“Bây giờ gã mới phát hiện ra một điều mà bao lâu nay gã vẫn không nhận ra: sao người ở khu này giống nhau đến thế?” (Truyện ngắn Mèo trong thành phố lạ, tập truyện hội hè)
Quả tình, suốt hàng chục năm cầm bút, cho đến tận cuối đời, nhà văn Tô Hải Vân vẫn không ngừng trăn trở về hai tiếng con người, về cái “tôi” cá nhân riêng biệt giữa dòng đời. Mà càng đau đáu, trăn trở bao nhiêu, ông càng thêm buồn thương bấy nhiêu trước thực tại, muôn mặt kiếp đời, sao mà “giống nhau đến thế?” Nhưng dẫu có buồn thương, văn chương Tô Hải Vân vẫn tràn ngập màu sắc tươi vui, hi vọng như người ta, ở nghịch cảnh vẫn “nở một nụ cười*” ngạo nghễ. Từ những truyện ngắn đầu tay ông viết, đến tập truyện ngắn cuối cùng trong văn nghiệp, trước khi ông từ giã cõi đời: hội hè.
4b273149de0d7e549cf5ac1cb58194d6
Truyện ngắn, thế mạnh của nhà văn Tô Hải Vân
Sau 3 cuốn tiểu thuyết liên tiếp: Người thứ hai, 6 ngày, Khởi đầu là mèo; nhà văn Tô Hải Vân đã quay trở về với thể loại truyện ngắn. Một thể loại làm nên tên tuổi Tô Hải Vân giữa văn đàn Việt Nam đương đại và ghi dấu ấn rất riêng của ông vào lòng độc giả yêu văn chương cả nước trong tập truyện mới nhất, cũng là cuốn sách cuối cùng của ông có tựa đề hội hè.
hội hè, tập truyện gồm 9 truyện ngắn được tác giả Tô Hải Vân viết rải rác vào những năm từ 2013 đến 2018. Tất cả, đều lấy bối cảnh thời hiện đại nhưng cách tác giả xác lập chủ đề, đề tài, triển khai cốt truyện, xây dựng tình tiết, tạo dựng không gian, thiết lập hệ thống nhân vật, cả giọng văn ở mỗi câu chuyện lại có sự riêng biệt. Từ đó thể hiện cái nhìn sâu sắc, đa chiều của nhà văn khi nhìn nhận con người, cuộc đời và khắc họa những hiện thực đời sống muôn màu muôn vẻ lên trang viết. Đồng thời, cả cái tài của ông trong thể truyện ngắn, vốn được coi như lát cắt cuộc sống này.
Đấy là cuộc sống hàng ngày của những ông bác, bà lão mà tuổi tác đã đi tới bờ bên kia sườn dốc cuộc đời trong truyện ngắn Hội hè, Tích tắc buồn, Miền xa lắm. Những con người ngỡ rằng đến tuổi được thảnh thơi nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu mà hàng ngày, vẫn phải vật mình với đủ mọi lo toan bộn bề trong công cuộc mưu sinh, quay cuồng với đủ những công chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống gia đình. Nhưng dẫu thế nào, những con người đó, họ vẫn là người từng trải và tháng ngày hưu trí này, chính là lúc để họ tự nhìn lại quãng thời gian đã qua, lặng nhìn vào đời sống vẫn hối hả không ngừng mà lắng lòng, chiêm nghiệm. Để nhận ra, cuộc đời vẫn còn lắm ngổn ngang và đến tận lúc gần đất xa trời, người ta có thể chưa thấu hiểu hết. Song tình người, mãi luôn phủ trùm lên những gì là buồn thương, xấu xa của kiếp đời đa sắc này.
Đó còn là đời sống công sở đầy phức tạp của những người trí thức đang ngày ngày đi làm như những cỗ máy trong truyện Mèo trong thành phố lạ, Chàng mannequin xấu trai, Người muốn từ giã cõi đời, Vũng khí loãng. Những người đang sống cuộc đời chính mình mà lại như sống thay cuộc đời kẻ khác. Quả tình, nhà văn Tô Hải Vân mỗi khi khắc họa đời sống nơi công sở là lại một lần, khiến người đọc phải ngẫm suy về giá trị của từ “sống” hay chỉ đơn thuần là “tồn tại.” Rằng tiếp tục là một cái máy, hay vượt thoát những xiềng xích vô hình kiềm tỏa tâm hồn, mà tiến đến hai tiếng tự do.
Và đó còn là câu chuyện về những người vẫn đang gắn bó với đời sống giảng đường trong truyện ngắn Giảng đường F. Họ đủ trưởng thành để nhìn nhận cuộc đời song lại chưa đủ chín chắn để đối diện trước những điều phải thực sự lăn xả vào cuộc sống thực tế.
Không chỉ vậy, truyện ngắn của Tô Hải Vân nói chung, tập truyện hội hè nói riêng còn là sự mở rộng mặt không, thời gian từ quá khứ tới hiện tại như tác phẩm Còn lâu mới đến tết. Và độc giả khi nhìn sâu vào câu chuyện, có thể thấy cả dòng chảy thời gian trên trang viết. Nhưng thời gian qua đi, có thể làm đổi thay vạn vật, mà dường như, chỉ có bản tính, định kiến của con người, là chẳng hề thay đổi.
Với văn nghiệp của Tô Hải Vân, truyện ngắn có một vị trí hết sức quan trọng. Vừa là nơi, để ông thỏa bút thể nghiệm các cách biểu đạt mới cho tác phẩm, vừa là nơi để ông dõi lăng kính đến nhiều vấn đề của đời sống hiện đại. Tô Hải Vân đa tài. Hơn 70 năm cuộc đời, ông đã không ngừng sống và trải nghiệm, làm mới bản thân và làm mới con chữ. Để rồi các sáng tác của ông, như con suối chảy không ngừng. Để rồi, độc giả thấy dáng dấp một Tô Hải Vân trong hội hè, tự trào hơn, đa sầu đa cảm hơn mà cũng thâm trầm hơn, sâu sắc hơn bộn phần.
Đọc thêm: Khởi đầu là mèo (Tô Hải Vân) – “Nở một nụ cười” giữa dòng đời nghiệt ngã
“Căn cước con người” giữa đời hiện đại
Nhưng đến tận cùng, dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn, dù được viết bằng thủ pháp hiện thực hóa hay kì ảo hóa, thì nhà văn Tô Hải Vân vẫn mãi khắc khoải về hai chữ con người, về “căn cước”, “căn tính” hay cái “tôi” của con người giữa dòng đời.
Trên trang viết của Tô Hải Vân, vẫn luôn còn đó những cá nhân mất đi danh tính. Hay nói cách khác, nhà văn đã chủ động xóa mờ danh tính con người bằng việc đặt cho họ những kí hiệu tên K, Q, N, T… hoặc những đại từ mang đầy tính phiếm chỉ ông, nàng, hắn, ông lão, bà lão… Thậm chí, có người, tên gọi vẫn còn đó mà cái tôi như đã bị hòa tan vào tập thể, vào guồng quay cuộc sống tất bật.
Dưới ánh nhìn của tác giả Tô Hải Vân, dường như, càng là cuộc sống hiện đại, danh tính con người lại càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Họ sống và làm việc như những cái máy, đến sở thích cá nhân, cũng bị “máy móc hóa” lúc nào không rõ. Từ những cái tên chỉ còn chữ cái đầu trong Người hoang tưởng số 5, các kiếp người dần mất đi danh tính ngày một mở rộng thêm trong những câu chuyện Tô Hải Vân sáng tác.
Định danh biến mất, cá tính con người cũng không còn. Bởi anh có thể là A, là B, là C, là bất cứ ai trên cõi đời này. Đến nỗi người ta như vẫn tự ý thức điều đó, vẫn ngầm phản kháng mà rồi lại để guồng quay cuộc sống cuốn đi. “Cau mặt lại: thằng cha nào đây? Đến mình còn chẳng nhận ra mình nữa, còn mong nhận ra ai?” (Hội hè) “Bây giờ gã mới phát hiện ra một điều mà bao lâu nay gã vẫn không nhận ra: sao người ở khu này giống nhau đến thế?” (Mèo trong thành phố lạ) “Đến khi tuổi đã trên băm, thành quen, quen đến mức cái chán nó tự biến đi đằng nào.” (Chàng mannequin xấu trai)
Câu văn Tô Hải Vân vẫn luôn thế, nhẹ bẫng mà ẩn sau nụ cười tự trào đấy là sự chua chát khôn cùng trước sự nghiệt ngã của số phận đang đè lên vai con người.
Nhưng dẫu có cay nghiệt đến đâu, hiện thực cuộc sống trên trang văn Tô Hải Vân vẫn luôn là hiện thực đầy sinh động và hi vọng. Dù buồn đấy, người ta vẫn mãi tâm niệm “nở một nụ cười giữa dòng đời nghiệt ngã.” Như định danh con người, có chỉ còn một chữ cái hoa đầu tiên, có chỉ còn là đại từ phiếm chỉ, vẫn tìm cách để đến với hai chữ “tự do”, cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Và có lẽ, việc mờ hóa danh tính con người trong truyện ngắn Tô Hải Vân nói chung, tập truyện hội hè nói riêng, không chỉ là cách, tác giả tái hiện thực trạng, người ta đang dần mất cái tôi vào bộn bề đời sống. Mà hơn cả, là cách, tác giả thể hiện cái nhìn đầy nhân văn, về hai chữ thanh thản cho một kiếp người.
Bởi khi người ta chẳng còn là ai hết, cũng chính là lúc người ta được tự do nhất. Mất đi danh tính, con người sẽ trôi đi giữa cuộc đời bằng một sự nhẹ nhàng, không trách nhiệm, không gánh nặng trên vai. Như Huân, đã hóa “mèo” trong thành phố lạ hay T đã trở thành chàng mannequin xấu xíu nhưng được nở nụ cười thật tâm.
Kiếp người vốn phù du, nhưng cuộc đời người ta ai cũng chất chứa quá nhiều gánh nặng, Tô Hải Vân luôn ý thức rất rõ điều đó. Nên bên cạnh khẳng định và kiếm tìm “căn cước con người” thời hiện đại, ông vẫn luôn tâm niệm, con người được sống làm sao cho đúng với chữ “người” viết hoa. Có được vị trí đứng trong xã hội nhưng phải được “thanh thản”, phải được là chính mình.
Đọc thêm: Dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện đại trong tiểu thuyết 6 ngày của Tô Hải Vân
Tác phẩm cuối đời của một tác giả luôn tâm niệm “nở một nụ cười.”
Có ý nghĩa như tác phẩm khép lại chặng đường sáng tạo văn học bền bỉ không ngừng của nhà văn Tô Hải Vân, tập truyện ngắn hội hè là kết tinh trọn vẹn phong cách sáng tác cùng tư tưởng từ một tác giả luôn tâm niệm “nở một nụ cười.”
Trong thể tài truyện ngắn, bút pháp Tô Hải Vân cực kì linh hoạt. Khi hài hước trào phúng, lúc lại lắng sâu trong chiêm nghiệm nhân sinh, cuộc đời. Khi dửng dưng, tưng tửng, nhẹ bẫng tựa có tựa không; lúc lại trầm buồn vào thanh âm trầm lắng sự sống. Khi thì ông dùng bút pháp hiện thực hóa, khắc họa hiện thực một cách trần trụi. Khi ông lại dùng bút pháp kì ảo, ước lệ hóa, khiến con người lẫn cuộc đời trên trang văn ông trở nên nhòe mờ, mơ hồ. Cũng vì vậy, hiện thực đời sống Tô Hải Vân khắc họa luôn đa dạng, đa sắc, đa màu. Đúng như các “lát cắt” cuộc đời vốn luôn đa thanh, đa bội điểm nhìn.
Nhưng dù đa dạng, linh hoạt thế nào, Tô Hải Vân luôn sáng tác với một tư tưởng đầy nhất quán: đó là viết vì con người, và viết vì chính cái tôi cá nhân của người cầm bút. Ông viết cho những kiếp đời bé mọn, tưởng chừng lặng lẽ giữa cõi đời mà thực tế luôn phải vật mình trong cuộc mưu sinh, trong công cuộc sống được là “tôi trọn vẹn.” (chữ dùng của Lưu Quang Vũ)
Tô Hải Vân viết cho người, và ông cũng viết cho bản thân ông nữa. Người trí thức đa tài, đa năng, đã làm đủ nghề, tiếp xúc với với đủ lớp người trong xã hội ấy, có lẽ đã viết hay nhất về bi kịch của chính người trí thức trong xã hội hiện đại. Và cũng bởi ông đã luôn gần gũi, gắn bó với họ, hiểu bi kịch của họ nên ông cũng hiểu lắm, dẫu rằng dễ xao động, người trí thức nói riêng, con người nói chung, chẳng dễ từ bỏ hi vọng, từ bỏ khao khát vươn lên, sống một đời tự do, thanh thản.
Trọn một kiếp đời, trọn một kiếp người, Tô Hải Vân đã luôn gửi vào con chữ, nỗi lòng để được “nở một nụ cười giữa dòng đời nghiệt ngã” đó. Vì vậy, có lẽ chăng, các tập truyện ngắn ông đã viết và riêng hội hè, mang hình thức truyện ngắn mà lại như các chương của một tập tiểu thuyết dày. Tiểu thuyết về con người.
*Nở một nụ cười: Tên một truyện ngắn của nhà văn Tô Hải Vân.
Mọt Mọt