“Hảo nữ Trung Hoa” là tập hồi ký, cũng là bản cáo trạng nhức nhối về số phận người phụ nữ dưới một hệ thống xã hội bất công, hủ lậu, bạo lực, man rợ, về thói gia trưởng, về thói đạo đức giả và về hành vi lạm dụng trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa ở Trung Hoa. Cảm giác an toàn khi được che giấu thân phận và được chân thành lắng nghe, khiến nhiều người phụ nữ có can đảm dốc cạn lòng thỏ thẻ về những câu chuyện bị đè nén cả đời người mà chính họ cũng không dám tự mình nghĩ lại.
Kết thúc lời bạt của tác phẩm, Hân Nhiên trải lòng:
“Vào thời điểm đó ở Trung Quốc, có lẽ tôi đã bị vào tù vì viết ra một cuốn sách như thế này. Tôi không dám mạo hiểm bỏ rơi con trai tôi hay những người phụ nữ nhận được sự trợ giúp và động viên qua chương trình phát thanh của tôi. Ở Anh, cuốn sách này mới có thể ra đời. Như thể một cây bút đã hình thành trong trái tim tôi vậy.”
Người dẫn chương trình nữ đầu tiên “nhấc tấm mạng che mặt” của phụ nữ Trung Quốc lên.
Từ năm 1989 – 1997, Hân Nhiên phụ trách dẫn chương trình Khinh Phong Dạ Thoại của Đài phát thanh Nam Kinh – chương trình lắng nghe và chia sẻ câu chuyện về thực tế cuộc sống cùng các vấn đề của phụ nữ từ những cuộc gọi được phép ẩn danh.
Từ đó, giới mộ điệu gọi Hân Nhiên là người dẫn chương trình nữ đầu tiên “nhấc tấm mạng che mặt” của phụ nữ Trung Quốc lên. Bà không chỉ trò chuyện mà còn gặp gỡ, thu thập tư liệu từ những phụ nữ bà đã phỏng vấn, gom góm những cuốn sách bí mật trong từng gia đình, những nỗi đau riêng tư, những cam chịu đè nén trong đau thương và uất hận, những bi kịch mà bà từng chứng kiến trong 8 năm làm việc tại Trung Quốc. Nhưng điều dũng cảm nhất Hân Nhiên từng làm không phải là dám lắng nghe mà chính là dám kể lại những câu chuyện đau đớn ấy.
Năm 1997, Hân Nhiên tới London cùng con trai, tại đây bà mới có cơ hội tập hợp những câu chuyện trên vào một cuốn sách và ra mắt độc giả.
Năm 2002, “Hảo nữ Trung Hoa” được xuất bản tại Anh với tựa đề “The good women of China: Hidden Voices”. Đến nay, tác phẩm đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng và tiếp cận bạn đọc trên toàn thế giới.
Đọc thêm:
- Woman at Point Zero – Khi cái chết là sự giải thoát độc nhất!
- Người tình phu nhân sư trưởng – Sách viết ở Trung Hoa, đón đọc khắp thế giới!
- Thiên Táng – Anh sẽ ở lại vĩnh viễn trên vùng cao nguyên đó, dưới trời xanh mây trắng.
- Những Người Đàn Bà Tắm – Thế giới này liệu có gì tồn tại hoàn chỉnh hơn một trái tim tan vỡ?
Những chuyện đời thấm đẫm nước mắt.
Tác phẩm gồm 15 chương với những mẩu chuyện về số phận và cảnh đời, giống nhau mà lại khác nhau, trong đó có cả chính tác giả và mẹ của bà. Hân Nhiên đã dùng nước mắt của những người phụ nữ ngoài kia và của cả bản thân bà nữa, để mở một con đường dẫn tới sự thật.
Đó là cô bé vừa mới dậy thì, bị chính cha ruột quấy rối tình dục rồi cưỡng hiếp, người mẹ sau khi biết chuyện lại ngó lơ bất lực: “Để cả nhà này yên ổn, con phải chịu đựng điều đó.” Không còn một hy vọng nào để bám víu, cô bé ấy phải tìm mọi cách để được ốm và để được vào viện. Thà chết còn hơn trở về nhà. Em qua đời trong bệnh viện vì nhiễm trùng máu. Cô bé còn chưa dậy thì xong, trải nghiệm duy nhất về khoái cảm thân xác là cảm giác êm dịu, đôi lúc buồn buồn trên da – từ một con ruồi.
Đó là hai chị em bị bọn đàn ông lạm dụng cách mạng để cưỡng bức tập thể. Người mẹ quá đau khổ mà tự vẫn, người cha trở nên mất trí, người chị trở nên chai sạn lầm lì, cô em sau này mãi không thể kìm nén nỗi sợ hãi cứ hãm cô trong bóng tối: “Cha tôi chẳng biết tôi là ai, tôi cũng thế.”
Đó là người phụ nữ bị Đảng sắp xếp hôn nhân. Chồng bà là người có địa vị chính quyền quan trọng, ông ta xem bà giống như miếng vải xám bạc màu, không dùng để may quần, trải giường, hay thậm chí làm giẻ rửa bát được, chỉ hữu ích để làm một cái giẻ lau chân. Với ông ta, chức năng duy nhất của người vợ ấy, là làm một bằng chứng về phẩm chất giản dị, cần cù và liêm khiết để ông ta có thể tiến lên vị trí cao hơn.
Đó là người đàn bà chờ đợi người yêu 45 năm, họ đều là trí thức bị đấu tố, bị giam cầm, bị chia cách và loạn lạc vì cuộc Đại Cách mạng Văn hóa.
Sách còn là mẩu chuyện về người mẹ đã thầm lặng hy sinh cho con, xem con là tất cả lẽ sống. Hay những người mẹ hứng chịu cơn động đất – thảm họa Đường Sơn năm 1976 – họ đã cố sống, xây dựng và điều hành một trại trẻ mồ côi để vơi phần nào nỗi đau âm ỉ trong lòng. Con gái của một người mẹ trong trại mồ côi, bị bọn đàn ông lợi dụng thảm họa để cưỡng hiếp đến mất trí, đến ngớ ngẩn. Sau khi được chữa lành, cô tự tử.
Đau đớn. Trần trụi. Nghiệt ngã.
Có quá nhiều nỗi đau và sự việc khủng khiếp đã diễn ra. Thủ phạm gây ra những chuyện đó là hàng xóm, bạn bè, thậm chí cha ruột, những kẻ đã mất kiểm soát đối với phần con trong thân xác và hành xử theo một cách đồi bại và ích kỷ nhất mà một người đàn ông có thể làm.
Hy vọng của những cô gái đó bị phá hủy. Họ, hoặc chết, hoặc sống mà như đã chết – với những bóng đen khủng khiếp của ký ức đi theo suốt đời. Những người phụ nữ đó chưa từng có thời gian để tận hưởng tuổi trẻ.
Trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa đen tối và hỗn loạn của lịch sử Trung Quốc, không chỉ một vài mà có cả trăm, nghìn, thậm chí cả triệu người phụ nữ bị chà đạp, lăng nhục, và hủy hoại. Nhưng tình mẫu tử, tình yêu và sức sống bền bỉ của các bà mẹ đã phần nào minh chứng cho sự kiên cường của phụ nữ. Họ vẫn cố gắng sống, tiếp tục nhìn về phía trước. Tất cả đã hoà máu và nước mắt cho bản trường ca ai oán mà bất diệt về những người phụ nữ Trung Hoa.
Nạn nhân của hủ lậu và Đại Cách mạng Văn hóa.
Đại Cách mạng Văn hóa Giai cấp Vô sản ở Trung Quốc thường gọi tắt là Đại Cách mạng Văn hóa, diễn ra trong 10 năm (05/1966 – 10/1976).
Suốt thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, bất kỳ người nào xuất thân từ gia đình giàu có, được học cao, là một chuyên gia hay học giả, có những mối quan hệ với nước ngoài, hay từng làm việc trong chính quyền trước năm 1949 đều bị xếp vào thành phần phản cách mạng, bị đưa đi đấu tố, bị đi đày, bị bỏ tù, gia đình ly tán.
Thời kỳ này có mốt đi về nông thôn để giáo dục lại. Nhân văn và trí tuệ bị đày đến những nơi mà ở đó đàn ông không biết đọc báo và đàn bà chỉ biết dạ vâng. Bởi mục đích bài tư sản mà những hủ lậu nông thôn được dịp hoành hành. Những người đàn ông lợi dụng cuộc cách mạng để cưỡng bức phụ nữ, thậm chí là trẻ em nữ mới lớn. Họ thả thú tính ra ngoài mà không sợ bất kỳ điều gì, dù gì thì người phụ nữ luôn luôn là đối tượng bị chửi, bị coi là đĩ điếm.
Những tác hại của Đại Cách mạng Văn hóa đối với xã hội Trung Quốc vẫn đang được xét lại, trong đó sự tàn hại tới những bản năng giới tự nhiên cũng là một nhân tố được tính đến.
Những cô gái lớn lên trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa bị vây quanh bởi sự ngu dốt, điên cuồng và trụy lạc. Trường học và gia đình không thể và cũng bị cấm trang bị cho chúng thậm chí những hiểu biết cơ bản nhất về giới tính. Chính nhiều bà mẹ và giáo viên cũng mù tịt về những vấn đề này.
Đại Cách mạng Văn hóa đã ném cuộc đời của quá nhiều người vào vòng loạn lạc, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội ở Hoa lục nên cũng được gọi là “10 năm hỗn loạn”, “10 năm thảm họa”.
Hạnh phúc là gì?
Đại Cách mạng Văn hóa đi qua đã lâu nhưng hệ lụy và nỗi đau của nó còn đọng lại và kéo dài, thời gian không thể làm vơi đi nỗi đau trong lòng những người phụ nữ ấy. Nhưng họ thấy biết ơn Hân Nhiên và Khinh Phong Dạ Thoại đã cho họ cơ hội để nói về những chuyện họ chưa từng dám hay không thể nói khi còn trẻ. Họ có được một không gian an toàn để bộc bạch nỗi lòng của mình mà không sợ bị chỉ trích hay phản ứng tiêu cực, họ nhẹ lòng vì điều đó.
Những số phận trong “Hảo nữ Trung Hoa” đều gặp nhau tại một điểm – bất hạnh, và dĩ nhiên, họ biết rằng họ không hạnh phúc. Chỉ riêng phụ nữ ở Đồi Hét là những người duy nhất nói rằng họ hạnh phúc.
Phụ nữ ở Đồi Hét – hình như đã bị bỏ lại phía sau ngay từ buổi đầu của lịch sử, sống một cuộc sống nguyên thủy giữa một thế giới hiện đại – họ không có một khái niệm nào về xã hội hiện đại, chưa nói gì đến một ý thức nào về quyền phụ nữ. Hạnh phúc của họ nằm ở sự dốt nát, những tập tục và sự thỏa mãn với niềm tin rằng tất cả phụ nữ trên đời này đều sống như họ – sống phụ thuộc và phục tùng đàn ông như một lẽ hiển nhiên, xem việc bị đổi chác qua lại cho cánh đàn ông là chuyện thường tình, vất vả làm lụng mà vẫn phải chịu sự đánh đập, hành hạ của chồng là số phận và sinh được một đứa con trai là tất cả hạnh phúc, sự kiêu hãnh và sự công nhận trong đời.
Hạnh phúc của họ nằm ở sự dốt nát, vậy thì có nên nói với họ về thế giới bên ngoài hay không?
Còn thế hệ phụ nữ lớn lên trong thời kỳ Cải cách mở cửa ở Trung Hoa thì sao? Họ như có một vách ngăn với thế hệ trước. Để tồn tại trong thế giới khắc nghiệt này, họ phải khoác lên người chiếc áo giáp cứng rắn và đè nén tình cảm thực của mình.
“Phụ nữ có nhân sinh quan gì không? Với phụ nữ thế nào là hạnh phúc? Và điều gì làm nên một người phụ nữ tốt?”
Xuyên suốt tác phẩm “Hảo nữ Trung Hoa”, Hân Nhiên dường như đang cố gắng tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên của cô sinh viên Kim Soái, nhưng có vẻ đáp án vẫn còn bỏ ngỏ. Chúng trở thành nỗi trăn trở đọng lại trong lòng mỗi độc giả khi khép lại trang sách cuối cùng.
- D5cy5zFr” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”> D5cy5zFr
- 2vmtQrgf” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”> 2vmtQrgf