Đến Starbucks mua cà phê cốc lớn được viết bởi “nhà kinh tế học bình dân” của Nhật Bản, một cuốn sách lý giải một cách chân thực và dễ hiểu nhất về những hiện tượng kinh tế diễn ra trong đời sống của chúng ta.
Nếu như bạn đọc mê sách kinh tế có thể hài lòng với series Kinh tế học hài hước (gồm 4 cuốn & nổi bật nhất là Khi nào cướp nhà băng) thì với những nhà khởi nghiệp & các sinh viên cần một lượng kiến thức chuyên sâu am hiểu về thị trường hơn, thì chừng đó những câu chuyện thi vị dưới góc nhìn châm biếm của các nhà kinh tế học kiểu Mỹ là chưa đủ. Trong trường hợp này thì Đến Starbucks mua cà phê cốc lớn sẽ là sự lựa chọn phù hợp hơn. Một cuốn sách độc đáo được viết bởi tác giả người Nhật nên văn phong cũng gần gũi & dễ hình dung hơn tại nước ta, nhất là trong bối cảnh thị trường châu Á kha khá giống nhau về hành vi tiêu dùng của người dân đại chúng.
Đầu tiên, xin được nói rằng tên cuốn sách là một cách dùng từ hoa mỹ & rất dễ gây nhầm lẫn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó trong nhà sách, cuốn sách này được xếp cạnh 2 cuốn Dốc hết trái tim & Tiến bước, vốn là những cuốn sách hồi ký của tác giả là CEO và cũng là ông chủ của Starbucks, rất dễ khiến chúng ta nhầm tưởng đây cũng là một cuốn sách viết về cafe Starbucks.
Xin nhắc nhở rằng, không! Hoàn toàn không!
Lấy ví dụ về Starbucks thì có, nhưng để diễn giải những hiện tượng kinh tế vi mô thường gặp, chứ không phải PR cho món cafe nhiều cảm xúc & tâm hồn kia đâu thưa các vị!
Vậy thì cuốn sách này có những gì đặc biệt?
Thứ nhất, nó là một cuốn giáo trình rất dễ gây buồn ngủ
Đừng đọc nó, nếu bạn không phải là một người có niềm đam mê với sách kinh tế. Đọc gì cũng được, trinh thám kinh dị, marketing hoặc văn học thường thức, ok có thể bạn sẽ phải thức thâu đêm. Còn nếu những con tim yêu thích sự lãng mạn mà đọc cuốn sách này, bạn sẽ ngay lập tức chìm sâu vào một giấc ngủ rất ngon.
Vậy đối tượng mà cuốn sách hướng đến, chính là những sinh viên đang bận bịu với kinh tế học, những chuyên gia trong ngành & đặc biệt, là những nhà khởi nghiệp trẻ.
Lý do dành cho sinh viên hay để nghiên cứu thì rất dễ hiểu, còn tại sao những nhà buôn, các bạn đam mê kinh doanh lại cần cuốn sách này?
Thứ hai, Đến Starbucks mua cà phê cốc lớn là cuốn sách dành cho những con buôn
Để lý giải điều này, hãy điểm qua 10 chương của cuốn sách, bạn sẽ hiểu lý do tại sao
Mở đầu: Một sản phẩm nhưng có nhiều mức giá khác nhau, trong khi các sản phẩm hoàn toàn khác nhau lại đồng giá
Đây là chương tổng quan mà tác giả đề cập khái quát nhất về những thắc mắc có thể các bạn thường bỏ qua khi đi mua sắm. Chẳng hạn như tại sao cùng một chai nước lọc mà bán ở siêu thị thì giá 5000đ, trong khi mua ở tiệm tạp hoá là 6000 và mua ở khách sạn, nhà nghỉ bình dân…ờm, giá rẻ nhất cũng 10.000đ.
Hầu như người đọc sẽ hiểu nhầm về lý do Mặt bằng. Ví dụ tách cafe ở vỉa hè giá chỉ 10.000đ nhưng ở quán cafe sang chảnh có giá từ 25.000đ trở lên. Còn vào Starbucks hay Highlands…thì giá có thể lên tới 50-60.000đ. Bài toán thương hiệu khiến cho Starbucks bán chạy dù giá cắt cổ, hoặc bài toán về chi phí mặt bằng thì vô cùng dễ hiểu. Nhưng ở đây tác giả lấy ví dụ về những trường hợp mà siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc tiệm tạp hoá cùng bán những chai nước lọc cùng nhãn mác thì sẽ như thế nào? Bạn đọc có trả lời được đúng đắn như tác giả đề cập hay không?
Đó là một câu hỏi hack não không dễ gì có lời giải, và thực sự thì lý do chính xác nếu bạn muốn tìm hiểu sẽ có câu trả lời ở trong chương 1.
Và còn một trường hợp nữa, tại sao những sản phẩm có mức giá như nhau tại các cửa hàng đồng giá? Làm sao họ có lãi từ những việc kinh doanh này? Vui lòng tìm đáp án ở chương 6.
Rắc rối vậy đó, có quá nhiều hành vi tiêu dùng mà bạn đọc thông thường có lẽ không quan tâm đâu, nhưng những nhà buôn thì có để tâm nhiều lắm đấy, đó là lý do như ở tiêu đề, đây là cuốn sách dành cho con buôn, dành cho những nhà kinh doanh!
Chương 1: Nên mua trà xanh đóng chai ở cửa hàng tiện lợi hay ở siêu thị?
Bạn mua hàng vì lý do gì? Tác giả đã đưa ra 3 lý do đáng chú ý sau
Một là, vị trí địa lý. Nhà gần thì bạn xuống mua nhanh cho nó lẹ, rất dễ hiểu
Hai là, tâm lý. Đôi khi cafe vỉa hè bạn không dám uống vì 10k quá rẻ, sợ nhiều hoá chất trộn bột đậu & bắp rang. Vậy nên đành bỏ 25k mua cafe sữa đá uống cho nó yên tâm. Nhiều người còn mua hạt cà phê Arabica & Robusta trộn lẫn mang về tự pha cho nó sành điệu nữa. Và vì vậy, đôi khi hai cái áo giống nhau, hàng vỉa hè 15k bạn không mua lại đi mua một cái áo y hệt ở trong shop với giá 150k! Chuyện này hoàn toàn có thật, không hề đùa!
Ba là, tính quy mô của người bán. Cái này rất hợp lý. Giá chai nước lọc ở siêu thị sẽ rẻ hơn ở cửa hàng tiện lợi và rẻ hơn nhiều so với khi mua ở ven đường. Bởi vì chất lượng thì giống nhau, còn siêu thị mua số lượng lớn nên bán ra giá rẻ hơn. Hoàn toàn dễ hiểu.
Thú vị không thưa các bạn thích tìm hiểu về hành vi của người dùng?
Chương 2: Tại sao các mặt hàng như tivi và máy chụp ảnh kĩ thuật số lại ngày càng rẻ hơn?
Đây là một chương khá hay giới thiệu về lý do tại sao tivi, iphone & các loại xe ngày càng rẻ. Phải chăng do họ- các nhà sản xuất có mánh khoé gì?
Thực tế thì có 2 lý do. Một là do quy mô tăng lên, mà tác giả gọi là tính kinh tế theo quy mô. Chi phí cố định không đổi, vậy nên sản xuất càng nhiều, giá thành bán ra để hoà vốn hoặc có lãi càng giảm.
Hai là, sự háo hức của người dùng. Iphone là trường hợp điển hình. Iphone X mới ra có giá hơn 60tr đồng. Vài năm sau bạn yên tâm đi, giá chỉ 6tr thôi. Muốn mua sản phẩm chất lượng với giá rẻ thì mất thời gian chờ. Đó là quy luật!
Chương 3: Bán sản phẩm ở mức giá tối đa mà mỗi khách hàng chấp nhận trả
Như đã nói ở trên, luôn có sản phẩm giá rẻ cho người nghèo, và sản phẩm cao cấp cho người giàu. Bật mí lý do thì có ở chương 3. Tác giả còn cẩn thận thống kê ra các chi phí & mức độ lời lãi khi kinh doanh các sản phẩm kiểu loại khác nhau như thế này. Các nhà kinh tế & những nhà khởi nghiệp kinh doanh non trẻ có thể tìm ra nhiều bài học đắt giá trong chương này, để vận dụng cho thực tiễn của riêng mình.
Chương 4: Tại sao các gói dịch vụ cho điện thoại di động lại phức tạp và sự phức tạp đó nhằm mục đích gì
Chương 4 này thiết thực với mọi người nhất. Lý giải vì sao Viettel, Mobifone lẫn Vina đều có những chính sách giá gói cước nhập nhằng.
Lý do đơn giản, bán hàng được nhiều hơn, tăng được nhiều doanh thu hơn. Đó là mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp. Dễ hiểu vô cùng!
Có lẽ xin dừng phần review cuốn sách này tại đây, bởi nếu lộ ra hết những điểm cốt lõi của 5 chương còn lại, thì độc giả còn ai mua sách về đọc & chiêm nghiệm nữa, phải không thưa các vị. 5 chương bị bỏ qua bao gồm:
Chương 5: Khi mua cà phê tại Starbucks, ta nên chọn cỡ nào
Chương 6: Bí mật về giá rẻ của cửa hàng đồng giá
Chương 7: Tại sao việc điều chỉnh chênh lệch thu nhập lại khó khăn
Chương 8: Chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em liệu có thực sự có tác dụng tích cực trong việc nuôi dưỡng chúng.
Chương cuối: Những câu chuyện gần gũi về đời sống thường nhật.
5 chương cuối này, xin dành sự cảm nhận cho độc giả quan tâm đến nó. Hy vọng những điều tâm huyết trong cuốn sách chỉ dày 300 trang này sẽ đến được với những bạn đọc thực thụ.