“Cát… Những vật có hình thể trở nên vô nghĩa khi ở bên cạnh cát”. Và bằng cách để cho tác phẩm của mình ngụp lặn vô biên trong cát, Kobo Abe đã hoàn thành một cuộc trình diễn hợp lí và phi lí, vô nghĩa và dầy ý nghĩa. Về đời cát. Và về đời người.
“Các người nghĩ tôi là ai?”
Đặt nhân vật vào một hoàn cảnh phi lý, từ lâu đã không còn là một thủ pháp xa lạ trong văn chương. Người đọc ắt vẫn chưa quên câu mở đầu nổi tiếng trong truyện dài “Hóa thân” của Franz Kafka: “Một sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một côn trùng khổng lồ”. Trường hợp của nhân vật chính “Người đàn bà trong cồn cát” cũng gần giống vậy. Nếu Gregor Samsa đột ngột bị thảy vào một lớp vỏ – thể xác hoàn toàn xa lạ, thì nhân vật “anh” của Kobo Abe cũng bị thảy vào một lớp vỏ – hoàn cảnh sống không hề liên quan gì tới mình: một ngày nọ, anh đến một vùng biển xa xôi để sưu tầm các loài côn trùng sống trong các đụn cát. Rồi một cách tự nhiên như đời vẫn thế, anh bị dân làng lừa bỏ trong một ngôi nhà dưới hố cát với một người đàn bà xa lạ, và bị buộc phải ở đó giúp cô ta dọn cát trong hố cho tới hết đời!
Độc giả hẳn cảm thấy bất công cho anh và anh cũng thấy bất công cho mình: suy cho cùng, anh chẳng làm gì sai, và chằng có lí do gì để anh phải hy sinh tự do của mình làm một công việc vừa nặng nhọc vừa tẻ nhạt để phục vụ một mục đích ở bên ngoài anh, cho những người mà anh không muốn. Quyền con người ở đâu? Anh là một công dân lương thiện được pháp luật bảo hộ cơ mà?
Trong khoảng thời gian đầu, anh liên tục tìm cách đưa các thiết chế xã hội nơi anh là một thành viên chuẩn mực và giá trị ra để điều đình, rồi đe dọa dân làng. Tựa như anh đang cố gắng hét to với bọn họ: anh là ai.
Vậy anh là ai?
Tên họ: Niki Jumpei. Tuổi: ba mươi mốt. Nghề nghiệp: thầy giáo. Chưa lập gia đình.
Cái tên Niki Jumpei của anh chỉ xuất hiện đúng một lần trong suy nghĩ của anh khi anh tưởng tượng ra một cuộc điều tra về vụ “mất tích” của mình. Rồi xuất hiện thêm vài lần nữa trong văn kiện của các cơ quan có thẩm quyền với vụ mất tích của anh. Cuối cùng, vì cuộc điều tra không đi đến đâu, người tên Niki Jumpei ấy được tuyên bố là đã chết.
Nhưng đối với dân làng, cái tên ấy ngay từ đầu không tồn tại. Không ai gọi anh bằng tên ấy. Ngay cả tác giả cũng không bao giờ gọi anh bằng cái tên ấy.
Với họ, anh là một người đàn ông trưởng thành có khả năng lao động. Hết.
Họ không quan tâm anh là ai.
Đột ngột văng khỏi nơi danh tính của mình được công nhận, anh chỉ còn đơn giản là một con người. Rẻ rúng và nhỏ nhoi, như tất cả những thân phận vô danh đã từng, và tiếp tục bị chôn vùi dưới cát.
Đấu tranh hay khuất phục?
Nhưng Niki Jumpei cũng là người luôn ý thức về giá trị của mình. Lẽ thường tình, anh tìm mọi cách để quay về xã hội mà anh thực sự thuộc về, nơi tồn tại chỗ đứng đúng đắn của anh giữa con người và giữa cuộc đời, nơi công nhận và cho anh một cái tên. Anh khinh thường nơi này, khinh thường những người dân quê mùa và người thiếu phụ sống trong cùng một ngôi nhà với anh. Họ không chỉ cầm tù anh, họ cầm tù chính mình và cam lòng sống một cuộc đời mà anh cho là ngu muội, chỉ lặp đi lặp lại những hành động vô nghĩa, chẳng khác gì súc vật. Chính sự đối lập sâu sắc giữa cuộc đời lầm lụi vô nghĩa lý ấy và ý thức về giá trị cá nhân của Niki Jumpei đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh dai dẳng của anh để thoát khỏi hố cát, thoát khỏi số phận bị chôn vùi trong cát, và rộng hơn, thoát khỏi sự phủ nhận của một thế lực rộng lớn bao trùm lên mọi sự mà những cồn cát vô tận chỉ là một ẩn dụ – cái thế lực vĩnh viễn bàng quan với nỗ lực khẳng định bản thân của loài người.
Nhưng những sự đấu tranh ấy đã đem lại kết quả như thế nào?
Anh gào thét, đe dọa, họ phớt lờ và chế nhạo anh.
Anh đình công, họ ngừng cung cấp nước, tự để cho cái khát bắt anh phải nhượng bộ.
Anh lấy mạng người thiếu phụ ra dọa dẫm, họ không quan tâm.
Anh lên kế hoạch bỏ trốn tỉ mỉ và sắp đạt được thành công, họ dồn đuổi anh xuống một hố cát lún. Trước nguy cơ bị cát nghiền nát, lòng tự tôn của anh hoàn toàn bị bẻ gãy, và anh đã phải cầu xin họ.
Anh đã đi rất xa trên con đường đấu tranh, xa hơn bất kì một người nào khác cùng hoàn cảnh. Nhưng anh đang chiến đấu với cái gì? Đối thủ của anh, cát hay dân làng, đều đem đến cho người ta một cảm giác khá thụ động. Họ không chiến đấu với anh. Họ thậm chí không cần biết là anh đang chiến đấu với họ. Họ chỉ ở đó, trong quán tính của những gì họ vẫn làm, mà nghiễm nhiên trở thành những trái núi mà anh không thể vượt qua.
Nhưng con người chỉ thua khi họ bỏ cuộc.
Suốt cuộc đấu tranh của anh, người đọc không trông kẻ thù của anh lùi bước (điều này có vẻ là không thể), họ chỉ sợ anh hoàn toàn khuất phục và từ bỏ ý muốn quay về. Bởi vì anh là con người. Con người nhỏ bé và luôn bị hoàn cảnh nhào nặn theo kiểu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Con người không thể tự mình sinh tồn. Muốn sinh tồn, phải thỏa mãn những nhu cầu ăn uống, vệ sinh. Không phải tự nhiên mà Kobo Abe liên tục nhắc đến và để những nhân vật của mình thực hiện những sinh hoạt rất cơ bản mà động vật nào cũng có. Ý thức sinh tồn của một con người, nhiều khi mới chính là đối thủ nặng ký nhất, đè bẹp đi ý thức “Tôi là ai”.
Niki Jumpei thua trong cuộc chiến giành lại cuộc sống đích thực cho mình, chính vì anh muốn sống. Anh không thể khẳng định mình là một con NGƯỜI, chính vì anh là một CON người.
Nhưng anh có thực sự thua hay không? Hãy để nỗ lực vượt thoát cuối cùng của anh – cái bẫy nước mà anh sáng tạo – trả lời cho điều đó.
Từ phi lý tới hợp lý
Cái bẫy mang tên “Hy vọng” ấy anh vốn làm ra để bẫy quạ. Nhưng thay vì quạ, anh đã bắt được thứ giá trị nhất ở vùng cát nóng khô cằn này: nước. Một cách bất ngờ, nó đã đem lại hy vọng lớn nhất dành cho anh.
Nhưng bất ngờ hơn cả là nguồn hy vọng ấy không đem lại cho anh cơ hội lớn nhất để thoát khỏi hố cát. Ngược lại, nó giữ anh lại khi cơ hội ấy đã ở ngay trước mắt: Người thiếu phụ đang mang đứa con của anh sinh non. Dân làng đến đưa cô đi tìm thấy thuốc và khi họ đi, cái thang dây – cầu nối giữa hố cát với thế giới bên ngoài – vẫn còn đó. Anh đã trèo ra khỏi hố mà không gặp chướng ngại gì. Nhưng rồi, vì không nỡ bỏ cái bẫy nước – phát minh của anh, công sức của anh, niềm tự hào của anh, anh trèo trở lại vào hố cát và định bụng sẽ chờ người làng đến và nói với họ bí mật về nó.
Anh không bao giờ quay về nữa.
Dường như có cái gì đấy đã bị đảo lộn. Hành động của anh tuy gây ngạc nhiên, nhưng lạ là nó không gây thất vọng. Con mãnh thú đã quay lại cái chuồng của mình với một tâm thế tự do.
Và từ điểm nút cuối cùng ấy mà nhìn lại chặng đường quyển sách đã đi qua, người đọc mới nhận ra một điều: có quay về hay không cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Cuộc sống trong hố cát và cuộc sống mà anh vẫn sống trước khi rơi vào đó, có gì khác nhau? Cũng là những tập quán đều đều tẻ nhạt mà anh không tìm thấy niềm vui trong đó, nhưng ngày ngày vẫn phải đổ cho nó hết thời gian và công sức của mình. Vì lẽ gì? Nếu anh ngừng dọn cát, cát sẽ giết chết anh và về lâu dài, sẽ giết chết phần còn lại của ngôi làng. Anh chỉ là một cái bánh răng của một bộ máy khổng lồ hoạt động vì sự tồn tại chung của cả xã hội. Đặt quyển sách vào bối cảnh của nó: lúc Nhật Bản tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp, khi mà bánh xe vật chất vô cảm cứ bàng quan mà nuốt trọn, mà nghiền nát những phận người như cách những hạt cát bề dày chưa tới một milimét bất thần chôn sống những con người cần cù bán mạng cho nó, bất kể họ là ai, ta mới thấy Kobo Abe đã xây dựng nên một nơi chốn siêu thực để làm tấm gương phản chiếu những gì chân thực nhất của cuộc đời. Ở ngoài kia, con người không nhỏ nhoi sao, cuộc sống của họ không vô nghĩa lý sao? Sự mất tích của một con người như Niki Jumpei không phải là điều gì đáng kể: hãy xem cái xã hội mà anh luôn khao khát quay về đã khai tử cái tên anh dễ dàng như thế nào. Xã hội ấy cho anh cái tên, nhưng sống trong đó, anh vẫn là một người vô danh, vẫn phải chịu sự thờ ơ của tất cả. Phần trước đã nói về nỗ lực chạy trốn của anh khỏi những cồn cát. Nhưng nếu nhìn lại, bạn đọc sẽ thấy câu chuyện đã bắt đầu bằng một sự chạy trốn khác: những chuyến đi xa bắt côn trùng của Niki Jumpei có thể là gì, ngoài một cuộc chạy trốn khỏi cái xã hội vô nghĩa lý mà anh đang sống, dù chỉ trong vô thức?
Cuộc sống trong hố cát từ lâu đã là cuộc sống của chính anh. Cũng giống như những gì xảy ra ở “ngoài kia”, ở đây anh được thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu của mình với cái giá là phải đóng góp sức lao động cho sự tồn tại của xã hội. Ngoài kia anh có vị trí của mình trong tương quan với những người khác, thì ở đây anh cũng có một mối quan hệ bền chặt. Anh thậm chí có cái mà ở ngoài kia không có được: một cách tự nhiên, anh đã xây dựng một gia đình.
Mối quan hệ với “người đàn bà trong cồn cát”, nhiều khi còn thật hơn cả biết bao mối quan hệ mà anh đã bỏ lại ở ngoài kia. Nàng gần gũi anh, yêu thương chăm sóc anh. Nàng chịu đựng những cuộc chạy trốn của anh như cách đã chịu đựng cảnh đời tù hãm của mình. Nàng phồn thực. Nàng bao dung. Nàng là hiện thân cho tất cả những gì mà con người có thể trông đợi vào một gia đình.
Nhưng nàng cũng chỉ là một nhân tố biến sự tồn tại lần hồi, miễn cưỡng của anh trong hố cát trở thành cuộc sống. Muốn biết nhân tố còn lại là gì, ta lại phải quay về cái bẫy nước.
Nếu nàng mang đứa con vật chất của anh, thì cái bẫy ấy chính là đứa con tinh thần của anh.
Nó là ẩn dụ cho giá trị đích thực của một con người. Anh tạo ra nó bằng trí tuệ và óc sáng tạo của chính anh. Nó là kết tinh cuộc sống của anh, là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy anh là một bản thể duy nhất, không lặp lại.
Nó nói với tất cả mọi người: anh không phải là một kẻ vô danh.
Đó chính là lí do mà anh, khi đã có cơ hội ra đi, lại nấn ná chờ đợi dân làng để trao lại cho họ phát minh của anh: cái bẫy nước. Trong thâm tâm, anh mong giá trị của mình được công nhận. Và còn hơn thế nữa: anh muốn giá trị ấy có thể đem lại lợi ích, thắp sáng “Hy vọng” cho những người xung quanh. Đã nhiều lần độc giả thấy anh thương hại dân làng. Trong khi cố gắng giải phóng mình khỏi họ, anh đồng thời cũng cố gắng giúp họ giải phóng cho chính họ. Cái bẫy nước mà anh tạo ra để thoát khỏi họ, nghịch lý thay, lại chỉ có ý nghĩa khi đặt vào tay họ, trở thành công cụ để họ vượt thoát khỏi kiếp sống mòn, bị mục ruỗng và vùi chôn bởi cát, để vươn đến một đời sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Ta có thể xem ý định của anh là đại diện cho một khát vọng chưa bao giờ cũ của con người, giúp cho loài người có sức mạnh để luôn luôn chinh phục hoàn cảnh sống: khát vọng sống có nghĩa giữa đời vô nghĩa.
Thật khó mà bóc tách cho kì hết những gì mà câu chuyện khắc nghiệt và đầy nghịch lý trong “Người đàn bà trong cồn cát” muốn truyền tải. Nhưng chắc chắn một điều, cái cách mà nó đối mặt với những câu hỏi lớn của con người và cuộc đời là phẩm chất của một tác phẩm lớn, sẽ còn mãi với những ám ảnh mà băn khoăn mà nó đã gợi ra.