Một tử thần bị luân chuyển công tác xuống hạ giới dưới hình dạng một chú chó để thực hiện nhiệm vụ cứu giúp những người bệnh sắp từ giã cõi đời không biến thành “ám linh” bằng cách giải thoát họ khỏi “lưu luyến” nơi trần thế. Nhưng địa điểm vị tử thần ấy hạ phàm lại là một bệnh viện chứa đựng muôn vàn bí ẩn kéo dài từ quá khứ tới hiện tại. Và qua quá trình tác nghiệp, tử thần không chỉ vô tình vén bức màn đen vẫn bao trùm bấy lâu trong tâm trí con người nơi đây mà còn đầy hiện thực, rẽ sang một hướng hiểm nguy khó lường.
Giá trị của “sự sống”
Là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, khi đứng trước cái chết ngày càng gần kề, liệu bạn còn điều gì “lưu luyến” với cuộc đời này không? Bạn sẽ sống như thế nào? Lặng nhìn thời gian trôi cho đến khi cơ thể biến thanh cát bụi? Chìm vào hối hận, luyến tiếc, dằn vặt rồi cứ vậy nhắm mắt ra đi? Hay gắng sức sống trọn từng phút, từng giây, làm mọi thứ để lưu lại dấu ấn cá nhân về một cái tôi đã tồn tại trên cõi đời? Như cách tử thần Leo đã giúp những bệnh nhân tại bệnh viện chăm sóc giảm nhẹ Okanoue tìm lại giá trị của “sự sống” trong quãng thời gian, cuộc sống của họ chỉ còn được tính bằng tháng, thậm chí bằng ngày mà thôi.
Thật vậy, với một không gian hiện thực gần như thu hẹp cùng số lượng nhân vật không quá lớn nhưng có tới 4 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, tác giả Mikoto Chinen đã mở ra hàng loạt những chiều không gian khác nhau. Không gian của quá khứ – hiện thực, không gian tâm tưởng cá nhân quyện hòa cùng không gian sinh hoạt trong một cộng đồng hẹp.
Không gian đa chiều tạo sự lớp lang cho tiểu thuyết Chú chó tử thần. Mỗi chương truyện lại nói tới nỗi ẩn ức, “lưu luyến” riêng của từng bệnh nhân trước lúc giã cõi đời. Tuy nhiên, nếu chỉ là những câu chuyện riêng lẻ như vậy, tiểu thuyết Chú chó tử thần sẽ chẳng khác gì một tập truyện ngắn rời rạc, thiếu liên kết. Bởi vậy, tác giả Mikoto Chinen đã khéo léo nối kết các phần truyện ấy lại với nhau, bằng mối liên kết mang tên quá khứ mà những con người tưởng chừng xa lạ tụ hội nơi hospice đã cùng nhau sẻ chia và một phần thực tại, họ đang cùng nhau trải qua. Quá khứ là bi kịch còn hiện tại là hi vọng. Vì họ chẳng còn không cô đơn. Bởi bên họ có Leo, vị tử thần chuyên làm nhiệm vụ dẫn dắt những linh hồn đã khuất hiện đang tồn tại trong thân xác một chú chó Golden.
Leo xưng “ta”, kể câu chuyện ở ngôi thứ nhất nhưng khi tái hiện cuộc đời của các cá nhân khác, chú lại đứng ở góc nhìn ngôi thứ ba. Vì thế, Leo dễ dàng nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn bất cứ ai. Leo giải thoát những bệnh nhân khỏi “lưu luyến” bởi đó vốn là nhiệm vụ của Leo. Nhưng sau tất cả, Leo nhận ra, chú giúp họ vén bức màn bí ẩn, giải tỏa tâm hồn, thay đổi thực tại, lại xuất phát từ cái tâm cá nhân yêu thương đầy mâu thuẫn. Leo giúp người, đồng thời cũng giúp chính bản thân chú phát hiện thế nào là chân giá trị cuộc sống.
Cuộc sống đa sắc đa màu, và định nghĩa “sự sống” cũng hết sức đa diện. Nhưng dù trải qua đủ giai đoạn sinh, lão, bệnh, tử hay chỉ vụt sáng trong khoảnh khắc, thì đó vẫn là cuộc đời mỗi con người. Và không lẽ trọn một đời người, đến tận lúc nằm xuống, người ta vẫn không thể buông bỏ chấp niệm cố hữu nơi tiềm thức? Sống là cháy hết mình cho từng phút từng giây nhưng sống cũng là tận hưởng từng khoảnh khắc được hiện diện trên cõi đời. Sống là khổ đau nhưng sống cũng là hi vọng để người ta trao đi yêu thương, cống hiến hết mình cho tín ngưỡng họ tin tưởng. Đời người hữu hạn, buộc người ta biết trân trọng quỹ thời gian một đời người. “Đừng có tự kiêu, con người! Các người chỉ mượn xác thịt làm nơi trú ngụ tạm thời để tồn tại trên thế giới này. Khi nào phải trả lại ‘nơi trú ngụ tạm thời’ không phải việc do các người quyết định. Điều mà anh nên làm không phải là than thân trách phận vì số thời gian ngắn ngủi còn lại, mà là tranh thủ thời gian có hạn đó, làm sao để sống hết mình.”
Và dù về cuối truyện xuất hiện một vài tình tiết mang tính khiên cưỡng thì cũng không thể phủ nhận, Chú chó tử thần là cuốn tiểu thuyết rất đẹp về tình yêu và lẽ sống giữa đời vô thường.
Những con người “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”
Mỗi cá nhân được xây dựng ở tiểu thuyết Chú chó tử thần đều là một cái tôi riêng biệt có tính cách, quá khứ khác nhau. Vì vậy, tâm thế của họ khi đối diện với cái chết cũng hết sức riêng biệt. Cùng là “lưu luyến” nhưng từng người lại có luyến lưu riêng. Điều đó không chỉ phản ánh một phần cá tính mà còn mang tính quyết định nội tâm, hành động của họ khi cay đắng nhận ra quỹ thời gian cuộc đời đang ngày một rút ngắn.
Như ông lão Minami, đa sầu đa cảm mang theo nỗi đau về một tình yêu tan vỡ, “lưu luyến” sẽ rất khác một ông lão Kanemura suốt 7 năm đã phải sống trong sợ hãi, dằn vặt, tội lỗi. Cùng là người trẻ nhưng một chàng họa sĩ tài hoa chìm trong nỗi căm phẫn, thất vọng vì niềm tin bị phản bội như Utsumi, niềm luyến tiếc, u uất sẽ hoàn toàn khác biệt với một thiếu nữ dịu dàng, tốt bụng, luôn quan tâm, lo nghĩ cho người khác trước cả khi lo nghĩ cho chính mình như Naho.
Chính sự khác biệt trong “lưu luyến” mỗi người đang mang ấy, làm nên sự đa sắc của tiểu thuyết Chú chó tử thần. Họ là sáng tạo cá nhân của riêng tác giả Mikito Chinen, song cũng là sự đồng vọng từ cuộc sống lên trang văn Mikito tiên sinh đã viết.
Từng con người, là hiện thực, cũng là quá khứ của chiều dài lịch sử nước Nhật từ sau Thế chiến thứ Hai tới thời hiện đại. Và khắc họa lên những cá nhân khác biệt về tuổi tác, nghề nghiệp, tính cách, phải chăng, tác giả như muốn gửi gắm triết lý: Con người chẳng ai có thể tránh khỏi sự nghiệt ngã của số phận. Vì mang đủ đầy thất tình lục dục nên trước khi ra đi, người ta không tránh khỏi mang nặng nỗi luyến lưu thủa sinh thời chưa kịp nói, chưa kịp làm. Nhưng chỉ cần người ta còn sống, thì không có gì là quá muộn để nói lời yêu thương, để đốt cháy sinh mệnh cho một lần được sống trên cõi đời. Đốt cháy sinh mệnh, sống gấp lên chẳng phải là sống vội vàng, hời hợt mà đơn thuần, chỉ là sự trân trọng phút giây quý giá, người ta tồn tại dưới thân xác một con người. “Việc nhà ngươi nên làm không phải là đau đầu nghĩ mấy thứ đó. Với thời gian ít ỏi còn lại thì hãy dốc sức làm những việc mình cho là đúng đi.”
Và giữa hệ thống nhân vật của tiểu thuyết Chú chó tử thần, có một nhân vật hết sức đặc biệt; người đã kể lại cả câu chuyện này, chú chó kiêm chức tử thần tên Leo. Trải qua hàng ngàn năm làm công tác dẫn lối linh hồn, Leo có vốn sống sâu rộng và chú ta cũng đủ thông minh, tình táo suy xét vấn đề trên nhiều khía cạnh mà người trong cuộc khó lòng nhận ra. Leo từng cứng nhắc nhưng Leo không phải kẻ bảo thủ, chỉ là chú ta chưa tìm được cơ hội, hé mở tấm lòng. Leo là một tồn tại của trí tưởng tượng, song Leo cũng hết sức gần gũi. Bởi chẳng ai sống trong cuộc đời có thể giữ mãi sự bàng quan, hời hợt trước khổ đau đồng loại.
Tiếng nói phản chiến hiện diện trong vẻ đẹp giản dị
Là một trong những tác giả được chú ý nhất hiện nay ở xứ Phù Tang, có thể nói văn chương Mikito Chinen đẹp, một vẻ đẹp giản dị, thuần khiết mà sâu sắc, thấm thía. Và điều đó, được thể hiện khá rõ nét trong tiểu thuyết Chú chó tử thần. Cách viết của anh giản dị, trong trẻo mà vẫn hết mực sâu sắc: “Kanemura vừa hét lên vừa vươn tay tới những đốm sáng được mắc trên cành cây. Chạm vào những viên đá lấp lánh như muôn vàn con đom đóm và chứa cả mộng ảo xa vời như thể chỉ cần khẽ động tới sẽ lập tức tan vỡ.”
Đồng thời những triết lý anh gửi gắm vào tác phẩm về sự sống cũng giản đơn khôn cùng. Chỉ tiếc rằng, có lẽ giữa bộn bề cuộc sống, người ta đã nỡ lãng quên: “Cho dù khi cận kề cái chết, con người vẫn có thể nhận ra sự tồn tại của bản thân mình và làm tỏa sáng sinh mệnh ít ỏi còn lại.”
Và hơn cả, tiểu thuyết Chú chó tử thần còn là tác phẩm thể hiện mạnh mẽ tiếng nói phản chiến của tác giả Mikito Chinen. Phê phán chiến tranh, bom đạn, lên án một thời khói lửa cùng sự phân biệt đẳng cấp nặng nề trong quá khứ đã gián tiếp gây lên bi kịch cho con người. Từ đó, anh như góp thêm hi vọng về một thế giới hòa bình, nơi người ta có thể sống trọn trong hiện tại, đồng thời khát khao cho này mai. Dù thân xác có biến mất, người ta cũng có thể mìm cười thanh thản rằng đã sống một cuộc đời trọn vẹn, không hoài tiếc.