Mùa hè năm 1941, một tác phẩm kinh điển của sân khấu Việt Nam ra đời, góp phần cho văn đàn hiện đại nước nhà thêm bề thế, tráng lệ. “Vũ Như Tô” là vở kịch đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, thể hiện triết lý nghệ thuật của nhà văn, đồng thời gửi gắm niềm xót thương cho một kiến trúc sư tài hoa sinh bất phùng thời.
Trong sách chính sử, nhân vật lịch sử Vũ Như Tô mang nhiều tiếng xấu vì phụng sự hôn quân, bị kết tội là gian thần hại nước. Việc kết tội của các sử quan dường như có phần nặng nề đối với một người thợ xây dựng tài ba hiếm gặp, vốn không đủ tri thức để hiểu thời cuộc mà chỉ khát vọng dùng cái tài của mình cống hiến cho non sông. Mang tấm lòng quý trọng tài hoa đồng thời xót thương cho thân phận ấy, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết vở kịch “Vũ Như Tô” với ngòi bút phần nào nương nhẹ và phân trần cho bậc kiến trúc sư kỳ tài.
Đăng lần đầu trên báo Tri Tân vào năm 1943, xuất bản thành sách vào năm 1946, “Vũ Như Tô” là vở kịch lịch sử năm hồi, mỗi hồi gồm nhiều lớp. Tác phẩm sau đó được tái bản nhiều lần, cũng được công diễn không ít trên sân khấu Thủ đô cả trước và sau Cách mạng tháng Tám.
Đọc thêm review tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng:
- Lũy hoa – Chiến lũy trên bạt ngàn hoa.
- Sống mãi với thủ đô – Dấu chấm lửng đầy tiếc nuối trong văn nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng.
- Đêm hội Long Trì – Nỗi lòng hậu thế gửi người thiên thu.
Một lát cắt lịch sử cuối vương triều vua Lê Tương Dực.
Kịch bản mở ra một không gian lịch sử vừa quen vừa lạ, ở một cung cấm của vua Lê, tại kinh thành Thăng Long dưới thời vua Lê Tương Dực (1495 – 1516).
Lúc bấy giờ nhà vua đã bỏ bê triều chính, sa vào tửu sắc, hoang dâm vô độ. Y muốn xây một cung điện trăm nóc huy hoàng tráng lệ, trong đó có đài cao chín tầng gọi là Cửu trùng đài, chỉ để làm nơi vui chơi với bọn cung tần mỹ nữ, cùng nhau vui sướng mặc sự đời. Y phát hiện ra Vũ Như Tô, một kiến trúc sư có hoa tay tuyệt thế:
“Sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ.” (Hồi I)
Vũ Như Tô vốn là một nghệ sĩ có tâm hồn cao cả, trọng nghĩa khinh tài, không màng danh lợi, nên mặc cho Lê Tương Dực dọa giết, ông vẫn ngang nhiên chửi mắng hôn quân và kiên quyết từ chối xây Cửu trùng đài. Cung nữ Đan Thiềm vì phục tài mến nghĩa, khuyên nhủ Vũ chấp nhận yêu cầu của vua, không phải để phục vụ vua mà là cống hiến tài năng điểm tô cho đất nước, xây một tòa lâu đài nguy nga trường tồn với vũ trụ. Được gợi nhắc về hoài bão lớn lao hằng ôm ấp trong lòng, Vũ Như Tô siêu lòng nghe theo.
Từ khi bắt tay vào xây dựng, Vũ Như Tô dốc hết sức lực và tâm trí vì một công trình toàn bích, một lòng hướng tới cái đẹp không tì vết, đặt mộng lớn lên trên tất cả đến mức mờ mắt, đến mức mơ màng… Đến mức không nghe không thấy tiếng oán than khắp trời của dân chúng.
Đến cuối cùng, bạo loạn nổi lên, Cửu trùng đài vùi trong biển lửa, Vũ Như Tô bị đưa ra pháp trường, vương triều Lê Tương Dực bị lật đổ.
Chỉ thông qua một lát cắt lịch sử về sự kiện xây Cửu trùng đài – một kiến trúc được coi là vô tiền khoáng hậu nếu như được hoàn thành, Nguyễn Huy Tưởng đã khắc họa nên một bi kịch lớn đầy xung đột và đa chiều, đồng thời gửi gắm triết lý nghệ thuật của nhà văn – động cơ nghệ thuật dù có tốt đẹp đến đâu nhưng nếu đi ngược lại quyền lợi của nhân dân thì tất yếu sẽ thất bại và phải trả giá đắt.
Bi kịch người tài hoa sinh nhầm thời đại.
“Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì?” (Hồi V) – Tiếng Vũ Như Tô rú than trước ngọn lửa nuốt trọn Cửu trùng đài, nuốt trọn giấc mộng lớn, nuốt trọn viễn cảnh thế nhân nghìn thu được hãnh diện.
Tài làm gì khi sinh thời đất nước trị vì bởi một hôn quân? Tài làm gì khi bị bắt bớ như một kẻ thủ ác? Nghe theo vua thì làm hại dân chúng đương thời, không nghe theo vua thì bị tru di cửu tộc.
“Hãy đi bắt chín họ nó về, bất kỳ già trẻ lớn bé đem ra chợ chém ngang lưng bêu đầu ngoài chợ. Còn Vũ Như Tô thì giam nó lại, ngày đêm khảo đả, cho nó chịu muôn đường thống khổ, rồi đem làm tội lăng trì.” (Hồi I)
Dưới chế độ của một tên hôn quân kiêm bạo quân đó, cái tài của họ Vũ nằm trong mớ tự do chật chội chẳng thể cựa mình, làm bia miệng cho người đời hay là bị diệt cả dòng dõi thân nhân? Những tưởng trước tuyệt lộ cũng đã muốn buông bỏ hết thảy mà trả thân cho trời đất, lại đúng lúc gặp được người quý trọng tài hoa.
Nhan sắc phụ người, tài hoa mua vạ. Hai tâm hồn đồng điệu vừa gặp nhau đã tựa như tri kỷ. Họ cùng yêu quý cái đẹp, cùng khát khao sáng tạo một tòa đài hoa lệ tô điểm cho đất nước, cùng mong muốn xây nên một niềm kiêu ngạo cho hậu thế. Đáng tiếc mộng có đẹp nhưng sai thời điểm. Đan Thiềm và Vũ Như Tô đã không có được cái nhìn toàn cục với thời thế. Một đất nước mà vua ăn chơi sa đọa tin dùng nịnh thần, quan lại bòn rút áp bức nhân dân, thuế khóa tăng, lao dịch nặng, thiên tai nhân họa chồng chất thì lấy đâu ra của cải mà xây dựng Cửu trùng đài? Lấy đâu ra lòng người hợp lực mà đòi tranh tinh xảo với Hóa công?
“Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải.
Đài Cửu trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? Tháp người Hời nguyên là giống Angkor!”
(Trích lời Đề từ “Vũ Như Tô”, 08/06/1942)
Nguyễn Huy Tưởng băn khoăn, độc giả của ông cũng day dứt. Chẳng biết ai phải, nhưng kẻ không phải chắc chắn là Lê Tương Dực và bọn gian nịnh thần. Vũ Như Tô nói cho cùng cũng chỉ là bậc tài hoa sinh nhầm thời đại, trở thành vật hy sinh cho những mục đích xấu xa của cường quyền. Nếu không có Vũ Như Tô – “Trẫm sẽ gọi hết cả thợ trong nước về xây đài, kẻ nào trái ý chém bêu đầu làm lệnh.” (Hồi I) – Kẻ đáng nguyền rủa và lên án muôn đời, kẻ đầu sỏ của mọi bi kịch là tên bạo chúa Lê Tương Dực và bè lũ gian thần Nguyễn Vũ kia.
Giá mà thiên tài Vũ Như Tô được phụng sự cho một bậc minh quân, được sống dưới thời quốc gia thịnh vượng, nước mạnh dân giàu, nhu cầu tô điểm đất nước trở nên cần thiết và được ủng hộ. Thì biết đâu bây giờ thế giới đã có thêm một kỳ quan nằm trên đất nước Việt Nam!?