“Tình nhân” xâu chuỗi những bi kịch tình yêu thành một chu trình kín. Các nhân vật loay hoay trong vòng quay của chu trình đó để mở ra cánh cửa hồi sinh.
8 truyện ngắn là 8 câu chuyện tình chớm nở theo những cách khác nhau. Có thứ ái tình được nuôi dưỡng bởi hàng ngày dài đợi chờ và hàng đêm thâu không ngủ. Có người phụ nữ cam nguyện đóng vai tình nhân, quà sinh nhật hàng năm là hai bó hồng rất đẹp ôm trọn cả hai tay. Có người đàn ông, trong những ngày xung đột vũ trang ác liệt nhất giữa lòng thành phố Sarajevo, vẫn không thôi thắp sáng ngọn lửa tình. Anh chỉ ngừng yêu và ngừng viết vào một ngày tháng Năm năm 1994 khi bom đạn tàn nhẫn cắt ngang cuộc đời.
Wisniewski mang đến món khai vị tình yêu dư dả đắm say và ngập tràn lãng mạn. Thế nhưng, ông lại kết thúc bữa tiệc tưởng như rất đỗi ngọt ngào ấy bằng một nỗi buồn thẳm sâu – nỗi buồn của người-bị-vứt bỏ. Chúng ta gặp gỡ nhân vật của Wisniewski trong những khoảnh tối bước ngoặt. Từ cái đêm “mình lấy cái đĩa trong máy ở trên bàn ngủ ra…, đặt cái đĩa lên sàn rồi dùng búa đập”. Hay “Vào cái đêm của bảy năm, chín tháng, mười bốn ngày trước đây, anh xé áo khoác của tôi, giật tung tất cả cúc áo để kéo cái váy ngủ lên… Và tôi rất muốn đến một lúc nào đó sẽ quên được chuyện này”. Chúng ta ngồi cùng họ ngay trên sàn nhà, trong xe ô tô, đứng cạnh họ nơi chân cầu thang, trên mạn tàu và chứng kiến họ gục ngã -ngay ở khoảnh khắc bị bỏ rơi.
Sụp đổ và chới với có lẽ là cụm từ miêu tả chính xác cảm giác của người bị-vứt-bỏ. Bởi lẽ họ không có thời gian chuẩn bị (dù là ít ỏi) trước khi nhận lấy vai diễn của người ở lại. Họ, ngay từ khi còn là một đứa bé đỏ hỏn đã bị chính mẹ ruột gói vào túi đựng thịt, đặt cạnh đống rác thải rồi bỏ đi. Họ, vào một sáng thức dậy, bỗng thấy mình bị ghẻ lạnh tàn nhẫn như một loại virus truyền nhiễm theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Họ, ngay cả trong cao trào làm tình ướt đầm khoái cảm, vẫn lờ mờ đau vì biết mình mãi chỉ là một người thừa.
Có một nỗi ám ảnh dai dẳng mang tên người-bị vứt-bỏ trong những trang viết của Wisniewski. Và với những ai đã trót say mê ông từ cuốn best-seller “Cô đơn trên mạng” thì khi đọc “Tình nhân” chắc hẳn sẽ càng thấm thía hơn nỗi ám ảnh này.
Vẫn mỉm cười thôi, đời còn đẹp lắm
Trở thành người-bị-vứt-bỏ là một trải nghiệm chẳng mấy dễ dàng, nếu không muốn nói là vô cùng đau đớn. Hơn cả nỗi đau vật lý là nỗi đau tinh thần, là những cơn san chấn tâm lý kéo dài mà người bị bỏ lại hầu như từ chối mọi cơ hội chữa lành. Nhưng không chỉ dừng lại ở nỗi đau, Wisniewski còn viết những dòng rất đẹp về hành trình mà con người tự chữa lành vết thương, về nỗ lực gượng mình đứng dậy từ hố sâu đen ngòm tuyệt vọng.
Nhiều hơn một lần, những người phụ nữ trong “Tình nhân” chọn cách cai nghiện tình yêu làm chiếc phao cứu sinh. Khi yêu, họ thả trôi lý trí trong mê cung hồi ức thì khi lựa chọn từ bỏ, họ lại mạnh mẽ đến không ngờ. Sau những ngày dài trầy trụa mất mát, tự mình gặm nhấm cô đơn, tự mình chống khát cho nỗi nhớ, họ chập chững học lại bài học trân quý bản thân. Họ ngộ ra rằng, niềm vui sống đôi lúc chỉ giản đơn như lời ông bác sĩ trong truyện “Anorexia nervosa” (Chứng biếng ăn) đã nói:
“Nỗi thất vọng nào đã đẩy cháu đến chỗ không muốn làm một người phụ nữ. Bác không biết nó ra sao, nhưng bác biết rằng không một người đàn ông nào, thậm chí cả người đã chết lại muốn điều ấy. Vì cháu quá đẹp.”
“Vì cháu quá đẹp” nên đừng chấm dứt tất cả ở tuổi 28. Và cũng vì cuộc đời này còn quá đẹp nên đừng tự tay đóng lại cánh cửa hồi sinh.
Sợi dây kết nối khi con người soi mình vào nỗi đau của nhau đã tạo ra những khoảnh khắc vô cùng đẹp. Người từng đi qua nhịp cầu mất mát đưa tay dìu đón kẻ đang đổ vỡ phía bên kia đầu cầu. Như một buổi chiều muộn, người phụ nữ nán lại phòng khám của bác sĩ phụ khoa – người mà trong suốt hơn hai mươi năm, cô chưa bao giờ cô nói chuyện quá 10 phút – cùng uống Remy Martin, và khóc. Như một buổi sáng nọ, người đàn ông “canh giữ giấc ngủ” bất ngờ xuất hiện, trịnh trọng trong bộ vest với chiếc cà vạt nhỏ lỗi mốt, không quên mang theo bó hoa xanh màu da trời vĩ đại.
Trong “Tình nhân”, nếu bất hạnh tựa như lời nguyền nghiệt ngã vận vào số phận của từng nhân vật, thì tình yêu là điều duy nhất còn lại sau khi đã bóc tách đến tận cùng nỗi đau và vô cùng tuyệt vọng.
Wisniewski tiếp tục quyến rũ độc giả bằng lối kể chuyện tự nhiên, cuốn hút. Là nhà khoa học viết văn, trang viết của ông bao giờ cũng đan cài khéo léo những thông tin xác tín thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: y học, vật lý, thiên văn, triết học… Không quá khó để bắt gặp trong tập truyện những định nghĩa thú vị như thế này: “Sóng hấp dẫn cũng làm cho vũ trụ bị nhăn giống y như giọt nước mưa rơi từ trên xuống làm nhăn vũng nước hay mặt hồ”. Thế nhưng, vẫn không thôi ngỡ ngàng khi Wisniewski miêu tả cảm giác “rất đàn bà” bằng ngôn từ không thể “đàn bà” hơn:“Nâng ngực tôi lên làm cái nịt vú bật ra, rồi nó trở lại và phun ra giữa đùi tôi, lẫn với máu nó có màu hồng hồng”. Thậm chí với ông, say máy bay cũng tựa hồ như đang “nghe nhạc, nếm nhạc, ngửi nhạc” vậy.
Sẽ không quá lời khi nói rằng, “Tình nhân” là kết quả của cuộc hôn phối đầy ngẫu hứng được tạo ra từ tình yêu dành cho cả văn chương lẫn khoa học. Và cũng chính mối lương duyên đặc biệt này đã giúp ngòi bút của Wisniewski thăng hoa, neo giữ những xúc cảm tế vi nhất trên trang chữ tình.