Cuốn sách được viết bởi một bloger đồng thời là một nhà văn trẻ đã sống 7 năm tại Hàn Quốc khi cô mới chỉ 15 tuổi. Seoul đến và yêu hoàn toàn là góc nhìn cá nhân và những trải nghiệm suốt 7 năm sống ở Hàn của Quỳnh về những điều chưa bao giờ được giới truyền thông Việt Nam nhắc tới.
Độc giả sẽ tìm thấy gì ở cuốn sách này? Hành trang cho chuyến đi Hàn sắp tới, tự lên lịch trình du lịch có 1-0-2 của riêng bạn, ăn gì ở Seoul, xem gì ở Seoul, chơi gì ở Seoul, thậm chí yêu ở Seoul. Và trải nghiệm cùng Quỳnh về đất nước Hàn Quốc sẽ khiến bạn luôn muốn dành cho bản thân mình một cái cớ để trở lại, để luôn nghĩ về đất nước này. Cuốn sách chắc chắn sẽ mang đến cho độc giả nhiều trải nghiệm thật khác về Hàn Quốc chứ không chỉ nghĩ đó là mảnh đất “của Kpop và Kdrama”.
Một cuốn sách hướng dẫn du lịch và còn… hơn thế nữa
Seoul đến và yêu là một cuốn hướng dẫn du lịch- chắc chắn đúng. Bởi vì ở cuốn sách này độc giả được cung cấp rất nhiều những điểm vui chơi, những món ăn ngon nên thử, những địa điểm nên đặt chân tới, những mùa đẹp nhất để đến Hàn Quốc. Và chắc chắn rồi, cả những gợi ý về hình thức các chuyến đi, những thứ cần chuẩn bị và thậm chí cả một vài câu tiếng Hàn “cấp cứu” khi cần thiết.
Nhưng đây lại là cuốn hướng dẫn du lịch của một nhà văn. Những hình ảnh trong cuốn sách của Quỳnh không cầu kỳ góc chụp, cũng chẳng hề nghệ thuật về màu sắc. Đó thực sự là những hình ảnh được nhặt nhạnh từ những ký ức về Hàn Quốc suốt 7 năm của Quỳnh, là những bức ảnh về nơi Quỳnh đã đi, món ăn Quỳnh đã thưởng thức …. Điều giản dị đó lại khiến cuốn sách dễ gây thiện cảm và trở nên rất gần gũi trước mắt người đọc.
Quỳnh nó rằng, “mọi bài viết đều chỉ phản ánh những gì Quỳnh đã trải qua và cảm nhận ở đất nước này”. Bởi vậy mà văn phong trong cuốn sách rất chân thực, đôi khi có những ngộ nhận ngây ngô, những phát hiện đến hài hước của một cô gái trẻ những năm đầu mới đặt chân tới Hàn Quốc khiến độc giả cũng phải cười cùng Quỳnh.
Mỗi địa điểm được Quỳnh nhắc tới đều được miêu tả rất kỹ và hướng dẫn cụ thể cách để tới đó. Những món ăn thì nếu có những nét tương đồng hay khác biệt đều được so sánh với các món ăn Việt Nam để độc giả dễ hình dung, Quỳnh chỉ dẫn những địa điểm ăn món đó ngon nhất và cả giá tiền một cách đầy đủ nhất. Lồng vào giữa những thông tin ấy, còn là những mầu chuyện rất nhỏ- là những kỷ niệm thật đáng yêu của Quỳnh về ý nghĩa một món ăn, câu chuyện vui về một địa điểm.
Seoul đến và yêu không chỉ là một cuốn sách du lịch với những thông tin là thông tin. Cũng chẳng thể gọi là một cuốn truyện với một cốt truyện cụ thể, những tình tiết cần đọc từ đầu trang tới cuối trang mới có thể nắm bắt. Hãy đọc Seoul đến và yêu đúng cách như Quỳnh đã gợi ý: “Cách đọc quyển sách này một cách đúng nhất: Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy muốn tìm cảm hứng Đi, Chơi, Yêu thì hãy mở một trang bất kỳ ra và đọc. Quyển sách này, mình đã viết trong vòng 7 năm, từ lúc nhỏ cho đến lúc bắt đầu lớn đó, thế nên là, bạn hãy xem nó như xem một bộ phim của thiếu-nữ-đang-yêu nhé!”
Những nét văn hóa giản dị và giàu tính nhân văn từ đất nước Hàn Quốc.
Khi giới thiệu về một đất nước nào đó, ngoài cảnh quan, những món ăn ngon … thì nhất định sẽ phải nói đến văn hóa của đất nước ấy. Hiểu rõ văn hóa của một đất nước chính là điều khiến người ta hiểu sâu sắc nhất về một dân tộc.
Theo trang Wikipedia: “văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra.”
Cách Quỳnh nó về văn hóa của Hàn Quốc, không phải là cách một người ngoại quốc nói về nó. Mà Quỳnh dường như thật sự trở thành một người dân Hàn Quốc và đang nói về văn hóa của đất nước mình vậy. Bởi sau những câu chữ của Quỳnh có một tình yêu và niềm tự hào rất lớn đối với đất nước này. Quỳnh tự hào về chiếc áo đồng phục của trường Đại học Hàn Quốc mà cô đã theo học, cô mặc nó nhiều hơn, dù đã tốt nghiệp rồi. Khi khoác lên mình chiếc áo đó ở đất nước Hàn Quốc, gặp gỡ người Hàn Quốc, cô cảm thấy mình gây được nhiều thiện cảm hơn, được ưu ái hơn, đi ăn cũng được cho nhiều thức ăn hơn, ra sân bay cũng không bị gặng hỏi khắt khe. Quỳnh nói rằng, “Mình chưa bao giờ nghĩ, một chiếc túi hàng hiệu hay một cái áo đắt tiền có thể làm cho người đối diện ngay lập tức có thiện cảm với mình – nhưng một chiếc áo khoác đồng phục lại có thể”.
Chỉ từ câu chuyện nhỏ về chiếc áo đồng phục “quyền lực” của Quỳnh, một đất nước Hàn Quốc hiện lên với thật nhiều thiện cảm và đáng học hỏi. Cách họ ứng xử khiến chúng ta cảm thấy, “cần lắm, việc làm cho sinh viên cảm thấy họ được tôn trọng và bảo vệ như vậy khi khoác lên mình tấm “áo giáp” của bất kỳ ngôi trường nào. Cần lắm, việc làm cho sinh viên muốn tự hào về nơi họ theo học. Cần lắm, việc khiến cho mọi người nể phục tri thức- hơn là vật chất”.
Dưới góc nhìn của Quỳnh, con người Hàn Quốc không xa lạ và gây nhiều tò mò như những anh chàng mắt hí siêu lãng mạn hay những cô gái Hàn luôn xinh đẹp long lanh và rất kiêu kì trên màn ảnh. Con người Hàn Quốc cũng rất giản dị và ấm áp. Người Hàn có cách thể hiện tình cảm rất chu đáo và lặng lẽ, “Ở Hàn, dù giàu có hay thế nào, lúc mua kem cá vẫn thường mua một, mà có mua hai thì anh trai, người yêu, bố, ông … luôn bẻ đầu cá đầy đậu đỏ ra cho người thân yêu của mình và họ chỉ ăn phần đuôi mà thôi”.
Nếu không phải đã từng yêu một anh chàng người Hàn, từng có những người bạn bè, từng được sinh sống tại Hàn Quốc 7 năm. Có lẽ sẽ không có một cuốn sách giản dị nhưng lại tràn đầy tình cảm, niềm tự hào và yêu thương đến vậy từ một cô gái Việt Nam đối với một đất nước không phải quê hương mình như cách Quỳnh đã nói về Hàn Quốc.
Đôi điều về Quỳnh in Seoul
Quỳnh in Seoul tên thật là Vũ Hương Quỳnh, sinh năm 1993 và bắt đầu sống tại Hàn Quốc vào năm 15 tuổi. Quỳnh đã tốt nghiệp Đại Học Hàn Quốc Korea University, khoa Quốc tế học.
Quỳnh chính là tác giả của blog mang tên “Quỳnh in Seoul”- một trang blog chuyên viết về văn hóa, con người, cuộc sống hàng ngày tại xứ Hàn, được rất nhiều bạn trẻ theo dõi và yêu thích. Vào năm 2015, Quỳnh cũng đã từng cộng tác với báo Hoa Học Trò cho ra mắt chuyên mục độc quyền “Thư gửi từ Seoul” và cuốn sách đầu tay mang tên “Hà Quốc đi về phía Bình Minh”, cuốn sách đã giành vị trí best của Fahasha trên toàn quốc suốt 7 tháng liên tiếp. Seoul đến và yêu là cuốn sách thứ ba của Quỳnh.
Giờ đây, Quỳnh đã lập gia đình và kiêm thêm một công việc nữa là Youtuber. Nhìn Quỳnh qua các video, nghe cách nói chuyện thật dễ hiểu tại sao những cuốn sách của Quỳnh lại dễ đến với độc giả như vậy. Mọi trang sách đều thật sinh động, vui tươi và giản dị như khi Quỳnh nói chuyện vậy.
Qua những bài viết, trang sách của mình, Quỳnh đã mang đến một Seoul rất gần gũi. Đẹp nhưng không xa lạ. Phải là một người có tình yêu rất lớn và có đủ niềm tự hào về mảnh đất mình đã từng sinh sống và học tập thì mới có thể viết được những trang sách khiến người ta đọc mà cảm thấy có thể yêu ngay đất nước, con người nơi ấy, muốn nhất định được đặt chân tới, được trải nghiệm nơi đó như cách Quỳnh đã đi.
Quỳnh đã viết trong cuốn sách Seoul đến và yêu rằng: “Có một sự thật là cơ thể chúng ta già đi theo năm tháng, nhưng đừng để điều đó làm cằn cỗi tâm hồn chúng ta theo thời gian. Hãy trở lại một nơi bạn yêu quý, vì bạn luôn luôn có một lý do. Hãy luôn tìm ra một thú vui trong cuộc sống, để có thể trông đợi vào ngày mai. Hãy mỉm cười nếu ai đó nói với bạn câu “Tới đó mà chưa làm/ăn cái này à, phí thế!” Hãy nói rằng “Ừ, lần này chưa làm được, nhưng lần tới sẽ làm! Vì bạn sẽ trở lại mà, đúng không?”.
Hà Thúy Ngà