Có thể nói, tiểu thuyết 69 là một trường hợp đặc biệt của nhà văn người Nhật Murakami Ryu. Một cái tên còn khá xa lạ với độc giả tại Việt Nam so với người đồng nghiệp nổi tiếng Murakami Haruki. Nhưng những ai yêu thích văn chương xứ mặt trời mọc đều công nhận những đóng góp to lớn của ông cho nền văn học hiện đại Nhật Bản. Cuốn sách là một tự truyện độc đáo về năm 1969, năm mà nhà văn vừa tròn 17 tuổi và đang học năm cuối tại một trường trung học Bắc Sasebo, vùng Kyushu thuộc tỉnh Nagasaki.
Mảng màu tươi sáng duy nhất trong sự nghiệp văn học của Murakami Ryu
Khám phá loạt tác phẩm của Murakami Ryu là điều không dễ dàng. Bạn đọc luôn nhận ra ngay sắc màu ảm đạm bao trùm toàn bộ giọng văn của ông, cách ông miêu tả về suy nghĩ, cuộc sống, sự tồn tại của mỗi cá nhân trong xã hội thời hiện đại tại nước Nhật. Để từ đó chúng ta có một cách nhìn đầy đủ hơn về một đất nước không chỉ có trà đạo, kimono, hoa anh đào, núi Phú Sĩ mà còn có nghiện ngập, tình dục, bạo lực, đổ vỡ, tổn thương trong tâm hồn mỗi cá nhân. Nhưng trong toàn bộ bức tranh nước Nhật u ám được ông tạo nên bằng những tiểu thuyết như Màu xanh trong suốt, Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ gửi đồ, Xuyên thấu, Buổi thử vai…thì bỗng xuất hiện một mảng màu tươi sáng như 69 – Sixtynine.
Mạch truyện được kể theo ngôi thứ nhất dưới góc nhìn của chàng nhân vật chính tên Kensuke Yanzaki (Ken) mới 17 tuổi cùng với những “đồng minh” là Adama và Iwase học cùng lớp thực hiện kế hoạch phong tỏa sân thượng trường học và tổ chức đại nhạc hội với cái tên ấn tượng “Buổi nhạc hội Bình minh dựng đứng”. Mới nghe qua chắc hẳn một số bạn đọc sẽ nhăn mặt và tưởng tượng ra ít nhiều cảnh nhạy cảm, thế nhưng từ đấu đến cuối cuốn sách lại chẳng hề có “cảnh nóng” mà thậm chí cảnh hôn của chàng nhân vật chính với người trong mộng cuối cùng cũng không diễn ra. Nhiều tình tiết thuật lại suy nghĩ và hành động của đám học sinh khiến người đọc bật cười vì thích thú và thầm nghĩ “À hồi đi học mình cũng y như thế nhỉ”
Những ý tưởng mộng mơ và điên rồ thủa cắp sách tới trường
Với giọng điệu vui tươi và sáng sủa khi dõi theo từng bước trong hành chính Ken và đồng bọn khẳng định cái tôi của bản thân. Rất nhiều ý nghĩ điên rồ cùng sự ám ảnh về chủ nghĩa tư bản, hệ thống giáo dục, cuộc chiến tại Việt Nam (lúc đó đang trong giai đoạn căng thẳng) và ham muốn tình dục tuổi mới lớn đã được thể hiện sinh động qua nhiều trường đoạn đối thoại của Ken và các thành viên trong “tổ đội” nổi loạn phong tỏa trường học vì một lý do hết sức cao cả theo suy nghĩ của Ken “đổi lấy một sự chú ý từ Kazuko Matsui”.
Kazuko Matsui có biệt hiệu “Lady Jane” là một nữ sinh nổi tiếng trong ban kịch Anh ngữ của trường. Người mà Ken miêu tả “nàng có đôi mắt nai Bambi ngơ ngác gây biết bao sóng gió tình trường”. Và trong môt cuộc trò chuyện với người đẹp Ken đã tưởng tượng ra rằng Lady Jane thích những người đấu tranh và nổi loạn. Và thế là Ken quyết định lập hàng rào phong tỏa trường học để đối lấy một sự chú ý từ nàng. Câu nói muôn thủa của người đời “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân” thật chẳng bao giờ sai. Dưới đây là một trích đoạn trong trong cái đêm mà Ken cầm đầu hội bạn đột nhập vào trường học để lập hàng rào phong tỏa.
“Khi chúng tôi tập hợp lại thành một vòng tròn thì Fuse, một gã đen thui và có đầu óc tăm tối nói: “Chờ chút đã.”
“Có chuyện gì vậy mày? Bọn tao vừa sắp đặt xong mọi thứ”
Một chút lưỡng lự rồi nụ cười dâm dãng hiện trên mặt Fuse.
“A, chỉ là….những dịp may thế này thật hiếm có.” “Dịp may?”
“Mình đã kiểm tra rồi và nó không khóa.” “Cái gì không khóa?”
“Phòng thay đồ của mấy em gái ấy mà. Tại sao chúng ta không dành năm phút để liếc qua bên trong?” Hắn cười khoái trá ra mặt.
Chỉ có một cách phản ứng.
“Mẹ kiếp mày, thằng khốn, chúng ta đứng đây để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng còn mày thì muốn nhìn trộm phòng gái thay đồ? Mày có đầu óc không vậy? Nếu ai cũng như mày thì mọi chuyện sẽ thất bại ngay từ khi nó bắt đầu.”
Nhưng không có ai phản đối gì nữa. Và tất cả chúng tôi đều lập tức đồng ý kế hoạch của Fuse”
Hậu quả của cuộc “cách mạng” trường học này thật không có gì phải bàn, trường trung học Bắc Sasebo nhận được một sự nhục nhã nhất trong lịch sử và hai nhân vật đạo diễn vụ này Ken và Amada phải chịu hình phạt quản thúc tại gia một trăm mười chín ngày. Để rồi chính Ken cuối cùng cũng nhận ra vụ phong tỏa chẳng để làm gì. Tất nhiên là vào lúc 17 tuổi, Ken cũng có những suy nghĩ của riêng mình về cái thế giới đang vận hành hàng ngày xung quanh cậu.
“Hãy vào đại học”, “hãy kiếm việc làm” , “Hãy lập gia đình”…Tất cả những lời khuyên của họ đều dựa trên giả thiết là chỉ có những điều đó mới mang lại hạnh phúc. Và phủ nhận chúng thật không dễ dàng gì, nhất là đối với những học sinh cấp ba chúng tôi chưa tìm ra được bản chất con người mình.
Và ai dám chắc thủa đi học chúng ta chưa bao giờ có những suy nghĩ mông lung về trường lớp và sự nghiệp học hành của mình. Liệu có dẫn đến đâu? Có ý nghĩa gì cho cuộc đời của chính chúng ta không?
Nhắc đến ước mơ to lớn tổ chức một Đại nhạc hội, nói thế cho oai thôi chứ thực ra Ken và các bạn chỉ định tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ có nhạc Rock Roll, kịch, đọc thơ và trình chiếu bộ phim quay bằng máy quay phim tám li mượn được từ một người bạn. Quá trình thực hiện bộ phim với nữ diễn viên chính là “nàng thơ” Lady Jane đã xảy ra nhiều tình huống dở khóc dở cười đặc trưng như kiểu Cảnh quay Lady Jane đi theo sau con dê màu trắng mà cả nhóm làm phim và diễn viên phải đi xe bus ra tận ngoại ô để quay thế mà con dê bướng bỉnh lại quay ra hướng camera ị ra một bãi và làm Jane xinh đẹp giẫm lên. “Cuối cùng chúng tôi phải thả nó ra, Adama đuổi nó đi khoảng năm trăm mét”. Nhưng rồi, kết quả buổi nhạc hội Bình Minh Dựng Đứng đã diễn ra thành công tốt đẹp với gần năm trăm khán giả là học sinh trung học.
Và tấm chân tình với nàng Lady Jane tưởng như đã được đền đáp trong chuyến hẹn hò đi biển vào mùa đông năm ấy nhưng cuối cùng đã chính thức kết thúc như bao mối tình tuổi học trò khác. Những rung động đầu đời mãnh liệt về tình yêu đã không chiến thắng nổi thực tế của cuộc sống. Khi mà càng lớn lên chúng ta mới nhận ra nó nghiệt ngã đến thế nào.
Ai cũng có một năm “69” trong cuộc đời
Tuy cuốn sách thật vui tươi và thú vị nếu chỉ tập trung vào những suy nghĩ và hành động ngông cuồng của tuổi trẻ trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời nhưng xen lẫn trong đó Murakami Ryu đã khéo léo lồng ghép những quan điểm bộc trực về xã hội nước Nhật trong thời kì tái thiết sau chiến tranh với cuộc chạy đua làm giàu cùng sự ảnh hưởng của văn hóa phương tây. Thứ tư tưởng tự do đó tuy chưa bộc lộ rõ rệt nhưng đã len lỏi vào trong các cuộc bãi khóa, biểu tình, phong tỏa trường học của sinh viên và học sinh trên cả nước.
Để đến khi tác giả viết cuốn sách lúc đó đã trở thành tiểu thuyết gia năm 32 tuổi, những ấn tượng và kỷ niệm đẹp đẽ về năm đó vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí và đúng như tác giả đã thừa nhận ngay phần đầu cuốn sách
”Đó là vào năm 1969. Bắt đầu năm vui vẻ thứ ba của chuỗi đời ba mươi hai năm của tôi…”