Nhật ký Anne Frank – Như tên gọi, đây là cuốn nhật ký của cô bé Anne Frank- người được muôn đời ví như một thiên thần Do Thái. Phải sống chui lủi nơi nhà Phụ bí mật cùng gia đình, lẩn trốn khỏi nanh vuốt của Hitler, cô bé Anne đã trút hết những tâm tư, những mẩu chuyện mỗi ngày ở nơi cô sống, nâng niu chắt chiu cuốn nhật ký như một người bạn tâm giao. “Nhật Ký Anne Frank” không chỉ là những trang giấy của một cô nhóc 14 tuổi đơn thuần, mà nó vun đầy những giá trị lịch sử đích thực, nhân cách con người và niềm tin lấp lóe như ngọn nến trong đêm.
“Xuyên suốt dòng chảy lịch sử, đã có nhiều người nói đến nhân phẩm vào những thời điểm con người gánh chịu nhiều nỗi thống khổ và mất mát nhất, nhưng không có tiếng nói nào có sức thuyết phục bằng tiếng nói của Anne Frank. Trái tim nhân văn, ngập tràn niềm hy vọng của cô gái nhỏ tựa như ‘sự thanh tẩy’ đến những kẻ đang bị đám mây của quyền lực và độc ác che phủ…”
_John.F.Kennedy_
Bền bỉ sao niềm bác ái của Anne Frank
Một thiếu nữ chớm nở, nhiệt huyết ở độ tuổi 13, 14, vô vàn người hâm mộ như Anne lại có ngày phải thẫn thờ và dồn dập sợ hãi sau những bức vách im lìm của khu nhà Phụ. Một nghịch cảnh khôn lường thử thách tấm lòng ngập tràn sự sống của Anne, may mắn sao cô bé ấy vẫn còn một ‘người bạn’ để hàn huyên tâm sự- ấy chính là cuốn nhật ký mang tên mĩ miều Kitty.
Được Anne trân quý như một người bạn mến yêu, cuốn nhật ký chứa đầy những tham vọng, niềm tin, niềm thất vọng xen lẫn niềm vui chập chờn của chủ nhân nó. Từng trang giấy và nét chữ thanh mảnh đã đánh dấu bước ngoặt biến chuyển tâm lý của Anne theo thời gian. Từ một nhóc con ương bướng hấp tấp, đã thành một người trưởng thành thật sự với cái đầu sắc sảo đến lạ so với tuổi 14 của cô chỉ sau hai năm ở khu nhà Phụ. Những triết lý nhân sinh cô tự ngộ nhận và tự mình thai nghén, những đánh giá châm biếm lẫn thành thật của cô về những người cùng nhà, và hơn cả là niềm tin và trái tim nhân hậu lại càng mạnh mẽ hơn qua trắc trở. Nỗi lo lắng thường trực đến thấu tim, những cơn tủi thân hờn dỗi, ác mộng vài đêm và hơn cả là lòng căm thù ngùn ngụt với quân Đức, tất cả đã tôi luyện cho Anne một tấm lòng cao cả, tràn đầy ước vọng và niềm lạc quan bừng cháy.
“Tớ không nghĩ lời khuyên của mẹ có thể đúng được, bởi lẽ nếu ta là một trong những người phải gánh chịu đau khổ thì ta sẽ phải làm sao? Ta sẽ hoàn toàn bất lực. Trái lại, cái đẹp vẫn còn, ngay cả ở trong hoàn cảnh bất hạnh. Nếu ta cứ cố tìm kiếm nó, ta sẽ càng khám phá ra thêm nhiều điều hạnh phúc và lấy lại sự cân bằng. Một người hạnh phúc sẽ làm cho những người khác hạnh phúc lây; một người can đảm và có đức tin sẽ không bao giờ chết trong đau khổ…”
Dải ác mộng bao trùm lấy nhân gian
Phát xít Đức- ác mộng trần thế của người Do Thái. Chỉ cần đọc qua nhật ký của Anne Frank, cảnh những đoàn người Do Thái vô tội với đôi vai rũ xuống và xiềng xích bao vây chợt rành rành trước mắt. Những xiềng xích ấy không chỉ trói buộc trên thân thể, mà còn cả ở tâm hồn. Bị tống vào trong những trại tập trung Tử thần, quỵ ngã trong những buồng hơi độc và những thí nghiệm kinh hoàng của người Đức. Những đứa con bị tách khỏi cha mẹ, những thân xác im lìm nơi đất khách và máu thịt vương đầy cả những hòn sỏi- đấy là cách mà con người đối xử với nhau sao!
“Giống loài ưu tú ấy, lũ người Đức ấy, và nghĩ mà xem, tớ lại chính là một trong số chúng! Không, không phải vậy, Hitler đã tước mất quốc tịch của chúng tớ từ lâu rồi. Hơn nữa, không có mối thù nào trên Trái Đất này sâu sắc hơn là giữa người Đức và người Do Thái”.
Một dân tộc nhạy cảm và kiêu hãnh với bộ óc siêu việt- nay lại bị săn đuổi như những con cừu dưới nanh vuốt và nòng súng săn của bọn phát xít và chịu những nỗi đau thấu trời. Tất cả chỉ là vì họ là người Do Thái!
Nhưng đâu phải niềm vui đã chết…
Dù trong nghịch cảnh, thế nhưng hy vọng và tiếng cười không bao giờ tắt. Những người chu cấp cho gia đình Frank như là sứ giả của nụ cười vậy. Họ không quản mệt nhọc, không quản gian lao và chẳng hề e dè lấy Thần Chết rình rập từng phút, họ vẫn cố gắng cứu sống đồng loại mình. Những giây phút ngắn ngủi được trò chuyện với nhau, những ánh mắt sáng rỡ khi giạ khoai tây dần được lấp đầy và những giờ học yên tĩnh, tất cả vẫn tiếp diễn trong khu nhà Phụ, vẫn kiên cường bền bỉ mỗi ngày, chống lại nỗi sợ hãi cô hồn đang bao phủ nơi đất Đức.
“Đó là một điều mà chúng tớ không bao giờ được quên; trong lúc những người khác thể hiện sự anh dũng của mình trên chiến trường hoặc trong cuộc chiến chống lại quân Đức thì mỗi ngày, những người giúp đỡ chúng tớ lại chứng tỏ lòng dũng cảm ấy bằng tinh thần lạc quan và tình cảm yêu thương”.
Ẩn sâu trong đó, qua những lời kể thoáng qua của Anne, đâu đó có những người dân lương thiện đã bằng lòng che chở cho những gia đình Do Thái đang trốn chạy, họ hiên ngang bảo vệ lấy đồng loại của mình khỏi lính Đức- những con quỷ trong bộ lốt người!
Anne Frank – Thiên thần Do Thái bé nhỏ
Anne Frank tên thật là Annelies Marie Frank, sinh ngày 12 tháng 6 năm 1929 tại Frankfurt, Đức.
Cô bé qua đời vào tháng 2 năm 1945 tại trại tập trung Bergen-Belsen, Đức cùng người chị Margot của mình.
Bố Anne- ông Otto Frank là người duy nhất sống sót, và ông đã dành cả đời còn lại để gìn giữ và bảo vệ di sản vĩnh hằng mà con gái ông để lại cho thế giới.