“Đây không phải viễn tưởng, mà là hiện thực”, đó là lời tựa tác phẩm Khi loài vật lên ngôi của tác gia Karel Čapek và lời tựa ấy cũng như gói trọn cả tư tưởng xuyên suốt văn nghiệp vĩ đại Karel Čapek tạo dựng lên. Các vở kịch, những cuốn tiểu thuyết, đến hàng loạt truyện ngắn ông viết, gần như đều được xây dựng trên một thế giới giả tưởng qua giọng văn giễu nhại ngỡ chừng dửng dưng. Mà ẩn sau những giễu nhại lẫn viễn tưởng đó, chính là hiện thực cùng dự báo về tương lai từ tác gia sống trong một giai đoạn lịch sử thế giới đầy những biến động, mang theo tầm nhìn đi trước thời đại. Tất thảy đã đưa sáng tác của Karel Čapek tiến rất gần đến chủ nghĩa hậu hiện đại với những vấn đề mang tính hiện sinh đặc biệt rõ nét.
Karel Čapek, nhà văn mang tầm nhìn đi trước thời đại
Là nhà văn người Séc vĩ đại nửa đầu thế kỉ XX sinh năm 1890 tại làng Malé Svatoňovice thuộc vùng núi xứ Bohemia, sau chuyển đến khu Úpice vùng Královéhradecký, Cộng hòa Séc (Cộng hòa Tiệp Khắc cũ), Karel Čapek là con út lớn lên trong một gia đình có ba anh chị em với cha làm bác sĩ tại địa phương và mẹ là một người sưu tầm văn học dân gian. Sự ngưỡng mộ người cha “một tấm gương điển hình… của thế hệ thức tỉnh tinh thần dân tộc” cùng quá trình trưởng thành bên những tác phẩm văn học dân gian địa phương mẹ ông thu thập và ghi chép có lẽ đã sớm hình thành, nuôi dưỡng, định hình con người Karel Čapek sau này. Một tác gia sáng tạo nên những tác phẩm mang đậm chất huyền thoại giả tưởng bên cạnh ý thức cực kì sâu sắc của nhà văn về chủ nghĩa dân tộc và bá quyền.
Thời niên thiếu Karel Čapek đã lưu lạc tới nhiều nơi, thậm chí ông từng bị đuổi học vì tham gia vào một câu lạc bộ sinh viên bất hợp pháp. Đến khi trưởng thành, ông không ngừng học hỏi trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh chuyên ngành triết học và thẩm mĩ học tại Đại học Charles ở thủ đô Praha, Karel Čapek còn dành thời gian trên giảng đường ở Đại học Friedrich Wilhelm, Berlin và Sorbonne, Paris. Và rồi Karel Čapek lấy được bằng tiến sĩ khi còn rất trẻ vào năm 1915, lúc đó ông mới 25 tuổi.
Đi nhiều, trải nghiệm nhiều, hiểu biết sâu rộng, say mê với nghệ thuật thị giác, tất cả đã đi vào sáng tác Karel Čapek qua nhiều phương thức biểu hiện khác nhau, đưa những tác phẩm của ông gần như vượt thoát khỏi khuôn khổ văn học nghệ thuật và mang tính liên ngành mạnh mẽ. Tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn,… của Karel Čapek có sự kết hợp của nhiều hình thức, thể tài tự sự, bên cạnh yếu tố văn chương, còn chứa đựng yếu tố khoa học, kĩ thuật, y học… Đối thoại trong văn xuôi nói chung và trong kịch Karel Čapek nói riêng mang đặc trưng của kịch phi lí đặc biệt rõ nét khi người ta đối thoại với nhau mà không tìm được tiếng nói chung, đối thoại mà như độc thoại, câu thoại ngắn và cực kì khúc chiết. Tất cả đều được khắc họa trong bối cảnh, thế giới giả tưởng với những sinh vật giả tưởng, máy móc giả tưởng, bệnh lí giả tưởng, sự kiện giả tưởng…
Tuy nhiên, từ những điều giả tưởng đó, cái nhìn triết luận, đa chiều, đa hình, đa dạng Karel Čapek hướng đến xã hội thực tại, lịch sử, biên sử loài người hiện lên trang viết đầy nhức nhối. Nơi ấy, chủ nghĩa bá quyền và dân tộc cực đoan lên ngôi; nơi ấy sản xuất dư thừa mà cung lại chẳng đủ cầu; nơi ấy tôn giáo như một thứ mị hoặc dối trá, không có thánh thần và cũng chẳng có sự cứu rỗi thần thánh nào tới những kiếp đời bé mọn; nơi ấy người ta chạy đua công nghệ, chạy đua vũ trang, phân biệt giống loài… Và Karel Čapek viết lên tất cả những điều đó, trên bối cảnh viễn tưởng cùng giọng văn giễu nhại sâu cay mà như thấm đẫm nước mắt của một con người sống trong thời đại lịch sử đầy biến động. Một con người đi qua Thế chiến thứ Nhất, chứng kiến Đại khủng hoảng kinh tế thế giới và sự hình thành, trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít, sống những năm cuối đời trong bệnh tật, chừng như con người ấy đã thấu hiệu mọi lẽ nhân sinh, có được cái nhìn hiện sinh cùng tầm nhìn tới tương lai sau này.
Karel Čapek mất vào năm ông mới 48 tuổi nhưng ông đã kịp để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ trải dài trên nhiều thể tài, thể loại và các tác phẩm đó, tới thời hiện đại vẫn còn nguyên giá trị. Bởi con người ta hôm nay vẫn đang đối diện với hàng loạt vấn đề Kare Capek đã đề cập từ gần một thế kỉ trước. Sự băng hoại đạo đức, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự cuồng tín tôn giáo,… và những cuộc xung đột vũ trang xảy đến như một điều tất yếu trong xã hội loài người còn lắm khuất khúc, mâu thuẫn này.
Viễn tưởng và giễu nhại
Như đã nói, viễn tưởng và giễu nhại là hai yếu tố quan trọng trong văn nghiệp đồ sộ văn hào Karel Čapek xây dựng lên. Từ vở kịch R.U.R thuộc thời kì sáng tác đầu của Karel Čapek đến vở kịch Bệnh trắng ra đời trong hoàn cảnh trước khi chính ông lâm bệnh nặng rồi qua đời vào năm 1938; từ tiểu thuyết Nhà máy chế tạo Siêu Nhiên đến tiểu thuyết Khi loài vật lên ngôi đánh dấu tên tuổi Karel Čapek rực rỡ trên văn đàn trong nước lẫn quốc tế tới những truyện ngắn trong tập Hoa cúc xanh; bằng sự hiểu biết, trường liên tưởng mãnh liệt trên nhiều lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, triết học, lí luận, lịch sử, báo chí, y học… Karel Čapek đã sáng tạo lên hàng loạt bối cảnh, không gian, thế giới siêu thực qua giọng văn giễu nhại tới ngỡ chừng dửng dưng, sắc lạnh.
Đó là thế giới nơi đã xảy đến cuộc chiến giữa con người với chính những robot họ tạo ra để rồi robot dần thay thế con người chiếm giữ cuộc sống này trong vở kịch 4 hồi R.U.R. Đó là thế giới nơi Siêu Nhiên, loại khí phụ phẩm sau quá trình phá hủy vật chất thành năng lượng diễn ra, xâm lấn, tác động tới nhận thức, ý thức, đức tin… con người và khiến thế giới rơi vào khủng hoảng, lạm phát, xung đột tôn giáo, lợi ích nhóm… trong câu chuyện về Nhà máy chế tạo Siêu Nhiên. Đó là thế giới nơi giống loài sa giông, một giống loài mới khi con người phát hiện, chúng vẫn còn trong thời kì “dã man” mà dần dà, chúng tiến tới xây dựng xã hội “văn minh” để rồi giống loài ấy quay ngược trở lại, tấn công xã hội loài người, tạo nên cục diện Khi loài vật lên ngôi. Hay đó là thế giới nơi căn Bệnh trắng hoành hành đã đặt nhân loại đứng trước bờ vực xung đột thế hệ, xung đột quân sự, xa hơn là sự diệt vong của cả xã hội. Và đó còn là những thế giới tựa lát cắt thu nhỏ trong từng truyện ngắn Karel Čapek viết lên. Những truyện ngắn gần gũi hơn với hiện thực song vẫn mang dáng dấp viễn tưởng với loài Hoa cúc xanh kì lạ, linh cảm của con người đặt trong tương quan trước cuộc sống đời thực, công việc hay mối quan hệ giữa người với người…
Trong những thế giới viễn tưởng đó, Karel Čapek dường như giễu nhại hết thảy. Sự suy đồi đạo đức, thói ích kỉ, hám lợi danh khiến người ta bàng quan trước đau thương của đồng loại cùng những hiểm họa đe dọa trực tiếp tới đời sống con người. Ông giễu nhại cuộc đời với đầy những mâu thuẫn, ông đẩy sự cực đoan chủ nghĩa trong đời sống con người tới cực hạn. Cực đoan trong tôn giáo, cực đoan trong ý thức dân tộc, cực đoan trong nhận thức về “cái tôi” loài người đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn bên cạnh những loài sinh vật khác hay con người với chính đồng loại. Tiếng cười bật thốt lên từ những thế giới đứng trên bờ vực rạn nứt, đổ vỡ của mọi niềm tin, tín ngưỡng, ý thức thật đắng cay, chua chát. Và tiếng cười đắng đót bật thốt lên khi người ta nhận ra bản thân nhỏ bé biết bao trong cuộc đời này và con người, chẳng phải là sinh vật không thể thay thế giữa thiên nhiên, thế giới rộng lớn xoay vần.
Những thế giới viễn tưởng được tạo lập từ giọng văn giễu nhại song lại vô cùng nghiêm túc, nối kết từ hàng loạt hình thức tự sự trong cùng một văn bản với hệ thống kiến thức, lĩnh vực liên ngành. Tất cả đưa sáng tác của Karel Čapek dù mang đậm tính sáng tạo huyền thoại đến đâu vẫn luôn gắn bó cùng căn cốt hiện thực, hướng về hiện thực theo ánh nhìn xa thẳm tới tương lai.
Hiện thực và tương lai
Trước hết, cần phải khẳng định rằng Karel Čapek là tác gia luôn ý thức, tâm niệm về việc hướng ngòi bút gắn trọn cùng hiện thực đời sống: “[…] văn chương nếu không quan tâm đến thực tại và những gì thực sự xảy ra trên thế giới, nếu không có những phản ứng mạnh mẽ mà chỉ là ngôn từ sáo rỗng, thì đó không phải văn chương của tôi.” Với riêng tiểu thuyết Khi loài vật lên ngôi, và có lẽ cả những sáng tác khác của ông, thì đó đều “không phải là viễn tưởng, mà là hiện thực”, “là tấm gương phản chiếu cái đang tồn tại và chúng ta đang sống chung với nó.” Nhất là khi Karel Čapek đã sống trong một thời đại với muôn vàn những biến động, thăng trầm.
Bởi thế từ hiện thực cuộc Thế chiến thứ Nhất Karel Čapek trực tiếp đi qua, từ hiện thực nền công nghiệp thế giới phát triển mạnh mẽ sau Thế chiến mang đến sự phát triển kinh tế thần tốc, từ hiện thực “thánh thần” được giải thiêng; ông đã dự báo trước tương lai của cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới khi máy móc lên ngôi thay thế dần sức lao động con người, sản xuất dư thừa, chủ nghĩa phát xít lên ngôi, chạy đua vũ trang, xung đột xảy đến và đỉnh điểm là Thế chiến thứ Hai nổ ra, vũ khí nguyên tử xuất hiện,… Đó là tương lai trong R.U.R, Nhà máy chế tạo Siêu Nhiên, Khi loài vật lên ngôi, Bệnh trắng…, là tương lai của năm Karel Čapek viết lên những tác phẩm đó. Song lại là hiện thực sau đấy không lâu, và cũng là hiện tại con người vẫn đang đối mặt.
Khi mà tới thực tại hôm nay, người ta vẫn phải đối diện với dịch bệnh thường trực; khoa học công nghệ ngày càng phát triển buộc con người không thể né tránh rằng, bên cạnh vấn đề sản xuất dư thừa còn là vấn đề nhân cách, đạo đức, sự đổ vỡ niềm tin, ý thức hệ; đặc biệt, xung đột vẫn luôn diễn ra không ngừng. Xung đột trong nội tâm mỗi cá nhân, xung đột giữa yếu tố cá nhân và tập thể, giữa thiểu số với đa số, xung đột tôn giáo, xung đột dân tộc… Thế giới chưa ngơi tiếng bom rơi, đạn lạc, “hòa bình” ở nhiều nơi vẫn là hai tiếng xa vời mà sự “yên bình” trong nội tâm con người giữa cuộc sống cuộn xoáy, cũng thật mong manh.
Hiện thực có phần bi đát và lòng người như mang theo nỗi bi quan chủ nghĩa, hoài nghi hết thảy. Hoài nghi bản thân, và hoài nghi cả thế giới.
“Mỗi người đều tin vào Đức Chúa tuyệt vời của mình, nhưng không tin vào một người khác mà người này cũng chỉ tin vào Thượng đế tuyệt vời của anh ta, nhưng không tin người khác, không tin rằng người khác cũng tin vào cái gì đấy tốt đẹp.”
Vậy, liều thuốc nào cứu rỗi cho những con người mong manh, yếu đuối, hoài nghi giữa hiện thực nghiệt ngã này đây? Có lẽ, chỉ có “tình thương” và “niềm tin”, hi vọng về tương lai sẽ trở thành hiện thực mai sau mà thôi. Như cách, bác sĩ Galén trong vở kịch Bệnh trắng đã kiên định với niềm tin có phần ngây thơ của ông về con người cùng một nền “hòa bình” cho đến tận lúc ông từ giã cõi đời. Và như cách Alquist đã khép lại vở kịch R.U.R bằng tiếng nói đầy hân hoan: “Thiên nhiên ơi, Thiên nhiên ơi, sự sống không chết. Sự sống lại bắt đầu từ tình yêu, bắt đầu từ cái nhỏ bé và trần truồng, sẽ bắt rễ từ trong hoang sơ; […] Nhà cửa và máy móc sẽ đổ vỡ, các hệ thống sẽ tan vỡ, và nhất là những tên tuổi vĩ đại sẽ rơi rụng như lá cây; chỉ có mi, tình yêu ơi, mi sẽ nở hoa trên đống đổ nát, và sẽ tặng cho gió hạt giống của sự sống.”
Mọt Mọt
*Đọc thêm: Khi loài vật lên ngôi – “Đây không phải là viễn tưởng, mà là hiện thực”