Sau “Cuộc cách mang một cọng rơm”, “Gieo mầm trên Sa mạc” lại là một cuốn sách có ảnh hưởng sâu sắc và quan trọng của lão nông Masanobu Fukuoka. Cuốn sách thấm đẫm suy tưởng của ông về trồng trọt, nông nghiệp cũng như cách ông lý giải cuộc sống này dưới con mắt khoa học, triết học. Và hơn hết, cuốn sách trình bày giấc mơ được cho không tưởng của ông – giấc mơ phủ xanh lại sa mạc.
40c3898b140f534efdc9ce757d808de9
Lão nông chuyên làm chuyện “điên cuồng”
Khi ông Fukuoka mới 25 tuổi, trong một chớp nhoáng buổi bình minh, lúc tiếng kêu chói tai của một con diệc ăn đêm làm tâm trí ông sực tỉnh, chàng trai Fukuoka lúc ấy đã thốt ra câu “thực ra trên đời này không có gì sất”. Cả thiên nhiên vũ trụ trước mắt ông hiện ra tươi đẹp thấm đẫm trong từng tia nắng chiếu lên chiếc lá xanh, trên từng cọng cỏ và trong tiếng chim hót. Ông đã làm chuyện “điên cuồng” là đi khắp nơi, lang thang và cố nói với mọi người những gì vừa ngộ ra. Nhưng tất nhiên chẳng ai tin ông cả.
Để chứng minh, ông quyết định dành cả nửa đời gây dựng một nông trại thuận tự nhiên – đi ngược lại hoàn toàn cách làm nông truyền thống cũng như hiện đại. Trồng trọt mà không cày xới ư? Không nhổ cỏ ư? Không bón phân ư? Nhưng rồi người “điên cuồng” này trở nên nổi tiếng vì ông đã thành công. Nông trại của ông luôn đứng Top đầu nước Nhật về sản lượng lẫn chất lượng. Người ta bắt đầu suy nghĩ lại về những gì ông nói, và kéo đến trang trại của ông để học hỏi, nghiên cứu.
Khi đã nổi tiếng, ông lại tiếp tục có ý nghĩ “điên cuồng” là đi khắp nơi để phủ xanh lại các sa mạc. Có thể nào sa mạc toàn cát khô cằn kia lại xanh tươi? Khi nào vườn địa đàng ấy sẽ xanh tươi trở lại? Nông nghiệp hiện đại công nghệ cao đã đổ không biết bao nhiêu tiền bạc vào những hệ thống tưới mới có được vài dặm đường kính xanh tươi? Hàng tỷ đô-la đổ vào những con đê dẫn nước tưới tiêu cho các ốc đảo. Nhưng những ngôi làng ở Ấn Độ, châu Phi vẫn biến mất. Sự tàn phá khủng khiếp của nạn sa mạc hóa liệu có thể nào ngăn chặn lại bởi con người. Giấc mơ hoang đường là “phủ xanh sa mạc” của liệu có thành công như ông Fukuoka đã từng với nông trại tự nhiên của mình?
Gieo mầm trên Sa mạc là được ông viết vỏn vẹn trong 3 tháng không cần chuẩn bị Sách dễ đọc với những phân đoạn nhỏ mà xen giữa những bức tranh ông tự vẽ. Cuốn sách lại giống như di sản của ông với những chia sẻ đa dạng và sâu sắc hơn về việc làm nông tự nhiên, Phục hồi sự sống trên phạm vi toàn cầu và Giải quyết căn bản vấn đề an ninh lương thực.
Đến một lúc nào đó, con người lại từ bỏ những gì chúng ta nghĩ mình từng biết
Lịch sử nhân loại đã phát triển cùng thuyết tiến hóa của Darwin, định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, và Einstein mở ra kỷ nguyên không gian và các hạt lượng tử. Chúng ta như tưởng như biết tất cả! Nhưng sóng sau xô sóng trước, ai biết sẽ có ngày con cháu phủ định những gì ta tin là bất biến hôm nay!
Galile đến khi lên giàn thiêu vẫn khẳng định trái đất quay quanh mặt trời, phủ nhận niềm tin sâu sắc hàng trăm năm của giáo hội và xã hội lúc đó. Einstein tuyên bố ánh sáng có thể bị bẻ cong bất chấp niềm tin tưởng như không gì lay chuyển rằng ánh sáng thì luôn đi theo con đường ngắn nhất và truyền thẳng. Phật giáo thì phủ nhận tri thức có được qua trí năng con người. Vậy rốt cục điều gì mới là đúng? Càng nghiên cứu, càng tìm hiểu, con người càng thấy mình nhỏ bé trong vũ trụ trí năng!
Trong sách, ông Fukuoka vẽ một bức tranh có hai người đang đào hố với một cái cuốc chim trên nền đất cứng, một người khác đứng trên mặt đất dang tay tận hưởng ánh nắng mặt trời. Ông lý giải: cái cuốc tượng trưng cho trí năng con người; càng cuốc, cái hố càng sâu và con người càng khó thoát ra khỏi hố. Còn người đứng bên ngoài, anh ta vẫn lao động để trang trải cuộc sống nhưng không cố sức đào bới tìm hiểu tự nhiên, thay vào đó, anh ta đơn giản là tận hưởng nó.
Thực tế nhìn lại, con người cố công nghiên cứu, càng tìm hiểu lại càng mắc kẹt trong cái thấy hạn hẹp của mình. Loài người còn không hiểu chính bản thân mình nên họ chẳng thể nào hiểu được kẻ khác, ta tự nhận là con của “mẹ tự nhiên” nhưng lại không nhìn thấy hình tướng thật của mẹ mình. Ta đi tìm kiếm cái toàn thể, nhưng lại chỉ nhìn thấy các bộ phận, trông thấy mỗi bầu vú của người mẹ, lại tưởng đó chính là mẹ mình.
Chúng ta phát minh ra phân bón, thuốc trừ cỏ, trừ sâu, lai giống cây trồng, tạo ra đủ thứ gọi là tiến bộ nông nghiệp, hiện đại hóa tới mức dùng cả robot để trồng trọt. Nhưng chính ta lại mắc kẹt với thực phẩm ta trồng ra, lo sợ trước chính nông sản biến đổi gien; loay hoay trước dịch hại; cuối cùng làm mất đi những cánh rừng. Ta phải chịu đựng thiên tai và đổ cho mẹ thiên nhiên. Vậy thì, ai đúng, ai sai ở đây?
Nông nghiệp và kinh tế, sản xuất hay tiêu xuất
Thực vật là sinh vật kỳ diệu duy nhất biến ánh sáng, nước, gió, thành chất hữu cơ. Các sinh vật bao gồm cả loài người chuyển hóa chất hữu cơ này thành năng lượng khác. Tính ra, chúng ta tiêu dùng những đơn vị năng lượng cơ bản từ ánh sáng, nước, không khí để tạo ra thực phẩm và mọi thứ ta cần.
Soi chiếu vào việc trồng trọt, chúng ta cần điện năng, xăng dầu vận hành máy móc cày xới, gieo hạt, bón phân, làm cỏ, thu hoạch và gọi đó là năng suất. Chưa kể cái cây vẫn cần ngần ấy ánh sáng, nước, nhưng cộng thêm thêm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và cả lượng dầu mỏ, điện năng để tạo ra phân bón ấy, thuốc trừ sâu ấy, rồi thêm cả năng lượng vận chuyển, bảo quản..v.v. Như vậy, so với một cây rau sinh trưởng thuận tự nhiên, trên mảnh đất không cày xới, không phân bón và không thuốc bảo vệ thực vật thì cách trồng trọt đó thực sự là “tiêu xuất” chứ không phải “sản xuất”. Mất hàng tỷ năm để tạo ra những mỏ dầu và nhiên liệu tự nhiên, trong khi con người bỏ tiền đê mua năng lượng nhân tạo, thậm chí mua nước tưới thì ánh sáng, và không khí mới là thứ có sẵn trong tự nhiên bị bỏ phí. Cứ theo đà này, đến khi nguồn năng lượng dự trữ của trái đất cạn kiệt, nông nghiệp sẽ đi về đâu?
Bên cạnh đó, đã qua rồi thời mà cái gì càng nhiều càng rẻ. Bí ngô nuôi sống hàng trăm người, nhưng đào một viên kim cương bán được nhiều tiền hơn. Người ta sẽ bỏ bí ngô để đi đào kim cương. Người nông dân không chỉ trồng để ăn mà vì thị trường cần thì cũng trở thành con mồi bị cuốn vào dòng nước xoáy gọi là “thị trường” và để cho mình bị thương lái thao túng dựa theo thứ gọi là cán cân cung cầu. Thông tin và truyền thông bị thao túng hoặc nhỏ giọt theo hướng có lợi cho những người buôn bán trung gian, những tập đoàn lớn thay vì quan tâm đến nông dân.
Phục hồi sự sống và chống lại sa mạc hóa
Từ sau khi nông trại của ông Fukuoka nổi tiếng, ông đã nhận được nhiều lời mời đến các trang trại khắp thế giới, phát biểu tại nhiều diễn đàn nông nghiệp bền vững. Qua những chuyến đi tới châu Mỹ, châu Phi, châu Á, và cả Úc, ông nhận ra sự kiệt sức của đất đai và cuộc xâm lấn ghê gớm của sa mạc hóa.
Những mảnh ruộng bỏ hoang, kiệt quệ đến nỗi cỏ không mọc nổi do chăn thả quá mức, đất đồi núi trơ khốc, những thảm cây bụi địa phương bị nắng cháy khô. “Nước mà các sinh vật không còn sinh sống trong đó được nữa thì không còn thực sự là nước. Đất mà không có cỏ, thì mặc dầu có được gọi là đất trồng nó cũng không phải thực sự là đất trồng. Đất mà không có cỏ sẽ đánh mất sự kết nối với nước và trở nên khô rang”. Sa mạc hóa do con người tiếp tay chứ chẳng đâu xa.
Trong tiếng gió khô khốc của đất cát, ông nghe thấy tiếng sa mạc đang kêu cứu. Theo ông, dù là sa mạc cũng có những mạnh nước ngầm, những con sông ngầm ở rất sâu. Phương pháp mà ông dùng để “cứu” đất khô cằn về cơ bản giống với cách ông cải tạo lại đồi cam và nông trại của mình. Cơ sở lý thuyết của nó là tuân theo phương pháp “thủy lợi dựa vào cây trồng”, tức là đạt tới nông nghiệp “không cần tưới” bằng cách tăng khả năng trữ nước trong đất và trong cây trồng. Bởi theo ông, mưa không chỉ rơi xuống từ trên trời, nó còn rơi ngược trở lên từ đất nữa, Thảm thực vật, đặc biệt là cây cối, thực sự có thể khiến cho mưa rơi. “Bước đầu tiên chúng ta phải thực hiện trong việc chống lại sa mạc hóa không phải là bẻ con dòng chảy của các con sông, mà là khiến cho mưa lại rơi xuống, việc này liên quan đến tái lập thảm thực vật”.
Cuộc cách mạng của những người đi gieo mầm trên sa mạc
Ông Masanobu Fukuoka đã đến Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… và đến đâu cũng đem theo hạt giống. Ông thử tìm cách gây dựng lại thảm thực vật, cố sức đưa mảnh đất về gần nhất với trạng thái tự nhiên và để tự nhiên làm nốt việc còn lại của nó. “Tôi nghĩ chúng ta nên trộn tất cả các giống loài lại với nhau, rồi đem rải chúng khắp nơi trên thế giới… Như vậy chúng ta cung cấp cho tự nhiên nguyên một bộ gien để nó thiết lập một sự cân bằng mới với những điều kiện hiện tại. Tôi gọi việc này là Sáng thế lần thứ hai”.
Ông đã trộn lẫn các loại hạt giống, bọc chúng trong đất sét và đem rải chúng khắp nơi, chờ cơn mưa xuống giúp các hạt giống nảy mầm. Và khi màu xanh tươi có thể trở lại, màu xanh của lá, dù chỉ là tạm thời thôi cũng có thể bảo vệ đất khỏi bức xạ nhiệt. Và nhiệt độ của đất sẽ giảm uống, làm mát đất là bước quan trọng để đi đến thành công. “Một cái cây chẳng thể mọc lên một mình. Chúng ta cần trồng những cây cao, cây cỡ vừa, những cây bụi và cây dưới tán sinh sống cùng nhau. Một khi hệ thực vật đa loài được tái tạo, mưa sẽ bắt đầu rơi trở lại”.
Trong sách, ông Fukuoka đã kể lại những chuyến đi đến Mỹ, Ấn Độ, Phi châu hay Thái Lan. Ông đi từ savan khô cằn đến các đầm lầy, đi dọc các con sông với nỗ lực tái tạo lại những mảnh đất chết, nơi những ngôi làng chuẩn bị biến mất. Theo tay ông, từng mầm sống nảy mầm cùng với đó là nụ cười của những đứa trẻ ở, cả những cụ ở nơi ông ghé qua. Chưa biết được những hạt mầm nhỏ bé ấy có làm nên “cuộc cách mạng” như những cọng rơm nhỏ nhoi từng làm trên cánh đồng ở nước Nhật của ông hay không, nhưng nó là đã nở lên hứa hẹn về sự hồi sinh của đất đai trở lại. Cuối sách, ông không quên chia sẻ cách bọc hạt giống trong đất sét và gieo chúng cùng vài kỹ thuật được xem là cơ bản để bắt đầu gây dựng một trang trại thuận tự nhiên.
Đến hôm nay, không chỉ có ông Fukuoka, không chỉ có nông trại của ông mà cả một cộng đồng những người làm nông thuận tự nhiên, làm nông bền vững, những khu vườn rừng đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Những hạt mầm ông gieo và truyền cảm hứng đã bắt đầu nảy mầm. Bất chấp sự sa mạc hóa cùng sự nóng lên toàn cầu vẫn đang đe dọa con người, cuộc cách mạng đã bắt đầu nhen nhóm. Và hi vọng thực sự đến một ngày “vườn địa đàng” trái đất có thể xanh tươi trở lại.