Nếu cơ thể con người dưới ánh đèn phẫu thuật không hắt bóng trần trụi bao nhiêu, thì bức tranh cuộc sống trong cuốn sách “Đèn không hắt bóng” hiện thực bấy nhiêu. Ngòi bút của Watanabe Dzunichi là sự kết hợp tài tình giữa đau đáu và trăn trở cùng thẳng thừng và sắc lạnh, để mổ xẻ hiện thực, những hiện thực rất đời, bởi vậy mà không có nơi cho truyện cổ tích, không ca tụng mỹ từ “y đức” hão huyền, cũng không tâng bốc nhân vật thiên tài hay vĩ nhân nào.

Den-khong-hat-bong-reviewsach.net_

Đọc thêm:

Một cuốn tiểu thuyết y khoa.

Phải thừa nhận rằng đọc một cuốn tiểu thuyết y khoa do một nhà văn đồng thời cũng là một tiến sĩ y khoa viết, sẽ đem lại một cảm giác thỏa mãn về khía cạnh khoa học và hiện thực, bởi đây là góc nhìn từ bên trong.

Tương tự như series phim truyền hình Hàn Quốc “Hospital Playlist”, “Đèn không hắt bóng” lấy bối cảnh trong một bệnh viện để viết về đời sống y tế, về những con người bao gồm bác sĩ, y tá và bệnh nhân với những câu chuyện thường nhật, công việc, thái độ với nghề và chuyện tình cảm…

Bên trong bức tranh ngành y tế trong xã hội tử bản, lồng ghép câu chuyện tình yêu của bác sĩ Naoe và y tá Noriko. Mạch chuyện khá chậm trải dài 500 trang dưới bầu không khí xám bạc dịu dàng đặc trưng Nhật Bản, rồi khép lại trong vùng sáng rực rỡ của ngọn đèn không hắt bóng. Ám ảnh.

boobantan-Den-khong-hat-bong-reviewsach.net_-2Ảnh: boobantan

Tình yêu và sự cô độc.

Đèn hắt bóng là bình thường.

Còn đèn không hắt bóng là một loại đèn đặc biệt, được dùng trong các phòng phẫu thuật giúp cung cấp ánh sáng tập trung, không gây chói mắt và không tạo ra bóng đổ trong quá trình thực hiện các thủ tục phẫu thuật và quan sát y tế, nhằm cải thiện hiệu suất làm việc, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế trong phòng phẫu thuật.

Vì để phục vụ nhu cầu trong một môi trường cụ thể và khác biệt như thế, đèn không hắt bóng là một sự hiện diện riêng lẻ và bất thường. Có thể nói rằng, sự thiếu vắng cái bóng đó chính là biểu tượng của sự cô độc, giống như cuộc đời của nhân vật chính Naoe.

“Em tôi sống không hắt bóng. Nó đi theo một con đường riêng của nó, một con đường không ai hiểu.”

Naoe là một bác sĩ tài giỏi, có nhiều người tình, nhưng lại cô độc. Bên trong Naoe thường trực một nỗi buồn vô vọng, không ai có thể cắt nghĩa, không ai có thể chạm vào, chỉ bản thân anh hiểu. Anh chọn cách gặm nhấm nỗi đau một mình, không sẻ chia cùng ai, cho đến phút cuối cuộc đời mới để lại cho tình yêu của anh một lời giải thích.

Sự dằn vặt muôn thuở trước sự sống và cái chết làm cho nỗi cô độc và tình yêu của Naoe trở nên ám ảnh người đọc. Rượu cũ bình mới, vẫn thơm nồng nàn.

thile.nghiensach-Den-khong-hat-bong-reviewsachonly-2Ảnh: thile.nghiensach

Bức tranh ngành y tế trong xã hội tư bản.

Xã hội trong “Đèn không hắt bóng” mà Watanabe Dzunichi dựng nên là một xã hội bình thường và hết sức quen thuộc.

Đó là xã hội tư bản. Đó là xã hội không lý tưởng, không công bằng, không màu mè, đầy toan tính và vụ lợi. Một xã hội mà áo quần, thức ăn, nhà cửa, chữa bệnh đều phải có tiền mới mong có chất lượng tốt.

“Sự cung ứng là do nhu cầu tiêu thụ sản sinh ra: Cái cung sinh ra từ cái cầu. Trong xã hội có một nhu cầu nằm phòng thượng hạng. Có những con người sẵn sàng trả mười lăm ngàn yên một ngày, không chút đắn đo, để có được một căn phòng tốt hơn những người khác.”

Và ngành y tế trong xã hội đó, bên cạnh luật pháp chung và nội quy riêng, cũng xuất hiện cả những quy tắc bất thành văn mà con người đôi bên ngầm hiểu và chấp nhận.

“Khi các giáo sư làm ở bệnh viện của các trường đại học cầm lấy những món tiền mà bệnh nhân bỏ vào phong bì giúi vào tay họ, thì có lỗi ở đây trước hết chính là các bệnh nhân: Họ vốn sẵn lòng trả bất cứ số tiền nào để được một “ngôi sao sáng của nền y học” chữa cho. Thành thử trong trường hợp này cả hai bên đều có lỗi.”

Đứng trước bệnh tật, đứng trước cái chết, đứng trước sự mong manh của lằn ranh sinh tử, con người trở nên sợ hãi và dễ dãi hơn về quy tắc, vô hình chung đã cổ xúy cho những hành động vụ lợi.

Đó là một sự thật đáng buồn. Đáng buồn hơn là sự thật này không chỉ tồn tại ở đây, trong tác phẩm của Watanabe Dzunichi, mà còn là hiện thực cuộc sống.

Hiểu thêm về tác giả và tác phẩm.

Watanabe Dzunichi hay Watanabe Jun’ichi (1933 – 2014) tốt nghiệp đại học Y khoa ở Sapporo vào năm 1958, rồi ở lại trường để giảng dạy và nghiên cứu về khoa phẫu thuật tạo hình.

Watanabe là tiến sĩ y khoa về chuyên ngành ghép mô xương, đồng thời cũng là một nhà văn có nhiều tác phẩm được các nhà phê bình khen ngợi: “Sự hóa trang của cái chết” (1965), “Tuyết ẩm” (1967), “Cuộc viếng thăm” (1967), “Ghép tim” (1969)…

“Đèn không hắt bóng” được viết vào khoảng năm 1970-1971, đây có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Watanabe ở Việt Nam.