Là một đứa trẻ sống sót dưới chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot, tiếng nói của Chanrithy Him trong cuốn hồi ký “Hành trình qua cánh đồng chết” là tiếng nói cho những người không có tiếng nói từ nạn diệt chủng Cambodia, là tiếng nói từ miền thăm thẳm đau thương mang theo sức mạnh từ tình yêu thương đồng loại, khát vọng sống và khát vọng ươm mầm Thiện. 

Hanh trinh qua canh dong chet reviewsach.net tdlfoto
Ảnh: tdlfoto

Xuất bản lần đầu vào ngày 01/04/2000 với tên nguyên tác là “When broken glass floats: Growing up under the Khmer Rouge”, cuốn hồi ký của Chanrithy được hoan nghênh rộng rãi. Đài phát thanh Thụy Điển Channel One đã so sánh cuốn hồi ký của cô với những cuốn sách được viết bởi Imre Kertész (Nobel văn học 2002), người đã sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust. 

Trong cuốn sách “Voices of Protest: Documents of Courage and Dissent” (Tiếng nói phản kháng: Tài liệu về lòng dũng cảm và bất đồng chính kiến), các bài viết của Chanrithy Him xuất hiện cùng với các biểu tượng công lý khác như Martin Luther King, Mohandas Gandhi, Nelson Mandela, Mohammed Ali, and Rachel Carson.   

Nhà giáo dục quốc tế, Tiến sĩ Mark A. Ashwill đã viết Lời giới thiệu cho ấn phẩm tiếng Việt (dịch giả Mịch La), trích đoạn: 

“Tôi có vinh dự được đóng một vai trò nhỏ trong việc mang câu chuyện của Chanrithy đến với độc giả Việt Nam, thông qua cầu nối là nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và công ty văn hóa Phương Nam. Tôi hiểu rằng Chanrithy biết ơn sâu sắc vì có cơ hội nói chuyện với các bạn, các độc giả Việt Nam của cô, nhân danh những đồng bào còn sống sót của mình và những người đã chết trong cuộc diệt chủng ở Cambodia. Nói cho cùng, chính Việt Nam đã nhanh chóng chấm dứt cuộc tàn sát man rợ của kỷ nguyên Khmer Đỏ trong khi phần còn lại của thế giới đang che mặt làm ngơ.” 

Đọc thêm:

Hồi ký của một nhân chứng Cambodia ngoi lên từ địa ngục của Pol Pot!

Cuốn sách “Hành trình qua cánh đồng chết” gồm 20 chương chưa tính Lời giới thiệu, Lời cảm tạ, và Tựa. Nhưng có lẽ, độc giả nên đọc cả ba phần ngoại biên đó, đặc biệt là phần Tựa, để cảm nhận được trọn vẹn mạch cảm xúc của tác giả. 

Đó là cảm xúc của một người trưởng thành, một nhân chứng ngoi lên từ địa ngục của Pol Pot: nơi mà bọn Khmer Đỏ đã mổ người và ăn gan sống, hoặc giết người bằng cuốc và các công cụ thô sơ để tiết kiệm đạn dược, nơi có những cánh đồng chất đầy khúc xương gãy, những cánh tay, cẳng chân máu tuôn đầm đìa, xác chết ruồi, nhặng phủ kín; và cái mùi ngòn ngọt, hôi thối của da thịt đang mục rữa… Nơi diễn ra những thứ tội ác mà con người khó có thể tin được! Giống như hồi ký “Đêm” viết về nạn diệt chủng Holocaust của Elie Wiesel, cậu bé Elie thuở ấy cũng từng rất thắc mắc khi mới vừa nghe mà chưa kịp chứng kiến cảnh con người bị thiêu sống trong hỏa lò: 

“Chuyện này có thể có thật không? Bây giờ là thế kỷ 20, không phải thời Trung Cổ. Ai cho phép những tội ác như thế xảy ra? Làm sao có thế có chuyện cả thế giới lặng câm?”  

Giáo viên của Chanrithy ở Mỹ cũng không tin. Dan Dickason là một giáo viên dạy tiếng Anh thuộc trường trung học Cleveland ở Portland, bang Oregan. Đầu thập niên 1980, trường đã đón nhận một dòng thanh thiếu niên Cambodia di cư đến học, và ở những học sinh này Dickason nhận thấy một điều gì đó không bình thường. Ông dần dần được nghe những trải nghiệm của học sinh Cambodia, cũng chứng kiến vài hành động hoang tưởng của họ, nhưng vẫn thấy khó mà tin được. Cho đến một hôm ông trông thấy núi sọ người ở Cambodia thông qua một bộ phim tài liệu trên bản tin của CBS vào tháng 05/1983. 

Dickason bắt đầu liên hệ với giám đốc Chương trình tâm thần Đông Dương tại viện đại học Health Sciences ở Oregan, một chương trình nghiên cứu được triển khai ngày sau đó. Trong số 40 học sinh ở trường Cleveland từng sống dưới chế độ Pol Pot thì có đến một nửa được chẩn đoán bị rối loạn vì áp lực sau chấn thương và bị một dạng suy sụp tinh thần nào đó, dù họ đã giấu kín vết sẹo để cố gắng và đạt được nhiều thành tích trong học tập. Những người sống sót không hề yên ổn, những cơn ác mộng vẫn đeo bám họ dai dẳng, như một loài ký sinh trùng. 

Chanrithy được mời giúp làm phiên dịch và phỏng vấn các đối tượng, đó là một quá trình khó khăn với cô và cả những người được phỏng vấn, khi khơi mở những ký ức nhọc nhằn, vết thương bị xé toạc ra và tiếng khóc không thể kiềm nén lại. 

Quá trình tham gia vào nghiên cứu đó khiến Chanrithy trăn trở, có một niềm thôi thúc cô viết lại câu chuyện của mình, như trách nhiệm của một kẻ sống sót. Khi mà những kẻ gây ra tội ác một mực chối bỏ, khi mà những phe phái tuyên truyền giả dối nhằm lấp liếm những tội ác diệt chủng đã xảy ra vì mục đích chính trị, nếu nhân chứng không lên tiếng để thế giới bây giờ và của tương lai nữa tiếp tục làm ngơ với những trang đen tối nhất của lịch sử nhân loại, thì liệu rằng một ngày nào đó con người có bị giẫm lên vết xe đổ không? 

Hanh trinh qua canh dong chet reviewsach.net momo bookstore
Ảnh: momo bookstore 

Growing up under the Khmer Rouge. 

Hồi ký của Chanrithy bắt đầu từ khung ký ức về một bức tranh gia đình hạnh phúc từ tình yêu đã kết quả ngọt của bố mẹ cô, họ gồm có Pa (bố), Mak (mẹ) và 7 người con Chea, Ra, Tha, Ry, Than, Thy (tác giả) và Avy. Đến một ngày, bức tranh tươi đẹp ấy bắt đầu loang lổ vì hai chữ “chiến tranh”, là một ngày nào đó của năm 1969, khi Thy 4 tuổi. 

“Washington, ngày 17 tháng 7. Các nguồn tin từ bộ Quốc phòng hôm nay tiết lộ rằng các máy bay ném bom lên Cambodia trong suốt một giai đoạn 14 tháng bắt đầu vào tháng 3, 1969… Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự đã xác nhận rằng thông tin về việc tấn công Cambodia đã trình trực tiếp lên tổng thống Nixon và các cố vấn quốc gia tối cao của ông, kể cả Henry A. Kissinger.” – The New York Times 18/07/1973. 

Như vậy, trong một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa bộ đội giải phóng Việt Nam đang hoạt động ở biên giới Cambodia, lực lượng Mỹ và Nam Việt Nam đã lôi đất nước “trung lập” này lên sân khấu của cuộc chiến. Trực tiếp dẫn đến cuộc nội chiến Cambodia (có sự viện trợ của nước ngoài), giữa chính phủ Cambodia lúc bấy giờ dưới sự lãnh đạo của Lon Nol với lực lượng Khmer Đỏ của Pol Pot. 

Một số nhà sử học nhận định, sự can thiệp và các chiến dịch ném bom của Hoa Kỳ (giai đoạn 1969 – 1973) là một yếu tố quan trọng dẫn tới sự gia tăng ủng hộ dành cho Khmer Đỏ trong tầng lớp nông dân Cambodia. 

Gia đình Thy bắt đầu những năm tháng sống di tản từ Takeo đến Phnom Penh rồi lại quay về Takeo. Trong khoảng thời gian này, gia đình đã mất hai đứa con trai. Bọn nhỏ không mất vì bom đạn nhưng hẳn đã có thể sống sót nếu được đưa đến bệnh viện và được chăm sóc y tế, thuốc men đã vượt khỏi tầm tay họ, hậu quả là tuyệt vọng  và chết chóc. 

Năm 1972, gia đình Thy chuyển đến Phnom Penh, nơi tạm thời “bình yên”. Trẻ em tiếp tục đến trường, Mak lại mang thai và sinh em bé. Còn Pa, với hy vọng không còn phải bất lực nhìn con chết trong tay mình vì thiếu thuốc men, cũng như có thể sẵn sàng giúp Thy mỗi khi cô lên cơn hen suyễn, ông kiên trì học y và dự trữ các dược phẩm y tế. Trước tháng 04/1975, tình hình bắt đầu có nhiều biến động, trường học đóng cửa. 

Ngày 17/04/1975, sau một đêm pháo kích dữ dội, Khmer Đỏ trong đồng phục đen, mang khăn rằn, vác súng máy, tiến vào chiếm giữ Phnom Penh. Sáng sớm, radio kêu gọi treo cờ trắng, từ chối buông vũ khí sẽ bị bắn ngay. Pa thở dài thật mạnh, mặt ông trắng bệch, cả một đêm qua ở ngoài nắm bắt tin tức: 

“Phe Khmer Đỏ đã chiếm đất nước này. Chúng ta đang gặp khó khăn đây. […] Họ cũng không tha cho thường dân. Họ đe dọa những người dân vẫn còn nấp trong hầm tránh bom. Họ thét gọi vài lần bảo người ta chui ra. Rồi họ cũng không cho những người dân đang sợ hãi đó có cơ hội để đi ra nữa. Họ ném lựu đạn vào hầm trú bom. Không ai có thể sống sót, một con kiến cũng không.” 

Ngày hôm sau, cô bé Thy 9 tuổi lén đi “do thám”, đứng trước ngôi trường từng học đã bị thả bom thành một hố sâu như miệng núi lửa, xung quanh xác người quặt quẹo chất đống trong một hầm trú bom đã bị phá nát, mùi hôi thối bốc lên, ruồi nhặng bay vù vù. 

Khmer Đỏ bắt đầu ra lệnh mọi người phải rời khỏi thành phố, với lý do rằng “bọn Mỹ sẽ thả bom”. Dòng người hỗn độn bị lùa ra khỏi thành phố, chỉ được đi ra, không được vào, dọc đường có nhiều trạm Khmer Đỏ thẩm vấn và tra xét. 

Gia đình Thy di tản về nhà ông bà nội. Ở đây, bằng lời xảo trá rằng đưa Pa đi “định hướng”, Khmer Đỏ đưa ông đến một cánh đồng xa, ra lệnh ông tự đào mộ cho chính mình, bọn chúng trói ông lại trong sự chống cự của ông, giết chết ông bằng một nhát cuốc, rồi xô thân xác ông xuống hố đã được đào sẵn. 

Không cần đưa ra một nguyên nhân rõ ràng về những cuộc hành quyết tương tự cho thân nhân của người bị giết. Cứ thuộc diện “nghi ngờ” là “kẻ thù” là có thể bị giết tức khắc. Hoặc bị bắt giữ, tra tấn, rồi giết. Khmer Đỏ mặc định ai là “kẻ thù”? Có thể là bất kỳ ai bị nghi ngờ có quan hệ với chính phủ cũ hay các chính phủ nước ngoài, người chuyên nghiệp trí thức (người có học, thậm chí là người đeo kính), sắc tộc Việt, sắc tộc Thái và các sắc tộc thiểu số khác, tín đồ Công giáo, tín đồ Hồi giáo, tu sĩ Phật giáo, và “những kẻ phá hoại kinh tế” là người thành thị không biết làm nông. 

Một trật tự thế giới mới được thiết lập ở Cambodia, nơi bọn Khmer Đỏ tự xưng là Angka sẽ là tổ chức kiểm soát và quyết định tất cả. Angka là cha, là mẹ, là chúa, một bạo chúa! Pol Pot và đồng bọn đã biến Cambodia thành một xã hội nông nghiệp hoang tưởng. 

Chanrithy kể chậm rãi, cận cảnh một cách chi tiết nhất, ngõ hầu mang đến cho độc giả sự hiểu biết nhất định về đời sống văn hóa truyền thống của người Cambodia, để nhìn thấu được âm mưu hiểm độc của bọn Khmer Đỏ khi lên nắm quyền. Với những ý tưởng man rợ, chúng đưa một nền văn hóa với những đền tháp Angkor tráng lệ vào guồng quay của sự hủy diệt, chúng xóa bỏ tất cả đời sống vật chất tinh thần của người dân, mọi thứ bất kể đền miếu, trường học, nhà cửa, tiền bạc, thức ăn, thuốc men, quần áo, tóc tai, giấc ngủ, tiếng nói, tri thức, tình cảm, lòng tốt, niềm tin tôn giáo… khiến người dân không còn gì để bám víu, ngoài tiếng “Angka” mà chúng kêu gọi họ phục tùng. 

Lao động cưỡng bức đối với cả người lớn lẫn trẻ em. Trong suốt 4 năm Pol Pot cầm quyền, mỗi người dân sẽ bị điều đến làm việc ở nhiều trại lao động khác nhau. Trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, thiếu thốn thức ăn và nước sạch, người dân bị cơn đói hành hạ. Họ buộc phải kiếm thêm rau cỏ dại, chuột và côn trùng để ăn, thậm chí là lục lọi thùng rác hòng tìm kiếm ra một thứ gì đó có thể bỏ vào bụng… Điều kiện hoàn hảo để bệnh tật sinh sôi. Dịch tả, tiêu chảy, kiết lị, sốt rét, phù thũng, nhiễm trùng vết thương, suy dinh dưỡng… bắt đầu đày đọa người dân. Không có thuốc men, không có sự chăm sóc y tế nào, bệnh viện chỉ còn là một cái tên gọi, thậm chí là nơi làm bệnh truyền nhiễm nhanh hơn. Khắp nơi là người chết và những “người chết đang sống”. Đã có lúc, Thy phải lựa chọn giữa cái chết vì bị kiết lị mà không được chữa trị, hay chết vì bị bắt khi trốn khỏi trại lao động khổ sai. 

Có một nửa số thành viên trong gia đình Thy lần lượt chết đi vì hành quyết, đói khát và bệnh tật. Đến năm 1977, Mak kiệt quệ mang một tấm thân đau ốm, bọn Khmer Đỏ đã ném bà vào một cái giếng, cái giếng chôn người sống, khi bị mang đi bà vẫn còn rên. 

Quá nhiều nỗi đau không tưởng đã xảy ra và được kể lại khiến lòng người kinh sợ. Chế độ quỷ dữ của Pol Pot làm méo mó nhân tính của một bộ phận người, nhưng một số khác vẫn giữ được lòng tốt. Và có lẽ vì may mắn gặp được một vài người tử tế trong những lúc nguy nan nhất mà Chanrithy có thể sống sót để chờ được ngày quân tình nguyện Việt Nam theo lời kêu cứu của Hun Sen (hiện là Chủ tịch Thượng viện Cambodia) sang giúp nhân dân Cambodia đẩy lùi bọn Khmer Đỏ. 

Đoạn cuối cuốn hồi ký, là hành trình đến Mỹ của Chanrithy và các anh chị em trong gia đình, những người may mắn sống sót. Hành trình định nghĩa lại chính mình, bỏ lại phía sau đất nước Cambodia bị nghiền nát bởi bánh xe lịch sử của Khmer Đỏ. 

Hanh trinh qua canh dong chet reviewsach.net alexblackreads
Ảnh: alexblackreads

When broken glass floats. 

“When broken glass floats” tạm dịch “Khi mảnh chai nổi lên”. Vậy, hình ảnh biểu tượng mảnh chai nổi lên có nghĩa là gì? 

Trong văn hóa dân gian Cambodia có nói về điều gì sẽ xảy ra khi cả cái thiện và cái ác đều bị ném xuống dòng đời. Cái thiện được tượng trưng bởi klok – một loại bí, còn cái ác được tượng trưng bởi armbaeg – những mảnh chai vỡ. 

“Rồi cái thiện sẽ chiến thắng cái ác. Bây giờ thì klok chìm xuống còn mảnh chai lại nổi lên. Nhưng armbaeg sẽ không nổi lâu đâu. Rồi thay vào đó klok sẽ nổi lên và cái thiện sẽ chiến thắng.” 

Đó là điều mà Chea, người chị gái lớn hơn 9 tuổi, đã cố gắng nhìn thẳng vào mắt cô em Thy 12 tuổi của mình để truyền đạt, với mong muốn gieo vào em một hạt mầm hy vọng, một niềm tin mãnh liệt rồi cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, sẽ nhanh thôi. 

Vậy mà Chea đã không đợi được ngày ấy. Một năm sau đó Chea mất vì bị sốt kéo dài và kiệt sức, chỉ ba tháng trước khi bộ đội Việt Nam tấn công và đẩy bọn Khmer Đỏ đến biên giới. Nhưng hạt mầm mà Chea gieo cho Thy đã cho cô bé một niềm khát khao để sống sót và để giúp đời: 

“Chea ơi, nếu em sống được sau này, em sẽ học ngành Y. Em muốn giúp đỡ những người khác bởi vì em đã không thể giúp đỡ chị. Nếu em chết, em sẽ học ngành Y trong kiếp sau.” 

Mười ba năm sau khi Chea chết, sau khi học xong khóa dự bị tại đại học Oregan năm 1991, Charithy quyết định trở thành một bác sĩ y khoa để giữ trọn lời hứa với linh hồn Chea, và tiếp tục công việc mà Pa cô để lại. 

Please give us voice! 

Cho đến nay đã phát hiện trên 20.000 ngôi mộ tập thể chôn lấp các nạn nhân, thường được gọi là “Cánh đồng chết”. Số người chết trong nạn diệt chủng của Pol Pot ước tính gần một phần tư dân số Cambodia lúc đó. 

Hanh trinh qua canh dong chet reviewsach.net golightly_traveling_books
Ảnh: golightly_traveling_books (Ảnh chụp từ phần Lời cảm tạ của sách)

“Xin hãy cho chúng tôi tiếng nói 

Khi mảnh chai nổi lên, cả một dân tộc chìm xuống 

Tận đáy vực sâu 

Từ những nấm mồ tập thể trên một mảnh đất vốn rất hiền dịu 

Máu của họ thấm sâu xuống lòng đất mẹ 

Hồn ma đau đớn của họ thì thầm với nàng 

“Tại sao điều này đã xảy ra?” 

Tiếng họ vọng lại từ cõi âm 

Gào lên qua linh hồn của những người sống sót 

Cương quyết đòi cảm thông, họ van nài với thế giới: 

Xin hãy nhớ đến chúng tôi! 

Xin hãy nói thay cho chúng tôi!  

Xin hãy mang lại cho chúng tôi công lý!” 

“Hành trình qua cánh đồng chết” của Chanrithy Him đã góp tiếng nói của lương tâm và trách nhiệm của một người sống sót, cũng là tiếng nói thay cho những người đã không thể lên tiếng nữa vì chế độ Khmer Đỏ. Xin hãy nhớ đến họ! Xin hãy lên tiếng vì công lý và chính nghĩa!