Đó là lời tựa tiểu thuyết Khi loài vật lên ngôi do chính Karel Capek viết đã như gói trọn tư tưởng của ông trong tác phẩm này. Khi Karel Capek viết về trường hợp giả định: sự trỗi dậy của một loài sa giông mới chỉ sau vài năm được loài người; mà điều ông hướng đến, vẫn là “hiện thực” những năm 30 của thế kỷ XX, chủ nghĩa phát xít xuất hiện, châm ngòi cho Thế chiến thứ Hai và đẩy thế giới con người tới bờ diệt vong. Và hơn cả, đó còn như lời tiên đoán cho tương lai loài người, một tương lai có phần ảm đạm nếu người ta vẫn mãi chìm trong tham lam, ích kỷ, hiếu sát cùng ảo vọng rằng loài người sẽ mãi đứng trên đỉnh thế giới.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn
khi loài vật lên ngôi review
Từ giống loài “dã man”

Mặc dù Khi loài vật lên ngôi được chính Karel Capek nhận định là một tác phẩm của “hiện thực”; nhưng trước khi hướng về hiện thực thì cuốn tiểu thuyết này là “viễn tưởng”. Sự “viễn tưởng” được đặt nền móng từ chính quan sát của Karel Capek ở thực tại. Bởi ông viết về một giống loài phi thực tế: loài sa giông đặc biệt có “tên khoa học” Andrias Scheuchzeri song chúng mang ngoại hình, tập tính khá giống loài sa giông sống lưỡng cư trong thực tế. Bề ngoài đen đúa, sống được cả trên cạn lẫn dưới nước. Tuy nhiên, Andrias Scheuchzeri có kích thước lớn hơn sa giông thông thường, có thể đi lại bằng hai chân ở trên cạn, có thể tiếp nhận giáo dục từ con người để giao tiếp và lao động.

Giống loài đó, vốn dĩ sống tách biệt với thế giới loài người trên một hòn đảo biệt lập. Người dân xung quanh, biết đến sự tồn tại của chúng song sợ hãi chúng như sợ hãi một tồn tại siêu thực, nằm ngoài tầm hiểu biết. Mặc dù những sinh vật ấy khi đấy vô hại, nhỏ bé, yếu đuối khôn cùng. Sa giông Andrias Scheuchzeri lúc bấy giờ thực sự sống trong thời “dã man”, cách xa văn minh, mọi hoạt động sinh hoạt, sinh tồn đều hết sức bản năng.

Vì yếu đuối, cũng không có cách kháng cự trước sức mạnh tự nhiên, cách thức tồn tại duy nhất của chúng chỉ là sinh sản thật nhiều nhằm duy trì nòi giống. Một cách thức đầy nguyên thủy. Ngoại hình của chúng cũng chỉ hợp cho việc săn bắt các loài phù du, sinh vật nhỏ dưới biển. Dường như, trong quá trình tiến hóa, tạo hóa đã lãng quên giống loài Andrias Scheuchzeri này. Và Andrias Scheuchzeri hẳn vẫn sẽ tiếp tục tự sinh tự diệt trong thời “dã man” như vậy, nếu không có sự can thiệp của loài người.

Quả thực, dù viết về một loài vật giả tưởng nhưng Karel Capek đã như khiến độc giả lãng quên rằng Andrias Scheuchzeri là sản phẩm của trí tưởng tượng. Bởi những tư liệu khoa học về sự hình thành, phát triển, thậm chí cả hình ảnh hóa thạch của chúng được ông cung cấp hết sức đầy đủ. Và cũng bởi, sa giông Andrias Scheuchzeri là giả tưởng nhưng tiến trình giống loài ấy đi từ “dã man” đến “văn minh”, tựa như một tấm lăng kính soi chiếu tiến trình phát triển của con người đi từ thời kỳ tiền sử, đồ đá đến thời hiện đại vậy.

khi loài vật lên ngôi

Đến những bước chập chững tiến vào thế giới “văn minh”

Nếu ví sự phát triển của loài sa giông Andrias Scheuchzeri với tiến trình phát triển của loài người thì thời điểm thuyền trưởng J. van Toch lần đầu biết đến và phát hiện ra giống loài này có lẽ tương ứng với giai đoạn người tiền sử, thời đồ đá, khi sa giông chỉ có thể sinh tồn, kiếm ăn bằng những cách thức, công cụ hết sức thô sơ. Sau thời điểm đó, chính là giai đoạn giống loài Andrias Scheuchzeri tiến vào thế giới “văn minh”, như con người đã dần xây dựng lên xã hội văn mình hiện tại. Chỉ rằng, con người xây dựng xã hội cộng đồng trên mặt đất, loài lưỡng cư như sa giông tạo dựng thế giới, môi trường sống dưới biển bằng cách đắp đập, xây bờ, dựng kè, đào hào cùng hệ thống giao thông, hầm ngầm chằng chịt lưới lòng đáy biển…

Tuy nhiên, nếu hành trình loài người phát triển đến đỉnh chuỗi thức ăn trên trái đất kéo dài hàng nghìn năm thì tiến trình sa giông Andrias Scheuchzeri trở nên “văn minh” lại chỉ diễn ra trong vài năm. Bởi sự tiếp tay của chính con người.

Con người, trước hết cung cấp cho chúng không gian hoạt động cùng công cụ tự vệ, lao động để chúng có thể sinh tồn giữa đại dương bao la với hàng ngàn thiên địch. Tiếp đó, chính con người tự động dạy cho chúng hệ ngôn ngữ, chữ viết của người hiện đại để sa giông giao tiếp. Xa hơn, cũng tự tay con người đưa cho sa giông vũ khí hủy diệt hàng loạt. Người ta dạy cho giống loài ấy biết sự trao đổi, mua bán đồng giá; dạy chúng biết bình đẳng, khám phá thế giới.

Bằng sự chăm chỉ lao động cùng khối óc thông minh, tiếp thu nhạy bén, từ những bước chân chập chững đầu tiên giống loài ấy tiến vào thế giới đại đồng chỉ với vai trò là thứ tiêu khiển cho con người trong sở thủ, rạp xiếc; là nô lệ, lao động khổ sai cho loài người trong những vũng, vịnh, bờ biển… sa giông Andrias Scheuchzeri ngày càng tiệm cận với sự “văn minh”, tân tiến khoa học. Giống như xã hội loài người đang đi từ hình thái công xã nguyên thủy đến chiếm hữu nộ lệ, bỏ qua giai đoạn trung gian mà tiến thẳng đến “thời đại tân kỳ” vậy.

Để rồi, Andrias Scheuchzeri phát triển vượt bậc, mà như chẳng ai quan tâm một hiện thực nghiệt ngã: chúng hiểu rất rõ về con người và thế giới loài người nhưng loài người gần như không có chút hiểu biết gì về thế giới của chúng. Người ta nghiên cứu tập quán cư trú, sinh hoạt quần thể, sinh sản, não bộ giống loài này nhưng sự phát triển của cả quần thể sa giông dưới nước, người ta lại chẳng hề hay biết. Như vốn, đại dương tăm tối mãi là thế giới bí hiểm với loài người.

Hiểu biết hạn chế nhưng lại mặc nhiên bỏ qua, thờ ơ trước mọi lời cảnh báo của giới khoa học, người ta giễu cợt giống loài khác biệt, tàn nhẫn, thậm chí là tàn sát giống loài yếm thế vì sự ích kỷ, vụ lợi hay đơn thuần chỉ để thỏa mãn thói hư vinh, hiếu sát của bản thân. Văn chương Karel Capek có thể nói là dưng dưng, tưng tửng đến sắc lạnh; ngắn gọn, trung dung, khách quan như những bài báo chí phóng sự nhiều cửa dài kỳ. Từ đó, cùng một vấn đề, tác giả đưa cho độc giả nhiều “cánh cửa” để nhìn nhận ở mọi góc độ: quốc gia, doanh nghiệp, khoa học, nhà hoạt động xã hội, những kẻ buôn lậu, người dân bình thường, sa giông Andrias Scheuchzeri…

Song dẫu ở cửa nào, mọi ngã rẽ đều quy về một mối: hiện thực đời sống ẩn sau câu chuyện mang lớp vỏ viễn tưởng. Cụ thể hơn, là cục diện thế giới những năm 30 của thế kỷ XX, các nước phương Tây trải qua thời suy thoát kinh tế kéo dài, mỗi nước, tìm cách vực dậy nền kinh tế khác nhau. Chủ nghĩa phát xít xuất hiện, đe dọa nền hòa bình thế giới. Một cục diện như điều tất yếu xảy đến sau kỷ nguyên “văn minh” người ta xây dựng trên nền tảng vị kỷ, đa số – thiểu số cùng hàng loạt chủ nghĩa cực đoan của con người thời hiện đại.

khi loài vật lên ngôi karl capek

Và Khi loài vật lên ngôi

Khi loài vật lên ngôi là cuốn tiểu thuyết hết sức đặc biệt. Không chỉ đặc biệt trong cách kể của Karel Capek khi xây dựng tác phẩm viễn tưởng như một tấm gương phản chiếu xã hội loại người hay sự đa bội điểm nhìn ở ngôn ngữ tự sự của người kể chuyện. Mà hơn cả, cuốn sách này tập hợp hàng loạt thể tài khác nhau: tự sự, báo chí, tin vắn, khoa học,..; từ đó dẫn đến cách thức biểu hiện tác phẩm hết sức phong phú.

Thoạt nhìn, độc giả có thể sẽ bị ngợp trước sự đồ sộ ở khối lượng kiến thức lẫn bút pháp đa dạng của Karel Capek. Nhưng càng đi sâu vào tác phẩm, người ta lại càng dễ dàng nhận thấy, các chương, phần truyện được gắn kết bằng sự lớp lang đầy logic. Tất cả đều nhằm tái hiện hành trình giống loài sa giông Andrias Scheuchzeri lên ngôi như một điều tất yếu sau sự thờ ơ, nhún nhường, kiêu căng, tự phụ cùng lòng tham không đáy của loài người khi đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn và trải qua suốt quãng thời gian lợi dụng sa giông để vơ vét của cải, kèn cựa, tranh đấu với nhau.

Như đã nói, tác giả Karel Capek luôn ý thức, tâm niệm về việc hướng ngòi bút đến hiện thực “[…] văn chương nếu không quan tâm đến thực tại và những gì thực sự xảy ra trên thế giới, nếu không có những phản ứng mạnh mẽ mà chỉ là ngôn từ sáo rỗng, thì đó không phải văn chương của tôi.” Bởi thế, không dưới ba lần, ông đã đan cài nhận định của bản thân về mối tương quan giữa sa giông với con người: “[…] con Andrias Scheuchzeri, thường được gọi là Andy, đã chết vì hậu quả của sự nổi tiếng. Điều này cho thấy ngay cả loài sa giông cũng có thể bị hư hỏng vì danh vọng.”

Và đặc biệt, từ tiểu thuyết Khi loài vật lên ngôi, Karel Capek không chỉ hoài nghi mà còn giải thiêng, thậm chí giễu nhại hàng loạt ảo tưởng của con người về thế giới thánh thần. Khi nhân loại vẫn luôn đứng trên bờ vực tận diệt bởi chiến tranh, thánh thần ở đâu? Và loài người, là tạo tác đẹp đẽ nhất hay vốn chỉ là giống loài yếu đuối khôn cùng mang nặng tham, sân, si rồi tự đẩy bản thân đến bờ vực hủy diêt?

Khi loài vật lên ngôi là tiểu thuyết viễn tưởng, là hiện thực và còn như là lời tiên đoán của Karel Capek cho thế giới tương lai. Khi cuốn tiểu thuyết viết vào năm 1936 nhưng đã như dự báo trước hàng loạt thảm họa con người phải đối mặt: Thế chiến thứ Hai, sự tăng dân số, vũ khí hủy diệt hàng loạt, bệnh dịch, phân biệt màu da, sắc tộc chưa khi nào kết thúc mà như ngày càng sâu sắc… “Đây chính là hiện thực”, và cũng là tương lai có phần u tối, bi kịch, nếu người ta mãi để phần con lấn át cho loài vật lên ngôi.

Link mua sách:

Mọt Mọt