“Tiếng chuông gọi người tình trở về” của Nguyễn Thị Hoàng là dòng chảy trữ tình tràn đầy tâm sự về một cuộc hôn nhân nơi tình yêu đã đi qua thuở mặn nồng, chỉ còn lạc lõng giữa những ký ức héo mòn xưa cũ.
Đọc thêm:
- Nguồn cội – Tiếng nói của một bản dạng văn hóa linh hoạt.
- Bài thơ của một người yêu nước mình – Dẫu muộn, vẫn hơn là không có gì!
- Người Tị Nạn – Tiếng vọng nơi góc biển.
Hơn nửa đời người dùng để tìm kiếm nhau.
Người đầu tiên nhắc đến tiếng chuông gọi người tình trở về là Tố Lan:
“Lâu, lâu lắm, một tối chàng trở lại, với người bạn. Nhìn thấy Tố Lan lắc lắc chiếc chuông đồng nhỏ xíu mua chơi ngoài hè phố, người bạn hỏi, chuông gì vậy. Tố Lan nhìn Bằng và trả lời, tiếng chuông gọi người tình trở về. Trong bóng tối lờ mờ, hình như vẻ mặt Bằng khác đi.”
Nhưng rồi giữa Tố Lan và Bằng cũng chỉ là bóng hình đi thoáng qua tuổi trẻ, gái nhảy và khách nhảy, nhạc ngừng là thôi, tay rời là thôi, đôi môi chạm má, vơ vẩn về một lời cầu hôn giả định, im lặng, cười, rồi thôi. Nghĩ về phận mình, Tố Lan không tin tình yêu, nàng cho rằng người ta có thể say mê một gái nhảy, nhưng chỉ có thể thương yêu một người đàn bà đoan hậu dịu dàng.
Người đàn bà đoan hậu dịu dàng của Bằng, hẳn là Huyền, vợ anh. Họ gặp nhau, yêu nhau, cưới nhau, hứa trao nhau một đời. Ngày tháng hạnh phúc ấy, họ thủ thỉ cho nhau nghe về mọi thứ, về quá khứ đã qua, về những người đã gặp gỡ và chia ly. Vì thế mà Huyền biết Tố Lan, biết rõ đến cả tiếng chuông gọi người tình trở về mà Lan nói cho Bằng nghe. Sau thẳm trong lòng, dẫu vẩn vơ, nhưng Huyền ghen, ở quãng đời con trai non trẻ rực rỡ nhất Bằng đã gặp Tố Lan chứ không phải Huyền. Vì vậy mà lời Bằng hứa hẹn gióng chuông nhà thờ để tìm nhau cũng làm Huyền thương cảm hơn là thấy lãng mạn.
“Như đã có lần tôi đã nói với Huyền. Là nếu một ngày nào nàng bỏ đi đâu, tôi sẽ rung tất cả các chuông nhà thờ lên một lượt để gọi nàng về. Bất cứ ở đâu, nghe tiếng chuông nhà thờ khắp nơi gióng giả nổi lên là Huyền về.”
Và rồi, đời sống vợ chồng trải qua hơn năm năm, Bằng bỏ đi, không lời nhắn nhủ, chẳng biết trốn chạy hay kiếm tìm điều chi.
“Tiếng chuông gọi người tình trở về” mở đầu bằng những lời ca thán chua ngoa của cô em chồng Huyền, em gái Bằng, trong tình cảnh Bằng đã bỏ đi, để lại ngôi nhà với ông cụ đau ốm, hai đứa em, và người vợ kết tóc se duyên mà anh đã hứa sẽ yêu thương trọn đời. Rồi mở ra một hành trình tìm kiếm, hồi tưởng, đoàn tụ, chia xa, hối hận muộn màng…
“Kẻ nào cũng cho mình thiệt thòi và đáng khổ hơn kẻ khác, có hay ho gì nỗi khổ mà tranh nhau.”
Nguyễn Thị Hoàng không quá chú tâm vào cốt truyện, mà dồn tâm sức vào diễn biến tâm lý và những cảm xúc phức tạp của người phụ nữ, thông qua ngôn từ đẹp đẽ, đầy nhạc tính. Giữa tao đoạn chiến tranh, viết nên câu chuyện nữ nhi thường tình, khám phá một phần mâu thuẫn nội tại của giới trẻ Sài Gòn thập niên 1960.
Tinh hoa nằm trọn vẹn ở lá thư cuối.
“Và cứ thế, cho đến bao giờ tiếng chuông gọi tình về đã lịm tắt đi. Tình yêu vốn không tai nghe, nên cũng chẳng cần tiếng gọi. Khi còn gọi tên, khi chuông còn gióng giả, là lòng còn nông nổi tình còn u mê.”
Có thể nói rằng, sau những sắp xếp để tạo nên sức cuốn và sự khó đoán cho hướng phát triển của câu chuyện, sau những tâm lý khó nắm bắt và những khao khát tuyệt vọng khó lý giải của nhân vật, sau những câu từ bay bổng dài dằng dặc được tác giả giăng ra khiến người đọc suýt quên khuấy đi nội dung chính… Thì lá thư cuối như cú chốt hạ, trọn vẹn, làm tròn đầy tất thảy.
Ngân lên trong vô vọng!
Điểm khai thác nội dung đề tài của Nguyễn Thị Hoàng trong “Tiếng chuông gọi người tình trở về” không hề xa lạ, thậm chí là cực kỳ quen thuộc, trong hôn nhân, trong cuộc sống vợ chồng với cơm áo gạo tiền, làm thế nào để tình yêu không lụi tắt giữa những tất bật đời thường?
“Tình yêu là một loài chim quý kén ăn. Thiếu chất bổ nuôi dưỡng, nó bay đi, hay giãy chết.”
Chim quý tình yêu của Huyền và Bằng đã bay đi, hay giãy chết? Phải chăng tiếng chuông gọi người tình trở về đã ngân lên trong vô vọng? Cứ tưởng rằng tình yêu từ khi có mặt đã phải tràn trề đầy ắp, rồi dửng dưng hưởng thụ mà không một sự cố gắng nào, để mặc người còn lại ra sức cầm cự trong nỗi tuyệt vọng vun trồng và nuôi dưỡng một thứ hạnh phúc mong manh, héo rũ.
Tình yêu lứa đôi, phải cho đi cũng như nhận hưởng, thì mới gìn giữ được.
Hiểu thêm về tác giả Nguyễn Thị Hoàng.
Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11/12/1939 tại Huế, nguyên quán Quảng Trị. Cha là công chức cao cấp trong bộ giáo dục. Bà từng học trung học đệ nhất cấp ở trường Đồng Khánh, Huế. Năm 1957, bà chuyển vào sinh sống ở Nha Trang. Năm 1960, bà vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và Luật rồi bỏ ngang, lên Đà Lạt dạy học. Đến năm 1966, bà chuyển sang chuyên tâm viết tiểu thuyết. Nguyễn Thị Hoàng có bút hiệu khác là Hoàng Đông Phương.
Vài chùm thơ đăng báo đầu tiên vào năm 1959, được cô nữ sinh ngày ấy giãi bày nỗi niềm về mối tình đầu. Đến tác phẩm gây bão dư luận một thời – “Vòng tay học trò” được Nguyễn Thị Hoàng viết sau mối tình với anh học trò ở Đà Lạt, một cách tiểu thuyết hóa lại câu chuyện của mình. Tiếp đó, sau kết hôn với Nguyễn Phúc Bửu Sum, một giáo sư triết, bà một mình gánh vác kinh tế gia đình, viết văn để kiếm tiền nuôi năm con đến kiệt sức. Từ năm 1960 – 1974 là giai đoạn tác giả viết sung sức nhất, 3 tập thơ, 5 truyện ngắn, 25 truyện dài.
Nhìn lại lịch sử tình trường song song với gia tài văn chương, dường như Nguyễn Thị Hoàng đã dùng cả thanh xuân để yêu và viết, chung tình thì không chắc, nhưng đa tình có lẽ là hẳn rồi.
Bên cạnh những cuốn tiểu thuyết dài hơi đi theo hai khuynh hướng hiện thực hiện sinh và hiện thực huyền ảo, Nguyễn Thị Hoàng còn gây ấn tượng bởi những vần thơ ngọt tiếng địa phương, đặc sệt chất Trung Bộ. Trích đoạn bài thơ “Chi lạ rứa” của tác giả:
“Tui cũng muốn có một người tri kỷ
Nhưng đường đời như rứa biết mần răng!
Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng:
Chờ tui với! A, cười chi lạ rứa!
Tui không buồn sao mắt mờ lệ ứa,
Bởi vì răng, tui có hiểu chi mô!
Vì lòng tui là mặt nước sông hồ,
Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc.”