Qua những biến đổi nhặt khoan, những mỉa mai bay bổng, truyện ngắn “Sẽ không ai cười” của Milan Kundera khám phá bản ngã con người và đào sâu tận cùng cái tôi cá biệt bằng phương cách tra vấn suy nghiệm vô cùng sắc sảo.
Là tác phẩm văn xuôi đầu tiên trong sự nghiệp tiểu thuyết gia của Milan Kundera sau những bước dò đường định hình phong cách, “Sẽ không ai cười” là truyện ngắn thứ nhất cũng là truyện ngắn được viết sớm nhất trong tuyển tập “Những mối tình nực cười” (tựa tiếng Anh “Laughable loves”, viết ở Bohemia từ năm 1959 đến năm 1968), và ngay lập tức tác giả đã khẳng định được mảnh đất của riêng mình trên cánh đồng văn xuôi rộng lớn.
Đọc thêm:
- Tranh biện – Một trong những mối tình nực cười.
- Chậm – Giấc mộng đêm hè trong văn chương Pháp.
- Cây cam ngọt của tôi – Người gìn giữ sự trìu mến!
- Người ăn chay – Nỗi niềm trăn trở về nhân tính!
Chuyện nhà khoa học thích đùa.
“Sẽ không ai cười” gồm 2 phần lớn chia làm 13 chương nhỏ, được kể theo ngôi thứ nhất.
Nhân vật “tôi” không được gọi tên, anh đang giảng dạy và nghiên cứu lịch sử hội họa tại một trường đại học. Anh dạy hay, được sinh viên yêu quý. Anh nghiêm túc với công việc và khoa học. Anh ít nói, thỉnh thoảng nói đùa nhưng ít ai hiểu. Anh yêu Klara, cô thợ may của anh.
Mọi rắc rối bắt đầu sau khi công trình nghiên cứu của anh được đăng trên tạp chí khoa học. Bưu kiện nhận về bao gồm ngân phiếu nhuận bút, một lá thư và một bản thảo chờ đăng báo. Lá thư đến từ Zaturecky, cũng là một người say mê khoa học. Zaturecky ngưỡng mộ và ca tụng anh, đồng thời nhờ anh viết một bản tóm tắt bản thảo của lão rồi gửi cho tờ tạp chí đã từ chối bài viết này suốt sáu tháng nay, những mong lời của một chuyên gia như anh sẽ chứng minh được giá trị nghiên cứu của lão.
Vấn đề xuất hiện. Công trình ngốn ba năm trời nghiên cứu tìm tòi của Zaturecky là một mớ hổ lốn những thứ cũ mòn chắp vá, không chút ý thức về phát triển logic, cũng không có lấy nổi một ý tưởng độc đáo. Zaturecky có thể đã không cố ý đạo văn, nhưng lão quy thuận mù quáng trước các bậc đại thụ đi trước. Vì thế, với tinh thần khoa học nghiêm túc, nhân vật “tôi” không thể viết một bản tóm tắt hơi hướm tán thưởng về công trình không hề có giá trị này được. Nhưng anh cũng không muốn viết lời cay độc nào, anh không muốn biến người ngưỡng mộ mình thành kẻ thù, anh ghét phải nói thẳng cho ai đó những chuyện không mấy vui vẻ. Cuối cùng anh chọn không viết một bài tóm tắt nào cả.
Quyết định tránh né của nhân vật “tôi” đạp phải tấm sắt cứng là sự bướng bỉnh đến điên rồ của Zaturecky. Mọi nỗ lực đeo bám của lão khiến anh từ lãng tránh, đến bực mình, đến tức giận, rồi quyết định chơi khăm lão một vố.
Trò bông lơn của nhân vật “tôi” – người tuyên bố ý nghĩa cuộc sống chính là chơi đùa với cuộc sống, gặp phải Zaturecky – người đàn ông sống cuộc đời khắc kỷ như những vị thánh, đã đẩy mọi chuyện đi xa ngoài tầm với. Anh mất việc, mất cả người yêu.
Rốt cuộc, câu chuyện này là bi kịch hay hài kịch?
Tình yêu buồn cười là tình yêu lột đi tính trầm trọng.
Đây là quan điểm của Kundera, trích từ phỏng vấn đăng trên quý san văn học The Paris Review năm 1983 do Christian Salmon thực hiện:
“Ngay cả “Những mối tình nực cười”. Đừng thấy tựa cuốn sách như vậy rồi nghĩ đó là những “chuyện tình thú vị”. Ý niệm về tình yêu bao giờ cũng dính dáng đến sự trầm trọng. Nhưng phạm trù “tình yêu buồn cười” là tình yêu lột đi tính trầm trọng. Một ý niệm bức thiết cho con người hiện đại.”
Tình yêu của Klara xinh đẹp có dính dáng đến sự trầm trọng không? Hẳn nhiên là có!
Klara bị cho vào sổ đen cán bộ và phải làm công nhân may vì bố nàng là cựu giám đốc ngân hàng – đại diện cho tầng lớp đại tư sản, khoảng năm 1950 bị trục xuất khỏi Praha và đến ở làng Celakovice. Tình yêu mà nàng mong chờ là thứ tình yêu có thể giúp nàng không phải đối mặt với cái máy may trong xí nghiệp Praha nữa, và có thể giúp nàng có một căn hộ cũng như một việc làm ổn định. Vậy mà anh chàng người yêu là nhà khoa học triển vọng của nàng đã không đáp ứng được nỗi mong chờ ấy, chỉ vì anh ta thà nói dối triền miên một cách “vô sỉ” còn hơn phải viết tóm tắt cho một công trình nhảm nhí. Thế là nàng bỏ phắt người yêu.
Tình yêu của nhân vật “tôi” có dính dáng đến sự trầm trọng không? Hầu như là không.
Anh rất yêu Klara. Vì nàng đẹp. Vì nàng trẻ. Vì hàng nghìn lý do khác, lại như không vì lý do gì. Anh yêu nàng. Ngay cả khi đứng trước ủy ban dân phố để giải thích cho mớ rắc rối và bị chụp mũ nghiêm trọng, ý nghĩ của anh vẫn là tách những người này xa ra khỏi Klara, đánh lạc hướng họ khỏi nàng. Ngay cả khi đứng trước nguy cơ mất vị trí bổ nhiệm, mất gia hạn hợp đồng công việc, vị trí then chốt của anh vẫn là tình yêu với cô thợ may.
Tình yêu đơn thuần đó bỗng hóa nực cười trước những lợi ích hữu hình.
Đến cuối cùng, ngồi nhìn bóng lưng xinh đẹp sau khi bị “đá”, anh chợt nhận ra câu chuyện của mình không thuộc loại bi kịch, mà đúng hơn là hài kịch. Một mối tình nực cười.
Chuẩn mực của mỗi người không giống nhau.
“Anh là một kẻ vô sỉ điển hình.”
Klara thốt lên như thế trước khi vứt bỏ người yêu.
Thật thế chăng? Nói dối chèm chẹp thì có vô sỉ chăng?
Khi anh viết cho Zaturecky nói là ý kiến của anh không hề có giá trị gì với tờ tạp chí, anh nói dối để không phải nói thẳng rằng công trình của lão quá kém. Khi anh nói với Zaturecky là lão định cưa cẩm Klara, anh nói dối vừa vì đùa dai lại vừa vì tức giận khi bị đeo bám điên rồ. Khi anh bịa về cô Hélène trước uỷ ban dân phố, anh nói dối để bảo vệ Klara…
Nhưng khi đứng trước một công trình nghiên cứu chắp vá không chút giá trị nào, anh không thể nói dối rằng nó hay ho độc đáo được. Nhân vật “tôi” có điểm mấu chốt của riêng mình, đó là khoa học thuần túy, đó là niềm say mê của anh.
“Anh có thể bịa ra đủ thứ trên đời, chơi xấu người khác, dựng lên đủ mọi thứ huyền thoại, làm đủ loại trò đùa, anh không hề có cảm giác mình là kẻ nói dối; những lời nói dối đó, nếu em cứ nhất định gọi chúng là những lời nói dối, chính là anh, là con người của anh; với những lời nói đó, anh không che giấu điều gì hết, khi nói những lời nói dối đó thực ra là anh đang nói thật. Nhưng có những điều mà anh không thể nói dối được. Có những điều mà anh biết đến tận chân tơ kẽ tóc, nên anh hiểu được ý nghĩa, và anh yêu quý. Anh không đùa với những điều đó. Nói dối về chúng sẽ hạ thấp chính bản thân anh, và anh không thể làm được, đừng đòi anh phải làm điều đó, anh sẽ không làm đâu.”
Kundera đào sâu đến tận cùng cái tôi cá biệt bằng phương cách tra vấn suy nghiệm vô cùng sắc sảo. Ông truy xét vào mã số hiện sinh của từng nhân vật. Những khả hữu hiện sinh của nhân vật “tôi”: đàn ông, tình yêu, nghiêm túc khoa học, bông lơn… tuần tự phơi bày qua tình huống, qua hành động. Từ ngòi bút minh triết ấy, mỗi nhân vật được “sống” vô cùng sinh động và cá tính với chuẩn mực riêng của bản thân, không lệ thuộc vào định kiến hay thói quen, không bị áp đặt bởi bất cứ giá trị nền tảng nào.
Milan Kundera “đã tìm thấy mình”.
Kundera từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên tờ The Review of Contemporary Fiction vào năm 1989:
“Cho đến năm 30 tuổi, tôi đã viết nhiều thứ: nhiều nhất là về âm nhạc, nhưng có cả thơ và một vở kịch. Tôi làm việc theo nhiều hướng khác nhau – để tìm kiếm giọng nói của mình, phong cách của mình và đi tìm chính mình. Với truyện đầu tiên của tập “Những mối tình nực cười” (được viết năm 1959), tôi đã có thể chắc là “đã tìm thấy mình”. Tôi trở thành người viết văn xuôi, tiểu thuyết gia, và tôi không còn là cái gì khác ngoài đó nữa.”
Truyện đầu tiên mà Kundera nhắc đến, chính là truyện ngắn “Sẽ không ai cười”.