Nhật Bản là thiên đường của những chú mèo ú na ú nần. Giống loài bốn chân lắm lông ấy không chỉ in bóng hình từ trong nhà ra đến từng ngõ phố mà còn in dấu từ những tác phẩm điện ảnh cho tới văn chương ở đất nước này. Và cuốn tiểu thuyết Nana du ký, chính là minh chứng cho dấu ấn của loài mèo trong văn chương cũng như trong cuộc sống con người Nhật Bản.
Hành trình xuyên Nhật của một chú mèo
Ngay từ tựa sách: Nana du ký, tác giả Arikawa Hiro đã phần nào hé lộ nội dung, chủ đề sáng tác: Đây là câu chuyện về hành trình, về chuyến du ký của một chú mèo có tên Nana. Và bối cảnh tác phẩm mở ra, thoạt tiên cũng hết sức bình thường: Chú mèo Nana có một anh chủ tên Miyawaki Satoru. Vì nguyên do cá nhân, Satoru không thể nuôi Nana được nữa, anh liền tìm đến những người bạn cũ nhờ họ chăm sóc Nana sau này. Bởi vậy, chuyến du ký của Nana, cũng là hành trình chú ta rong ruổi trên chiếc xe tải nhỏ màu xám bạc với Satoru, đi tìm bến đỗ mới, phù hợp cho tương lai.
Nhưng ngay trong chính điều tưởng chừng như bình thường ấy lại ẩn chứa những góc khuất bất thường; những bí ẩn ngỡ rằng đã ngủ sâu trong quá khứ, mà đến ngày hôm nay, ngay lúc này, lần nữa trở lại trong hoàn cảnh khiến người ta không thể đớn hèn tránh né, buộc người ta phải đối mặt thẳng thắn với sự thật.
Điều bất thường đó, trước hết ở ngay chính hoàn cảnh buộc Satoru phải nhờ người coi sóc Nana và cách Nana ngoan ngoãn theo anh đến thăm nhà từng người bạn dẫu rằng mỗi người bạn Satoru lại ở một địa chỉ khác nhau. Bởi không giống với nhiều loài động vật khác, loài mèo dẫu sống cùng với con người thì đây vẫn là giống loài ưa thích tự do với một lối sống độc lập. Vì vậy, không nhiều chú mèo đủ sức khỏe hay đủ kiên nhẫn chịu ngồi yên trên xe ô tô theo chân chủ trong một cuộc hành trình dài, tới những vùng đất xa lạ và tiếp xúc với những con người không quen biết.
Vậy động lực ở đâu mà Nana có thể từ bỏ lòng kiêu hãnh của loài mèo để bên Satoru, trên chiếc xe bán tải màu xám bạc rong ruổi tới khắp trọn miền quê nước Nhật: đi dọc bờ biển, ngang qua núi Phú Sĩ, thậm chí phải lên phà để tới địa chỉ mới… Vì lòng mang ơn Satoru đã từng cứu mạng, cưu mang chú ư; hay sâu hơn, còn bởi lòng yêu mến, trân trọng của một người bạn tới một người bạn tri âm, tri kỉ cuộc đời sớm mang nhiều bất hạnh như Satoru? Có lẽ với mối quan hệ giữa Satoru với Nana thì phải bao chứa cả hai khía cạnh như thế. Bởi tình cảm họ dành cho nhau, đã sớm vượt qua ranh giới chủ nuôi – thú cưng mà trở thành bè bạn tâm giao thực sự.
Được viết dưới dạng ký ghi chép, đặc biệt nhân vật kể lại cuộc hành trình, xưng tôi lại là một chú mèo, Nana du ký mang tới một cách tiếp cận khá mới mẻ tới độc giả. Dưới điểm nhìn của Nana, không gian, cảnh vật, thế giới loài người và thế giới loài vật, hiện lên đầy màu sắc. Từ đó người đọc nhận ra, con vật cũng có tri giác, cũng có những cách nhìn nhận, đánh giá, thấu hiểu con người đầy sâu sắc, sắc sảo. Chẳng thế mà khi đối diện với mỗi người bạn của Satoru, Nana không chỉ lặng lẽ lắng nghe, đánh giá, quan sát con người ấy mà còn như nhìn thấu được tâm tư, tình cảm cùng những góc khuất trong tâm hồn mỗi người. “Mới gặp tôi có cảm giác Yoshimine là một gã thô lỗ khi chưa gì đã nắm cổ tôi nhấc lên. Nhưng chỉ dựa vào việc anh ta đã không bỏ rơi con mèo đáng thương tình cờ bắt gặp này, cũng đủ biết Yoshimine là một người có lòng thông cảm sâu sắc.”
Nana đã đến nhà từng người bạn gắn liền với sự lớn lên, trưởng thành của Satoru: Kosuke thời tiểu học, Yoshimine thời cấp 2, Sugi và Chikako những năm cấp 3 lẫn đại học, cuối cùng là người dì Noriko vào những ngày cuối đời; và rồi cuộc hành trình khép lại bằng những dòng đối thoại tâm tưởng giữa Nana với Satoru khi này đã ra đi vĩnh viễn. Nhưng hành trình này kết thúc cũng là lúc chuyến đi khác mở ra, giống như thời gian, nhịp sống vẫn mãi chảy trôi không ngừng. Vì thế, có thể nói chăng, chặng đường chu du của một chú mèo trên khắp nẻo đường Nhật Bản cũng chính là hành trình của một đời người trải đủ sinh lão bệnh tử, trải đủ thăng trầm đau thương nghiệt ngã của cuộc sống. Nhưng dẫu có sóng gió, dẫu có trái ngang, con người ta vẫn phải tiếp tục tiến bước như chú mèo Nana cùng anh chủ Satoru, đã bên nhau trên chuyến xe sinh mệnh bằng tinh thần lạc quan, cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Cuộc du ký của một chú mèo và cũng là hành trình con người tìm về cái tôi trọn vẹn.
Nana du ký là một cuốn sách có cấu trúc khá đặc biệt. Truyện được viết với hai ngôi kể: Vừa là ngôi kể thứ nhất, chú mèo Nana xưng tôi thuật lại những chuyến đi của mình, qua đấy chú ta bày tỏ cảm xúc, đánh giá cá nhân về sự vật, hiện tượng, con người xung quanh. Vừa là ngôi kể thứ ba, người kể chuyện toàn tri kể lại cuộc gặp gỡ giữa Satoru với những người bạn lâu ngày không gặp. Từ đó, mà dòng thời gian ở Nana du ký cũng biến đổi không ngừng: là sự đan xen liên tiếp giữa thực tại mà Nana với Satoru đang sống cùng quá khứ khi xưa Satoru sống với bè bạn.
Và trong những câu chuyện giao hòa giữa thực tại – quá khứ đó, mỗi con người hiện lên trên trang văn của Arikawa Hiro đều mang một ẩn ức, một nỗi đau khổ riêng, dai dẳng, hằn sâu nơi ký ức. Niềm đau ấy như chỉ chờ chuyến viếng thăm bất ngờ của Satoru mà trở lại nhức nhối.
Đó là cậu bạn Kosuke, suốt cả tuổi thơ và mãi đến ngày trưởng thành chưa một lần dám làm trái lời người cha hà khắc. Kosuke đã luôn sợ hãi, từ sự hãi mà dẫn đến việc trốn tránh mọi trách nhiệm và khi đứng trước khó khăn hay ngã rẽ cuộc đời, anh đều rũ bỏ trách nhiệm cho cha anh.
Đó là cậu bạn Yoshimine thẳng thắn, chân chất, nghĩ gì nói đấy nhưng sớm mang vết thương về một gia đình tan vỡ. Chỉ đến khi ở trong lòng người bà đã luôn cưu mang anh, bên cạnh người bạn cùng chung cảnh ngộ, Yoshimine mới có thể cất lên tiếng khóc như muốn rửa trôi đi bao tủi hờn.
Đó là cậu bạn Sugi, yêu thầm cô bạn thanh mai trúc mã Chikako nhưng lại chưa một lần tự tin vào bản thân, cũng như chưa một lần tự tin vào tình cảm cô bạn thơ ấu dành cho anh. Đặc biệt khi Sugi đối diện với Satoru, một con người quá đỗi nhạy cảm, biết quan tâm, lắng nghe những người xung quanh.
Đó là Noriko, một người phụ nữ thẳng thắn, bộc trực đã luôn mang niềm hối hận về những lần cô nghĩ đã lỡ lời, làm tổn thương người cháu trai bất hạnh.
Và đó cũng chính là Satoru, một chàng trai đã luôn lạc quan, luôn sống hết mình, luôn quan tâm, suy nghĩ đến cảm nhận của người khác mà số phận lại không ngừng đối xử cay nghiệt với anh hết lần này đến lần khác.
Mỗi con người đấy, đã sống với những bí mật, những nỗi đau dằng dai trong suốt bao năm. Và có lẽ, họ sẽ còn mãi trốn chạy như thế nếu như Nana không xuất hiện, nếu như Satoru không tới tìm họ lần nữa. Lần tái ngộ Satoru, cuộc gặp mặt với Nana không chỉ đưa ký ức xa xưa ùa về trong tâm trí từng người bạn cũ mà còn giúp họ có dũng khí đối diện với chính bản thân, đối diện với chính vấn đề họ đã luôn trốn tránh suốt bao năm. Để họ nhận ra rằng, thương đau sẽ còn đó, khúc mắc sẽ chẳng thể gỡ bỏ nếu người ta mãi lẩn trốn một cách hèn nhát. Chỉ đến khi con người dám một lần đối diện với hoàn cảnh, với chính vấn đề của bản thân để tự tìm cho mình hướng giải quyết hay tự mình tranh đấu cho ước mơ, cảm xúc của chính mình, khi đó, tâm hồn con người mới thực sự thanh thản.
Con người ai cũng có một cái tôi cá nhân riêng thể hiện ở đó là tình cảm, cá tính, ước mơ, khát vọng. Nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng khẳng định được cái tôi đó với những người xung quanh và với cuộc đời. Chính bởi không dễ dàng được thừa nhận, khẳng định mà không ít người đã tự nhấn chìm cái tôi để chọn lấy một đời sống an nhàn hơn. Song liệu an nhàn đó có thể đổi lấy sự thanh thản hay thỏa mãn nơi tâm hồn con người?
Với Nana du ký, tác giả Akirawa Hiro đã xây dựng lên hình tượng những con người đã từng chối bỏ cái tôi cá nhân rồi quay lại tìm về một bản ngã. Và vì thế, cuốn tiểu thuyết này đâu chỉ đơn giản là cuộc du ký của riêng Nana với Satoru trên chặng đường bôn ba khắp Nhật Bản; đó còn là cuộc du ký của các cá nhân khác trên chặng đường khẳng định chính mình, tìm lại một cái tôi trọn vẹn.
Chiếc đuôi cong cong hình số 7 của chú mèo Nana, đã đưa về cho Satoru những cuộc gặp gỡ tràn ngập yêu thương trong những ngày cuối đời của anh; và cũng đã kéo về cho những con người chú mèo ấy gặp một hoài vọng hay chính là bản ngã mà họ tưởng rằng, đã nên xa ngái ngoài tầm tay.
Cuộc hành trình của yêu thương và hi vọng.
Được viết bằng một giọng văn rất đỗi nhẹ nhàng, cốt truyện cũng không chứa đựng quá nhiều tình tiết dồn dập, Nana du ký chính như một cuốn sổ ghi chép lại giản dị những chuyến đi của một chàng trai với một chú mèo có chiếc đuôi cong cong hình số 7.
Tuy nhiên nhẹ nhàng, giản dị không có nghĩa là thiếu chiều sâu. Đến cuối cùng, Nana du ký vẫn là cuốn sách chứa đựng những đau thương sâu sắc, những nỗi buồn trầm lắng dễ khiến độc giả như phải bật thốt: liệu rằng tác giả có quá bất công với chính nhân vật của mình hay không? Những đổ vỡ đã xảy ra, những cái chết bất chợt đã ập tới, thậm chí một chàng trai mang quá nhiều bất hạnh như Satoru: cha mẹ ruột bỏ rơi, cha mẹ nuôi tai nạn qua đời mà đến cuối cùng vẫn chẳng thể hạnh phúc khi anh ra đi lúc tuổi đời còn rất trẻ.
Nhưng có lẽ chăng, chính bởi đau thương, nghiệt ngã như vậy mà tác giả Arikawa Hiro như càng khắc sâu thêm chân lý: Cuộc đời sẽ không vì bạn bất hạnh mà đối xử với bạn tốt hơn, cuộc đời vốn công bằng với tất cả. Và bởi con người vốn chỉ có một đời sống, người ta cũng không biết được số phận ngày mai sẽ như thế nào để chọn lựa tương lai. Song con người có thể lựa chọn cách sống trọn từng giây, từng phút, sống trọn nghĩa yêu thương với những người ta yêu quý ngay tại đây, vào thời khắc này của hiện tại.
Có lẽ Satoru đã thực sự sống một cuộc đời như thế, và Nana như cây cầu nối, giúp lan tỏa yêu thương của Satoru đến những người xung quanh kể cả khi anh không còn nữa. Cũng như rằng, sinh mệnh con người có thể tan biến, nhưng yêu thương và hi vọng họ gửi trao tới tương lai, vẫn sẽ còn mãi. Nana du ký, buồn thương mà vẫn ấm áp, ngọt ngào, lấp lánh niềm lạc quan, yêu sống như vậy đấy.