các mẹ các chị, là các đồng chí, là cả phòng tình báo… Dù có bị mất chân nhưng không thể phản bội tổ chức, không thể phản bội Đảng và nhân dân! Đó là ý chí sắt đá và niềm tin vững vàng của anh bộ đội cụ Hồ vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của toàn Đảng, toàn dân ta.
Năm 1986, có phái đoàn quân sự Mỹ đã sang thăm Việt Nam, trong đó một Đại tá người Mỹ đã hỏi Thiếu tá Nguyễn Văn Thương:
“Trong những ngày chiến tranh, người Mỹ tra tấn anh, người Mỹ đã cưa hết hai chân anh, vậy anh có căm thù người Mỹ không?”
Nguyễn Văn Thương trả lời:
“Tôi căm thù chứ! Ngày ấy tôi căm thù người Mỹ tàn ác đã cưa chân tôi! Nhưng sau này hòa bình rồi, tôi hiểu là: chiến tranh mà! Chiến tranh là phải chiến đấu loại trừ tiêu diệt nhau. Trong chiến tranh thì có kẻ thắng người thua. Chiến tranh thì phải có chết chóc mất mát. Người thắng là chúng tôi, người thua là các ông cũng đều mất mát cả. Bây giờ tôi không căm thù người Mỹ, mà chỉ căm thù chiến tranh, căm thù tổng thống Mỹ thời kỳ đó, ông ta điều hành điều khiển lính Mỹ, ông ta ra lệnh cho lính Mỹ tàn sát người Việt Nam cách mạng chúng tôi! Còn người Mỹ, nhân dân Mỹ cũng như chúng tôi lên án, phản đối chiến tranh, làm sao tôi lại căm thù họ.”
Tưởng nhớ Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương.
Thiếu tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương sinh năm 1938 tại Tây Ninh, mất ngày 13/08/2018 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi.
Hồi mới 3 tháng tuổi, Nguyễn Văn Thương đã được gửi cho một người cô nuôi dưỡng để ba má đi hoạt động cách mạng. Má là cụ bà Lê Thị Tân, là bác sĩ, cũng là giao liên hoạt động trong Hội Phụ nữ Cứu quốc, bị bắt, bị tra tấn và hy sinh năm 1947, trong nhà tù Côn Đảo khét tiếng. Ba là cụ ông Nguyễn Văn Chắc, là tiểu đoàn trưởng Quân báo liên quân 311, 312, bị bắt, bị tra tấn và hy sinh năm 1959, trong nhà tù ở Tây Ninh.
Vốn có truyền thống cách mạng trong dòng máu, có kinh nghiệm, nhanh nhẹn và năng động, mấy năm tham gia chiến đấu trong quân ngũ, Thương được điều sang ngành công an, sau đó chuyển sang ngành tình báo từ năm 1961. Công việc giao liên tình báo đã đào luyện ra một Nguyễn Văn Thương xông xáo mưu trí dũng cảm, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Suốt những năm 1961 – 1969, Thương là mũi trưởng mũi giao liên đơn vị tình báo J22 – ở các cụm tình báo A18, A20, A22, A36, là đầu mũi tên vận chuyển tài liệu và những tin tình báo quan trọng mà tình báo ta lấy được từ đầu não sào huyệt của chính quyền ngụy và CIA Mỹ từ Sài Gòn ra chiến khu, đặc biệt có ý nghĩa lớn, có giá trị chiến lược quan trọng.
Đôi chân giao liên tình báo đã dừng lại vào ngày 10/02/1969, đã bị cưa 6 lần xen kẽ những đòn tra tấn tàn khốc khiến một người đàn ông trưởng thành chỉ còn lại cân nặng của một đứa trẻ 6 tuổi, nhưng con người ấy vẫn vững vàng là thành đồng Tổ quốc. Nghẹn ngào, cảm kích, xót xa, mà căm giận, mà yêu thương, mà quá đỗi tự hào!
Tự tận đáy lòng thành, cảm tạ những gì Người và đồng đội đã hy sinh cho hòa bình ngày hôm nay.
Mong hương hồn Người thanh thản.
Kính dâng một nén hương lòng tưởng nhớ đến vị Thiếu tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương. Người sống mãi trong lòng hậu thế.