Thất lạc cõi người của Dazai Osamu được xem là cuốn tự truyện về cuộc đời đầy đau thương đến ám ảnh của ông. Cuốn sách miêu tả thứ bi kịch đau đớn của kiếp người, ấy là không có cách làm người, không có cách sống giữa nhân gian

Là người nhưng không có cách để sống như một con người – nghe có vẻ thật buồn cười. Nhưng đó lại là thứ bi kịch có thật của Oba Yoyo, hiện thân của Dazai Osamu. Dazai đã sống ba mươi chín năm đầy tăm tối để rồi gom hết nỗi phẫn uất trong lòng mà viết nên Thất lạc cõi người. Có thể nói thứ văn chương của Dazai là thứ văn chương dùng cả sinh mệnh để đánh đổi.

Kẻ khác cả nhân gian

Bối cảnh của Thất lạc cõi người là Nhật Bản trong những năm tháng chiến tranh thế giới thứ hai sắp  thúc. Oba Yoyo, một con người đầy nhạy cảm trước những biến động thời cuộc, luôn phải cố gắng vật lộn để hoà nhập với thế gian. Yoyo là con trai của một chính trị gia tài ba. Từ lúc còn bé anh đã nhận ra ra bản thân mình không hề giống với những con người của thế giới ngoài kia. Anh quá nhạy cảm, quá nội tâm, từ bé đã nhìn thấu những sự giả dối mà con người đối đãi với nhau. 

Anh hoảng sợ khi cha của anh và những người trong chính trường miệt thị nhau nhưng bề ngoài vẫn vui cười. Gia tộc của anh luôn khiêm nhường, cẩn trọng với nhau mà không được thể hiện tình cảm với nhau. Thế giới bạn bè của anh không ai hiểu được, họ là những người sống với khuôn phép như vậy mà thôi.

that lac coi nguoi reviewsach.net
Ảnh: @ rye____17

Anh không có cách nào thoát ra được, vì vậy nên Yoyo trở nên mất kết nối với những người xung quanh.

Anh sợ hãi cách mà mọi người cư xử với nhau một cách giả tạo, chê cười nhau trong lòng nhưng không nói ra. Họ luôn tỏ ra lễ độ, luôn phải sống khiêm nhường nhưng thực chất thì trong lòng đầy như ý nghĩ xấu xa. Nhưng anh sợ hãi ai, những kẻ giả tạo đó là ai? Đó đâu phải một người, đó là cả thế gian. Anh không sợ một người, anh sợ cả nhân gian.

“Thế gian cụ thể là gì đây? Là số nhiều của con người chăng? Cái thực thể của thế gian nằm ở đâu kia chứ? Cho đến bây giờ tôi sống mà cứ nghĩ thế gian toàn là một cái gì đó cường liệt, khắc nghiệt và vô cùng đáng sợ”

Anh không muốn sống cuộc đời như vậy, càng không muốn phải trả nên giả tạo theo các mà xã hội muốn. Nhưng người sống trong gia đình có cha là chính trị gia như anh bắt buộc phải trưởng thành như thế. Thế là anh luôn cố gắng đứng ngoài vòng vây bão tố ngoài kia, cố gắng không vây vào đám người đeo mặt nạ ngoài kia. 

Gã hề đeo mặt nạ

Nhưng không có cách nào thoát ra khỏi cái vòng vây khuôn phép ấy. Yoyo chỉ còn cách đeo lên mình chiếc mặt nạ, chiếc mặt nạ của chú hề để che giấu con người nội tâm của mình. Yoyo không bộc lộ năng lực văn chương, hội hoạ dù bản thân là một người tài giỏi. Anh chỉ cố gắng sống như một gã hề, một kẻ phá rối không có tài cán, không hiểu gì về cuộc đời, không biết cư xử thế nào là đúng. Đó có lẽ là cách duy nhất để không sống bị ép sống trong khuôn khổ được định ra ấy.

“Thành ra tôi tự chôn giấu nỗi đau khổ của mình trong một cái hộp nơi đáy tim, cố gắng không để lộ ra sự thống khổ và căng thẳng một chút nào, dưới vẻ mặt tươi cười ngây thơ vô tội và vai diễn chú hề tài ba của tôi cuối cùng cũng đã được hoàn thành.”

Sinh ra trong gia đình danh giá, Yoyo vốn là quý tộc, nhưng chính cái gốc rễ cao quý ấy lại bó buộc anh vào những khuôn phép. Anh buộc phải trở nên xuất sắc, phải khiêm nhường, lễ độ, không được kết giao bạn bè không cùng đẳng cấp, không được bộc lộ cảm xúc của mình mà phải luôn cười một cách thanh nhã. Đó là những điều mà một kẻ xuất thân “trâm anh thế phiệt” phải làm được, phải luôn tu dưỡng bản thân để xứng đáng với dòng tộc của mình. Trở thành gã hề kém cỏi trong mắt Yoyo chính là cách duy nhất để anh không phải sống cuộc đời giả dối.

Dù sợ hãi con người đến cùng cực nhưng tôi dường như không thể nào dứt bỏ được con người. Vì vậy tôi gắng nối kết với con người bằng một sợi dây mong manh của chú hề. Bề ngoài thì cười liên miên bất tuyệt còn bên trong luôn toát mồ hôi vì thập phần nguy hiểm có thể nói đến mức thử ngàn lần mà không biết chắc có lần nào thành công hay không”

reviewsach.net that lac coi nguoi
Ảnh: @eatdubu

Trong cái xã hội mà anh trưởng thành, mọi người lừa dối cảm giác của nhau để giữ bản thân luôn đẹp đẽ trong mắt thế gian. Còn anh, anh chọn cười như gã hề ngu ngốc lừa dối mọi người để mình xấu xí trong mắt mọi người, để không ai xem hay ép mình vào khuôn mẫu, để tự do sống với cảm xúc của mình. 

Đeo lên chiếc mặt nạ, gã hề mỗi lúc một trống rỗng. Liệu ai sẽ hiểu gã hề đang nghĩ gì, liệu ai sẽ thấy giọt nước mắt ẩn đằng sau mặt nạ của anh? Càng trưởng thành càng cô đơn, càng lạc lõng càng đau khổ. Và lòng anh luôn có một nỗi sợ hãi, sợ mọi người phát hiện ra lời nói dối của anh, phát hiện anh là kẻ nội tâm, kẻ lập dị. 

Tôi không muốn người ta phát hiện cái nỗi lòng u uất của thằng hề để rồi đột nhiên phải đề phòng mình. Mặt khác tôi cũng nghi ngờ là nếu như người ta không nhận ra bản chất con người thật của tôi, thì người ta sẽ xem đó như là một trò mới của thằng hề và lấy nó để làm đề tài đùa cợt.”

Chàng thanh niên Yoyo khi trưởng thành là càng dần xa cách với con người hơn. Sợi dây mong manh kết nối giữa anh với thế giới ngoài kia ra càng lúc càng ngắn lại. Yoyo đã trưởng thành và mang trong người cả nỗi sợ hãi bị phơi bày và sự trống trải vì không một ai hiểu lòng anh.

Xem thêm những tác phẩm của Danzai Osamu

Thiên thần sa ngã

Lòng Yoyo có giấc mơ lớn, đẹp đẽ và diệu kỳ, anh cũng có đủ tài năng để hoàn thành giấc mơ ấy. Anh muốn trở thành một hoạ sĩ lẫy lừng, vẽ những bức tranh trừu tượng ẩn ý. Nhưng không phải cứ có năng lực là sẽ xây dựng được giấc mơ cả đời của mình.

Người đời cười chê Yoyo không có năng lực, chỉ là một kẻ vô dụng, anh chỉ có thể cười với họ như cái cách cư xử thật sự của một gã hề. Những tư tưởng lớn của thiên tài thật sự chưa bao giờ là thứ dễ dàng được chấp nhận trong xã hội. Thật khó để người như Yoyo tồn tại trong một xã hội gây dựng bằng sự kết nối của những con người. Cuộc đời của anh có thể gói gọn trong một tiếng thở dài:

“Tôi đã sống một đời đầy hổ thẹn.”

Uớc nguyện không thành, kết nối với con người cũng không thành. Cả đời này của Yoyo đã đánh mất cách sống như một con người. Sự chịu đựng trong con người luôn là có giới hạn. Một kẻ đeo mặt nạ ngần ấy năm có thể tồn tại bình thường được hay sao? Có thể hạnh phúc mà vui cười được hay sao? Cuối cùng Yoyo cũng không đi trên con đường ấy được nữa, anh đã từ bỏ việc hòa nhập với con người bằng cách cố sống như không biết bộ mặt giả tạo của gia tộc, của bạn bè anh. Anh từ bỏ chiếc mặt nạ của gã hề, sống như một kẻ sa đoạ, một kẻ buông bỏ cả đời mình. Dịch giả Hoàng Long nói đúng, Yoyo đã trở thành “Thiên thần sa ngã”.

Vẻ ngoài mỉm cười tươi tắn, và còn làm người khác cười nữa nhưng bên trong là cả một cõi lòng u uất, như muốn nói rằng chẳng thể nào mà khác được.”

Có quá nhiều nỗi đau chồng chất lên đôi vai của người thanh niên ấy. Cuộc sống sa ngã như một liều thuốc an thần, anh trầm luân trong đó để thấy lòng mình bớt đau hơn. Nhưng cũng giống như ly rượu càng uống càng say, đời người càng sống càng đớn đau mà không biết liệu đau khổ nào sẽ là điểm kết thúc.

Bi kịch của Yoyo trong Thất lạc cõi người cũng là bi kịch từ cuộc đời thật của Dazai Osamu. Từng câu từng chữ mà ông viết ra điều khiến cho độc giả và xúc động nhưng các nhà phê bình đương thời không hiểu ông. Đến cuối cùng Dazai chỉ có thể được công nhận là một tên tuổi lớn sau khi ông từ giả cõi đời này mà thôi.