Thế giới mới tươi đẹp (Brave new world) là tiểu thuyết phản địa đàng của Aldous Huxley – triết gia nhân văn chủ nghĩa, hòa bình chủ nghĩa và nhà văn châm biếm được đề cử giải Nobel trong nhiều năm. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh London trong tương lai giả định (cụ thể là năm 632 kỷ nguyên Ford – tương đương với năm 2540 Công lịch), mô tả một thế giới mà con người được sinh ra bằng cách thụ tinh hàng loạt trong ống nghiệm, ghê tởm những giá trị gia đình, tình cảm, văn hóa và nghệ thuật của thời kỳ trước đó, trong khi thưởng thức và đề cao những “tác phẩm” chú trọng vào thỏa mãn xác thịt nhưng không có nội dung. Họ được đào luyện từ nhỏ, phân chia cấp bậc, làm những công việc nhẹ nhàng để mua lấy thuốc hạnh phúc, và khi chết cơ thể họ vẫn không già đi.

Phong cách văn chương đậm triết lý của Aldous Huxley

Tác phẩm chú trọng khai thác tâm lý và tư tưởng nhân vật. Xuyên suốt và đậm đặc trong câu chuyện là những suy tư, hoài nghi khám phá của nhân vật về thế giới, vị trí của họ và khái niệm hạnh phúc trong thế giới ấy. Con người trong đó được phân cấp bậc theo các chữ cái Hy Lạp: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Epsilon. Mỗi cấp bậc có một công việc riêng và hoàn thành trách nhiệm để đảm bảo guồng quay ổn định của xã hội.

the gioi moi tuoi dep

Trong đó, nhân vật Lenina là một cô gái cấp Beta đặc trưng: cơ thể đẹp đẽ hoàn hảo, khỏe mạnh và thông minh. Cũng giống như bao con người – sản phẩm được thụ tinh và đào luyện – khác, cô không băn khoăn hay u sầu, vì luôn dùng soma (một loại ma túy) để cảm thấy thoải mái. Cô luôn tâm niệm về soma: “Một gram đúng lúc bằng chục gờ-ram”, “Hãy nhớ rằng một cen-ti-mét khối trị được mười mối u sầu”, “Một gram bao giờ cũng tốt hơn một câu nguyền rủa”. Bởi vậy cô không thể nào hiểu được khi Bernard – một trong những người đàn ông cô qua lại – cảm thấy buồn bực khó chịu giữa đám đông. Cô chẳng biết vì sao Bernard lại chỉ muốn nói chuyện với cô thay vì dành cả đêm ở trên giường. Cô khóc vì anh ta nói rằng không muốn làm một phần của xã hội. Cô nghĩ rằng “Ngày nay tất cả mọi người đều hạnh phúc”, và không hiểu tại sao Bernard lại muốn có tự do. Nhưng rồi đến một ngày gặp được John – Người Hoang Dã – cô rơi vào tình yêu, luôn luôn nghĩ về John và bắt đầu thấy đau khổ vì cho rằng anh ta không yêu cô, nỗi đau mà dù có uống bao nhiêu soma cũng không thể nguôi được. Ấy vậy mà, tình yêu trong cô cho đến cùng chỉ là muốn được quan hệ thể xác với anh ta mà thôi, giống như cô đã làm với bao người đàn ông khác.

Đó không phải tình yêu lý tưởng John mong đợi. Anh được sinh ra bởi Linda – một người phụ nữ bị trục xuất khỏi “thế giới văn minh” vì đã mang thai. Quá trình lớn lên của anh dường như là một chuỗi nhận thức và sắp xếp nhận thức về thế giới xung quanh một cách mơ hồ và cô độc. Anh không hiểu tại sao những người  nữ trong ngôi làng Malpais (nơi Linda lưu lạc đến) lại đánh đập và căm ghét mẹ mình, rồi anh dần nhận ra mẹ  cướp những người đàn ông của họ, hay nói cách khác là “một con điếm” –  cụm từ ám ảnh tuổi thơ và cả  đã trưởng thành. Anh không được hòa nhập cộng đồng giống như những thanh niên khác, bị tách khỏi những hoạt động chung của bản làng và hiểu về thế giới qua những lời dạy của mẹ và vài cuốn sách ít ỏi lẫn cũ kĩ mà bà đưa cho. Và trên hết, anh thuộc nằm lòng và sống theo những lời thơ của Shakespeare. Tình yêu lý tưởng của anh cũng lãng mạn và đẹp đẽ giống như trong những vần thơ “Romeo và Juliet”:

“Những con ruồi,
Trong màu trắng diệu kỳ của bàn tay yêu quý của Juliet,
Chúng có thể cướp đi vẻ ưu nhã bất tử khỏi đôi môi nàng,
Nàng, dù trong vẻ khiêm nhường trong trắng và trinh bạch,
Vẫn phải đỏ mặt, nghĩ rằng những nụ hôn của đôi môi ấy có mùi tội lỗi.”

John yêu Lenina bằng một tình yêu trong sáng và có phần thơ ngây. Anh muốn cưới cô như cách mà người ta vẫn làm ở ngôi làng xưa. Bởi vậy sự đối lập trong quan điểm và cách thể hiện tình yêu của hai người trở thành một điều vừa trớ trêu, vừa châm biếm và cũng rất đỗi cay đắng.

Tính triết lý trong tác phẩm còn được thể hiện sâu sắc qua ý niệm về hạnh phúc trong “thế giới văn minh” của Mustapha Mond – ngài Kiểm soát. Ông cho rằng, nghệ thuật, khoa học và tôn giáo là những cái giá phải trả để có thế giới mới tươi đẹp. Bởi vì xã hội đang ổn định, người dân đang hạnh phúc nên họ không thể hiểu được các tác phẩm nghệ thuật của thời đại cũ (tức là thời đại con người thế kỷ 21 bây giờ). Các tác phẩm nghệ thuật ấy hay thật, nhưng những người trong thế giới mới không cảm được cái hay đó vì họ không biết về bi kịch (nghệ thuật tạo nên từ bi kịch), họ chỉ hiểu những bộ phim gợi dục không có nội dung gì. Họ đang sung sướng; họ đang an toàn; họ không bao giờ ốm; họ không sợ chết; họ hạnh phúc vì không biết gì về đam mê và tuổi già; họ không bị ông bố bà mẹ nào quấy rầy; họ không có vợ, hoặc con, hoặc người yêu để phải cảm thấy yêu thương mãnh liệt; họ được đào luyện như thế và không thể không hành xử như họ nên hành xử”, “Và nếu có chuyện gì không hay, thì đã có soma”.

Còn khoa học, Khoa học là nguy hiểm, chúng ta phải giữ nó bị khóa chân tay khóa miệng lại một cách cẩn thận nhất,Hạnh phúc phổ biến giữ cho cái bánh xe quay đều, sự thật và cái đẹp không làm được. Khoa học sản xuất ra vũ khí, bom mìn phá hủy mọi thứ, khiến bên tiến bộ về công nghệ thắng thế trong chiến tranh. Vậy nên tốt nhất là kìm hãm khoa học để thế giới bình yên.

Về tôn giáo, Tình cảm tôn giáo sẽ đền bù cho tất cả những mất mát của cúng ta. Nhưng chúng ta chẳng có mất mát nào để đền bù. Vì con người trong thế giới mới luôn hạnh phúc nên không cần phải hướng về Chúa, Thượng đế không tương hợp với máy móc và thuốc men khoa học”, “Nền văn minh công nghiệp chỉ có thể tồn tại khi không có sự hi sinh nào cả. Nền văn minh tuyệt đối không cần cái cao cả hoặc cái anh hùng. Những thứ ấy là biểu hiện sự thiếu hụt về chính trị.”

reviewsach.net the gioi moi tuoi dep

Hay nói tóm lại như John: Vâng, đúng là kiểu của các ngài. Thanh toán tất cả những gì khó chịu, thay vì học cách thu xếp với chúng. Liệu có phải chịu đựng những cung tên của một vận mệnh khốc liệt, hay là chiến đấu chống lại cả một biển phiền não… Nhưng các ngài không làm cách nào trong cả hai cách. Không chịu đựng, không chống lại. Các ngài chỉ vứt bỏ cung tên. Cách ấy quá dễ.

Xem thêm:

451 độ F: Đốt cháy lên những cánh phượng hoàng

Nghệ thuật châm biếm đặc sắc

Việc xây dựng bối cảnh “thế giới văn minh” của tác giả đầy rẫy sự châm biếm: từ thời gian, không gian, cách xã hội hoạt động đến văn hóa và tình yêu. Về thời gian, câu chuyện xảy ra vào năm A.F. 632, tức năm 632 kỷ nguyên Ford, trong đó A.F. là viết tắt của Anno Ford, thay cho Anno Domini (công nguyên), có nghĩa là thay “Domini” (chỉ Chúa Jesus) bằng một vị chúa mới là Ford. Vị Ford này cũng ảnh hưởng đến tôn giáo và văn hóa như Jesus Christ! Con người trong thế giới này luôn gọi “Lạy Ford, vì Ford!” mỗi khi cần cảm thán, và những nghi thức tôn giáo, các bài hát cũng tràn ngập hình ảnh Ford tối cao.

Không gian trong tác phẩm là những tòa nhà lùn bè bè, luôn ghi những khẩu hiệu của Nhà nước “cộng đồng – đồng nhất – ổn định”. Và mặc dù là thế giới hạnh phúc nhưng những tòa nhà ấy lại lạnh lẽo với toàn những vật dụng thí nghiệm, những đồ sứ sáng choang, những bóng dáng xanh xao ớn lạnh, áo choàng của nhân viên trắng toát, ánh sáng thì đông cứng và chết chóc. Sự mâu thuẫn ấy đặt lên trong đầu người đọc những câu hỏi châm biếm sâu cay: À, hạnh phúc có thể được tạo nên từ những nơi như vậy sao? Thì ra từ phòng thí nghiệm con người có thể chế tạo ra niềm vui và ổn định xã hội!

Xã hội được sinh ra bằng cách thụ tinh hàng loạt trong phòng thí nghiệm, và con người được đào luyện từ nhỏ. Tiêu biểu nhất trong việc đào luyện là dạy cho trẻ em về cái chết. Cái chết không có gì đáng sợ, không có gì đau buồn, lúc chết con người ta vẫn đẹp đẽ. Để rồi khi trông thấy một cụ bà đang hấp hối – người “kì lạ” trở về từ ngoài “thế giới văn minh” – hàng loạt những đứa trẻ đến bên giường mà cảm thán rằng bà ấy thật béo ú, xấu xí và ghê tởm.

Những giá trị văn hóa truyền thống của thời đại trước như định nghĩa “cha”, “mẹ”, việc sinh con và sống trong gia đình cũng bị kết luận là ghê tởm và dâm ô. Việc tác giả xây dựng cao trào của truyện cũng là một thủ pháp châm biếm hết sức sâu cay: vị Giám đốc Trung tâm xử lý và Điều kiện hóa Phôi thai vốn là một sếp lớn, giảng dạy cho các sinh viên của mình về những điều đẹp đẽ của thế giới và chỉ trích Bernard vì có những ý tưởng khác biệt xã hội, nhưng rồi chính ông lại là “cha” đẻ của John – Người Hoang dã! Ông đã làm cho mẹ của anh có thai rồi trục xuất bà khỏi thế giới văn minh. Cảnh Bernard mang John về giữa phòng thí nghiệm để mọi người chứng kiến John gọi vị Giám đốc đáng kính ấy là “cha” là một cảnh mỉa mai ấn tượng.

Cuối cùng, cũng là yếu tố châm biếm nhất trong truyện: tình yêu. Như đã nói ở trên, tình yêu giữa John và Lenina là một điều châm biếm. Cảnh Lenina vui sướng cởi bỏ quần áo để thể hiện tình yêu với John trong khi John kinh hãi lùi lại, vừa lùi vừa giải thích rằng anh cần phải thể hiện rằng anh xứng đáng với cô, phải cưới cô, giống như ở làng Malpais xưa của anh và giống như trong thơ Shakespeare, và anh kết luận cô là “con đĩ” là một cảnh vô cùng cay đắng. Tình yêu giữa hai người không đem lại sự thấu hiểu, cảm thông cho nhau mà giống như hai mặt đối lập chạm nhau để rồi bật ngược ra. Và khi đó tình yêu trở thành bất hạnh. Đó phải chăng là “kết quả” của một thế giới tươi đẹp?

“Thế giới mới tươi đẹp” của Aldous Huxley là một bức tranh xã hội tương lai đáng sợ khiến bao thế hệ độc giả rùng mình. Liệu rằng có một ngày con người sẽ trở thành “khỉ diễn xiếc” làm cảnh cho “thế giới văn minh” như nhân vật John ở cuối truyện? Sẽ không còn nữa những tác phẩm nghệ thuật được viết ra từ nỗi đau và tình cảm mãnh liệt, khi mà con người trong thế giới mới mải mê chìm trong phim ảnh gợi dục? Sẽ thôi không còn ai tìm kiếm tự do bởi vì xã hội đã hạnh phúc rồi? Khép lại trang cuối tác phẩm, dường như vẫn văng vẳng đâu đó bên tai người đọc tiếng cười mỉa mai và đầy chua chát.

:

  • EFcQg1HQ” target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/EFcQg1HQ
  • : nqKPk8M9″ target=”_blank” rel=”nofollow noopener sponsored”>/nqKPk8M9