“Những ngày thơ ấu” là thiên hồi ký của Nguyên Hồng, với tất thảy sự phức tạp và bi kịch ở cái tuổi đáng ra phải được nâng niu trong tổ ấm gia đình, đồng thời tác giả thổi làn gió phiêu lưu và chút tình lãng mạng khiến cuốn tự truyện bớt đi đôi phần ảm đạm cũng như tăng thêm vài phần tươi mới.

Những ngày thơ ấu reviewsachonly

Ban đầu, tác phẩm được đăng nhiều kỳ trên tờ Ngày Nay, từ số 133 (22/10/1938) đến số 140 (10/12/1938). Gần hai năm sau, Nhà xuất bản Đời Nay phát hành ấn bản “Những ngày thơ ấu” gồm truyện cùng tên và bốn truyện ngắn khác.

838680f22be64d57993150d82ba89aec

Tác phẩm gồm 9 chương: Tiếng kèn, Chúa thương xót chúng tôi, Trụy lạc, Trong lòng người mẹ, Đêm Noel, Trong đêm đông, Đồng xu cái, Sa ngã, Một bước ngắn. Trích đoạn “Trong lòng mẹ” thuộc chương IV được đưa vào giảng dạy ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8, tập 1.

Đọc thêm review Việt Nam danh tác:

“Kính tặng mẹ tôi”

“Kính tặng mẹ tôi” là lời đề từ mà nhà văn Nguyên Hồng trân trọng đặt ngay đầu tác phẩm, biểu thị một sự thật hiển nhiên rằng “Những ngày thơ ấu” mang tình yêu cùng niềm kính trọng của một người con hướng về mẹ mình.

Hồng và em Quế là kết quả của một cuộc hôn nhân không tình yêu.

“Thầy tôi làm cai ngục. Mẹ tôi con nhà buôn bán.”

Họ lấy nhau không phải vì quen biết nhau rồi yêu thương nhau. Chỉ vì một bên hiếm hoi muộn cháu và giàu có, một bên sợ nguy hiểm giữ con gái đẹp đến thì ở trong nhà. Đến lúc về chung một nhà, tính tình khác nhau lại không cố gắng hiểu nhau, gần như là khinh miệt nhau… Sau khi người cha nghiện ngập chết vì ho lao, người mẹ sớm đi bước nữa, để lại hai đứa trẻ bơ vơ, bị hắt hủi, sống tủi nhục trong sự ghẻ lạnh và cay nghiệt của họ hàng nhà nội.

Hồng lang thang mưu sinh nhờ biệt tài đánh đáo, tự nuôi bản thân bằng đồng tiền kiếm được. Trên các vỉa hè đường phố, Hồng thường xuyên chung đụng với đủ mọi hạng người, mà phần nhiều là tụi trẻ lêu lổng mất dạy, rồi bị nhiễm cái chất du đãng ấy, và nhỡ mồm nên gặp họa ở trường học.

Những cuộc phiêu lưu hè phố và chút lãng mạn liên quan đến gương mặt xinh tươi của cô bé Thu, đã đôi chút làm dịu bớt quãng đời côi cút, tủi nhục của Hồng. Nhưng chỉ có mẹ, chỉ được gặp mẹ mới khiến Hồng sống như một đứa trẻ, muốn òa khóc để được ôm hôn, cưng nựng.

Mẹ là điểm tựa, mẹ là suối nguồn yêu thương trong suốt những tháng năm thơ dại của cậu bé Hồng, dẫu rằng có quãng thời gian xa cách, có những lời đàm tiếu không ngừng xung quanh, nhưng Hồng vẫn luôn thấu hiểu và yêu mẹ nhiều hơn.

Ảnh for_anie Những ngày thơ ấu Reviewsachonly
Ảnh: for_anie

Lên án lề thói khắc nghiệt của xã hội cũ.

Từ thuở lên bảy, lên tám, ở cái tuổi hay tò mò và ghi nhớ rất lâu, Hồng đã nhận ra sự lạnh nhạt trong tình cảm của cha mẹ, hai con người đã lấy nhau vì lề thói cũ và gắng gượng ăn nằm với nhau để lấy con nối dõi cho dòng họ.

Nguyên Hồng đã nhiều lần lên tiếng thay cho người mẹ xinh đẹp nhưng bất hạnh của mình, lên tiếng chống lại những tối tăm oan trái từ lễ giáo phong kiến đã đè nén lên thân phận của phụ nữ trong xã hội cũ. Chứng kiến cuộc đời mẹ, lúc còn trẻ sống nhẫn nhục bên người chồng chẳng có tình cảm, sống thầm lặng như cái bóng ngắn của bức tường dày, đến khi chồng chết phải tha phương cầu thực, chịu mọi sự khinh bỉ:

“Phong tục và lễ nghi cổ hủ của nước Việt Nam đã bắt một người mẹ coi sự sinh nở khi chưa đoạn tang chồng cũ ghê tởm hơn là những sự gian ác xấu xa hơn hết… Và các thành kiến nô lệ gông cùm từ ngàn xưa truyền lại đã nâng một đứa con trai chưa đầy mười bốn tuổi lên một địa vị cao trọng để mẹ nó phải khuất phục, tín ngưỡng và cầu khẩn!”

Đề tài chống lễ giáo phong kiến đã được nhiều nhà văn đưa vào trang sách, nhưng đa phần là viết về tình yêu đôi lứa. Thiên hồi ký của Nguyên Hồng giãi bày một tâm hồn trong sáng nhất, làm bật lên tình mẫu tử cao đẹp nhất, và đồng thời phơi bày sự cay nghiệt của lề thói trong xã hội cũ đã dồn người phụ nữ vào bước đường cùng.

Những ngày thơ ấu reviewsachnet

Một phong cách hiện thực đậm màu sắc trữ tình lãng mạn.

“Tôi chỉ thấy trong những kỷ niệm cũ đau đớn ấy, sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại, lạc loài trong những lề lối khắc nghiệt của một gia đình sắp tàn.” – Thạch Lam.

Lời nhận xét có vẻ, mang một chút gì đó gọi là ưu ái với người bạn văn của mình. Thạch Lam quen biết và yêu mến Nguyên Hồng từ sau khi “Những ngày thơ ấu” được giới thiệu trên báo Ngày Nay. Về sau, thỉnh thoảng Nguyên Hồng cũng dành lời đề từ trong tác phẩm mới của mình để viết tặng Thạch Lam.

Chênh nhau 8 tuổi, Thạch Lam là một trong những cây bút chủ đạo của Tự lực văn đoàn, trong khi Nguyên Hồng đi theo xu hướng hiện thực và sau này trở thành một nhà văn hiện thực phê phán tiêu biểu, nhưng hai tâm hồn văn chương ấy đã giao nhau khi đi tìm vẻ đẹp từ những điều bình dị, rồi gặp nhau ở cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa, với lối viết đi sau vào cảm giác và phân tích tâm lý tinh tế.

Văn phong của Nguyên Hồng không những tinh tế mà còn có sức lan tỏa sự rung cảm và làm thức dậy giác quan của người đọc. Đó là cảm giác của một cậu bé sau bao tháng ngày tủi hổ, cô đơn, đằng đẵng xa cách lại được lăn vào lòng mẹ:

“Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một thứ hơi êm dịu vô cùng.”

Độc giả dường như cũng được thể nghiệm thứ cảm giác ấy, thứ cảm giác ấm áp mơn man khắp da thịt…

Nguyên Hồng của tuổi hai mươi làm sống dậy những ngày thơ ấu của chính bản thân, không chỉ đơn thuần là kể lại những kỷ niệm và sự kiện đã qua, mà bằng cách lắng nghe những âm vang sâu lắng của tâm hồn đồng thời ghi nhận những xúc cảm tinh tế từ bên trong, thì mới viết ra được một thiên hồi ký dễ dàng chạm vào điểm yếu mềm nhất trong tâm khảm người đọc đến thế. Đó chính là màu sắc trữ tình lãng mạn trong trang văn hiện thực đậm chất Nguyên Hồng.

Hiểu thêm về Nguyên Hồng (1918 – 1982).

Ngoài vai trò được biết đến nhiều nhất là một nhà văn, Nguyên Hồng còn là một nhà thơ và là một chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

“Mê Kông quặn đẻ

Chín nhánh sông vàng

Nông dân Nam Bộ gối đất nằm sương

Mồ hôi vã bãi lau thành đồng lúa

Thành những tên đọc lên nước mắt đều muốn ứa…”

(Trích bài thơ “Cửu Long Giang ta ơi” – Nguyên Hồng)

Chân dung nhà văn Nguyên Hồng Những ngày thơ ấu reviewsachnet
Chân dung nhà văn Nguyên Hồng

Nguyên Hồng tên đầy đủ là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 05/11/1918 tại phố Hàng Cau, thành phố Nam Định. Cha mất sớm, nhà lại nghèo, cậu buộc phải nghỉ học giữa chừng, năm 1935 theo mẹ ra Hải Phòng lần hồi mưu sinh nơi xóm Cấm, xóm chùa Đông Khê.

Dẫu tuổi thơ cơ cực, Nguyên Hồng vẫn luôn giữ được niềm đam mê với sách từ bé, cậu đọc khá nhiều và tích lũy được không ít cho sự nghiệp cầm bút về sau. Từ cuộc sống đọa đày lam lũ, chân ướt chân ráo bước vào làng văn năm 1936 với truyện ngắn “Linh Hồn” được đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, Nguyên Hồng vươn lên mạnh mẽ như một cây non căng tràn nhựa sống, khát khao vươn tán lá đón ánh nắng mặt trời, để rồi lần đầu tiên ghi dấu tên tuổi của mình trên văn đàn Việt Nam với tác phẩm “Bỉ vỏ” năm 1937.

Có thể nói rằng, bằng tài năng và nỗ lực không ngừng, Nguyên Hồng đã xây dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc và một vị trí quan trọng trong dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945 nói riêng và trong nền văn học thế kỷ XX nói chung. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957.

Trong đời sống chính trị, Nguyên Hồng từng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939) ở Hải Phòng. Cũng từng tù tội vì theo cộng sản, ông lại tiếp tục tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng vào năm 1943. Nguyên Hồng là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1996, nhà văn Nguyên Hồng được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

: