“Coraline” là một cuốn tiểu thuyết thiếu nhi giả tưởng đen tối (dark fantasy), là một câu chuyện ma đương đại với những chi tiết rợn người, cũng là hành trình khám phá đầy ly kỳ mà cô bé dũng cảm Coraline đã trải qua để tìm về cuộc sống đích thực của mình, trong vòng tay yêu thương chân thật và vô điều kiện của bố mẹ.
Bắt đầu thai nghén năm 1990, xuất bản lần đầu năm 2002, “Coraline” đã không phụ tâm huyết của tác giả để trở thành cuốn sách nổi tiếng và giành nhiều giải thưởng nhất của Neil Gaiman (hơn 20 giải thưởng và đề cử). Trong đó, đặc biệt phải kể đến Giải thưởng Hugo năm 2003 hạng mục Tiểu thuyết hay nhất (Hugo là giải thưởng uy tín hàng đầu mảng khoa học viễn tưởng), Giải thưởng Nebula năm 2003 hạng mục Tiểu thuyết hay nhất, Giải thưởng Bram Stoker năm 2002 hạng mục Tác phẩm hay nhất dành cho độc giả trẻ…
1e95134100187abf5f3650efe3f39a36
Bên cạnh việc truyền cảm hứng cho một số chương trình truyền hình,“Coraline” còn được chuyển thể thành phim hoạt hình, truyện tranh, trò chơi, nhạc kịch (musical) và ca kịch (opera)…
Đọc thêm:
- Tôi đã chết vào một ngày nào đó – Gửi tới tất cả những thiếu niên đã tan biến như những cánh hoa bay ở lứa tuổi chưa thể rời xa.
- Cô gà mái xổng chuồng – Trở thành một ngôi sao sáng của chính cuộc đời mình!
- Flipped – Bên kia đường có đứa dở hơi
- Wizard Bakery – Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn kèm theo trách nhiệm.
Motif quen thuộc mà lạ kỳ.
Câu chuyện theo motif quen thuộc một cánh cửa hai thế giới, nhưng điều khiến “Coraline” nổi bật lạ kỳ là phía sau cánh cửa, thế giới thứ hai đó không phải là một vùng đất hoàn toàn mới lạ, mà cũng chỉ là ngôi nhà, khu rừng mà cô bé biết.
Nơi ấy có mẹ khác và cả cha khác nữa, mọi thứ dường như giống hệt lại tốt đẹp và hấp dẫn hơn. Họ muốn Coraline ở lại làm con gái bé bỏng của họ mãi mãi, với điều kiện cô bé phải khâu hai cúc áo đen sì vào thay cho đôi mắt linh động long lanh.
Từ tốt đẹp đến rùng rợn, Coraline nhận ra điều cô bé thật sự cần. Bằng tất cả sự khôn ngoan và lòng dũng cảm, với khao khát trở lại cuộc sống đích thực của mình, Coraline đã thực hiện một hành trình phi thường, ly kỳ và tràn đầy bất ngờ.
Nhà văn Terry Pratchett đã phải bật thốt lên:
“Cuốn sách này sẽ khiến một cơn rùng mình ớn lạnh chạy dọc xương sống rồi xuyên qua giày của bạn mà lao thẳng vào taxi phóng ra sân bay. Nó mang trong mình sự ly kỳ vốn có trong những câu chuyện thần tiên đặc sắc nhất, và nó là một kiệt tác.”
Có một điều thú vị là theo lời tác giả thì cái tên “Coraline” xuất phát từ lỗi đánh máy từ “Caroline”:
“I had typed the name Caroline, and it came out wrong. I looked at the word Coraline, and knew it was someone’s name. I wanted to know what happened to her.”
Giống như một duyên phận bất ngờ, Coraline đã đến và kể cho Neil Gaiman nghe câu chuyện của mình. Mở ra một thế giới tưởng tượng rộng lớn, tràn ngập ly kỳ, đôi khi rùng rợn, rồi kết thúc đầy hạnh phúc và nhân văn. “Coraline” là cuốn tiểu thuyết thiếu nhi phù hợp với độc giả mọi lứa tuổi.
Trốn chạy, sợ hãi và dũng cảm.
Đây có lẽ là những trạng thái chính tạo nên “Coraline” – một tác phẩm đầy hấp dẫn.
Coraline vốn là một cô bé thông minh hiếu động mang trong người khát khao thám hiểm, nhưng bố mẹ đã quá bận rộn vào công việc thay vì để ý đến cô con gái bé bỏng.
Dường như trong sâu thẳm tâm hồn, cô bé muốn thoát khỏi thực tại, muốn chạy trốn cuộc sống nhàm chán với ngày dài lê thê, với những món ăn tự chế kinh khủng khiếp của bố, với người mẹ đôi khi cáu kỉnh giận dữ, với những người hàng xóm luôn gọi sai tên cô bé. Bởi vậy mà Coraline đã tự khám phá môi trường xung quanh để bớt nhàm chán trong kỳ nghỉ, khám phá đất đai vườn tược, khám phá láng giềng, và rồi khi trời mưa, cô bé bắt đầu khám phá ngôi nhà mới của mình.
Có lẽ trốn chạy thực tại nhàm chán là lý do khởi đầu hành trình phiêu lưu đầy bất ngờ của Coraline. Giống như phần lớn những câu chuyện của Neil Gaiman, nhân vật chính trốn chạy thế giới thực để tìm đến một nơi khác, một nơi có thể đáp ứng những hy vọng khắc khoải trong đáy lòng, để rồi nhận ra những hạnh phúc không thật luôn đi kèm với những cái giá đắt phải trả. “Coraline” không chệch khỏi công thức quen thuộc đó.
Cô bé Coraline đã tìm thấy thế giới thú vị bên kia cánh cửa, nơi có đầy những món ăn ngon, bố khác mẹ khác đều tỏ ra hiền dịu và hết mực quan tâm – điều mà Coraline hy vọng ở thế giới thực, nhưng cô bé phải đánh đổi bằng đôi mắt của mình.
Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn.
Ấy thế mà mẹ khác lại muốn khâu đôi mắt cô bé lại bằng hai cái cúc áo đen sì sì, để trói buộc cô bé bên cạnh mãi mãi, để bà ta được chơi trò gia đình hạnh phúc. Mẹ khác – hay cũng chính là mụ phù thủy ăn cắp và cất giấu linh hồn của con người, của rất rất nhiều người trước đó cho đến cô bé Coraline. Bà ta tước đi cuộc sống và tất cả những gì con người quan tâm, rồi họ sẽ chẳng còn lại gì ngoài sương mờ khói ảo, như một làn khói, như một thứ chẳng hơn gì giấc mơ khi tỉnh, như một lớp vỏ trống rỗng. Trống rỗng!
Coraline có sợ hãi không? Có! Điều đó là dĩ nhiên.
Nhưng Coraline dũng cảm đối diện với nỗi sợ để quay lại thế giới thứ hai và tìm cách cứu bố mẹ thật của mình, từng bước khôn ngoan đánh bại mụ phù thủy. Bài học dũng cảm đó bố thân yêu đã dạy cô bằng ba mươi chín vết ong chích.
Dũng cảm không phải là không sợ. Dũng cảm không phải không trốn chạy. Dũng cảm thực chất là khi con người đã sợ đến kinh hồn bạt vía, thậm chí đã cao chạy xa bay hòng thoát khỏi nỗi sợ ấy, nhưng cuối cùng con người vẫn dám quay trở lại, dù biết nỗi sợ vẫn ở đó chờ đợi, quay trở lại để một lần nữa đối diện với nó, và để vượt qua nó.
Dũng cảm cũng là trân trọng hiện tại, trân trọng từng niềm vui và nỗi buồn mà mình có, dám đối diện với mọi sự thường nhật trong cuộc sống. Như cô bé Coraline đã nhận ra:
“Tôi không muốn mình muốn gì có nấy. Chẳng ai muốn thế cả. Không thật sự muốn. Nếu tôi muốn thứ gì cũng có thì còn gì thú vị chứ? Thế đấy, và điều ấy chẳng có ý nghĩa gì hết. Rồi sao nữa?”
Đã từng trốn chạy, đã từng sợ hãi, nhưng bằng lòng dũng cảm Coraline đã chứng tỏ một chân lý hiển nhiên mà nhiều người đã bị bộn bề lo toan làm cho mờ mắt: Hãy trân trọng những gì mình đang có!
Một câu chuyện về tình yêu.
Với nội dung là một câu chuyện ma đương đại, “Coraline” mang thông điệp nhân văn về tình yêu. Những nhân vật trong truyện hầu như đều thiếu thốn tình yêu, như bà Spink, bà Forcible, ông Bobo, Coraline, bố mẹ Coraline… và cả mụ phù thủy.
Mụ phù thủy bởi thiếu thốn tình yêu ngay trên nghĩa đen mặt chữ, nên mụ ta thích chơi trò chơi gia đình hạnh phúc, thích đánh cắp trái tim và linh hồn con người. Bà ta có yêu Coraline không? Hẳn là có! Nhưng bà ta yêu cô bé theo cái cách một kẻ keo kiệt yêu tiền, một con rồng yêu kho vàng của mình. Trong đôi mắt cúc áo của mẹ khác, Coraline biết rằng mình chỉ là một vật sở hữu, không hơn. Cách yêu thương ích kỷ đó khiến mụ phù thủy mãi mãi thiếu thốn tình yêu.
Sau chuyến hành trình kỳ lạ bên kia cánh cửa, Coraline học được cách trân trọng cuộc sống, cô bé hiểu rằng khi mở lòng mình để quan tâm và yêu thương mọi người một cách chân thành, cô bé sẽ được đáp trả lại y như thế.
“Tình yêu” vốn là một danh từ trừu tượng, nếu không được thể hiện và biểu đạt bằng hành động, con người nhiều khi sẽ không cảm nhận được.
Đó là khi Coraline ngước đôi mắt sáng trong long lanh nhìn ông Bobo và cố gắng sửa lại cho đúng phát âm cái tên của mình, ông Bobo là gọi đúng tên cô bé một cách ngạc nhiên và tôn trọng, nói lời cảm ơn cô bé và mời cô bé làm khán giả đầu tiên cho đoàn xiếc chuột của mình.
Đó là khi Coraline cảm ơn và ôm chầm lấy hai bà Spink và Forcible, giúp cả hai cảm nhận được tình yêu mà từ lâu đã không cảm thấy, giúp họ bớt nguôi ngoai về quá khứ.
Đó là khi được mẹ âu yếm gọi dậy vào buổi sáng, cô bé con đã ôm chặt mẹ đến mức hai cánh tay đều đau nhức, mẹ cũng ôm nó thật chặt, đây là người mẹ đích thực của nó, người mẹ tuyệt vời, cáu kỉnh, giận dữ, diệu kỳ đích thực của nó!
Đó là khi cô bé con rón rén vào phòng làm việc của bố, đặt một nụ hôn lên phía sau mái đầu đang ngày càng hói của ông, bảo rằng cô bé nhớ ông, thế là bố Coraline mỉm cười nhấc bổng cô bé lên và bế cô con gái vào bếp!
Gia đình Coraline vẫn tràn ngập yêu thương chân thật và vô điều kiện, bố mẹ vẫn yêu cô bé rất nhiều và cô bé cũng yêu bố mẹ như thế. Nhưng công việc bộn bề để cố gắng có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái đã khiến bố mẹ dần dà quên đi việc biểu đạt tình yêu với con, yêu đó nhưng không biểu hiện ra, vô hình chung khiến đứa con đôi khi lạc lõng.
Thông điệp yêu thương của “Coraline”, nhắn nhủ độc giả người lớn nên quan tâm đến tâm lý của trẻ con nhiều hơn và biểu đạt tình yêu nhiều hơn để con cảm nhận được, cũng nhắn nhủ nhắn nhủ với độc giả nhỏ tuổi rằng hãy mở lòng và thể hiện yêu thương, rồi các em sẽ được đáp trả bằng thương yêu như thế và nhiều hơn thế.
Yêu thương, đơn giản là biểu đạt một cách chân thành nhất!
Chuyện bên lề.
Nhà văn người Mỹ Patrick Rothfuss (tác giả “The name of the wind”) đã chia sẻ trên Goodreads những trải nghiệm của anh về “Coraline”, đặc biệt là câu chuyện về con trai anh – cậu bé Oot – với tác phẩm thú vị này.
Họ đã cùng nhau nghe “Coraline” trên một chuyến xe dài, mặc dù Patrick không chắc là cậu con trai có thể hiểu hết câu chuyện hay không, nhưng đôi khi cậu bé tỏ ra sợ hãi. Bất chấp những lo lắng của ông bố, và mặc dù sợ hãi, cậu bé con đã rất thích thú với câu chuyện.
Một vài ngày sau, Oot kể vanh vách “Coraline” cho Patrick, cậu bé dường như quên béng đi đã nghe sách cùng ai.
Một vài tháng sau, Oot vẫn nhớ câu chuyện “Coraline”, và hy vọng bố Patrick có thể gửi một lá thư đến Neil Gaiman:
“You should tell him he *sure* knows how to write a scary story….”
“Coraline” là quyển sách đầu tiên khiến Oot nhớ lâu đến thế, thích thú đến thế, thích thú đến mức muốn liên lạc với tác giả. Patrick kết lại bằng lời khẳng định ngòi bút Neil Gaiman:
“So. Bravo, Neil Gaiman. You’ve managed to win over two generations of the Rothfuss household.”
Với “Coraline”, Neil Gaiman đã chinh phục hai thế hệ nhà Rothfuss như vậy, và có lẽ cũng đã chinh phục các thế hệ của nhiều hơn nữa những gia đình khác trên thế giới. “Coraline” thực sự là một cuốn sách không nên bỏ lỡ!
: