Trải qua năm lớp 8, nhóm 4 người bạn Ijima Anri, Ichii Kazuma, Satodate Miho, Maehata Hisakuni ngày càng trở nên thân thiết. Nhưng càng thân thiết, nhóm bạn lại càng bất an khi đối diện với khoảng thời gian lớp 9, khoảng thời gian chia ly đang ngày một tới gần. Hoang mang, vô định, âu lo… về môi trường mới và tương lai lần nữa ập đến, buộc những đứa trẻ phải đối mặt, với ngưỡng cửa trưởng thành.
Mùa xuân và “bất an”
Cuốn 1 của bộ truyện Từ khung cửa sổ lớp 7D khép lại với khung cảnh của “Năm mới”, để cuốn 2, bắt đầu từ mùa xuân, được mở ra bằng hình ảnh “Dưới cơn bão hoa anh đào.” Vào thời điểm này, thời gian đã bước sang năm học mới, nhóm bạn của Anri, Kazuma, Miho và Hisakuni cũng chính thức trở thành học sinh cuối cấp, học sinh lớp 9. Vòng quay đất trời, lần nữa xoay vần, khiến nội tâm những đứa trẻ vốn đã bình lặng trở lại sau rất nhiều xao động tuổi mới lớn; thêm lần xốn xang khi nhận ra, thời khắc chia tay đang cận kề. “Chính vì chưa từng nghĩ tới khó khăn hay nỗi khổ cụ thể nào nên các cô học trò mới mơ hồ cảm thấy tương lai bất an. Không phải lấy cớ vì mình là trẻ con, vì mình mới là học sinh cấp hai để sống một cách vô tư lự được.”
“Dưới cơn bão hoa anh đào” của thị trấn anh đào nở muộn như Ashiwara, bung nở bao “bất an” mới trong cõi lòng những đứa trẻ. Nếu như năm lớp 8, mỗi cô bé, cậu bé phải học cách hòa hợp, mở lòng và vị tha với bạn bè, những con người chúng cảm thấy “an toàn” và “bình yên” khi ở bên cạnh thì lên năm lớp 9, là nỗi lo mất mát hiện rõ khi tình bạn chúng mới xây đắp chưa được bao lâu, đã có thể vì không gian và thời gian rồi chia cắt. Khi đấy, những đứa trẻ vốn từng yếu đuối, thu mình, lạc bước rất lâu mới có thể tìm đến với nhau; không lẽ, một lần nữa chúng lại phải quay về “vòng an toàn”, bên cạnh những người chúng gọi “bạn” mà vẫn thấy muôn vàn cô đơn hay sao?
Nếu năm lớp 8, là cuộc tranh đấu của những đứa trẻ cho hành trình chúng nhìn nhận con đường, theo đuổi ước mơ hay thả trôi bản thân mặc thời gian đưa đẩy. Để cuối cùng, chúng có thể mạnh mẽ bước đi bằng chính đôi chân đến tương lai và nắm lấy ngày mai bằng tất cả khát khao lẫn nghị lực của tuổi trẻ nhiều ước vọng. Thì lên năm lớp 9, càng đến giai đoạn quyết định, đối diện với thứ tương lai vô định thì nỗi “bất an” nhanh chóng trở thành sự lo lắng thậm chí là hụt hơi, trống rỗng.
Đến nỗi, đôi bạn ngỡ rằng luôn tràn đầy năng lượng như Miho và Hisakuni cũng có phút giây nản lòng, muốn buông xuôi. Đến nỗi, một chàng trai đã phải gồng mình lên trước gia đình để bảo vệ đam mê như Kazuma, cũng có khoảnh khắc chán nản, thở dài. “Đây là khoảng thời gian các em có những băn khoăn, trăn trở riêng. Ví dụ như chỉ nghĩ tới việc sẽ phải chia tay bạn bè thân thiết cũng đủ tạo thành gánh nặng tinh thần đối với học sinh cấp hai rồi.”
Quả thực, tác giả Asano Atsuko đã có cái nhìn thấu hiểu và đầy tinh tế với mỗi cô bé, cậu bé trên trang viết của cô nói riêng, những đứa trẻ tuổi mới lớn nói chung. Thế giới của tụi nhỏ tuổi ẩm ương đó nhỏ bé lắm. Nhưng chính vì thế, chỉ cần một dự cảm về rạn vỡ cho thế giới bé nhỏ chúng nâng niu, xây đắp cũng đủ khiến tuổi trẻ hoang mang mà buồn bã, u sầu.
Dưới cơn bão hoa anh đào, có cơn bão cuộn sóng trong lòng tụi nhỏ tuổi 14, 15 như vậy đấy.
Trưởng thành và quá khứ
Nói trưởng thành với những đứa trẻ tuổi 14, 15, mới bước sang lớp 9 và chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cấp ba liệu có hơi sớm không? Thiết nghĩ là không. Bởi những đứa trẻ trên cả trang sách Từ khung cửa sổ lớp 7D và đặc biệt, trong cuốn 2, đã chín chắn và người lớn hơn nhiều lắm. Mà chẳng phải, bao điều chúng “bất an”, bản thân chính người trưởng thành trong cuộc sống bộn bề, vẫn vướng phải hay sao? Và chẳng phải, khi vượt qua được tất thảy lo lắng, sợ hãi, hoài nghi, bồn chồn, người ta lại càng thêm cứng cáp, trưởng thành đó ư?
Chắc chắn, nhóm bạn Ijima Anri, Ichii Kazuma, Satodate Miho, Maehata Hisakuni không thể biết trước tương lai sẽ thế nào. Tương lai là thứ mơ hồ đầy xa vời, chỉ có hiện thực họ đang sống là hiện hữu ngay trước mắt. Hiện thực phải xa bạn bè khi kết thúc thời cấp hai, mỗi người sẽ đi theo con đường riêng để vươn tới ước mơ đã định trước. “Miho theo học khoa sinh dưỡng trường cấp ba Seido, Hisakuni học khoa thể dục trường cấp ba Koyama và Kazuma học khoa nghệ thuật học viện Biryo.” Chỉ có Anri, tiếp tục học lên cấp ba Ashiwara mà thôi.
Nhưng hiện thực hôm nay, sẽ trở thành quá khứ của ngày mai và tương lai sau này, cũng sẽ thành hiện thực bây giờ; bởi thế, những đứa trẻ đâu thể mãi lo được lo mất. Chỉ rằng, khi thay đổi môi trường sống, xung quanh toàn những người xa lạ, áp lực từ cuộc sống của học sinh cấp ba cũng khác rất xa với thời học sinh cấp hai năm nào. Và cả hai chữ “tương lai” vẫn tiếp tục đè nặng lên vai những đứa trẻ đang dần khôn lớn từng ngày; nên cảm giác chông chênh, lạc lõng trên chính con đường chúng đã chọn, dù có tiêu cực thì vẫn là thứ cảm xúc dễ hiểu, dễ cảm thông và cần thiết, cho bước đệm để chúng tiến gần hơn đến hai tiếng “trường thành.”
Tuy nhiên, thế giới người lớn thật sự rất khắc nghiệt và ẩn chứa nỗi cô đơn vô hạn. Mà như tác giả Shizukui Shusuke từng viết trong cuốn Nhật ký bị lãng quên: “Cậu vẫn khỏe chứ? Đã quen với cuộc sống thành phố chưa? Có bạn nào chưa?…/ Làm gì có ai./ Lên Tokyo cũng được một năm rưỡi rồi./ Sao tôi thấy buồn bã, cô đơn đến thế.” Và những đứa trẻ, chớm bước đến ngưỡng cửa đó, không khỏi lạc bước mà như đánh mất bản thân, đánh mất chính mình. Như những bước chạy của Hisakuni trên cấp ba, không còn đầy nhiệt huyết, phóng khoáng như cấp hai hay nụ cười của Miho, đã chẳng nở trong một lớp học, cô bé như không thể hòa nhập.
Khi ấy, quá khứ như trở thành sợi dây níu giữ chút “bình yên” cho tâm hồn những đứa trẻ chưa hẳn đã lớn nhưng lại sớm mang quá nhiều gánh nặng cùng ưu phiền. Quá khứ nằm ở nơi lưu dấu kỉ niệm đã qua, nằm ở những người đã cùng sẻ chia ký ức. Để dù hiện tại, họ không còn bên nhau thì sợi dây liên kết mang tên kỉ niệm hay ký ức đó vẫn hiện hữu. Quá khứ có thể níu giữ bước chân con người mà khiến người ta mãi trầm sâu khôn dứt. Nhưng quá khứ cũng có thể trở thành động lực, cho con người tiến bước. Đơn thuần, chỉ vì họ biết, đến tận cùng, họ không hề cô độc:
“Chúng mình đã không còn có thể quay về làm học sinh cấp hai nữa.
Nhưng chúng mình có thể tiến về phía trước một học sinh cấp ba.
Có thể vừa ngoái lại đằng sau vừa thầm tiến về phía trước.”
Khi thời gian hay khoảng cách cũng không thể chia lìa tình bạn
Một trong những âu lo của nhóm bạn Ijima Anri, Ichii Kazuma, Satodate Miho, Maehata Hisakuni trước khi bước vào cấp ba chính là họ không thể ở bên nhau được nữa. “Mỗi người một lối đi riêng” để “Vươn tay hướng về phía sánh sáng.” Tuy nhiên, mối liên kết bạn bè thật sự đâu dễ bị phá vỡ chỉ vì thời gian hay không gian?
Chỉ là, trong trái tim những người gọi nhau là “bạn”, thực sự có nhau hay không. Bởi bạn bè, đâu nhất thiết phải gặp nhau hàng ngày, cùng cười cùng chơi. Mà tình bạn, là khi không còn gần nhau, vẫn nghĩ về nhau mỗi khi cô đơn, yếu lòng, vẫn thấu hiểu, vẫn mong ngày gặp lại để đến khi hội ngộ, có thể rơi nước mắt vì nhau. “Tuy không thể ở bên nhau mỗi ngày, nhưng hãy cùng cố gắng tại nơi mình đang sống. Cố gắng dành thời gian để gặp mặt, trò chuyện, cùng tổ chức tiệc mỗi người góp một món ăn, thậm chí, chỉ là cùng nhau bước đi trong im lặng.”
Mang dung lượng còn ngắn hơn tập 1 nhưng ở Từ khung cửa sổ lớp 7D tập 2, tác giả Asano Atsuko vẫn phô bày một giọng văn tinh tế đến sắc sảo mà vẫn rất mực thơ mộng, dịu dàng. Bởi cuối cùng, những câu văn cô viết, vẫn là cho tuổi trẻ của nhóm bạn Ijima Anri, Ichii Kazuma, Satodate Miho, Maehata Hisakuni, tuổi trẻ cô đã trải qua và tuổi trẻ của chúng ta, những ai đã từng lạc bước, hụt hẫng, bơ vơ và đơn độc trong chính độ tuổi nhiệt thành nhất.
Từ khung cửa sổ lớp 7D, tình bạn đã mở ra giữa những đứa trẻ nhạy cảm mang nhiều tâm sự. Và cũng Từ khung cửa sổ lớp 7D, những đứa trẻ vượt qua nỗi cô đơn, bất an mà khôn lớn, trưởng thành với niềm tin rất đẹp rằng “Chúng mình là bạn bè” và “Bọn mình được kết nối với nhau mà.”