Sau khoảng thời gian năm năm “phong bút”, “thầy” Lôi đã trở lại với tác phẩm mới mang tựa đề, có phần đậm chất huyền thoại: Nàng tiên cá. Nhưng phía sau tiêu đề ẩn chứa màu sắc huyền thoại đó, là câu chuyện cuộc đời đầy tăm tối, đắng cay và đau đớn.
Để rồi, khi khép trang sách lại, người đọc nhận ra, văn chương Lôi Mễ buổi hôm nay, ngòi bút ông vẫn đầy nghiệt ngã. Nhưng đau thương trên trang viết của ông, như càng thêm đằm lại giữa những mối quan hệ tưởng chừng hết sức bình dị, mà ẩn chứa những mâu thuẫn, vụn vỡ tới quặn đau.
Đêm đen
Không ẩn chứa những vụ án mạng liên hoàn mà tình tiết phạm tội ngày càng tăng tiến như Độc giả thứ 7 hay Đề thi đẫm máu; cũng không chứa đựng các tình tiết dồn dập phía sau hàng loạt tội ác lớn kinh hoàng như ở Sông ngầm hay Ánh sáng thành phố; sáng tác mới nhất của Lôi Mễ, tiểu thuyết Nàng tiên cá mang nhịp độ khá chậm rãi và chứa đựng những mối quan hệ, có thể nói là khá vụn vặt trong đời sống thường nhật: Chuyện gia đình, chuyện hàng xóm láng giềng, chuyện trường lớp hay chuyện giữa người thương binh đã xuất ngũ với người phụ nữ ông thầm yêu nhưng tréo ngoe, đấy lại là vợ người bạn thân quá cố…
Tuy nhiên, dẫu có chậm rãi hay vụn vặt thì cũng không thể phủ nhận, bao trùm lên tất cả mối quan hệ ấy là thứ bóng tối đặc quánh của những ác ý, dục vọng, mâu thuẫn, thậm chí là bạo lực, triệt hạ.
Và hiện hình trực tiếp của màn đêm đen đặc đó, chính là ba cái xác phụ nữ đang phân hủy, sau cơn mưa lịch sử năm 1994, bị đẩy ra khỏi cống ngầm thành phố cùng sự mất tích của một nữ sinh cấp 3 đang chìm dần vào bóng tối quên lãng. Để con người giật mình nhận ra, chảy ngầm dưới thành phố phồn hoa, có những tội ác bị chôn vùi, giấu kín như thế. Và giữa lòng đô thị tấp nập đời sống ngỡ rằng bình yên, lại chứa đựng những dã tâm lẫn vết thương nhức nhối đến vậy.
Đêm đen, trong trang văn Lôi Mễ, vừa trực quan mà cũng đầy tính biểu tượng.
Đó là buổi đêm chân thực đã diễn ra cơn mưa phơi bày tội ác, là những buổi đêm cô bé Khương Đình trằn trọc không ngủ, là bóng đêm dưới cống ngầm, cũng là bóng đêm cô bé Tô Lâm cùng gã vô gia cư được gọi tên Vincent lầm lũi bước đi.
Nhưng đấy cũng là bóng đêm vô hình đã trở thành đồng minh che giấu tội lỗi, cuốn trôi đi chứng cứ. Đêm đen nuốt chửng ước mơ, hi vọng cá nhân. Và đêm đen, lại như dang rộng đôi tay, bảo bọc những kiếp đời bé mọn, cô độc, đơn bạc vẫy vùng kiếm tìm lẽ sống khi xã hội rộng lớn, mà không có lấy một chốn thực sự là “nhà” để họ gá víu tâm hồn.
Đêm đen, dưới ngòi bút của thầy Lôi, là hiện thực và cũng là biểu tượng cho mặt tối của con người cùng mặt tối của cả xã hội. Những kẻ do sự dồn nén cảm xúc hay đời sống khiếm khuyết về mặt này, hay mặt khác mà tạo thành ẩn ức hằn sâu nơi tâm lý. Những kẻ, đến buổi hiện đại, vẫn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ rồi vô tình, khiến những đứa trẻ phải chịu đựng tổn thương tâm hồn quá sớm. Vấn nạn bạo lực học đường từ những đứa trẻ sớm hình thành tính tự cao, kiêu ngạo. Và những kẻ, bất chấp đạo lí, vì lòng ích kỉ cá nhân mà sẵn sàng làm những chuyện trái với luân thường…
Đêm đen, hình ảnh liên tục trở đi trở lại trong sáng tác của Lôi Mễ lần nữa xuất hiện ở cuốn tiểu thuyết dẫu ông có đổi mới phong cách thì hình ảnh đó vẫn tiếp tục ám ảnh xuyên suốt hơn 400 trang sách. Để độc giả nhận ra, trong đêm tối mịt mùng, “cái ác” vẫn đang “chảy ngầm dưới lòng sông lạnh” như hệ thống cống ngầm chằng chịt, phủ bóng đêm đặc quánh không tìm thấy đường ra.
Ánh sáng
Đối lập với đêm đen, là ánh sáng.
Nhưng trong đêm đen dưới cống ngầm trải dài bất tận không thấy ngày mai, không thấy tương lai hay hi vọng của Nàng tiên cá, vẫn tồn tại đâu đây tia sáng của niềm tin le lói, bập bùng cháy trong những kiếp đời bé mọn ước mơ một ngày được nhìn thấy và bước đi dưới ánh sáng mặt trời. Ở những con người dù bị đẩy xuống đáy cùng xã hội vẫn luôn âm ỉ tranh đấu, phản kháng, kể cả vô thức hoặc sự tự ý thức, đơn thuần chỉ vì để sống hay hơn cả, là được tắm mình dưới ánh bình minh.
Thật vậy,
Dù viết rất nhiều về bóng tối lẩn quất trong ngõ cùng xã hội lẫn trái tim con người, cả các góc khuất, âu lo vụn vặt rất đời, rất người đằng sau cuộc sống phố thị hào nhoáng; thì tới tận cùng, điều ngòi bút tác giả Lôi Mễ hướng về, mãi là bóng hình ánh sáng giữa đêm đen.
Một thứ ánh sáng vừa cụ thể, cũng vừa trừu tượng.
Cụ thể, như ánh nến leo lét dưới cống ngầm đã soi tỏ cho Tô Lâm sinh tồn trên cõi đời, như ánh trăng những đêm cô gái cùng gã đàn ông vô gia cư lang bạt kiếm sống, như ánh đèn sân khấu cô đã dõi theo, như ánh nắng mặt trời cô đã đánh mất. Ánh sáng của chiếc đèn pin chìm trong tăm tối cống ngầm. Ánh sáng của phố thị và ánh sáng gay gắt của đèn pha cướp đi sinh mạng con người.
Và trừu tượng, bởi đó còn là ánh sáng tượng trưng cho chính nghĩa trong trái tim người cảnh sát. Dù công việc có khó khăn, manh mối có ít ỏi, dù không ai hỗ trợ giữa bộn bề công việc như mò kim đáy bể, họ vẫn kiên định theo đuổi mục tiêu với trọn vẹn nhiệt huyết tuổi trẻ, kinh nghiệm tuổi trung niên cùng cái tôi đầy kiêu hãnh. Ánh sáng của tình thân, dù có mâu thuẫn, sai lầm, người ta vẫn lo lắng cho nhau như một thứ bản năng mách bảo. Ánh sáng của tình người thật khó để gọi tên, nhưng tinh tế đến mức, chỉ bằng những cử chỉ yêu thương, quan tâm, trân trọng rất nhỏ, cũng đủ khơi dậy tính người, níu giữ bản ngã nhân tính mà làm người ta nhớ mãi.
Ánh sáng của lòng biết ơn và ánh sáng của thứ hi vọng mong manh, thậm chí chỉ lập lòe cháy tựa ánh nến ẩn hiện giữa chằng chịt cống ngầm đen đặc. Nhưng thứ ánh sáng đó vẫn tồn tại, như sinh mệnh vẫn bấu víu lấy sự sống, chờ đợi khắc khoải cho tương lai dẫu có mịt mờ hay xa vời tới đâu chăng nữa. “Vì vậy tôi thường tự hỏi liệu còn sự kiện gì khó tin hơn nữa xảy ra trong cuộc sống khốn khổ của mình không. Dù sao đi nữa, tôi vẫn tò mò về tương lai, vẫn kì vọng hoặc bất lực chờ đợi nó.”
Cuộc sống luôn tồn tại hai mặt sáng – tối cũng như trang văn Nàng tiên cá, bóng tối – ánh sáng song hành. Giữa đêm đen người ta nhìn thấy ánh sáng hay ngay cả nơi ánh sáng rực rỡ nhất, có thể đêm tối vẫn chực chờ. Mà ngay chính bản thân con người, chẳng phải cũng tồn tại hai mặt mâu thuẫn thiện – ác, hình thức bên ngoài – nội tâm ẩn giấu hay sao? Khi ấy, nhìn nhận các vấn đề cuộc sống dưới đa chiều góc độ, đồng thời đánh giá con người trên nhiều bình diện biểu hiện; không chỉ là nhiệm vụ của người cảnh sát trong quá trình truy bắt tội phạm mà còn là cách, để mỗi người khắt khe hơn, hoặc bao dung hơn với bản thân và những người xung quanh, trước cuộc đời còn lắm sự bất bình, trái ngang, nghiệt ngã.
*Cre ảnh: Page IPM
Người phụ nữ mang thân phận “tiên cá” trong xã hội
Không phải một cuốn tiểu thuyết mang đậm dấu ấn của thể loại trinh thám như Đề thi đẫm máu, cũng không phải một sáng tác chứa đựng dấu ấn cá nhân nghề nghiệp mạnh mẽ như Giáo hóa trường hay Sông ngầm; ở Nàng tiên cá, yếu tố trinh thám, điều tra phá án được tác giả Lôi Mễ xây dựng quyện hòa cùng yếu tố tâm lý xã hội. Nên với độc giả trinh thám nói chung hay những ai kì vọng vào câu chuyện án mạng giật gân như các cuốn sách trước thuộc phần series trinh thám tâm lý học tội phạm, hẳn sẽ phần nào thất vọng. Bởi hung thủ thì có phần dễ đoán trong khi quá nhiều vấn đề vụn vặt mà nhức nhối lại được tác giả tạo dựng, khai thác trong tác phẩm.
Tuy nhiên, đây có lẽ là bước chuyển mình đầy mới mẻ, cũng hết sức cần thiết của thầy Lôi trên hành trình, ông dùng văn chương tái hiện cuộc đời.
Tại Nàng tiên cá có hình thức truyện lồng truyện, án lồng án và cả sự thay đổi ngôi kể lẫn điểm nhìn đầy linh hoạt trong sự biến đổi của đa phương thức, đa thể loại ngay trong một cuốn sách. Để rồi, bên cạnh một cảnh sát Thai Vĩ nhiệt huyết, chính trực, một cựu binh già Cố Hạo kiên cường, nhạy bén, giàu lòng nhân ái còn có một cô bé Tô Lâm sắc sảo, mạnh mẽ, quật cường và dáng hình, người phụ nữ, mang thân phận tựa như “tiên cá” trong xã hội.
Họ là nạn nhân của tội ác, là những cá nhân dịu dàng mà gai góc, chịu sự đè nén của đủ mọi định kiến. Họ tinh tế, nhạy cảm nhưng cũng đầy mâu thuẫn hơn bất cứ ai. Họ yếu đuối song cũng đầy kiêu hãnh trên hành trình theo đuổi ước mơ, hạnh phúc cá nhân bằng cái tôi khát cầu tự do đến quặn đau. Tựa nàng tiên cá, sẵn sàng đánh đổi giọng hát để lấy đôi chân bước đi tới hạnh phúc, dù có chịu nhiều đau đớn, thương tổn hơn nữa. Để cho, dù có tan biến hay chịu đựng ba trăm năm thử thách, họ cũng không nuối tiếc vì đã yêu và hi sinh cho những gì họ trân trọng.
Nàng tiên cá không phải tác phẩm đầu tiên, và có lẽ cũng không phải cuốn sách cuối cùng tác giả Lôi Mễ đề cập tới bóng hình người phụ nữ buổi hiện đại. Thậm chí, Sông ngầm trước đây còn là câu chuyện về vấn nạn buôn bán trẻ em, đặc biệt là những bé gái bên vùng rừng núi, biên giới Trung Quốc. Nhưng ở Nàng tiên cá, có sự hóa thân của tác giả vào chính bản thân nhân vật mà cảm nhận, thấu hiểu, bên cạnh điểm nhìn thứ ba toàn tri, người cảnh sát theo đuổi vụ án.
Để rồi, ông như nhắn gửi, Nàng tiên cá mang dáng hình Tô Lâm hay bất cứ người phụ nữ nào trong xã hội mang theo trái tim khao khát tự do đang vươn mình ra biển lớn. Và đây, cũng là ánh nhìn đồng cảm đầy nhân đạo xuất phát từ một tác giả có lẽ vốn đã quá quen với nước mắt, khổ đau của đời người.
*Đọc thêm các bài review khác về sách của tác giả Lôi Mễ:
- Đề thi đẫm máu – cuốn sách hay nhất về trinh thám kinh dị của Lôi Mễ
- Sông ngầm (Lôi Mễ) – Cái ác chảy ngầm dưới lòng sông lạnh/ Đau thương mất mát ngân vọng tiếng tiêu.
- Độc giả thứ 7 – Khơi nguồn của bi kịch
Mọt Mọt