Khác với vẻ đẹp có phần cực đoan trong văn chương của Mishima Yukio (tác giả Kim Các Tự) sau này, văn chương của Kawabata Yasunari đẹp và buồn man mác, thấm thía, thâm trầm cùng day dứt. Và càng về giai đoạn sau của sự nghiệp sáng tác, vẻ đẹp buồn thương ấy trong văn Kawabata lại càng thêm đằm sâu. Mà tác phẩm Những người đẹp say ngủ chính là minh chứng rõ nét cho điều này.

Những người đẹp say ngủ_KawabataYasunari

“Kiệt tác tiêu biểu cho thời kỳ sau” (Nhã Nam) của Kawabata Yasunari

Sau tiểu thuyết Hồ (viết năm 1958, xuất bản năm 1959) như dấu gạch nối giữa hai thời kỳ sáng tác, văn chương Kawabata nói chung, tiểu thuyết Những người đẹp say ngủ nói riêng đã có những sự chuyển mình ở phong cách sáng tác. Vẫn được viết trên quan điểm nhất quán trước giờ của Kawabata: “không đặt vấn đề đạo lý hay không đạo lý, chỉ một mực đề cao cái đẹp mà thôi” (Đẹp và buồn) nhưng vào thời kỳ này, sáng tác của ông đã phần nào mất đi những đam mê, nhiệt huyết sôi nổi tuổi trẻ mà đằm lắng lại trong chiêm nghiệm của lớp người đã bước tới nửa sau sườn dốc cuộc đời. Cũng như cách ông Eguchi qua mỗi đêm trong ngôi nhà những người đẹp say ngủ lại hồi tưởng về quá khứ, lại ngẫm về hiện tại mà như càng thêm chìm sâu vào những băn khoăn, day trở của một ông lão tuổi đã xế chiều nhưng vẫn ấp ủ đam mê.

7a8d3ea548f055a33c5d256f28664894

Câu chuyện mở ra bằng sự việc Eguchi, một ông lão tuổi ngoài 60 theo lời giới thiệu của một người bạn mà tìm tới ngôi nhà của những người đẹp say ngủ. Ban đầu ông đi chỉ vì hiếu kỳ. Nhưng càng về sau, thời gian Eguchi quay trở lại căn nhà đó ngày một thêm rút ngắn. Đúng với tên Những người đẹp say ngủ, mỗi đêm ông lão lại được ngủ cùng một cô gái đẹp khác nhau, song chưa một lần, cô gái bên cạnh ông thức giấc. Họ đã ngủ say dưới tấm chăn trong trạng thái hoàn toàn khỏa thân.

Và mỗi đêm như thế, ký ức xưa với từng phụ nữ đã bước qua cuộc đời Eguchi lại dội về, cùng với đó là ham muốn mỗi lúc một thôi thúc mãnh liệt trong ông: được giao tiếp, được đánh thức, thậm chí là giết chết cô gái hay đơn giản chỉ là được ngủ say như cô. Nhưng ông không thể làm, bởi ngôi nhà luôn có những luật lệ riêng không được phép vượt qua. Chuyện cứ như vậy, cho tới khi các sự cố liên tiếp xảy đến như tiếng sóng ngoài khơi dấy lên muốn nhấn chìm Eguchi cùng căn nhà nhỏ.

Khác với các sáng tác thuộc giai đoạn trước như Xứ tuyết hay Ngàn cánh hạc, nhân vật chính trong tác phẩm là những lãng tử phiêu du với niềm đam mê chữ “mỹ”; cũng không giống như những tác phẩm có tính chất bản lề giữa hai thời kỳ như Hồ, nhân vật chính ở độ tuổi trung niên đang loay hoay kiếm tìm lẽ sống trong nỗi bất lực với tới cái đẹp; ở các sáng tác thời kỳ sau, đặc biệt là Những người đẹp say ngủ, nhân vật chính đã trở thành một ông lão bước vào tuổi 67. Vì thế, mọi đam mê nhục dục tuổi trẻ, mọi khát khao của tuổi hoa niên, đã hóa những luyến tiếc hoài vọng mà trở thành ẩn thức sâu xa.

Bởi vậy, không gian nghệ thuật của Những người đẹp say ngủ cũng co hẹp lại hơn bao giờ hết. Đó vừa là không gian tâm tưởng với những dòng suy nghĩ, dòng ý thức miên man của Eguchi giữa hai mảng thời gian đan xen liên tiếp quá khứ – hiện tại. Đó là vừa là không gian chật hẹp nơi căn phòng màu đỏ với những ký ức vụn vỡ hiện về quyện hòa cùng khát khao của hiện tại, sắc đỏ căn phòng, viên thuốc ngủ màu trắng chếnh choáng như càng khiến ranh giới thực tại – hư ảo, hiện tại – quá khứ lại thêm nhòe mờ.

Và thậm chí, cả ngôi nhà của những đẹp ngủ say cũng là một không gian hẹp, cũ nát chỉ với hai phòng ngủ. Tất cả, từ không gian cho tới con người, đều hướng tới sự già nua, mục ruỗng mà bất cứ ai, càng cố gìn giữ, bảo vệ, càng cố níu lấy những vẻ đẹp không thể chạm tới thì lại càng khiến mọi thứ nhanh chóng vỡ vụn. Như lâu đài xây trên cát biển, mong manh và dễ đổ vỡ, chỉ cần một cơn sóng cuộc đời đánh qua, tất cả đã hóa thành hư vô.

Như Mishima Yukio từng viết: “Một kiệt tác, tỏa thứ mùi như mùi hư hoại của trái cây chín nẫu, song vẫn giữ được vẻ đẹp hoàn hảo về mặt hình thức”, Những người đẹp say ngủ vẫn là một áng văn đẹp chuẩn mực theo phong cách sáng tác của Kawabata trước giờ trong cách ông tả cảnh, tả người và tả tình: “Mặt biển nhìn qua ổ cửa sổ, những con sóng bạc đầu gần bờ đang lấp lánh trong nắng sáng.”, “Cô gái không hề cựa mình. Nhưng hơi ấm của cô, chứ không phải hơi ấm của tấm chăn điện, dần bao bọc lấy lão. Đó như thể làn hơi ấm hoang dã còn non nớt.” Song ở đó còn là thứ cảm thức đầy ám ảnh của tuổi già: niềm say mê cái đẹp tuổi trẻ, sự hoài vọng tuổi hoa niên để cuối cùng hóa thành những u sầu vụn vỡ vào tuổi xế chiều: “Dường như trên cơ thể trẻ trung của các cô gái, có cái gì đó u buồn gợi lên lòng muốn chết nơi các ông già.”

Ngôn từ của Kawabata đẹp, dung dị mà rất mực đa nghĩa. Từng tiếng vọng phía ngoài căn nhà: “Ông nghe thấy tiếng sóng chứ. Cả gió nữa…”, “Sáng nay cả sóng và gió đều đã yên, tiết trời như thể đang vào những ngày thu muộn”, “Đêm qua trời đã mưa thì phải?”… như chính vọng về tâm hồn của ông lão Eguchi, như chính hơi thở nơi căn nhà những người đẹp say ngủ, và cũng như chính hơi thở của thời đại Kawabata đang sống. Xao động, lặng yên rồi lại dấy lên sóng gió như muốn nhấn chìm mọi kiếp đời dựng xây.

Nhungnguoidepsayngu_reviewsach

Xem thêm:

[Kawabata Yasunari] Xứ Tuyết: Vẻ đẹp u buồn mỹ cảm của Văn hóa Nhật Bản

Đẹp và buồn (Kawabata Yasunari) – Nỗi buồn thấm sâu trong vẻ đẹp con chữ

Cái đẹp, tính dục, cảm thức về nỗi cô đơn và cái chết lẩn quất trong Những người đẹp say ngủ của Kawabata Yasunari.

Như đã nói, văn chương của Kawabata là sự phức hợp của những vẻ đẹp đa diện, thậm chí nỗi buồn cũng được mô tả bằng những ngôn ngữ trau chuốt đến giản dị khôn cùng. Hãy lắng lòng và đắm mình vào trang văn của Kawabata qua những dòng viết Những người đẹp say ngủ, để thấy mỗi cô gái là một vẻ đẹp, mỗi vẻ đẹp lại gợi về một thời quá khứ ứng với từng thời kỳ, từng quãng đời đã xa của người lãng khách già, lạc bước vào căn nhà nhỏ.

Đó là cô gái trẻ với mùi hoi sữa trên người nhắc ông Eguchi về phu nhân một vị sếp lớn và nhất là một người đàn bà bị rỉ máu ở đầu vú. Đó là cô gái “thuần thục” với mùi da thịt đã gợi Eguchi về những loài hoa tương ứng với kỉ niệm ba người con gái của ông đã đi lấy chồng. Đó là cô gái học việc, mới độ 16 tuổi, ngủ say cạnh ông mà gợi ông hồi tưởng lại người phụ nữ có hai con đã ngủ “say như chết” bên ông khi hai người ngấm rượu. Đó là cô gái ấm áp mà Eguchi đã ở cùng vào một đêm mưa đông lạnh lẽo, dẫu không gợi cho ông lão về ký ức xưa nhưng lại làm nảy sinh trong ông cuộc đối thoại nội tâm vô hình với phần ác quỷ. Và hai cô gái cuối cùng, như một định mệnh, khiến Eguchi hồi tưởng về một nụ hôn 40 năm trước cùng người mẹ đã xa của ông lão.

Tuổi già, là độ tuổi con người ta dễ hoài niệm. Đặc biệt khi ở bên một vẻ đẹp trẻ trung thì người ta lại càng nhớ về quá khứ nhiều hơn. Trong đó là tiếc nuối chưa thành, và cả khao khát với khối thân thể đẹp đẽ tràn đầy nhựa sống bên cạnh, chỉ thể nhìn, chạm được vào đấy mà chẳng thể hưởng thụ một cách trọn vẹn. Cái đẹp xa xôi, đi liền với tính dục trở thành một ám ảnh đầy đau đớn, khắc khoải trong trang văn của Những người đẹp say ngủ:  “Giữa lúc nghĩ đến điều ấy, Eguchi bỗng rơi vào một tâm trạng u buồn chứa lẫn niềm bi cảm. Nhưng trên cả u buồn hay bi cảm là sự ê chề như đã hóa băng của tuổi già. Và rồi, nó chuyển thành nỗi niềm yêu thương dành cho cô gái đang đem đến một cảm giác ấm cúng tươi trẻ.”

Từ vẻ đẹp của tuổi mà con người bước vào tuổi xế chiều không với tới, từ nỗi buồn thăm thẳm trong những hoài vọng đã xa mà bao ẩn ức cô đơn ập về trong tâm trí, cõi lòng người đàn ông đứng tuổi. Nếu không cô đơn, ông lão đã không qua trở lại căn nhà của những người đẹp say ngủ lần thứ hai sau lần đầu tiên đến chỉ vì hiếu kỳ qua lời giới thiệu của người bạn thân. Nếu không cô đơn, ông lão đã không khao khát được giao tiếp với người con gái bên cạnh bằng bất kỳ phương thức nào đến thế. Nếu không cô đơn, ông lão đã chẳng thậm chí đã chẳng muốn bằng mọi cách chứng minh bản thân là một thực thể tồn tại bên cạnh cô hay cô là một thực thể có tri giác bên cạnh ông lão. Nếu không cô đơn, một con người gần đất xa trời đã chẳng nhớ về bóng hình của mẹ, như nhớ về sự ấm áp bao dung chở che cuối cùng còn sót lại trong tiềm thức. Và nếu chẳng đơn độc, một ông lão vốn ở độ tuổi vui vầy cùng gia đình, con cháu nhưng vẫn chưa mất hẳn năng lực đàn đã chẳng tìm về một nơi an ủi tâm hồn theo cách thức đặc biệt như căn nhà nhỏ này. “Phải chăng đối với những ông già không còn được đàn bà coi là đàn ông nữa, thì một cô gái ngủ li bì, miệng không nói, tai không nghe lại dường như là kẻ sẵn sàng chuyện trò và lắng nghe mọi thứ?”

Tuổi trẻ mang nỗi đơn côi của tuổi trẻ, tuổi già mang nỗi cô độc của tuổi già, nhưng dẫu ở độ tuổi nào, dường như cảm thức về sự cô đơn đã thấm đẫm vào văn chương Kawabata, thấm sâu cả vào dòng chảy của văn học Nhật Bản. Xuất phát từ cuộc khủng hoảng căn cước trầm trọng mà con người Nhật Bản phải trải qua sau những năm tháng chiến tranh khắc nghiệt. Từ ẩn ức đau thương thời chiến trận, những vết sẹo quá khứ chưa lành, những xung đột mang tính ý thức hệ… mà khiến con người càng thêm bé nhỏ, đơn thương giữa cuộc đời.

Như ông lão Eguchi ấy, sống 67 năm, có một gia đình với ba người con gái đã xây dựng gia đình, yên bề gia thất mà tới cuối cùng, ông vẫn chỉ khao khát tìm được mối giao hòa với thế giới xung quanh, khát khao có một chỗ đứng trong cuộc đời bằng một cái tôi trọn vẹn. Lại chợt nghĩ, ngần ấy năm đã qua, liệu ông lão đó đã thật sự được sống chăng hay đơn thuần chỉ đang “tồn tại?”: “Tìm đến nơi đây chẳng phải chỉ toàn những ông già còn nhiều tơ vương với phụ nữ hay sao? Những ông già đến lúc này mới nhận thấy không thể quay ngược trở lại dù hối tiếc thế nào, dù vùng vẫy thế nào.”

Bên cạnh cảm thức về nỗi cô đơn, cái chết cũng là điều trở đi trở lại trên văn chương của Kawabata nói riêng, văn học Nhật Bản nói chung. Và tiểu thuyết Những người đẹp say ngủ cũng không nằm ngoài dòng chảy chung đấy. Cái chết cứ lẩn quất trên trang viết lẫn trong suy nghĩ con người. Như ông lão Eguchi không dưới ba lần muốn kiểm chứng sự sống của cô gái nằm cạnh bằng cách thử sát hại cô rồi sau đấy tự sát: “Dù bóp cổ đến chết, cô gái cũng không tình dậy sao?/ Tôi nghĩ vậy/ Thế thì còn gì hợp hơn cho việc tự sát cùng nhau.”

Để rồi cái chết đã hiện hữu thành hình khi có những sự cố xảy ra khiến liên tiếp hai người đã chết: một ông lão và một cô gái say ngủ. Những cái xác của họ, sau đấy bị chuyển tới một nhà trọ khác ở khu suối nước nóng. Lần nữa, cái chết trong văn Kawabata lại gắn liền với dáng dấp dòng nước và những cái hồ. Dòng nước lạnh lẽo như nhận về đó tất cả ẩn ức con người, như tượng trưng cho sự giam cầm khao khát và cái đẹp, Và, ngay chính ngôi nhà của những người đẹp say ngủ, chẳng phải cũng là hình ảnh biểu tượng cho một mặt hồ tù đọng, dòng thời gian như ngưng lại trong những đau thương giằng xé lẫn ước vọng không thành mà con người, càng vẫy vùng lại càng chìm sâu xuống đáy hồ tăm tối.

Nhungnguoidepsayngu

*Nguồn ảnh: Giới thiệu & review sách Nhã Nam

Đời người tựa giấc mộng say đã tàn.

Thật sự, với một con người còn sống, không ai là không phải thức dậy dẫu rằng giấc mộng người ta chìm vào có dài, có đẹp đến đâu chăng nữa. Và Những người đẹp say ngủ, chính như giấc mộng say đã tàn của cuộc đời con người vậy.

Giấc ngủ say của người lữ khách già bên người đẹp, bao giờ cũng được đánh thức vào cùng một khung giờ cố định dù người đó có chần chừ, có dùng dằng, có cố gắng níu giữ thời gian cũng chẳng thể cưỡng cầu khoảnh khắc phải trở về thực tại. Và phải chăng đây cũng chính là tâm thế của tác giả khi đứng trước đổi thay thời cuộc: dù có níu giữ thế nào thì ánh sáng, ảo vọng quá khứ cũng đã mãi lùi xa, chỉ còn ở đây là hiện thực với bao mâu thuẫn, xung đột, bao sóng gió như cuốn trôi mọi kiếp người.

Người ta chẳng thể chìm đắm mãi trong hoài vọng quá khứ hay trốn vào cơn say, cơn mê, vào sự quên để tránh né hiện thực. Tới cuối cùng, con người vẫn phải thức dậy, vẫn phải hi vọng và sống tiếp cuộc đời của chính mình. Như ánh sáng từ làn da của cô gái còn sống, rực rỡ trong ánh mắt ông lão Eguchi: “Khi ông lão mở cánh cửa thông sang phòng bên thì thấy thân thể trần truồng của cô gái da trắng đang nằm đó sáng bừng đẹp đẽ, có lẽ bởi tấm chăn đã bị lão hất tung ra trong lúc luống cuống hồi nãy.”

Mà có lẽ chăng, đây chính là điểm khiến cho văn chương của Kawabata có buồn, có nghiệt ngã thì cũng chưa bao giờ đẩy cảm xúc của độc giả tới bờ vực của sự u uất, tuyệt vọng. Điều ông làm trước giờ, vẫn chỉ là tái hiện cái đẹp và buồn một cách không phán xét, từ đấy mà làm thức tỉnh, rung động trái tim người đọc, những ai vẫn đang oằn mình kiếm tìm lẽ sống, hay những ai muốn tìm về chữ “mỹ” trong văn chương, trong cuộc đời.

Mọt Mọt