Siddhartha là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Hermann Hesse, một văn hào, thihào lẫy lừng người Đức đã đạt giải Nobel Văn chương 1946. Câu chuyện kể về chuyến hành trình tâm linh, đi tìm chân lý tối thượng trong đời của một chàng trai tên Siddhartha, con của một người Bà La Môn (một trong bốn đẳng cấp ở Ấn Độ, gồm các tu sĩ, triết gia, học giả và các nhà lãnh đạo tôn giáo, rất được tôn trọng) trong thời Đức Phật còn tại thế.
Hành trình tự giác ngộ của Siddhartha truyền cảm hứng cho những người trẻ dấn thân tìm kiếm con đường riêng
Siddhartha trưởng thành trong một gia đình thuộc dòng dõi Bà La Môn, được nhiều bậc thức giả quý trọng, cha mẹ tự hào và đặt nhiều kì vọng, những người đương thời ngưỡng mộ, nhưng bản thân anh không tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình. Những lý thuyết, thánh kinh được giảng dạy bởi các bậc tiền nhân thông thái nhất vẫn chưa đủ để làm đầy túi khôn anh. Hành trình phát triển tâm linh của Siddhartha bắt đầu khi anh bỏ nhà ra đi, tầm sư học đạo, trải qua những tháng ngày tu khổ hạnh cùng các vị sa môn trong rừng già, thỉnh giáo những lời dạy của Đức Phật, bước chân vào vòng xoay thế tục, đắm chìm trong dục lạc trần gian và cuối cùng giác ngộ qua việc chiêm nghiệm lẽ đời bên dòng sông.
44fbad2486e2b1c02ed79b5dd0a22655
Hành trình dấn thân trên con đường mới thuộc riêng mình đòi hỏi nhiều sự can đảm, bởi lẽ hướng đi vô định đó có thể bắt người trẻ trả giá bằng những sự thất bại, tuyệt vọng, mất niềm tin vào bản thân và cuộc đời. Siddhartha có thể chọn sống theo định hướng của gia đình và xã hội, trở thành một bậc trí giả Bà La Môn được tôn sùng. Anh sẽ đem đến sự hài lòng cho thế giới bên ngoài, nhưng nội tâm anh không tìm thấy sự mãn nguyện thực sự. Mỗi một người trẻ có những lựa chọn riêng, cách nhìn, cách nghĩ khác nhau. Khi đủ mạnh mẽ để đưa ra những quyết định lớn đời mình và dám vững vàng chịu trách nhiệm, người trẻ bắt đầu hành trình trưởng thành, mở rộng nhân sinh quan về thực tế cuộc sống.
Bức tranh nội tâm sinh động, một tấm gương giúp người trẻ soi chiếu chính mình để xác định hướng đi phù hợp trong đời
Người nghệ sĩ tài năng Hermann Hesse như một vị bác sĩ phẫu thuật đầy điêu luyện trong việc mổ xẻ tầng tầng lớp lớp những cung bậc cảm xúc, đi sâu vào những ngóc ngách thầm kín trong tâm hồn người thanh niên trẻ Siddhartha và phơi bày chân thực bức tranh nội tâm anh với đầy những chiêm nghiệm, trăn trở trong những biến chuyển then chốt trên con đường trưởng thành tâm linh. Xuyên suốt tác phẩm là tập hợp những giằng xé bên trong Siddhartha giữa lý tưởng, khát vọng và hiện thực đang diễn ra, để cuối cùng, đến những điểm cao trào bùng vỡ, anh đưa ra những quyết định quan trọng, nâng tầm nhận thức lên một ngưỡng mới, đến gần hơn với sự giác ngộ đích thực.
Hành trình bước vào thế giới nội tâm Siddhartha giúp người trẻ đối chiếu những góc khuất bên trong chính mình. Trên con đường làm chủ hạnh phúc đời mình, tâm tư người trẻ sẽ nhiều lúc bị khuấy động, dậy sóng bởi những khát vọng sâu thẳm tận cùng. Những nỗi niềm đau đáu đó, nếu được khai thác một cách hiệu quả, có thể giúp người trẻ tạo lực đà mạnh, trở thành bệ phóng thúc đẩy bản thân phát triển mạnh mẽ. Sau những cơn bão tố trong đời, người trẻ ngày thêm cứng cáp, gia tăng tài năng và phẩm giá, thấu hiểu người khác và cuộc sống sâu sắc hơn.
Một tác phẩm văn chương giàu chất thơ và thâm thúy với hệ thống triết lý sâu sắc
Một trong những triết lý xuyên suốt văn hào Hermann Hesse muốn gửi gắm qua cuốn sách là tri thức và trí huệ khác xa nhau. Tri thức là những lý thuyết được truyền dạy, nhưng trí huệ là trí tuệ đã được khai sáng và kiểm chứng qua dấu ấn của sự trải nghiệm sâu sát trong thực tiễn. Tri thức từ gia đình và nhà trường là bước đệm trong nhận thức của người trẻ. Để hiểu thấu đáo những điều được học, người trẻ cần dấn thân sâu, kinh qua mọi góc cạnh của cuộc sống và tự mình khám phá ra những hiểu biết thực sự.
Lắng nghe tiếng nói muôn điệu của dòng sông, lúc vui lúc buồn, lúc dịu êm, khi phẫn nộ, cùng chiêm nghiệm về cuộc nổi trôi của trăm ngàn kiếp sống, hòa quyện, gắn kết vào nhau, không điểm dừng, Siddhartha đã thấu suốt tất cả những sự kiện xảy ra trong đời, nhận chân sự thật – giả thế gian, thấm nhuần bằng tất cả trí tuệ lẫn con tim mình: Tình thương thực sự bao trùm vạn vật bởi mọi sự sống tồn tại đều mang những ý nghĩa nhất định. Khi tiếp xúc với muôn mặt cuộc đời, thấu hiểu nhiều góc nhìn khác nhau, nhân sinh quan rộng mở, người trẻ trưởng thành hơn về mặt nhận thức và cảm xúc. Siddhartha đã từng tỏ ý khinh thường những “con người trẻ thơ” chỉ biết sống theo bản năng và đam mê, nhưng dần anh đã hiểu họ hơn, thấy một phần mình trong họ, thấy một phần họ trong mình. Siddhartha cuối cùng đã thấu suốt tình thương nhất thể của các bậc giác ngộ toàn thiện.
“Siddhartha” được so sánh như một cuốn kinh Đại Thừa Phật Giáo được chuyển tải dưới hình thức một tiểu thuyết văn chương với ngôn từ giàu chất thơ, nhiều xúc cảm. Qua tác phẩm “Siddhartha”, văn hào Hermann Hesse đã để lại cho độc giả sự chiêm nghiệm sâu sắc về những giá trị lớn lao, chân-thiện-mỹ trong đời.
: