Xin chào. Ai đó có thể nói cho tôi biết tiền là gì không ?
Tiền là nguồn gốc của tội lỗi. Những nhà truyền giáo thường nói như vậy.
Tiền là yêu cầu và động lực của chiến tranh. Người ta thấy như vậy qua sử sách.
Tiền là trói buộc, là ngăn cản, là khoảng cách tầng lớp giữa một người lao động loại này và một người lao động loại khác.
Tiền, dù không phải là hạnh phúc, nhưng lại là thành phần thiết yếu cấu thành hạnh phúc.
Nhưng dù bẩn thỉu hay lấp lánh, chính nghĩa hay phi nhân đạo, thì kể từ khoảnh khắc được sinh ra, đồng tiền cũng chưa bao giờ đánh mất vị thế thống trị của mình. Vậy ai đã trao quyền lực cho đồng tiền và bản chất quyền lực ấy là gì ? Câu trả lời sẽ có ở cuốn “Đồng tiền lên ngôi” nằm trong tay bạn.
Buổi bình minh của đồng tiền
Tác giả bắt đầu bằng việc khẳng định tầm quan trọng của đồng tiền với xã hội. Xét về mặt cấu trúc logic, đây là một “nước đi” rất tinh tế; một sự vật hay sự việc cần phải chứng minh được tầm quan trọng của mình để thu hút sự chú ý của con người rồi mới có động lực để tiến tới bàn luận. Một cách mở đầu hoàn hảo cho việc thu hút sự hứng thú và tinh thần tập trung tối đa của người đọc.
Vậy hãy xem Niall Ferguson nói gì về tiền. Về giá trị cũng như định nghĩa của “đồng tiền”.
Đây hẳn được tính là một chương văn kinh tế học khá dễ chịu đối với những độc giả kém chuyên môn. Bằng cách lật lại quá trình tồn vong của nhiều đế chế, quốc gia, lãnh thổ khác nhau, Ferguson đã đem đến những kiến thức cơ bản nhất về hành trình hình thành của đồng tiền dựa theo dòng chảy của lịch sử phát triển xã hội loài người. Đằng sau sự khai sinh, phát triển rồi suy tàn của chúng đều có mặt, dù là trực tiếp hay lẩn khuất, bóng dáng của “đồng tiền”. Một câu hỏi được đặt ra là điều gì đã dẫn đến sự suy tàn của những vùng đất ấy ? Là đồng tiền ư ?
Không. Đó là sai lầm mà giới lãnh đạo của họ mắc phải khi đối diện với tiền – sai lầm trong cách định nghĩa đồng tiền. Hãy nhìn lại thời kì khi mà con người bắt đầu sự dụng kim loại như vàng, bạc, đồng để định danh tiền tệ. Vì một vài lí do khá tình cờ của lịch sử mà trong một thời gian rất lâu, tâm trí của người phương Tây đã nghĩ rằng: tiền tệ đồng nghĩa với kim loại. Định nghĩa đó đã dẫn đến rất nhiều cuộc khai thác kim loại với quy mô và số lượng ngày một lớn để chế tác càng nhiều tiền càng tốt. Nhưng con người đã quên mất một quy tắc căn bản, các kim loại thường dùng để chế tác thành tiền chỉ có giá trị như họ đang thấy khi chúng ở một số lượng đủ hiếm nhất định trong xã hội bấy giờ. Có nghĩa là càng nhiều kim loại có mặt trên thị trường thì giá trị của chúng càng tụt giảm, từ đó hình thành nên những cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên trên thế giới do tiền tệ sụt giá.
Như vậy, các quốc gia cần một định nghĩa mới, chính xác hơn cho tiền tệ. Vậy Niall Ferguson đã nói gì về điều này ?
Những thứ đại diện cho tiền tệ: đồng xu, tờ bạc, tờ séc, thậm chí là tiền ảo không tự chứa giá trị trong bản thân chúng. Những vật đại diện đó chỉ có tác dụng như một lời hứa chi trả. Giá trị của những đồng tiền được duy trì nhờ niềm tin của người cầm tiền dành cho người phát hành tiền hay tổ chức sẽ chấp nhận tờ séc hoặc các khoản chuyển khoản của người chi trả. Bạn có thể nhận ra điều này qua một ví dụ rất gần gũi và thực tế: ở mặt sau của đồng 10 đô la có dòng chữ “Chúng ta tin vào Thượng đế”, nhưng người mà bạn thực sự tin khi nhận một tờ tiền như vậy là người kế tục công việc của người đàn ông ở mặt trước của tờ bạc (Alexander Hamiltin, Bộ trưởng Ngân khố đầu tiền của Hoa Kỳ).
Sự xuất hiện và phổ biến của đồng tiền đã làm xuất hiện mối quan hệ mới: chủ nợ và con nợ. Các mâu thuẫn trong việc cho vay ngày một trở nên dữ dội, từ nỗi khốn khổ của kẻ đi vay bởi mức lãi suất ngất ngưởng đến nỗi lo của các chủ nợ khi loay hoay trong việc thu hồi các khoản nợ khó đòi. Rắc rối ấy mưu cầu một kẻ chủ trì đứng ra để giải quyết, đó chính là cơ sở cho sự ra đời của “ngân hàng”.
Không khó để nhận ra rằng sự phát triển của các ngân hàng cũng thăng trầm không kém tiền tệ là bao, dẫu bản thân nó là một tổ chức với các nguyên tắc quản lí khá phức tạp và tỉ mỉ. Tiền tệ và ngân hàng vẫn là chưa đủ để dựng lên một nền kinh tế hoàn chỉnh, do đó mà xuất hiện nhân tố khác, đảm nhận những nhiệm vụ còn thiếu người gánh vác, đó là trái phiếu và cổ phiếu.
Đồng tiền và những cuộc chao đảo thế giới
Khác với Chương 1, những dòng tiếp sau mà bạn sắp đọc sẽ khó nắm bắt hơn rất nhiều với sự có mặt đáng kể của con số và các phép tính toán trong vai trò ví dụ. Độc giả được tiến gần hơn đến những khái niệm giàu tính chuyên môn cao như: trái phiếu, cổ phiếu, đầu cơ, niềm hưng phấn thiếu lý trí,… Những khái niệm mới lạ và phức tạp ấy vừa kích thích lên sự hiếu thắng hăm hở trong tâm trí người đi tìm kiến thức, nhưng cũng khiến nhiều người đau đầu hại não tới muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, lối hành văn với cách chia nhỏ vấn đề, áp dụng cấu trúc đặt câu hỏi – tìm câu trả lời theo từng bước tuần tự của tác giả là một điểm cộng tuyệt vời, giúp làm giãn mạch văn, giảm lượng thông tin xuất hiện cùng lúc, nhờ đó giảm áp lực tiếp nhận đối với độc giả.
Cách lấy ví dụ và diễn giải đầy hài hước quen thuộc của Ferguson lại một lần nữa xua tan đi sự khô cứng của những khái niệm kinh tế học kinh điển mà rối rắm. Bằng cách nói nửa đùa nửa thật, ông đã khéo léo nhận định: chiến tranh là cha đẻ của thị trường trái phiếu. Nghe chẳng ăn nhập gì đúng không ? Vậy hãy thử nói theo cách khác là: “Chiến tranh chỉ có thể xảy ra nếu bạn huy động được tiền để thanh toán cho nó.” Các cuộc chiến tranh đòi hỏi một nguồn tiền để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu lên tới mức khổng lồ, và tới mức chính phủ không thể tự chi trả. Vậy họ có thể vay mượn số tiền đó từ ai ? Câu trả lời là từ người dân của chính quốc gia ấy. Ở Florence vào đầu thế kỉ 14, các công dân có nghĩa vụ phải cho thành phố mình vay một số tiền gọi là prestanze (khoản cho vay bắt buộc), đổi lại họ nhận được tiền lãi, nhưng để tránh các giáo điều (việc cho vay lấy lãi lúc bấy giờ bị Giáo hội ngăn cấm), tiền lãi đã được coi như là tiền đền bù. Có thể nói, đây là hình dạng đầu tiên của thị trường trái phiếu. Nhưng số phận của nó cũng không được mấy lần yên vui, khi phải chứng kiến sự đổ bộ liên tục của nhiều lần “siêu lạm phát”.
Nhắc đến trái phiếu, không thể quên nhắc đến đứa em trẻ tuổi và cũng năng động hơn của nó, thị trường cổ phiếu. Thị trường cổ phiếu mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với trái phiếu. Tuy vậy so với trái phiếu, nó bùng nổ mãnh liệt hơn nhưng lại dễ rơi vào các cuộc suy thoái “nhiệt tình” đến vượt cả người anh em. Cho dù thế, thị trường này chưa bao giờ có ý định lụi tàn, thậm chí ngày một phổ biến đến nhiều bộ phận công chúng trên thế giới. Để trả lời cho nghịch lí thực tế đó, Ferguson lại lần nữa dẫn độc giả đi qua những trang lịch sử đầy xáo động của một nền kinh tế hàng đầu thế giới – nước Pháp.
Nhưng cho dù tiền tệ có ở hình dạng nào, đồng xu, tờ giấy, trái phiếu, cổ phiếu,… thì hứa hẹn lợi nhuận mà nó mang lại và cả mối nguy hỗn loạn tiềm ẩn vẫn làm chao đảo cả xã hội loài người. Đồng tiền đã ảnh hưởng lên mọi mặt của đời sống con người, dưới nhiều hình dạng khác nhau, từ vô hình đến hữu hình. Đó chính là cách mà đồng tiền lên ngôi.
Trước những biến động thất thường của nền kinh tế dễ thấy qua các ví dụ được nêu ra, và thậm chí là tình hình khủng hoảng nghiêm trọng ngay trong năm 2008 – thời điểm viết sách, Ferguson vẫn bày tỏ niềm tin lạc quan của bản thân với kinh tế, và với đồng tiền. Bởi theo ông dẫu đã có những cuộc thoái lui, suy giảm, diệt vong lớn, nhưng con người hay nền kinh tế của con người chưa bao giờ bị đẩy lùi hoàn toàn. Mặc dù lịch sử tài chính đi theo một đường răng cưa, nhưng hướng của nó, không nghi ngờ gì, là đi lên.
Thông qua cuốn sách, tác giả đã đem đến những định nghĩa, phân tích đáng giá cùng sự thấu hiểu bản chất về một đề tài khá kén độc giả. Ferguson đã thổi một làn gió hài hước mà nghiêm túc vào những tư duy, định kiến đầy cảm tính của con người với đồng tiền và các hoạt động kinh tế dựa trên đồng tiền.
Với những ví dụ thực tế và lập luận sắc bén, tác giả đã thành công buộc người đọc tin rằng: thị trường tài chính là chiếc gương của nhân loại, hé lộ từng ngày làm việc, cách mà chúng ta định giá bản thân và những tài nguyên quanh ta. Do đó mà dù tài chính vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro lên tới khổng lồ, hay những cuộc khủng hoảng hỗn loạn không thể đoán trước, con người vẫn có lí do để không ngừng tiến lên trên con đường ấy. Và, như chúng ta đều biết, không phải lỗi của gương nếu nó phản chiếu cả những vết thâm cũng rõ như phản chiếu vẻ đẹp của chúng ta.