Người nông dân hiền lành như hạt lúa củ khoai, như cây gừng cây tỏi, cũng nổi giận vì bệnh quan liêu. “Cây tỏi nổi giận” của Mạc Ngôn là một cuốn tiểu thuyết phản ánh kịp thời vấn đề xã hội, nhưng cũng không để cảm xúc nóng giận làm chính trị lấn át văn học. Chịu sự dẫn dắt của quan điểm nhân văn, văn học của Mạc Ngôn không chỉ quanh quẩn với các sự kiện mà còn vượt qua chúng, không chỉ quan tâm đến chính trị mà còn vĩ đại hơn chính trị.
“Cây tỏi nổi giận” (tựa tiếng Anh: The Garlic Ballads) dựa trên một sự kiện có thực xảy ra vào mùa hè năm 1987, gây xôn xao dư luận Trung Quốc lúc bấy giờ: nông dân tại một huyện nghe lời chính quyền trồng tỏi, nhưng tới mùa thu hoạch thì sản phẩm không có đường ra. Cuốn sách đã bị cấm ở Trung Quốc khi xuất bản vào cuối những năm 1980.
Đọc thêm review tác phẩm của Mạc Ngôn:
- Châu Chấu Đỏ – Bản chất con người
- Cao lương đỏ – Tác phẩm đưa tên tuổi Mạc Ngôn vươn ra thế giới!
- Trâu thiến – Lại không còn là chuyện trâu thiến nữa!
Bài ca ngồng tỏi Thiên Đường.
Âm thanh đàn nhị réo rắt, như khóc như than, tiếng hát xẩm của Khấu mù vang lên, tỉ tê kể chuyện. Chuyện kể rằng, ở huyện Thiên Đường nơi hạ giới:
“Ủy ban huyện hô hào trồng tỏi
Ban cung tiêu mua tỏi theo cân
Một cân ngồng là một tệ chẵn
Ngồng đã mua cất trong kho lạnh
Tết bán ra kiếm được bộn tiền…”
Vào mùa thu hoạch tỏi, tỏi từ khắp nơi được chở đến kho lạnh của huyện, khắp đường ùn ùn xe trâu, xe lừa. Nông dân mang tỏi đi bán thì chính quyền cho người thu thuế. Đủ mọi loại thuế má, nào là thuế đường, thuế công thương, thuế môi trường, thuế y tế… Không có tiền đóng thuế thì lấy tỏi thay thế. Không dừng lại ở đó, bọn quan lại vô trách nhiệm, chèn ép nông dân, muốn bán tỏi phải đi cửa sau, làm việc gì cũng phải đi cửa sau. Không chịu đi cửa sau thì chính quyền không mua, không mua nhưng lại đuổi người từ huyện khác muốn mua đi. Người nông dân rơi vào tuyệt lộ, họ bị đẩy tới bước đường cùng phải vùng lên phản kháng.
“Bà con kiếm bộn tiền nhờ tỏi
Điên đầu đỏ mắt lũ sói lang
Từng đàn từng lũ thu và phạt
Bóp nặn dân đen, trời thấu chăng?”
Quyết tâm trừng phạt lập uy, cảnh sát bắt giữ những người nông dân đã nổi loạn trong đó có Cao Dương, Mặt Ngựa và thím tư Phương. Còn Cao Mã trốn mấy ngày đêm, đến khi quyết định trở về, chờ đợi anh là một khung cảnh đau đớn không thể tưởng tượng nổi, anh không chống đối nữa, chỉ còn lại lòng căm hận. Người nông dân bị giam giữ, hành hạ, đánh đập, cũng có người đã chết đi.
Xen kẽ hai dòng thời gian, khi Cao Dương, thím tư Phương và Cao Mã cố gắng sống sót trong những ngày khốn nạn đó, họ xót xa hồi tưởng cuộc đời mình. Những ký ức về tình yêu, cả về lòng tham đã làm băng hoại gia đình và xã hội. Cao Dương nhớ vợ con, vợ vừa mới đẻ và một đứa con bị mù. Cao Dương nhớ bố mẹ, cả đời làm lụng vất vả, tằn tiện tích góp tiền mua ruộng, đến cải cách ruộng đất lại bị quy là địa chủ, tuổi thơ Cao Dương thường xuyên bị đánh đập và quấy rối vì lưng đeo cái danh địa chủ đó. Thím tư Phương nghĩ về gia đình, lòng tham và sự tàn nhẫn của mọi thành viên đối với Kim Cúc, đứa con gái duy nhất của bà. Cao Mã hồi tưởng những trận đòn khủng khiếp mà cả hai đã phải chịu sau khi Kim Cúc bỏ trốn cùng anh, tình yêu và nỗi uất hận của anh.
Cuộc đời lao đao của nhiều số phận nông dân huyện Thiên Đường khái quát một xã hội đảo điên bởi quan lại quan liêu cửa quyền và chính trị đen tối. Tại phiên tòa xét xử công khai “Vụ án tỏi Thiên Đường”, tiếng nói khảng khái minh oan cho người dân thấp cổ bé họng được cất lên. Nhưng cũng chỉ là an ủi mà thôi!
Mạc Ngôn giữ thái độ nghi ngờ.
“Vụ án tỏi Thiên Đường” gióng tiếng chuông cảnh tỉnh cho Đảng ta.” – Mượn lời viên sĩ quan trẻ, đồng thời thông qua các bài nhật báo và xã luận của mấy tờ báo về “Vụ án tỏi Thiên Đường”, những khối u nhọt được mổ xẻ:
Lãnh đạo huyện đã mắc sai lầm cả trong tư tưởng chỉ đạo lẫn trong hành động: chủ nghĩa quan liêu, thái độ tắc trách, lãnh đạo bất lực, công tác bê trễ, thiếu hiểu biết về kinh tế hàng hoá, không có chính sách đúng đắn khi có tình hình mới; lợi dụng tình hình, lên danh mục thu thuế vô tội vạ, biên phạt tràn lan, từ đó đối lập với quần chúng; càng sai lầm hơn, khi sự vụ nổ ra, những người đứng đầu huyện ủy và ủy ban huyện chọn cách trốn biệt, không xuống hiện trường, không có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết cho dân chúng. Cuối cùng, con giun xéo mãi cũng quằn, “Vụ án tỏi Thiên Đường” nổ ra.
Nhưng không vì thế mà vơ đũa cả nắm:
“Một hành vi xấu của đảng viên, cán bộ thường ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của Đảng, còn quần chúng thì không phải lúc nào cũng công bằng, khi bất mãn với một quan chức nào đó, họ thường qui kết ở phạm vi lớn hơn.”
Báo chí cũng hướng ngòi bút sang người nông dân, cho rằng không thể dùng chủ nghĩa vô chính phủ để chống chủ nghĩa quan liêu, phải thông qua con đường chính tắc và những thủ đoạn hợp pháp.
Nhưng cán bộ huyện ủy như vua một cõi, quần chúng nhân dân có thể làm gì? Nếu không có cuộc nổi loạn gây xôn xao dư luận thì liệu rằng mấy ai biết đến? Báo to báo nhỏ rầm rộ lên bài, đưa tin xử phạt quan lại, suy ngẫm bài học nọ kia… Cán bộ huyện ủy bị cách chức để điều tra, nhưng cũng có thể im lặng điều động, bổ nhiệm sang làm cán bộ huyện khác. Giống như mượn báo chí làm chiêu trò truyền thông để xoa dịu dân chúng.
“Cây tỏi nổi giận” khép lại, sai lầm và người chịu trách nhiệm sai lầm được chỉ rõ. Nhà văn Mạc Ngôn thấu tỏ toàn bộ sự việc, nhưng vẫn giữ thái độ nghi ngờ về kết cục, từ đó đặt câu hỏi nghiêm túc cho giới cầm quyền. Liệu rằng có xử lý triệt để không, hay chỉ sấm to mưa nhỏ, để rồi mèo lại hoàn mèo và người thiệt nhất vẫn chỉ là người nông dân?
Văn học không chỉ quan tâm đến chính trị mà còn vĩ đại hơn chính trị.
Sau khi được xướng danh trong lễ trao giải Nobel Văn chương năm 2012 tại Thụy Điển, bài diễn từ của nhà văn Mạc Ngôn có đoạn:
“Thách thức lớn nhất của tôi khi viết tiểu thuyết là làm việc với những vấn đề xã hội, chẳng hạn trong “Cây tỏi nổi giận”, không phải vì tôi sợ việc phê phán nhiều mặt tối của xã hội, mà vì những cảm xúc nóng nảy và sự giận dữ sẽ làm cho chính trị lấn át văn học và biến tiểu thuyết thành báo cáo về vấn đề xã hội. Với tư cách là một thành viên của xã hội, tiểu thuyết gia có quan điểm và góc nhìn của riêng mình; nhưng khi viết thì họ phải lấy quan điểm nhân văn và chịu sự dẫn dắt của nó. Được vậy thì văn học mới không chỉ quanh quẩn với các sự kiện mà còn vượt qua chúng, không chỉ quan tâm đến chính trị mà còn vĩ đại hơn chính trị.
Có thể vì tôi đã sống quá dài trong hoàn cảnh khó khăn, nên tôi nghĩ rằng mình hiểu biết sâu sắc về cuộc sống. Tôi biết sự can đảm thực sự là gì, và tôi hiểu lòng trắc ẩn đúng nghĩa. Tôi biết cái miền đất mờ ảo trong trái tim và trong lý trí của mỗi người, miền đất mà ở đó không thể định rõ đúng hay sai, xấu hay tốt, và cái lãnh thổ mênh mông này là nơi mà các tác giả thoải mái phô diễn tài năng. Miễn là làm việc hợp lý và miêu tả rõ ràng cái miền đất mờ ảo và nhiều vẻ này, thì nhất định sẽ vượt qua chính trị và thu được thành công trong văn học.”
Tác phẩm “Cây tỏi nổi giận” được Mạc Ngôn lấy làm ví dụ trong bài phát biểu đạt giải Nobel Văn chương năm 2012, là điển hình về một áng văn chương phản ánh kịp thời vấn đề xã hội, nhưng không để cảm xúc nóng giận làm chính trị lấn át văn học. Văn học của Mạc Ngôn dưới sự dẫn dắt của quan điểm nhân văn không chỉ quanh quẩn với các sự kiện mà còn vượt qua chúng, không chỉ quan tâm đến chính trị mà còn vĩ đại hơn chính trị.