“Rễ Trời” của Romain Gary được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về sinh thái học, đi từ cái nôi của nhân loại để giữ gìn khoảng lề của nhân loại.
“Những con voi trong tiểu thuyết của tôi hoàn toàn không phải là phúng dụ: chúng bằng xương bằng thịt, cũng như chính các quyền con người…” – Romain Gary.
Đọc thêm:
- Đêm – Hồi ký của một nhân chứng Do Thái ngoi lên từ địa ngục của Hitler!
- Max – Bi kịch của “Chủng tộc thượng đẳng”
- Nhẫn thạch – Chim di cư sững lại giữa đà bay…
Một cuốn sách hay nhưng cực kỳ khó đọc.
“Rễ Trời” mang về cho Romain Gary giải Goncourt danh giá đầu tiên trong sự nghiệp văn chương của ông. Mà đã nhắc đến Goncourt, có lẽ bên cạnh giá trị nội dung được khẳng định thì cũng gắn kèm cả sự khó đọc nữa.
Tác phẩm là câu chuyện về hành trình bảo vệ voi của Morel, một tay người Pháp được dư luận nhìn nhận là điên rồ hằn học, là một kẻ ghét người hay thậm chí là một kẻ muốn chuyển loài – nhưng sự thật thì như thế nào?
Với tổng số 619 trang trong ấn bản tiếng Việt, “Rễ Trời” đồ sộ cả về hình thức lẫn nội dung, được chia làm ba phần với nhiều giọng kể khác nhau. Phần thứ nhất xây dựng truyền thuyết về Morel. Phần thứ hai trình bày sự trỗi dậy của Waitari – lãnh tụ của một nhóm người Châu Phi tìm cách lợi dụng Morel vì mục tiêu dân tộc chủ nghĩa. Phần thứ ba tập trung vào nhiếp ảnh gia người Mỹ tên Fields – sau tai nạn máy bay, Fields được dịp chứng kiến vụ thảm sát voi ngoạn mục ở Hồ Kuru, anh ta đã tìm thấy chính mình trong quá trình đồng hành cùng nhóm của Morel. Ở cuối cuốn tiểu thuyết, Morel một lần nữa biến mất trong vùng trảng bụi, một mình.
Sự phong phú của các giọng kể, khởi nguồn từ nhiều nhân vật với đa dạng danh tính. Họ là nhà chính trị, nhà truyền giáo, gái mại dâm, nhà tự nhiên học, cảnh sát, thợ săn, kẻ buôn lậu, cựu chiến binh, lính đào ngũ, nhiếp ảnh gia… Họ là người da đen, da trắng, da màu. Họ là người Pháp, người Đức, người Anh, người Đan Mạch, người Ả Rập, người dân của Châu Phi Xích đạo thuộc Pháp… Họ là người tốt, người xấu, hoặc là người bình thường mang trong mình nỗi đau riêng luôn cố gắng sống tốt nhưng vẫn có những tính xấu rất con người. Mỗi người đều có sự giao thoa với nhân vật chính. Và mỗi nhân vật, kể cả Morel, đều mang trong mình một nỗi cô đơn vô tận. Dưới ngòi bút tài hoa của Romain Gary, họ có dịp đưa ra góc nhìn của mình về Morel và cuộc thập tự chinh của anh. Qua đó, “cái tôi” của họ được thể hiện, nội tâm của họ được giãi bày với những suy nghĩ, lập luận, quan điểm, lý tưởng riêng biệt liên quan đến nhiều chủ đề rộng lớn: chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa toàn trị, chủ nghĩa thực dân, hiện đại hóa, bảo vệ thiên nhiên… Mà đến nay, sau gần 70 năm, thậm chí hơn thế nữa, những chủ đề đó vẫn nóng hổi tính thời sự.
Dẫu phải truyền đạt vô số quan điểm, trong nhiều cuộc chạm trán và đụng độ, đối thoại và đối đầu liên tục, thì Romain Gary vẫn luôn thể hiện rõ ràng và rành mạch giữa các tuyến. Sự đa dạng trong giọng kể ấy tạo nên một cuốn tiểu thuyết như một dàn hợp xướng, đầy phức tạp và biến hóa nhưng không làm lu mờ tư tưởng của tác giả. “Rễ Trời” bởi vậy mà chẳng hề dễ đọc, nhưng nếu đã bắt được mạch truyện rồi thì khó lòng mà dứt ra được.
Đi từ cái nôi của nhân loại để giữ gìn khoảng lề của nhân loại.
Không phải ngẫu nhiên mà lục địa già Châu Phi được Romain Gary lựa chọn làm nơi diễn ra câu chuyện – một câu chuyện hư cấu trên nền bối cảnh địa lý, bối cảnh lịch sử và bối cảnh xã hội có thật.
Được xuất bản năm 1956, “Rễ Trời” mang tinh thần thất vọng về nhân loại đặc trưng cho thời kỳ hậu chiến. Phương Tây với vết thương chiến tranh chưa kịp lành loạng choạng dưới sức nặng của ý thức hệ điều khiển chính trị và kinh tế. Các thuộc địa trở thành điểm đến lý tưởng nơi những đứa con Châu Âu bị ruồng bỏ và bị gạt ra bên lề, những người tin rằng họ nhìn thấy trong khung cảnh Châu Phi bao la không chỉ là cơ hội để cứu chuộc cá nhân mà còn cho cả nhân loại.
Câu chuyện diễn ra khi quá trình phi thực dân hóa đang ở giai đoạn sơ khai, tại Châu Phi Xích đạo thuộc Pháp, Morel, một người Pháp ngoi lên từ địa ngục của Đức Quốc xã, đã tiến hành công cuộc bảo vệ loài voi, một giống loài đang bị cả người bản địa và người định cư tàn sát – vế trước vì thịt, còn vế sau vì ngà hoặc điều gì đó đại loại là nét đẹp thể thao. Morel đi khắp nơi với một bản kiến nghị kêu gọi áp dụng các biện pháp bảo vệ voi trên phạm vi quốc tế và không ngần ngại gây chú ý bằng những hành động trừng phạt đối với các đối tượng cụ thể.
Thế nhưng, ngay cả khi cuộc đấu tranh của Morel khơi dậy được sự đồng cảm của dư luận Châu Âu, thì người ta cũng không hiểu anh theo cách đơn giản và đúng đắn nhất, mà cứ gắn anh với những động cơ phức tạp. Ai cũng đặt lên anh những hy vọng của họ, những cuộc nổi loạn của họ, những suy diễn, những niềm thù hận bí mật hoặc cả lòng ghét người của chính họ… Để rồi họ tung hô anh, căm ghét anh, lợi dụng anh.
Mục đích duy nhất của Morel, là bảo vệ voi. Động cơ duy nhất của Morel, là bởi vì anh yêu tự nhiên. Morel là một nhân chứng sống chui ra từ trại lao động cưỡng bức – một sản phẩm của nền văn minh thuần túy vị lợi – với khát khao gìn giữ “khoảng lề nhân loại” đã đi đến quyết tâm bảo vệ voi, bảo vệ động vật Châu Phi, bảo vệ tự nhiên.
“Con người nhất thiết phải lưu giữ được một thứ gì đó khác ngoài thứ cho phép họ làm đế giày hay máy khâu, họ phải để chừa một khoảng lề nhỏ, một chỗ bảo tồn, nơi họ có thể đến ẩn náu đôi khi. Chỉ lúc đó người ta mới có thể khởi sự nói đến một nền văn minh. Một nền văn minh chỉ thuần túy vị lợi sẽ luôn đi đến tận cùng, nghĩa là đến các trại lao động cưỡng bức. Chúng ta phải để chừa một khoảng lề nhỏ. Và rồi, tôi sẽ nói với anh… Chẳng có gì để mà quá tự hào, phải không nào? Thực sự là chỉ còn mỗi tháp Eiffel để chúng ta tự cho phép mình nhìn từ trên cao xuống tàn dư của sáng tạo.”
“Rễ Trời” của Romain Gary được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về sinh thái học, nhưng những gì mà nó mang đến đã vượt qua định nghĩa đó, và để lại cho hậu thế một dư vị cay đắng với nhiều câu hỏi sau khi khép lại trang sách cuối cùng: Liệu rằng những cuộc chiến đạo đức đặt động vật làm trung tâm có hợp lý trong một thế giới mà con người đang phải chịu đựng nạn đói và bất công dưới nhiều hình thức hay không? Liệu rằng các chiến dịch đạo đức có cần phải tuân theo một bảng xếp hạng cho cái này hơn cái kia hay không? Liệu rằng việc từ bỏ các hủ tục truyền thống có làm cho con người mất đi một điểm tựa tinh thần được truyền đời qua nhiều thế hệ hay không? Đâu là giải pháp tương thích cho công nghiệp hóa và nạn phá rừng, cho tiến bộ và bảo tồn thiên nhiên?…
Sau tất cả những trăn trở ấy, “Rễ Trời” của Romain Gary nhắc nhở con người một sự thật hiển nhiên không bao giờ cũ: bảo vệ động vật là một hành động nhất thiết để bảo vệ môi trường, bảo vệ tự nhiên, bảo vệ hành tinh, và do đó bảo vệ nhân loại.
Romain Gary – tác giả duy nhất hai lần đoạt giải Goncourt.
Romain Gary là một người Pháp gốc Do Thái. Ông tên thật là Roman Kacew, sinh năm 1941 tại Litva và mất năm 1980 tại Paris vì tự tử.
Bên cạnh việc được biết đến là một phi công thuộc Không quân Pháp đã anh dũng chiến đấu suốt Thế chiến II, hay một nhà ngoại giao tài ba thời hậu chiến, thì ông còn nổi tiếng là nhà văn duy nhất đã hai lần đoạt giải Goncourt (giải thưởng văn học Pháp được mong muốn nhất cho tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm và chỉ trao cho mỗi nhà văn một lần): năm 1956 với tiểu thuyết “Rễ Trời” (Les racines du ciel) dưới bút danh Romain Gary và năm 1975 với tiểu thuyết “Cuộc sống ở trước mặt” (La vie devant soi) dưới bút danh Émile Ajar. Ngoại lệ văn chương này chỉ được sáng tỏ sau khi Romain Gary qua đời và bút danh Émile Ajar được tiết lộ danh tính thật, điều này đã phần nào khẳng định một lần nữa vị thế tác gia kinh điển của Romain Gary trong làng văn thế giới.