Hồ sơ số 113 không đơn giản chỉ là câu chuyện về một vụ trộm tiền bình thường, mà đằng sau đó còn là sự nuối tiếc về một câu chuyện tình buồn, một bi kịch của quá khứ gần 30 năm suýt nữa đã không bao giờ được hé lộ.
Một ngân hàng lớn bị mất trộm. Kẻ nắm giữ chìa khoá chỉ có viên thủ quỹ và người thứ hai là ông chủ nhà băng. Muốn trộm được két sắt, ngoài chìa khoá thì còn cần đến mật mã. Vậy có tồn tại siêu trộm hay chỉ là trò diễn kịch của một trong hai người này? Họ buộc tội lẫn nhau. Cảnh sát không tìm ra bằng chứng kết tội, và thế là vụ án đi vào bế tắc. Hồ sơ số 113 đã bắt đầu như thế.
Anh chàng thủ quỹ mặc dù được trả tự do, nhưng vẫn thuộc diện bị tình nghi và nếu vụ án không phá được, cuộc đời anh có thể sẽ bị dính một vết bẩn không thể lu mờ, một nỗi oan trái không thể rửa trôi, nếu như không có vị thám tử ấy xuất hiện. Ông ta chính là Lacoq, cải trang liên tục và xuất hiện nhiều ở hình ảnh ông thủ trưởng Verduret nghiêm nghị, ra tay giúp đỡ và đảm bảo với anh chàng kia rằng “anh sẽ được minh oan”.
Và cuối cùng ông ấy đã tìm ra chân tướng, bằng cách ngược dòng thời gian
“Giá như cách đây hơn 20 năm Gaston de Clameran không vào quán giải khát đâm chết người và bỏ trốn, thì người ta đã không trộm két của nhà băng để buộc tội cho anh cách đây ba tuần đâu”
Trước đó gần 25 năm, tại một vùng xa xôi hẻo hánh, có một chuyện tình đẹp đã diễn ra giữa cặp đôi trai tài, gái sắc của hai gia tộc thù địch được ngăn cách bởi một con sông. Đáng tiếc là mối tình đó không được trọn vẹn, chàng trai phải bỏ trốn rời xa quê hương, cô gái đã kết hôn với một người giàu có khác tại Paris, và nay là ông chủ của nhà băng nọ.
Khi đã tìm hiểu được ngọn nguồn của tội ác, thám tử Lecoq nhanh chóng xác định & buộc tội được kẻ tình nghi. Câu chuyện kết thúc và không có gì quá bất ngờ với người đọc, tuy nhiên lời văn của tác giả Emile vẫn khiến độc giả bị cuốn hút và khi gập cuốn sách lại, không có gì lạ khi những fan trinh thám sẽ kết luận đây là một cuốn sách rất đáng đọc trong dòng văn học trinh thám cổ điển thuần suy luận.
Những ai đã đọc series về thám tử Sherlock Holmes sẽ cảm thấy giọng văn trinh thám của nhà văn Emile Gaboriau này vô cùng quen thuộc và gần gũi. Thực tế thì Hồ sơ số 113 ra đời trước và là nguồn cảm hứng để nhà văn Conan Doyle viết nên câu chuyện Cuộc điều tra màu đỏ vốn có nhiều nét tương đồng. Điểm khác ở đây là series Sherlock Holmes toàn là những cuộc báo thù đẫm máu, còn Hồ sơ số 113 chỉ đơn giản là một vụ trộm & không có án mạng nào. Cái kết có hậu vẫn là một điểm cộng của cuốn sách trinh thám này, dù những người trong cuộc, tiêu biểu như phu nhân của ông chủ nhà băng, đã phải nhận một nỗi đau khổ không đáng có, nếu bà lý trí và thông minh hơn.
Hồ sơ số 113 hay là câu chuyện về cuộc đời và số phận của một chuyện tình buồn?
Bị gia đình ngăn cấm, hai con người của 2 gia tộc thù địch vẫn lén lút qua lại với nhau, và sau sự cố chàng trai bỏ trốn không thành (nhảy sông chết), cô gái tuyệt vọng. Thực tế cô gái không biết anh vẫn còn sống & vì danh dự của gia tộc, cô đã phải lén lút sinh ra đứa con của mình với chàng kia và bỏ nó cho một gia đình nông dân nọ. Để rồi hơn 20 năm sau, chính tình cảm yếu đuối của lý trí đã khiến cho cô gái ấy bị mù quáng, và bị lợi dụng một cách không thương tiếc.
Chàng trai còn bi kịch hơn, nhảy sông chưa chết & bỏ ra nước ngoài kiếm sống, khi trở về đã giàu có, tài sản triệu đồng, nhưng rồi lại chết trong khi chưa kịp gặp lại người con gái của đời mình. Đau đớn hơn, anh ta còn bị chính người em ruột, vốn ăn chơi trác táng bán hết của cải dòng họ giàu có, nay lại đầu độc anh để hưởng thụ số tài sản kếch sù mà cả đời anh kiếm được. Đến tận khi nhắm mắt lìa đời, anh vẫn không được hưởng một trái ngọt nào
“Cuộc đời đáng tiếc nhất là, khi bản thân chưa có năng lực, lại gặp được người muốn chăm sóc cả đời“. Sau này khi đã giàu có và trở về, anh vẫn không thể nào quên nổi mối tình năm ấy.
Ông chủ nhà băng, chàng trai đến sau & cưới cô gái kia lại là một bi kịch khác. Tình yêu trọn vẹn của ông bà suốt hơn 20 năm, những đứa con ngoan, gia đình học thức. Hôn nhân của họ thật mĩ mãn nếu như một ngày ông không phát hiện ra câu chuyện quá khứ của người vợ. Nếu như Lecoq không đến kịp và ngăn cản cuộc đấu súng, rất có thể gia đình hạnh phúc ấy sẽ mãi chìm vào khổ đau & tuyệt vọng. Phải bản lĩnh lắm, sau tất cả, ông ấy mới dám ôm bà vợ vào lòng. Tha thứ tất cả, liệu có mấy người làm được như thế.
Với trường hợp tình yêu hy sinh của anh chàng thủ quỹ và cô gái tiểu thư hiện tại, đó lại là một mối tình có cái kết đẹp. Sau tất cả cuối cùng họ cũng đến được với nhau, thế nhưng liệu trên thế gian này, có bao nhiêu người có được may mắn như cặp đôi đó? Hay lại bị đồng tiền và cái ác thao túng, khuất phục, để rồi khi tuổi trẻ qua đi, họ lại nhìn lại với một ánh nhìn đầy tiếc nuối?
Chất trinh thám, tội ác và sự không công bằng của tác giả
Hầu hết những câu chuyện gắn mác tiểu thuyết trinh thám mà không được nhiều độc giả biết đến, đa phần là những câu chuyện giả mạo, ăn theo cái mác trinh thám. Với Hồ sơ số 113, ngoài chất trinh thám cổ điển khá đậm nét và cuốn hút, cũng như truyền tải thông điệp nuối tiếc về tình yêu, tác giả còn phác hoạ lên hình ảnh một cái ác chưa hoàn thiện.
Những kẻ thủ ác trong sách đều có một cái kết không có hậu, nhưng khá khiên cưỡng. Sau khi đã gieo rắc nỗi đau đớn vào 2 người phụ nữ của gia tộc nhà băng, sát hại anh ruột mình để cướp đoạt tài sản, một kẻ táng tận lương tâm như vậy chỉ bị đi tù vì điên loạn liệu có đủ công bằng??? Hắn ta có thực sự bị điên, hay chỉ là đòn giả vờ sau khi bị phát hiện tội ác?
Còn kẻ đã nhẫn tâm làm cho một gia đình suýt chút nữa phải tan nát, lợi dụng một người mẹ mất con để trục lợi, cuối cùng lại cao chạy xa bay thành công?!
Có thể đây là điểm trừ đáng tiếc nhưng chấp nhận được của một cuốn sách đã xuất bản từ năm 1865!
Hồ sơ số 113 – Reviewsach.net
Monsieur Lecoq – một thám tử hư cấu xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của Emile Gabouriau thế kỉ 19. Lecoq có tài phá án siêu nhanh, khả năng suy luận logic cực nhạy bén, óc quan sát tinh tường cùng tính trực quan và biệt tài phân tích tâm lý tội phạm.
Chính hình ảnh thám tử Lecoq tài ba, dí dỏm này của Emile Gaboriau đã trở thành nguồn cảm hứng để Conan Doyle xây dựng nhân vật huyến thoại Sherlock Holmes. Và cũng vì thế mà tác giả Emile Gaboriau được coi là cha đẻ của trinh thám pháp.
Emile Gaboriau (1832 -1873) là nhà văn nổi tiếng người Pháp, chuyên viết truyện trinh thám. Sau khi xuất bản tác phẩm đầu tiên L’Affaire Lerouge vào năm 1865, ông tiếp tục ghi dấu ấn của mình với Le Dossier N 113 (Hồ sơ số 113) và Le Crime d’Orcival (Tội ác ở Orcival) vào năm 1867. Bằng việc xây dựng thành công hình tượng nhân vật thám tử Lecoq tài ba, mưu trí, hai cuốn tiểu thuyết này đã đưa Emile Gaboriau lên hàng nhà văn kiệt xuất trong nền văn học trinh thám thế giới.
Hồ sơ số 113 là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Các nhà phê bình văn học nổi tiếng đều đánh giá cao về tác phẩm này.