Là tác phẩm thuộc series Thám tử Galileo – Giáo sư vật lí Yukawa Manabu ra mắt sau tiểu thuyết Cuộc diễu hành thầm lặng ba năm, Xoắn ốc vô hình tiếp tục đi sâu thêm về những vấn đề cá nhân, riêng tư nhất của vị giáo sư vật lí “nổi tiếng lạnh lùng” này. Khi đây là lúc, Giáo sư Yukawa đã quay trở lại Nhật Bản công tác được một thời gian. Và vụ án mới nhất người bạn Kusanagi của anh phụ trách, có những yếu tố liên quan trực tiếp đến anh, vào chính thời điểm Yukawa Manabu đang dành thời gian bên gia đình, bên người mẹ đang dần rời xa trần thế.

xoắn ốc vô hình review

Vụ án với nhiều điểm khuất khúc

Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, yếu tố trinh thám hay yếu tố vật lí hiện hữu trong vụ án tại tiểu thuyết Xoắn ốc vô hình không đậm đặc như nhiều tác phẩm khác thuộc cùng series Thám tử Galileo mà tác giả Higashino Keigo viết lên. Tuy nhiên, vụ án ở tiểu thuyết này vẫn có những điểm khuất khúc riêng nếu xét trên khía cạnh hành động của nghi phạm và những người liên quan đến nghi phạm. Tất cả dường như đều hướng đến hàng loạt câu hỏi, mối quan hệ thật sự giữa họ là gì? Họ có vai trò gì trong cái chết của tên vô công rồi nghề Uetsuji Ryota mà xác hắn lại được tìm thấy ở tít mãi ngoài khơi Minamiboso?

Bởi việc cô gái người yêu của nạn nhân, Shimauchi Sonoka, vừa là người đi báo án, vừa là người có bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo, nhưng việc ôc biến mất ngay trong thời điểm các điều tra viên đang tra án lại khiến cô trở thành nghi phạm số một trong vụ án này. Vì sao Sonoka lại bỏ đi? Nếu cô không phải thủ phạm, nếu cô tự tin với bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo đến thế, tại sao cô lại biến mất ngay thời điểm này? Và cuộc sống đầy mâu thuẫn, xung đột giữa Sonoka với bạn trai, thái độ của cô trước khi xảy ra án mạng, chuyện quá khứ của Sonoka và người mẹ đã qua đời từng làm tại trại trẻ mồ côi, nghi vấn trong mối liên hệ giữa một cô gái sống gần như khép kín như Sonoka với má mì ở một hộp đêm nổi tiếng… đều rất đáng ngờ.

Mà điều đáng ngờ, cũng như bất ngờ nhất, lại chính là sự hiện diện của Giáo sư Yukawa trong vụ án đầy khuất khúc này. Anh luôn khẳng định rằng Sonoka không phải thủ phạm nhưng mọi nguyên do, suy luận đưa anh đến với kết luận đấy, anh đều không hề hé lộ cho cả hai điều tra viên thân quen, Utsumi và Kusanagi biết. Mặc dù Yukawa vẫn hỗ trợ điều tra theo cách của riêng anh, lạnh lùng, lí trí và đầy bí ẩn thì sự xuất hiện cùng những hành động riêng lẻ của anh trong vụ án lần này vẫn khiến người ta đặt ra nghi vấn. Anh có vai trò gì ở đây? Đồng thời, tại sao “manh mối mỏng manh duy nhất để cảnh sát có thể lần ra tung tích của Sonoka” lại nằm ở vị giáo sư vật lí này?

Tất cả, tạo nên một “xoắn ốc vô hình” nối kết các cá nhân những tưởng vốn không hề có chút liên hệ trong một hệ thống các mối liên quan chằng chéo phức tạp. Quá khứ lồng trong quá khứ, để thực tại hôm nay giữa những con người xa lạ, lại như có sợi dây định mệnh nối kết họ với nhau. Để họ nhận ra bản thân đã thu mình thế nào trong cuộc sống hiện đại. Và “một mình” tự lập trong cuộc sống này là một điều tốt. Nhưng khi bản thân thiếu vốn sống, thiếu đi đôi mắt nhìn nhận con người thì việc nhờ cậy lớp người đi trước, mở lòng với những ai sẵn sàng dang rộng đôi tay chở che họ, cũng chẳng phải điều không thể.

Nhất là khi liên kết tình thân luôn hết sức kì diệu. Tình thân giữa những con người cùng huyết thống và cả tình thân giữa những con người đồng cảnh, tương ngộ.

xoắn ốc vô hình

Sự hi sinh của tình thân

Từ liên kết tình thân, người ta sẵn sàng hi sinh cho người thân của mình bằng tất thảy mọi thứ mà họ đang có. Sinh lực, sức khỏe, tiền bạc, thậm chí là cả sinh mạng lẫn tương lai.

Vì người thân, có những cá nhân đã lao lực đến mức kiệt quệ mà gục ngã với niềm hi vọng người thân của họ có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì yêu thương, người ta có thể đi đến những quyết định đớn đau tựa đánh cược một canh bạc cho tương lai của người đó. Bằng cách rời xa chính con người ấy hay gửi gắm chính kết tinh tình yêu giữa họ với người họ yêu thương cho người khác, chỉ vì mong mỏi sinh linh kia có thể khôn lớn, trưởng thành. Và cũng bởi quá yêu và thương trong mối quan hệ tình thân đó, người ta có thể làm cả những chuyện trái luân thường đạo lí, tất cả, vì bảo vệ cho cuộc sống lẫn hạnh phúc người thân của họ.

Tuy nhiên, bởi quá yêu thương và bảo bọc cho người họ yêu thương, vô hình trung họ khiến cho người đó phụ thuộc vào mình. Như cách cô gái Sonoka “dựa dẫm vào mẹ trong tất cả mọi chuyện”, “không thể tự quyết định những việc quan trọng. Ở trường cũng vậy. Shimauchi không dám nói ra ý kiến của mình và rất dễ bị xuôi theo ý kiến của người khác. Không biết nên nói là trò ấy hiền quá hay quá bận tâm đến người khác nữa.” Nên khi trưởng thành và phải tự lập, các cá nhân như vậy dễ chịu sự thao túng về mặt cảm xúc lẫn hành động của những kẻ vô công rồi nghề như Uetsuji. Những kẻ gia trưởng, bất tài, cặn bã song lại dễ dàng mang đến thứ cảm xúc buổi ban đầu cho những ai yếu đuối rằng tương lai phía trước tươi sáng ra sao, bản thân họ quan trọng và được yêu thương với gã đến thế nào.

Dù vậy, được bảo bọc và lớn lên trong tình yêu thương vẫn là điều ấm áp và ngọt ngào để mỗi người có thể nhớ đến trong cuộc sống trưởng thành, tự lập chắc chắn sẽ luôn có khi vấp ngã, sai lầm. Mà vấp ngã, sai lầm đó, cũng sẽ trở thành kinh nghiệm, tấm gương cho mỗi cá nhân soi rọi để nhận ra, quá khứ, thời điểm ấy bản thân đã non nớt ra sao.

Như đã nói, tình thân là một điều kì diệu trong cuộc sống con người. Đủ khiến người ta dù đã từng mạnh mẽ, cũng quyết tuyệt quên đi tất thảy, đến một khoảnh khắc, thời khắc nào đấy vẫn sẽ nhớ đến, tìm về. Hay chăng, tình thân vẫn ở đó, nhức nhối trong kí ức những ai có tình. Như cách người phụ nữ trải qua bể dâu cuộc đời, mỗi thời khắc, luôn nhớ về đứa con năm nào, với con búp bê vải tựa kỉ vật, sợi dây mong manh nối kết bà cùng sinh linh bà từng mang nặng đẻ đau năm xưa. Đủ khiến bà quên đi cuộc sống mưu sinh, lãng quên cả sự thật mà có lẽ, chính bản thân bà cũng thấu hiểu.

xoắn ốc vô hình higashino keigo

Về Thám tử Galileo

Sáng tác trinh thám của Keigo tiên sinh trước giờ vẫn thường mang cấu trúc truyện lồng truyện, tạo thành sự lớp lang trong cấu trúc tác phẩm. Tức rằng từ câu chuyện vụ án cùng hành trình tìm ra thủ phạm vụ án đó, câu chuyện nhân sinh được gợi mở với từng nhân vật. Và không phải tới Xoắn ốc vô hình, phần quá khứ hay sự “cảm tính” mới hiện diện nơi vị Giáo sư vật lí Yukawa Manabu được mệnh danh là Thám tử Galileo này. Bởi trong Giấc mơ tiên tri, tập truyện ngắn đánh dấu sự xuất hiện của Thám tử Galileo; Nỗi niềm của Thám tử Galileo, tập truyện ngắn chứa đựng tác phẩm đề cập đến người thầy cũ của giáo sư Yukawa; Ma thuật bị cấm, tiểu thuyết về người học trò của anh như tiền đề cho anh đi Mĩ ngay sau đó…; tất cả, đều thể hiện những khía cạnh rất đời, cũng rất người ở vị giáo sư nổi tiếng lạnh lùng, lí trí đó.

Tuy nhiên, thật sự tới Xoắn ốc vô hình, những chuyện riêng tư nhất, thuộc về các mối quan hệ cá nhân, gia đình của Giáo sư Yukawa mới được hé lộ. Và người đọc có thể thấy được rằng, để có một Yukawa Manabu như hiện tại, anh cũng từng có khoảng thời gian tuổi trẻ xốc nổi, suy nghĩ bồng bột đến thế nào. Cũng vì sự xốc nổi cùng cái tôi tuổi trẻ đó, mà bản thân anh đã làm tổn thương chính người thân của anh. “Sau khi chứng kiến nhiều mảnh đời, và mỗi người lại có một cách sống, tôi mới hiểu rõ bản thân mình lúc đấy ngu ngốc đến chừng nào. Con người ta chẳng ai có thể sống một mình. Nhờ công ơn của rất nhiều người nên mới có tôi bây giờ.”

Thám tử Galileo cương quyết không hé lộ với Thanh tra Kusanagi về quá trình anh hỗ trợ người bạn của mình phá án, anh tự mình hành động và tới cuối cùng, anh cũng không hé lộ cho người bạn thân thiết lâu năm biết vị trí của anh ở đâu, trong vụ án lần này. Chỉ có độc giả, những người đứng ở góc nhìn của kẻ ngoài cuộc, được theo dõi cả câu chuyện, cả những khuất khúc ẩn sau vụ án kia, hiểu rằng, đã có một Thám tử Galileo đời thực giàu tình cảm đến thế.

*Đọc thêm:
Nỗi niềm của Thám tử Galileo (Higashino Keigo) – Nỗi niềm của người làm khoa học
Ma thuật bị cấm – Cái tâm & cái tầm của người làm khoa học
Cuộc diễu hành thầm lặng (Higashino Keigo) – Cuộc diễu hành mang theo án tử

Mọt Mọt