Không quá xuất sắc để tạo nên một cú hit nhưng nội dung vừa đủ, “Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” của bác sĩ Ngô Đức Hùng mang đến một lượng tri thức vừa tầm giúp người đọc hiểu thêm về dịch bệnh để bớt hoang mang, đồng thời truyền tải thông điệp về sự tử tế và sức mạnh cộng đồng giữa đại dịch.
Ra mắt đúng thời điểm Việt Nam đang chao đảo vì làn sóng Covid thứ tư, “Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” là cuốn sách thứ ba của bác sĩ Ngô Đức Hùng – hay được gọi vui là đốc tờ Húng Ngò, bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai – sau “Để yên cho bác sĩ hiền” và “3 phút sơ cứu”.
Đọc thêm:
- Chạy trời không khỏi đau – Con người ai cũng mong manh như ai.
- Để yên cho bác sĩ “hiền” – Hàn gắn niềm tin vào Y học.
- 3 Phút Sơ Cứu – Cẩm nang cho mọi nhà.
- Con Đã Về Nhà – Ký họa cách ly dịch Covid-19.
Một cuốn nhật ký vừa bình thường, vừa bất thường.
Bình thường, vì đây đúng là một cuốn nhật ký, chính là thể loại văn xuôi ghi chép sinh hoạt thường ngày và cảm xúc riêng tư của một người, thậm chí có cả những bức thư tình, số một, số hai, rồi số ba. Vì là nhật ký, nên có đôi ba chương cũng tản mạn những việc khá lan man, nhưng đa phần vẫn xoay quanh vấn đề dịch bệnh.
Bất thường, vì người viết là một bác sĩ, càng bất thường hơn khi đặt trong bối cảnh cả thế giới đang hứng chịu một thảm họa khủng khiếp đã lấy đi mạng sống của hàng triệu người, con số vẫn không ngừng gia tăng. Cuốn nhật ký bởi vậy giống như một biên niên ngắn gọn về hai năm Covid-19 của thế giới và Việt Nam, tính từ giai đoạn cuối năm 2019 đến tháng 4 năm 2021, dưới góc nhìn của một bác sĩ trực tiếp tham gia chống dịch từ những ngày đầu.
“Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” gồm 5 phần với nhiều chương nhỏ. “Mở đầu” với những sự kiện, dự báo về Covid-19, lúc này vẫn còn là một con virus chưa được đặt tên chính thức và là nguồn cơn hoang mang lớn đối với y học thế giới. Phần hai – “Năm Covid thứ nhất” ghi lại những câu chuyện ngay tâm dịch bệnh viện Bạch Mai khi bị phong tỏa lần đầu tiên và tác giả đã xung phong đi vào giữa chiến tuyến. Phần ba – “Tháng ngày bình yên” là một nhịp thở chậm khi cả xã hội giãn cách, tác giả đứng bên lề cuộc đời “nhìn ngắm thiên hạ cãi nhau, yêu và sống”, trước những diễn biến cùng thay đổi chưa từng có trong lịch sử. Phần bốn – “Năm Covid thứ hai” đưa độc giả quay trở lại giữa tâm dịch một lần nữa ở những chiến tuyến khác nhau. Phần “Kết” là một dấu lặng, với nỗ lực cứu chữa một bác già có bệnh lý nền nặng, nguy cơ tử vong cao, không may bị lây Covid, hòng cứu bác khỏi con virus quái ác, để được trở về nhà và ra đi thanh thản hơn trong vòng tay gia đình. Thật may mắn, nỗ lực ấy đã được đền đáp.
Văn phong có phần “lành tính” hơn tác phẩm đầu tay “Để yên cho bác sĩ hiền”, dẫu đôi lúc vẫn đanh đá khi cần, nhưng cả cuốn sách là giọng trần thuật hiện thực một cách chân thực của người bác sĩ trực tiếp cứu chữa, chứng kiến và thấu hiểu giá trị của sinh mạng.
Covid-19 vẫn còn nhiều ẩn số.
Từ buổi sơ khai đã tồn tại một dạng vật chất di truyền chưa thể gọi là dạng sống hoàn toàn, đó là virus. Với cấu tạo chỉ gồm lớp vỏ bọc xung quanh đoạn mã gen di truyền, virus sống nhờ lén lút bám vào tế bào vật chủ. Bất cứ nơi nào có sự sống, ở đó tồn tại virus. Covid chỉ là một chủng nhỏ bé trong hàng triệu loại virus trong tự nhiên.
Virus có lợi thế về số lượng gen ít, từ vài đến vài trăm, giúp chúng đột biến nhanh hơn, chỉ vài tuần có thể tạo ra biến thể mới. Con người có bộ gen hết sức phức tạp, xấp xỉ 20.000, muốn có một đặc tính tốt từ chọn lọc tự nhiên phải vất vả chọn lọc cả nghìn năm. Năng lực loài người cũng hạn chế, mất 10 năm để thế giới tìm ra được một thuốc kháng sinh mới, còn virus chỉ mất 2 – 3 năm để thuốc này không còn tác dụng. Đó là lý do các nhà khoa học tìm mọi cách để viễn cảnh diệt chủng không xảy ra. Qua những bài học dịch bệnh khủng khiếp trong quá khứ, vaccine trở thành phương án cứu trợ duy nhất cho đến lúc này.
“Nhật ký Covid” ghi lại chi tiết thông tin từ những ngày đầu khi Covid bất thình lình xuất hiện và đánh úp nhân loại, đến những giải mã đầu tiên và sự thay đổi trong phác đồ điều trị.
Điều đáng sợ của Covid là trong những ca dương tính, có những ca không có triệu chứng gì, cứ diễn ra âm thầm cho đến khi tổn thương phổi lan rộng đủ lớn thì lăn đùng ra suy hô hấp.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng chia sẻ:
“Đứng giữa cả rừng bệnh nhân Covid tìm xem ai sẽ nặng lên cũng giống như bới trong đàn hổ tìm con nào màu vàng có vằn đen lẫn trong đám màu đen có vằn vàng vậy. Bởi sự hiểu biết về các đặc điểm sinh học của con virus này vẫn còn hạn chế nên cơ bản việc dự báo gần như vô kế khả thi, chỉ còn cách theo dõi liên tục bằng xét nghiệm và hình ảnh chụp chiếc mà thôi. Những thứ này cũng chỉ mang tính tương đối, bởi nó còn phụ thuộc vào khả năng bù trừ khác nhau của mỗi người. Có bệnh nhân triệu chứng rầm rộ nhưng phổi tổn thương không nhiều. Lại có hôm cả đội chạy nháo nhào toát mồ hôi sau khi nhìn thấy cái phổi trắng xóa, chắc mẩm lôi ngay lên hồi sức nằm, ra đến nơi thấy thằng bé vẫn đùa như giặc.”
Có thể thấy rõ rằng để theo dõi liên tục bệnh nhân Covid trong quá trình điều trị, cần nhân lực và vật lực rất lớn. Y tế quá tải là một tình trạng hết sức đáng sợ. Không nên để ngành y đơn độc trong cuộc chiến này.
Thông điệp về sự tử tế.
Đứng trước dịch bệnh, nhất là từ một con virus còn nhiều ẩn số như Covid-19, mọi người trở nên hoang mang sợ hãi là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, không nên kỳ thị người bệnh, nhân viên y tế và những người trực tiếp tham gia chống dịch.
Thay vì bấn loạn, hãy trân quý những điều bình dị bé nhỏ, bình yên cùng chống dịch và làm theo các chỉ dẫn của cơ quan chức năng.
Cuốn sách như một bộ phim sinh động quay lại nhiều cảnh đời khác nhau trong hai năm dịch bệnh. Điểm sáng vẫn là tình người giữa tao đoạn khó khăn này, giá trị ấy là một hiện thực luôn được khẳng định và làm giàu thêm.