“Bay đêm” là một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ người thật việc thật, viết bởi cha đẻ “Hoàng tử bé” – Antoine de Saint-Exupéry, ca ngợi vẻ đẹp của những con người dũng cảm đi tiên phong trong sự nghiệp hàng không, vẻ đẹp sinh ra từ cơn đau lịch sử khi cái mới chuẩn bị ra đời.
“Bay đêm” (Tựa tiếng Pháp: “Vol de Nuit”) xuất bản lần đầu năm 1931, ngay lập tức được giới mộ điệu đón nhận và giới phê bình đánh giá cao, đồng thời giành nhiều giải thưởng ở cả Pháp và Mỹ, trong đó phải kể đến giải thưởng lớn Prix Femina của Văn học Pháp.
Tác phẩm đã được xuất bản ở Anh và Mỹ ngay từ năm 1932 và một năm sau đó, được hãng Metro Goldwyn Mayer chuyển thể thành phim, đưa tên tuổi của Saint-Exupéry rộng khắp thế giới.
Đọc thêm:
- Người Đọc – Thế giới này sẽ đơn giản biết bao khi kẻ ác luôn hiện nguyên hình là một con quỷ dữ…
- Hoàng Tử Bé – Nhìn lại thế giới bằng trái tim
- The Martian – Cái chết cận kề, đường về vạn dặm
- Coraline – Hãy trân trọng những gì mình đang có!
- Flipped – Bên kia đường có đứa dở hơi
Khúc tráng ca về màn đêm – đẹp và đầy nguy hiểm.
Tiểu thuyết “Bay đêm” được Saint-Exupéry viết trong những ngày lưu lại Argentina.
“Bay đêm” lấy bối cảnh đương thời lúc bấy giờ là Nam Mỹ những năm 1930, thời máy bay còn sơ khai, thông tin liên lạc là điện tín không dây.
Khi ngày vàng chuyển thành đêm đen, ba chiếc máy bay chở thư từ Chile, Paraguay và Patagonia bay về sân bay ở Buenos Aires. Tại văn phòng sân bay, chỉ huy trưởng Rivière, thanh tra Robineau và nhân viên mặt đất chờ đợi. Trên khắp lục địa, một cơn bão xoáy lớn đang dần hình thành.
Cơn bão lớn đã bao trùm lục địa bên trong và phi công Fabien, trong chuyến bay từ Patagonia đến Buenes Aires, đã bị mất tích.
Cuốn tiểu thuyết chưa đầy 140 trang chia làm 23 chương rất ngắn, được kể qua nhiều góc nhìn: người chỉ huy, người truyền điện tín, viên phi công, ông thanh tra, và người vợ trẻ của anh phi công.
Một cuốn tiểu thuyết với nội dung không lấy gì làm vui nhưng lại đẹp vô cùng! Đẹp trong ngôn từ, đẹp trong cả hành động và cốt cách của nhân vật. Chất văn của Saint-Exupéry song hành giữa hai mặt đối lập, giữa thơ mộng và khắc nghiệt, giữa cái đẹp lẩn khuất và sự thực bình phàm.
Vẻ đẹp của những con người dũng cảm đi tiên phong trong sự nghiệp hàng không.
Nhà văn Pháp André Gide, một trong những nhà văn xuất chúng của thế kỷ 20, người đoạt giải Nobel Văn học năm 1947, đã viết trong lời tựa của “Bay đêm”:
“Tôi thiết tưởng cái làm cho tôi khoái trá trong câu chuyện cảm động ấy là tính chất cao quý. Những yếu hèn, thoái bộ, đồi bại của con người thì chúng ta đã biết cả, văn chương ngày nay có thừa khôn khéo để tố cáo. Nhưng chúng ta cần người chứng minh cho ta những hành động vượt mình của những ý chí cương quyết.”
“Bay đêm” của Saint-Exupéry xây dựng trọn vẹn của “những hành động vượt mình của những ý chí cương quyết”. Đó là bản chất dũng cảm của con người, càng đẹp hơn là những con người đi tiên phong trong bước nhảy vọt từ đi bộ sang đi bằng đôi cánh bay.
Giữa cơn đau lịch sử để dẫn lối cho cái mới ra đời, trên những đôi cánh bay mỏng manh còn chưa có máy vô tuyến điện, ngành hàng không phải tổ chức những chuyến bay đêm để cạnh tranh với ngành hàng hải và ngành hỏa xa, mặc dù bị nhiều người chỉ trích rằng bay đêm rất nguy hiểm, không tôn trọng sinh mạng của phi công và nhân viên phi hành.
“Bay đêm kéo dài như bệnh tật: cần phải thức canh.”
Những phi công như Fabien, Pellerin, những giám đốc như Rivière, những nhân viên như Leroux, những người thợ máy, cho đến người vợ trẻ của Fabien… đều là những con người dũng cảm hoặc đang vươn tới cái dũng cảm kiểu mới: Tính dũng cảm của những con người thời đại công nghiệp hóa. Họ dũng cảm trong sự đúng giờ, trong kỷ luật về kỹ thuật để thực hiện các chuyến bay an toàn, trong thái độ lao động dám chịu trách nhiệm trước cuộc đời, trong ứng xử con người, trong công việc, nhất là công việc mang tính tập thể.
Người chỉ huy trưởng tưởng như gan lì, máu lạnh Rivière đã phải tự vấn, những con người như Fabien và người điện báo của anh, họ sắp bỏ mạng, lẽ ra họ có thể được sống hạnh phúc.
“Nhân danh cái gì ta lôi họ ra khỏi đó?”
Nhân danh cái gì ông giằng họ ra khỏi hạnh phúc cá nhân? Đạo nghĩa hàng đầu chẳng phải là bảo vệ những hạnh phúc đó hay sao? Nhưng nếu không có những sự hi sinh tiên phong thì lấy gì mở đường cho văn minh nhân loại?
Cảm hứng từ người thật việc thật.
Nguyên mẫu người thật cho nhân vật Rivière là Didier Daurat – được tác giả đề tặng ở trang đầu cuốn sách.
Didier Daurat (1891 – 1969) là người tiên phong của ngành hàng không Pháp. Ông, trước hết là một phi công chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất, sau đó là một giám đốc hãng hàng không Aéropostale (Compagnie générale aéropostale) – một trong những công ty hàng không tiên phong, hoạt động từ năm 1918 đến 1933.
Didier Daurat là một thủ trưởng đích thực, cứng rắn với mọi người, cứng rắn với chính bản thân mình. Ông có uy quyền và thực quyền, biết nhìn nhận tư chất đặc biệt trong mỗi người nhân viên, cộng sự, đồng thời biết đào tạo và tôi luyện các tính cách ấy. Ông biết cách làm cho mọi người nhận ra trách nhiệm trong mỗi công việc họ làm. Tất cả mọi người, kể cả Saint-Exupéry, không một ngoại lệ, trước khi làm người lái máy bay đều phải học qua trường học thử thách dưới đất: ai cũng phải học để trở thành người thợ giỏi, người kỹ thuật viên nghiêm túc, người phục vụ chuẩn xác toàn bộ chuyến bay, chứ không phải để trở thành người hùng đầy kiêu ngạo.
Saint-Exupéry làm phi công dưới quyền Didier Daurat từ năm 1926, người lãnh đạo này đã cho Saint-Exupéry cảm hứng để viết nên “Bay đêm”.
Từ “Bay đêm” đến “Hoàng tử bé”, từ Fabien đến Saint-Exupéry.
Thật xót xa nhưng cũng thật rùng rợn nếu độc giả đọc “Bay đêm” và tìm hiểu cuộc đời Saint-Exupéry, dù ông đã sống sót một cách thần kỳ sau nhiều vụ tai nạn, nhưng ông đã không bao giờ trở về sau chuyến bay cuối cùng của mình.
Cảm tưởng như, Saint-Exupéry đã viết “Bay đêm” từ cõi chết.
“Bay đêm” ra mắt năm 1931, “Hoàng tử bé” xuất bản năm 1943, Saint-Exupéry mất tích năm 1944.
Ngày 31/07/1944, phi công Saint-Exupéry điều khiển chiếc máy bay kiểu P-38 Lightning mang số hiệu F-5B-1-LO, cất cánh từ một căn cứ trên Đảo Corse với nhiệm vụ thu thập thông tin về quân Đức ở thung lũng sông Rhone.
Ông cất cánh hồi 8h30 với một bình xăng đủ bay trong 6 giờ. Đến 13h30 ông vẫn không trở về. Những giây phút chờ đợi bắt đầu, ai nấy đều vô cùng lo lắng và sốt ruột. Các bạn hữu của ông trong phi đội tụ tập tại phòng ăn chung, nhìn vào đồng hồ của mình. Ông chỉ còn xăng đủ bay một giờ nữa thôi. Đến 14h30 không ai còn chút hy vọng nào. Người ta không bao giờ còn nhìn thấy ông quay về nữa.
Cuộc đời Saint-Exupéry đã kết thúc như Fabien trong “Bay đêm”. Fabien lang thang bên trên biển mây huy hoàng ban đêm, lạc lõng giữa vô vàn vì sao tích tụ dày đặc như một kho báu, giàu có đến tận cùng, nhưng cái chết đã cận kề. Hoàng tử bé đã tan vào không gian. Saint-Exupéry bay về đâu không ai biết, nhưng mong rằng ở một khoảng thời không nào đó, Saint-Ex đã bay về tinh cầu của mình nhờ một đàn chim di cư.
Có lẽ, sẽ có nhiều người, giữ thói quen ngắm bầu trời đêm và cười với những vì sao, bởi tin rằng ở trong một ngôi sao nào trong số đó, có Hoàng tử bé và đóa hoa hồng của cậu, có Fabien và người điện báo, có Saint-Exupéry… Khi họ đã đoàn tụ tại một vì tinh tú, ngó xuống địa cầu và cười với nhân gian.