Chuyện cổ tích dành cho người lớn là tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tạm quên những lần hóa thân vào các nhân vật tuổi thơ, tác phẩm này dùng giọng văn của “người lớn” kể chuyện. Cuốn sách gồm hai mươi câu chuyện nhỏ, chủ yếu viết về những tình huống bình dị trong cuộc sống hôn nhân, gia đình. Những câu chuyện này đều được kể từ một góc nhìn rất khác, dí dỏm, chân thành mà lại ý tứ, trào phúng.
794d19d3b609074634100a4bfd79a262
Khi cổ tích không chỉ dành cho trẻ con…
Tác giả khéo léo dùng “cổ tích” để nói về những câu chuyện đầy tính “đời” của mình, bởi lẽ chúng đều là câu chuyện dễ bắt gặp, lặp đi lại trong xã hội, quen thuộc với cuộc sống của con người hệt như những câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em. Chuyện về một ông chồng đi làm về muộn, chuyện đứa con bị cho là ngỗ nghịch, chuyện đôi vợ chồng đâm đơn ra tòa li dị,… Tưởng chừng nhỏ nhặt, đời thường, nhưng đôi khi lại không thể hiểu nỗi, không thể tin được, không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí phẫn nộ.
Xem thêm:
- Mắt biếc – Kết cục buồn cho những kẻ ôm mối tình si
- Đảo Mộng Mơ
- Ngày xưa có một chuyện tình
- Cám ơn người lớn – Cuốn bí kíp về lòng bao dung giữa hai thế hệ
“Con ruồi nhỏ, nhỏ xíu. Vậy mà cái nhỏ xíu đôi khi lại là nguyên nhân của những chuyện tày đình. Rất có thể hai vợ chồng đâm đơn ra tòa li dị nhau chỉ bởi một con ruồi.”
Nhân vật trong câu chuyện cũng là những motif dễ gặp, không phải một người chồng gia trưởng thì là một người chồng sợ vợ, không phải là một người vợ “đầu tắt mặt tối” thì là người vợ ngang bướng, vô lí,… đều là motif hiện thực đến không thể hiện thực hơn.
Điều khiến những mẩu chuyện này giống với cổ tích nhất chính là chúng đều để lại những bài học khó quên.
…Không quên lồng ghép những vấn đề người lớn
Chuyện cổ tích dành cho người lớn đúng nghĩa là cuốn sách dành cho người lớn. Chỉ có người lớn – Người đang vật lộn từng ngày trong xô bồ cơm áo của cuộc sống – mới tin những tình tiết nảy sinh một cách nhạt nhẽo, ngược ngạo kia là có thật.
Người lớn sẽ hiểu cho sự ích kỉ, thực dụng của những ông chồng, bà vợ trong truyện. Làm người lớn tuy phi thường thật, nhưng cũng quá đỗi bất lực. Trẻ con cần nghe cổ tích để học làm người lớn, mà người lớn trước nỗi bất lực của mình lại chẳng có gì dạy họ cách vượt qua, thế nên đôi khi họ mù quáng đánh mất những thứ quý giá với mình, thậm chí còn đánh mất cả chính bản thân.
Xem thêm:
Hạ đỏ: Lặng lẽ một tình yêu đơn phương
Cái hay của tác phẩm, chính là mang những thứ tưởng chừng là bi kịch cuộc đời kể ra một cách nhẹ nhàng, hài hước, phần nhiều là buồn cười. Ông tuyệt không viết một dòng triết lí sâu cay nào, chỉ đơn thuần là kể, là cảm giác, để mặc người đọc tự ngẫm, tự tư nếu lỡ bắt gặp bản thân mình đâu đó.
“Cứ sau mỗi lần cãi nhau với vợ, ta thường hồi tưởng một cách tiếc nuối về quãng đời thanh xuân tươi tắn của ta…
…một buổi sáng tỉnh dậy, ta cảm thấy hơi ấm quen thuộc bên cạnh mình không còn nữa.
…ta cảm thấy cuộc sống lẻ loi sao mà phiền muộn.”
Cổ tích đời người bắt ta diễn quá nhiều vai diễn
Nếu chuyện cổ tích dành cho trẻ con, nhân vật chính diện thiện lành, sau cùng luôn được viên mãn, nhân vật phản diện xấu xa và phải chịu trừng phạt, nhân vật thần tiên xuất hiện đúng lúc, ban phép màu cứu rỗi. Còn trong cổ tích dành cho người lớn, một người có lúc tốt đẹp, có lúc lại biến thành xấu xa, có lúc vào vai anh hùng mạnh mẽ, khi lại đớn hèn không thôi, có lúc xứng đáng có được hạnh phúc, nhưng lại đột ngột gánh chịu thương đau, bản thân chỉ có thể tự đóng vai thần tiên, tự mang vui vẻ, hạnh phúc đến cho mình.
Ví như một đôi vợ chồng đâm đơn ra tòa li hôn bắt đầu từ một con ruồi, sau đó lại phát hiện, con ruồi mà họ nghĩ kia vốn là một mảnh lá trà. Hoặc một anh chồng muốn giữ hòa thuận trong nhà bằng cách nhận tất cả lỗi lầm về mình, đến cuối cùng lại thốt ra “Trăm lần không phải lỗi nơi em! Tất cả là tại anh đây này!… Nếu anh không lấy em thì đâu đến nỗi!”
Chuyện cổ tích dành cho người lớn là những câu chuyện đời nho nhỏ, có khi còn không gọi được là chuyện, mà chỉ là những tình huống, thế nhưng nó luôn có sự phát sinh sau đó, luôn tồn tại một mặt cho người đọc suy diễn. Những thứ lỡ tay đánh mất là mãi mãi mất đi, chẳng phép màu nào xuất hiện rồi mang trả về. Cứ loay hoay như thế, đến cuối cùng chẳng mấy ai nhận ra mình ban đầu.
Cổ tích dành cho người lớn không phải lúc nào cũng kết thúc có hậu
Những chuyện đơn giản đến không thể hơn, những chuyện xuất phát từ ý tốt, lại dẫn đến một cái kết tệ đến vậy. Sau đó thì thế nào? Câu trả lời là, không có sau đó nữa. Vì tất cả những câu chuyện của “người lớn”, rất ít ai thật sự muốn truy cứu nguyên nhân. Xuất phát từ cái gì vốn không quan trọng, quan trọng chính là những lời không hay đã được buông ra, quan trọng là “người lớn” đã bị tổn thương, điều đó không có cách gì vãn hồi.
Khác với cái kết đẹp trong Ngày xưa có một chuyện tình, lần này tác giả Nguyễn Nhật Ánh để kể câu chuyện của những người lớn với những kết thúc không có hậu, và nhân vật nghĩ mình chính diện thường hay cảm thấy đắng cay.
Một cuốn sách nhẹ nhàng, hài hước, dễ đọc, dễ hiểu. Cuốn sách dạy người ta nhìn nhận bế tắc bằng đôi mắt thật vui tươi, lại không kém thấu đáo. Làm người lớn thật ra không khó, chỉ cần người lớn đừng lúc nào cũng giống như trẻ con mà cho rằng mình thật phi thường.
:
- 6SBUGeep” 6SBUGeep
- BUgwTZA3″ BUgwTZA3
- 7JUQhNmV” 7JUQhNmV
- : CaXGrpkp” CaXGrpkp
Si Li