Một cuốn sách hình sự trinh thám với đề tài quen thuộc, nhưng Kẻ trừng phạt của Vi Nhất Đồng vẫn thu hút được ánh mắt theo dõi của độc giả nhờ nét tươi mới trong góc nhìn của nhân vật và ý nghĩa nhân văn đằng sau một câu chuyện buồn.
Kẻ trừng phạt, như cái tên mở đầu cuốn sách, là giết người để “thay trời hành đạo”, vốn không còn mới mẻ gì trong các câu chuyện trinh thám. Trong cuốn sách này, điểm khác biệt là nạn nhân, những kẻ bị hung thủ giết, đều làm việc trong sở cảnh sát. Họ đều là hắc cảnh, thái hoá biến chất và bị chết một cách đẫm máu nhất.
Khởi đầu bằng một vụ tai nạn bất bình thường
Một vụ tai nạn xe hơi vô cùng kỳ dị. Thân phận của cả 2 nạn nhân rất đặc biệt. Người chết ngồi phía sau là một cảnh sát, còn thi thể lái xe thì lại là một nữ tử tù đã bị hành hình (và được cho là đã chết! trước khi xuất hiện trở lại). Vị cảnh sát đã chết kia trước đây đã từng thụ lý vụ án về nữ tử tù, cô ấy bị khép tội giết bạn cùng phòng. Hàng loạt nghi vấn đặt ra cho những người chứng kiến câu chuyện này, thu hút ánh mắt độc giả tiếp tục đi theo từng bước chân của họ. Liệu rằng nữ tử tù Hiểu Mai có bị án oan, và bởi vậy nên hung thủ giết người là muốn báo thù cho cô gái đó?
Có thể là sợ độc giả sớm đoán ra được động cơ gây án nên Vi Nhất Đồng khéo léo lồng ghép thêm vài yếu tố kinh dị vào vụ án mạng này để tăng thêm phần cuốn hút cho câu chuyện vốn dĩ đã không bình thường. Làm sao một người đã chết lại có thể lái xe, hơn nữa còn gây tại nạn làm chết người ngồi sau? Tại sao vị cảnh sát lại có thể ngồi lên xe một nữ tử tù vốn đã chết? Người nhà nạn nhân còn tăng thêm phần kinh dị bằng việc người mẹ mất con thì liên tục trù ẻo “chúng mày đáng chết, con tao hiện hồn về báo thù”. Chưa dừng lại, việc ngay sau khi xác nữ nạn nhân được mang về trụ sở và biến mất rồi đột ngột hiện ra trong quan tài với khuôn mặt rỏ máu, trong miệng dính quả tim được móc ra từ nạn nhân còn lại khiến những cảnh sát chứng kiến phải rùng mình.
Giết người để báo thù, đó có thể là ý nghĩ đầu tiên của độc giả khi đọc hết sơ lược của toàn cảnh vụ án. Thế nhưng khi nạn nhân tiếp theo ngã xuống, bài toán tìm hung thủ lại có thể đi vào ngõ cụt với hướng tư duy như vậy. Ngay sau vụ tai nạn, nhân viên pháp y của sở cảnh sát đã bị chết vì nhảy lầu?!
Hé lộ động cơ của thủ phạm
Dàn trải cuốn sách bằng hàng loạt những tình huống như việc tìm ra kẻ trộm xác nạn nhân, kẻ đã giết người để báo thù cho những người đã khuất. Nhưng rồi cuối cùng sau tất cả, hung thủ thực sự cũng lộ rõ chân tướng. Hắn giết người để “thực thi công lý”, trả lại cho xã hội sự trong sạch. Bởi những kẻ hắn giết, thực ra rất đáng chết.
Hồ Viễn, nạn nhân trong vụ tai nạn xe hơi, trước đó đã lợi dụng chức vụ để lạm dụng tình dục với các nữ nghi phạm được hắn ta hỏi cung. Không ai dám phát giác hắn, trừ một người.
Nhân viên pháp y có sở thích tình dục bệnh hoạn cũng nằm trong tầm ngắm của Kẻ trừng phạt, một cái chết thích đáng với hắn là điều không cần bàn cãi.
Liệu rằng hung thủ có sai trái khi thực hiện những lệnh “trừng phạt” lên những kẻ đáng chết này? Lại một câu hỏi mâu thuẫn đối với những người làm nghề cảnh sát.
Có nên tồn tại một kẻ trừng phạt, thay trời hành đạo?
Điểm quen thuộc của những cuốn trinh thám hay là hung thủ thực sự là một người thông minh & có tầm nhìn, không sát hại người vô tội nhưng cũng không bỏ sót kẻ xấu, thậm chí là có tư tưởng “thay trời hành đạo”. Có thể kể ra vài cái tên quen thuộc như Ánh sáng thành phố của Lôi Mễ, Light Yagami trong Death Note, Sát thủ thông báo tử vong của Chu Hạo Huy, hay hung thủ trong cuốn 10 người da đen nhỏ của Agatha Christie. Câu hỏi mãi không có hồi kết là liệu có công lý nào cho những kẻ tự mình “thay trời hành đạo” này hay không?
Trong series bản thông báo tử vong, tác giả Chu Hạo Huy bày tỏ quan điểm của mình “lưới trời tuy thưa nhưng khó thoát, sớm muộn kẻ ác cũng bị trừng trị”. Kẻ tự cho mình có thể thay trời hành đạo, rốt cuộc đều không có kết cục tốt đẹp. Mặc dù động cơ của họ, về cơ bản ban đầu là không sai, chỉ có điều cách hành động là không đúng!
Với Tử Kim Trần, tác giả của hàng loạt cuốn trinh thám nổi tiếng, anh cũng dựng lên hình ảnh của một hung thủ giết người lạnh lùng và cẩn mật, có thể ra tay tàn sát những vị quan chức tham nhũng thái hoá biến chất. Nhưng về cơ bản, hành động của hung thủ đa phần là vì báo thù cá nhân. Sau cùng, những câu chuyện trong tiểu thuyết của Tử Kim Trần cũng được coi là lời cảnh báo nghiêm khắc cho những vị quan tham, bởi quả báo có thể đến với họ bất cứ lúc nào. Trong tác phẩm Tội lỗi không chứng cứ, một cách hiếm hoi tác giả bày tỏ quan điểm của mình trong lời tự sự của nhân vật “Giết người, dù dưới hình thức nào, lý do gì, rốt cuộc đều là vô sỉ”.
Với Vi Nhất Đồng, chỉ riêng một cuốn Kẻ trừng phạt thôi đã đủ để những hắc cảnh phải run sợ. Lệnh trừng phạt có thể đến bất cứ lúc nào, “ta vẫn luôn theo dõi ngươi” như một lời nhắc nhở đủ ý nghĩa và đủ sâu xa tới những công bộc của dân. Tuy nhiên tác giả cũng không quên nói với độc giả rằng, “kết cục” của những kẻ tự cho mình là công lý, sau tất cả đều không có gì tốt đẹp ngoài cái chết.
Thế nhưng một ngày nào còn có hắc cảnh, thì ngày ấy còn có mầm mống xuất hiện của “kẻ trừng phạt”. Câu chuyện của Vi Nhất Đồng, tưởng không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Một cuốn sách đáng đọc, cho những tâm hồn mê truyện trinh thám.