Nguyễn Phương Mai luôn chọn cho mình lộ trình đi theo một “vệt” nhất định. Nếu “Tôi là một con lừa” đi theo vết di cư của loài người hơn hai trăm ngàn năm trước, thì “Con đường Hồi giáo” là một chuyến hành trình đi xuyên qua lịch sử đạo Hồi, vén màn lên một Trung Đông không chỉ có thuốc súng mà còn có phấn hoa, không chỉ có chiến trận mà còn có dạ vũ hoan ca, không chỉ có hủ lậu mà còn có những thứ hiện đại đạt kỷ lục Guinness thế giới.

“Con đường Hồi giáo” ở một đẳng cấp khác hẳn so với những quyển du kí viết để làm cẩm nang hướng dẫn du lịch. Cuốn sách có khoảng 30% là trải nghiệm riêng của tác giả, phần còn lại là viết về đạo Hồi, về lịch sử, xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa các nước Trung Đông… những kiến thức được nghiên cứu từ trước, được khám phá và minh chứng trong lúc đi, được tổng kết và chiêm nghiệm sau chuyến hành trình. 

Đây là một quyển bút kí khá dài hơi và hết sức nghiêm túc, viết bởi một cô nàng tiến sĩ đã sẵn sàng nghỉ việc không lương gần một năm, hí hửng cắp tấm thân mình trên một chuyến đi nhiều nguy hiểm hơn là vui thú, với mục đích đơn thuần là mở mang hiểu biết.

Con Đường Hồi Giáo review
Ảnh: nhanamthuquan

Hành trình gian nan đi xuyên qua lịch sử đạo Hồi

Phương Mai là một người vô thần. Một người vô thần lên đường đi xuyên qua lịch sử đạo Hồi – trận địa của các chiến dịch tuyên truyền và tẩy não, cũng là nơi đang diễn ra làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ mang cái tên khá mỹ miều là Mùa xuân Ả Rập (12/2010 – 12/2012).

Sự dũng cảm, gan dạ, liều lĩnh của chị đã mở ra một bể tri thức đa chiều và đập vỡ những định kiến về một Trung Đông đầy huyền bí.

“Bởi tôi biết còn có rất nhiều điều thiêng liêng hơn niềm tin tôn giáo, ấy là niềm tin vào sự ràng buộc cội rễ của giống loài; vào sự giống nhau giữa người với người hơn là sự khác biệt về đức tin; vào lòng tốt; vào sự đồng cảm và hướng thiện.

Tôi tin là một khi đặt chân đến Trung Đông, với trái tim này mở toang không che giấu, những người Hồi rồi cũng sẽ mở lòng với tôi – một cô gái Việt Nam vô thần.”

Khởi hành từ ngày 20/01/2012, điểm đến đầu tiên của “Con đường Hồi giáo” dĩ nhiên là nơi Hồi giáo khởi phát – Saudi – một đất nước đóng cửa hoàn toàn, không xuất thị thực cho khách du lịch, chỉ có hai nhóm người có thể nhập cảnh: công việc và tín đồ hành hương. Không từ bỏ, chị quyết định bay đi Dubai với hai tấm vé máy bay và nối chuyến ở sân bay Jeddah của Saudi. Vậy là chị có 3 tiếng đồng hồ trên cấm cung của Trung Đông, thánh địa của đạo Hồi.

Từ Ả Rập Saudi theo lịch sử  đạo Hồi tỏa sang phía Tây, Phương Mai lần lượt đi qua Dubai, Oman, Yemen, Li Băng, Syria, Jordan, Palestine, Ai Cập, Libya, Tunisia, Ma Rốc, Tây Ban Nha.

Vậy là tác giả mới chỉ hoàn thành một nửa con đường Hồi giáo, và dừng lại vì… hết tiền, dừng lại với lời hứa bao giờ gom góp đủ sẽ tiếp tục đi nốt quãng đường sang phía Đông.

Sau 9 tháng lăn lê qua 13 đất nước Trung Đông, 1 đất nước nội chiến, 2 đất nước trong tình trạng vô chính phủ, số còn lại ì ầm biểu tình hằng ngày… “con lừa ẩm sọ” (lời tác giả tự nhận) vẫn nguyên xi một mảnh, không sứt mẻ gì. Thật là may!

Con duong hoi giao review

Một miền đất Trung Đông đầy mâu thuẫn

Bên cạnh bề nổi là những mâu thuẫn chính trị, tôn giáo, sắc tộc chẳng mấy đẹp đẽ, mỗi quốc gia của Trung Đông mang trong mình những mâu thuẫn riêng. Gợi mở những góc nhìn mới, nhuộm lại một màu sắc mới mẻ cho những trải nghiệm và tư tưởng cũ đã tồn đọng quá lâu vào tiềm thức của mọi người.

Dubai là một tiểu vương quốc trong bảy Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Dubai xa hoa giàu có, nhưng mỗi người dân của tiểu vương quốc này đang bị xé ra làm hai: một nửa đầy tự hào và kiêu ngạo một Dubai sáng choang giữa lòng sa mạc, nửa kia ngậm ngùi quặn thắt vì chính họ hiểu rằng mình đã “mua” một Dubai hào nhoáng chứ không hải đã “xây” bằng tài trí và công sức của mình. Dubai hệt như một ông chủ thời @ không biết gửi email. Đằng sau vẻ lộng lẫy, Dubai là sự đối chọi giữa cái mới và cũ, cái được và không được, cái hợp pháp và phi pháp… mãi loay hoay đi tìm danh tính quốc gia, Dubai buộc phải bám vào Hồi giáo để xác nhận và tạo lập danh tính văn hóa bản địa của chính mình.

Oman là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, dường như khắp nơi đều có màu hồng của hạnh phúc viên mãn với người dân đầy thân thiện. Nhưng Oman lại buồn tủi lạc điệu giữa một thực tế đa sắc màu và xoay vần chẳng có hồi kết. 

Yemen mang trên mình văn hóa súng ống dao găm làm người khách phương xa sởn gai ốc, hoá ra lại là nền tảng xây dựng nên thành trì của sự an yên trong tâm trí. 

Syria. Một mặt, hàng ngày hít thở bầu không khí tang thương đến nỗi đặt tên cho hai đứa con sinh đôi sắp chào đời chỉ là chuyện “Khó chi! Chỉ cần lấy tên của bất kì hai đồng đội của tôi chết đúng ngày vợ sinh mà thôi!”. Mặt khác, lại có những phiên tòa nhân dân đầy tình người đến nỗi “Dù chính quyền có thối tha đến cỡ nào, chiến tranh có tang tóc đến cỡ nào, xã hội có loạn lạc đến cỡ nào, nếu những luật lệ văn hóa được gìn giữ thì lòng người cũng khó loạn.”

Palestine với thánh địa Jerusalem linh thiêng, nơi hội tụ cội nguồn ba tôn giáo lớn, cũng chính là địa danh oằn mình bao đời dưới những xung đột tôn giáo đầy máu và nước mắt. 

Ai Cập có một nền văn minh lớn và một nền chính trị cùng quẫn bế tắc, cứ mãi đi tìm và khát khao hai chữ “dân chủ”. Ai Cập chỉ còn vương vất lại vỏ ngoài nguy nga của Kim Tự Tháp, của lăng Pharaoh, của Nhân sư Sphinx, che đậy bên trong đã tàn lụi: “Văn minh Ai Cập đã mất. Tiếng Ai Cập đã mất. Người Ai Cập giờ theo tôn giáo của kẻ từng tràn đến thống trị: Hồi giáo. Người Ai Cập giờ đây nói tiếng của kẻ từng đô hộ Ai Cập: tiếng Ả Rập.”

Trung Đông ẩn chứa nhiều mâu thuẫn.

Trung Đông bởi vậy mà dễ tổn thương.

Thay đổi những định kiến cố hữu về Trung Đông

“Con đường Hồi giáo” là tiếng hót của một chú chim đang cố gắng hoàn thành sứ mệnh của mình. Hót váng lên một chặp, dẫu chối tai. Nhưng đã là chim thì phải hót.

“Con chim cất tiếng hót không phải vì nó đã tìm ra được giải pháp cho cuộc đời. Nó hót đơn giản bởi vì nó có một bài hát thôi.” (Maya Angelou)

Phương Mai đi và viết, như một chú chim bay và hót.

Phương Mai tái hiện trên từng trang sách nên một Trung Đông trực diện, khách quan và đa chiều, để không còn là một Trung Đông gói gọn trong định kiến: hủ lậu, khủng bố, tử vì đạo, Hồi giáo cực đoan…

Hóa ra, sau tấm áo chùng đen của cô bạn Hồi giáo mới quen là bộ ngực căng tròn với dòng chữ “No Man! No Cry!” trên làn áo thun mỏng dính. Hóa ra, Trung Đông không chỉ là bức tranh một màu xám xịt, ở một tầm nhìn khác, Trung Đông là Dubai xa xỉ, là Oman tồn tại như một xứ sở thần tiên, là tấm thảm Tunisia nhiều màu sắc với trầm tích văn hóa hàng ngàn năm, những công trình kiến trúc đẹp đến nghẹt thở, với cuộc sống thấm đẫm tôn giáo, cùng vẻ hiện đại và hào nhoáng tột cùng.

13 đất nước Trung Đông mà Phương Mai đặt chân đến lần lượt hiện ra sống động như 13 cuộc đời mà bấy lâu nay không được kể một cách toàn vẹn.

Phương Mai giúp tầm nhìn của độc giả phổ quát hơn, cởi mở hơn đối với Trung Đông, và cũng truyền cảm hứng sống đẹp, nhìn đời tinh gạn hơn:

“Trên đời không có kẻ xấu và người tốt, chỉ có có kẻ tốt nhiều và tốt ít hơn, hay kẻ xấu nhiều hay xấu ít hơn.” – Nguyễn Phương Mai.

Thế giới không có trắng đen rạch ròi, không có quốc gia văn minh hoàn toàn, không có đất nước hủ lậu hoàn toàn, không có người tốt hoàn toàn, cũng không có kẻ xấu hoàn toàn.

Mở lòng, dung thứ và nhìn nhận mọi điều bằng con mắt cởi mở, không vướng bận định kiến, thì chắc chắn, những người tưởng là xấu nhiều hóa ra lại xấu ít, còn những người tốt ít thì hóa ra lại tốt nhiều.

Nguyễn Phương Mai – một trái tim có tâm với thời cuộc

Báo chí ra đời để đáp ứng nhu cầu của con người, do hạch hạnh nhân amygdala mà bản năng con người luôn chú ý tin xấu, chính vì vậy mà 90% báo chí toàn tin không vui. Kết quả, Trung Đông qua mặt báo là vùng đất xám xịt, chiến loạn và cực đoan tôn giáo.

Đã từng có một thời gian dài làm báo trước khi về công tác tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, PGS.TS Nguyễn Phương Mai hiểu rõ sức mạnh của truyền thông. Chị cũng hết sức trăn trở về sự phổ biến thái quá của những thông tin gây sốc, được truyền với tốc độ đáng sợ, lây lan như một bệnh dịch nguy hiểm, bằng một cú kích chuột nhanh hơn tốc độ xử lý thông tin của não… Những thông tin phiến diện đó kích động tâm lý bầy đàn và huỷ hoại tư duy có chọn lọc của con người.

Bởi vậy, thay vì phó mặc và thụ động, Phương Mai chọn lên đường, trải nghiệm, khám phá, thu nạp, minh chứng, suy tưởng, và sẻ chia.

Sách của tác giả Nguyễn Phương Mai

Phương Mai còn là một trái tim luôn giữ được ngọn lửa ấm nồng tình yêu đất nước. Nếu trong “Tôi là một con lừa”, chị thể hiện cái nhìn khách quan về quê cha đất tổ: “Càng đi càng ít dám chê nước mình!”, thì ở tác phẩm “Con đường Hồi giáo”, đứng trước nền văn minh Ai Cập lâu đời, dòng máu “con rồng cháu tiên” vẫn chưa bao giờ ngừng chảy trong huyết quản của chị:

“Có một niềm tự hào len lỏi trong tim tôi, tự nhủ rằng dẫu nền văn minh Việt không hùng vĩ và lâu đời như Ai Cập, nhưng trải qua bao sóng gió của đô hộ và thực dân, ít nhất người Việt mình vẫn biết ai là bạn ai là thù, dù có đổi thù thành bạn, dù có vay mượn ít nhiều cũng vẫn còn một tiếng nói kia để biết rằng ‘ngọn’ này còn nối liền với ‘gốc’.”

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi

Mẹ hiền ru những câu xa vời…” (Phạm Duy)

Duyên